Cha Gianni Criveller, nhà truyền giáo và nhà Hán học của PIME, đã bình luận về những lời Đức Thánh Cha nói hôm 3 tháng 9 với người dân Trung Quốc từ Mông Cổ, với Đức Hồng y Tong và Đức Hồng y tân cử Chow. “Không có mâu thuẫn giữa việc trở thành những Kitô hữu tốt và những công dân tốt khi có tự do. Giờ đây, việc Bắc Kinh phải thực hiện các bước đi cụ thể về các vấn đề như hình thức đối thoại lâu dài mà Parolin thúc giục tùy thuộc vào việc Bắc Kinh sẽ thực hiện những bước đi cụ thể nào hay sứ mệnh hòa bình của Đức Hồng y Zuppi”.
Đối với những người yêu mến Trung Quốc và Giáo hội ở đây, thật cảm động khi thấy Đức Thánh Cha Phanxicô gọi Đức nguyên Giám mục Địa phận Hồng Kông,Đức Hồng Y John Tong, và Đức Hồng Y tân cử Stephen Chow, tiến đến với ngài vào cuối Thánh lễ. Qua họ, Đức Thánh Cha đã gửi “lời chào nồng nhiệt đến người dân Trung Quốc cao quý. Tôi cầu chúc những điều tốt đẹp nhất tới tất cả mọi người và hãy luôn tiến về phía trước”.
Khoảng 200 tín hữu Công giáo Trung Quốc tại Mông Cổ, đến từ Hồng Kông, Đài Loan và Macao, và một số từ Trung Quốc đại lục, bất chấp những khó khăn liên quan và việc các Giám mục Trung Quốc không thể đến gặp Đức Thánh Cha Phanxicô.
Đức Thánh Cha cho biết thêm: “Tôi mời gọi các tín hữu Công giáo Trung Quốc hãy trở thành những Kitô hữu tốt và những công dân tốt. Tất cả mọi người”. Những lời này của Đức Thánh Cha Phanxicô là một lời nhắc nhở rõ ràng về chính sách của chính phủ đòi hỏi người Công giáo phải “yêu quê hương đất nước và yêu tôn giáo của mình”. Đức Thánh Cha đã đảo ngược trật tự, tôi không biết có chủ ý hay không: đầu tiên là những Kitô hữu tốt và sau đó những công dân tốt. Đương nhiên là hai điều này đi đôi với nhau: khi sống trong tự do, chúng không bao giờ đối lập nhau”.
Theo thông lệ, Đức Thánh Cha đã chào Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi ngài bay qua không phận Trung Quốc. Những lời của Đức Thánh Cha gợi lên những lời chúc phúc cho sự thịnh vượng, hiệp nhất và hòa bình. Câu trả lời đến từ người phát ngôn Bộ Ngoại giao. Trung Quốc “sẵn sàng tiếp tục hợp tác với Vatican để tham gia vào cuộc đối thoại mang tính xây dựng, nâng cao sự hiểu biết, tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau để cải thiện quan hệ giữa hai quốc gia”.
Đây là những lời quan trọng nhưng với điều kiện phải kèm theo những bước cụ thể. Đức Hồng y Pietro Parolin gần đây đã kêu gọi một hình thức đối thoại lâu dài có trụ sở tại Bắc Kinh; Đức Giám mục Li Shan Địa phận Bắc Kinh đã kêu gọi quan hệ ngoại giao; Đức Hồng y Matteo Maria Zuppi đang thăm dò chuyến đi tới Bắc Kinh như một phần trong hành động của ngài vì hòa bình tại Ukraine, thay mặt cho chính Đức Thánh Cha Phanxicô. Vì vậy, không thiếu cơ hội để chính phủ thực hiện những gì đã tuyên bố.
Tôi đã viết rằng thật cảm động khi chứng kiến vị Giáo hoàng cao niên của chúng ta đã quảng đại dấn thân đến tận Mông Cổ, đồng thời phát đi những tín hiệu hòa bình và đối thoại với chính quyền Trung Quốc từ đó. Ngay cả khi các câu trả lời cụ thể cho đến nay vẫn chưa được khích lệ, Đức Thánh Cha Phanxicô vẫn tin vào đối thoại, ngài tin vào điều đó với một niềm hy vọng mà tôi sẽ định nghĩa là mang tính thần học, nghĩa là, điều đó xuất phát từ đức tin của ngài vào Thiên Chúa, Đấng hướng dẫn lịch sử và thay đổi tâm hồn con người.
Đức Giám mục Stephen Chow Địa phận Hồng Kông, người sắp được tấn phong Hồng y, rõ ràng đóng một vai trò ngày càng quan trọng trong mối quan hệ giữa Vatican và Trung Quốc. Ngài cũng sẽ tham gia Thượng Hội đồng. Đối với cá nhân tôi, thật tuyệt vời biết bao khi được gặp gỡ Đức Hồng Y John Tong hiện đã cao niên nhưng vẫn khỏe mạnh, người mà tôi đã làm việc hàng ngày trong suốt hơn 20 năm, bên cạnh Đức Thánh Cha. Một con người của hòa bình, ôn hòa và đối thoại.
Đức nguyên Giám mục thứ hai của Địa phận Hồng Kông, Đức Hồng y Joseph Zen khả kính, đã quá cao niên và đau yếu không thể đi lại. Trong mọi trường hợp, Đức Hồng y Zen sẽ không thể rời Hồng Kông do hộ chiếu của ngài đã bị thu hồi và một cuộc điều tra đang chờ xử lý đối với ngài. Trong những ngày gần đây, Đức Hồng y Zen, 91 tuổi, đã trao một thông điệp đầy cảm động cho một tuần báo Tin Lành ở Hồng Kông nói về việc bệnh tật đã ngăn cản ngài tiếp tục đến thăm nhà tù. Đức Hồng y Zen đã trò chuyện với Đức Thánh Cha Phanxicô về những chuyến viếng thăm này tại cuộc gặp gỡ lịch sử và huynh đệ ở Santa Marta vào ngày 6 tháng 1 vừa qua.
Ngày 4 tháng 9 là ngày cuối cùng trong chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha tới Mông Cổ, một quốc gia ngoại vi có rất ít người Công giáo. Trong thâm tâm tôi tin chắc rằng Đức Thánh Cha đến Mông Cổ trước hết là để gặp gỡ người dân và Giáo hội nhỏ bé của đất nước đó chứ không nhằm mục đích nào khác, ngay cả khi đó là mục đích liên quan đến Trung Quốc. Trong lòng Đức Thánh Cha và Giáo hội không có quốc gia nào quan trọng hay kém quan trọng; các cộng đồng Công giáo không được đo đếm bằng số lượng các tín hữu. Trong mọi hoàn cảnh, mọi nơi mọi lúc, Đức Thánh Cha và Giáo hội gieo hạt giống tốt lành của Tin Mừng hòa bình.
Gianni Criveller *
** Nhà truyền giáo và nhà Hán học PIME, giám đốc trung tâm truyền giáo PIME ở Milan
Minh Tuệ (theo Asia News)