Tại dải Gaza niềm vui Giáng Sinh mạnh mẽ hơn những bức tường ngăn cách và sự cấm đoán

ISRAELE_-_PALESTINA_-_Gaza_e_parroco

Gaza (Asia News) – Đối mặt với hàng ngàn yêu cầu của các Kitô hữu tại Dải Gaza, “hôm 22/12, những tin tức về việc phát hành 55 thị thực” đã xuất hiện, xác nhận việc Israel rút một phần lệnh cấm việc đến thăm một số địa điểm tại Thánh địa, bao gồm Giêrusalem và Bethlehem.

Linh mục Gabriel Romanelli, Cha sở tại dải Gaza, một linh mục người Argentina thuộc Dòng Ngôi Lời, đã khẳng định thông báo được đưa ra hôm 22/12 bởi chính quyền Israel về việc nới lỏng những hạn chế. “Tối nay 23/12 – linh mục Gabriel tiếp tục – các nhà chức trách cho biết rằng họ sẽ nới lỏng hơn nữa, không phân biệt tuổi tác hay giới tính”.

Vẫn còn sự không chắc chắn về số lượng cuối cùng của những thị thực sẽ được cấp và những sự ủy quyền mới có liên quan đến “vấn đề an ninh”, nhưng hy vọng là “sẽ có thêm nhiều thị thực được cấp. Cho đến nay, một số người cao niên, ba người vị thành niên từ một gia đình và một số người lớn đã được cấp thị thực. Hãy xem điều gì sẽ xảy ra trong vài giờ tới”.

Tình cảnh của các Kitô hữu tại Dải Gaza, linh mục Gabriel mục nói, là “một trạng thái của chủ nghĩa siêu hiện thực: một ngàn người, 117 người trong số đó là người Công giáo, so với tổng dân số 2,3 triệu người”. Một thực tế mà trong đó “không có khả năng của việc tự do di chuyển, của cuộc chiến tranh lâu năm, nơi cũng không có điện đóm. Tuy nhiên, mặc dù có những khó khăn nhưng họ vẫn tiếp tục tồn tại” như đã được khẳng định bởi chính vị Giám Quản Tông Tòa trong bối cảnh của chuyến viếng thăm gần đây.

“Tại thời điểm này – linh mục Gabriel nói – mọi người có thể nghe thấy tiếng nô đùa náo nhiệt trong mùa lễ hội của các em học sinh đã hoàn thành các kỳ thi và vui chơi trong khu vực sân của Giáo xứ”. Tại Dải Gaza có ba trường Công giáo với 2300 học sinh, phần lớn là người Hồi giáo cũng như các anh chị em giáo viên; chỉ có 200 Kitô hữu. “Những người Hồi giáo – linh mục Gabriel tiếp tục – cũng thích được giáo dục trong các trường học Công giáo, mà trong đó có một mối quan hệ hết sức tốt đẹp”.

Các trường học này được bao quanh bởi các cơ sở khám bệnh của tổ chức Caritas, cộng đoàn của các Nữ tu và các trung tâm khác dành riêng cho công tác từ thiện bác ái. “Các trường học – linh mục Gabriel nói – là một thực tế hết sức sống động, mà trong đó chúng tôi không nói về vấn đề chính trị nhưng chúng tôi tôn trọng bản sắc tôn giáo của mọi người bằng cách đặt các giá trị và quyền con người thực sự ở trung tâm, trong một môi trường thanh bình” bất chấp tình hình bên ngoài.

Dải Gaza đã liên tục bị coi như là nhà tù ngoài trời lớn nhất thế giới: hai triệu người phải sống dưới ngưỡng sống sót, tình trạng thất nghiệp ở mức 60%, tình trạng nghèo đói ở mức 80%. Và điều tương tự cũng được áp dụng đối với các gia đình Kitô giáo, khoảng 300 hộ trên khắp Dải Gaza, 34% trong số họ không có nguồn thu nhập.

Về chuyến viếng thăm của Đức TGM Pizzaballa, “chúng tôi đã chuẩn bị một bữa tiệc” cùng với “việc quyên góp quần áo với sự tham gia của các bạn trẻ hướng đạo sinh Công giáo và Chính thống, sau đó phân phát số quần áo này trong các khu dân cư nghèo. Chúng tôi cũng đã đến thăm những người đau yếu bệnh tật, và đã cử hành Thánh lễ long trọng để ban các phép Bí tích cho 12 em Xưng tội Rước Lễ lần đầu và 4 người lành nhận Bí tích Thêm Sức, một con số cao nếu so với tổng số người Công giáo. Ở đây tất cả những người mới được sinh ra đều được rửa tội, đức tin có một giá trị sâu sắc và bản sắc của họ không giống như những nơi khác. Tôi chỉ cần nghĩ về Buenos Aires, thành phố của tôi, nơi mà số người chưa được rửa tội là rất lớn”.

Trong một bối cảnh hết sức khó khăn, vị linh mục nhấn mạnh, “lý do cho niềm hy vọng xuất phát từ Thiên Chúa: ở đây không có ngọn núi nào để nhìn lên, nhưng thực sự mọi ánh mắt đều hướng về thiên đàng, mà từ đó mọi sự trợ giúp được đưa ra như lời Thánh Vịnh đã nói”. Sự giúp đỡ và an ủi, không xuất phát từ biển khơi, chúng không xuất phát từ các bức tường, sự cứu rỗi không xuất phát từ các đường hầm. Tôi cố gắng giúp đỡ họ hướng nhìn lên trời cao, không phải là để tìm một lối thoát mà bằng cách đi theo đường hướng của Chúa Tể của lịch sử. Chúng tôi đề xuất việc chầu Thánh Thể mỗi ngày, và vào tháng trước, chúng tôi cũng đã cùng nhau lần chuỗi Mân côi trong suốt 40 giờ để cầu nguyện cho hòa bình và công lý”.

Kế đến, có các dự án chẳng hạn như việc học hỏi tiếng Anh hoặc công nghệ thông tin, “không suy nghĩ quá nhiều về tương lai, nhưng tận dụng tối đa hiện tại bằng cách tập trung vào việc giáo dục tinh thần và giáo dục con người” để chống lại những tệ nạn đặc hữu, chẳng hạn như “tình trạng thất nghiệp chủ yếu đạt tới 70% ở giới trẻ. Một khu vực mà trong đó sự suy giảm dân số diễn ra mạnh mẽ, chỉ trong năm ngoái, có tới 25.000 người Hồi giáo chạy trốn khỏi khu vực”.

Để kết luận, linh mục Gabriel muốn đưa ra ba lời đề nghị với Giáo hội hoàn vũ và tất cả mọi tín hữu Công giáo trên khắp thế giới: “Đầu tiên đó chính là cầu nguyện cho chúng tôi, đặc biệt là lần chuỗi Mân côi cầu nguyện cho hòa bình và công lý; thứ hai, đó là kêu gọi sự chú ý đối với tình hình của chúng tôi và tiếp tục nói về điều này một cách rõ ràng, công bằng và quân bình, vì lợi ích của tất cả mọi người. Như Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói, hòa bình tại Trung Đông và trên thế giới đi ngang qua đây, từ Giêrusalem, từ Thánh địa; và cuối cùng, đó là giúp đỡ chúng tôi từ quan điểm vật chất bằng cách tạo ra các cơ hội việc làm và chống lại cuộc di cư: đừng quên rằng Gaza cũng phải hứng chịu lệnh cấm vận kinh tế, cũng như chính trị và quân sự”.

Minh Tuệ (theo Asia News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết