Tù Nhân với Niềm Hy Vọng

Ngài cũng giống như người Cha trong dụ ngôn vẫn hằng chờ đợi đứa con ngỗ nghịch của mình biết ăn năn trở về – Nếu như Thiên Chúa vẫn luôn hy vọng như thế thì có lý gì chúng ta đánh mất hy vọng.

REUTERS1807216_Articolo

Hôm qua, Chúa nhật 6/11, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành Thánh lễ Năm Thánh Lòng Thương Xót dành cho các tù nhân tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô. Đức Thánh Cha  đã nhắc nhở các tù nhân hiện đang bị giam giữ đừng bao giờ đánh mất niềm hy vọng hay rơi vào cám dỗ cho rằng mình sẽ chẳng bao giờ có thể được tha thứ.

Khoảng 1.000 tù nhân từ 12 quốc gia đã tham dự dịp cử hành Năm Thánh dành cho họ nhân dịp cuối tuần qua cùng với gia đình của họ, các Linh mục tuyên úy nhà tù cùng với các nhân viên, và một số hiệp hội khác.

Năm Thánh dành cho các tù nhân là một trong những sự kiện chính thức cuối cùng của Năm Thánh Lòng Thương Xót sẽ bế mạc vào ngày 20/11 sắp tới.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã tập trung bài giảng trong Thánh lễ dành cho các tù nhân với chủ đề về niềm hy vọng như nó đã được nhắc đến trong các bài đọc Thánh Lễ Chúa nhật hôm qua.

Chẳng hạn, có bảy anh em như đã được nhắc đến trong Sách Ma-ca-bê Quyển thứ 2 nói về niềm hy vọng sẽ được Thiên Chúa cho sống lại trong ngày sau hết, và sau đó là phản ứng của Chúa Giêsu đối với nhóm Sa-đốc rằng Thiên Chúa không phải là “Thiên Chúa của kẻ chết, mà là Thiên Chúa của kẻ sống”.

“Hy vọng là một món quà từ Thiên Chúa”, và nó cần được nuôi dưỡng, Đức Thánh Cha nhấn mạnh.

“Bất cứ khi một ai đó mắc phải một sai lầm, Lòng thương xót của Chúa Cha vẫn luôn hiện diện, thức tỉnh sự ăn năn, tha thứ, hòa giải và hòa bình”.

Đức Thánh Cha thừa nhận rằng việc đánh mất tự do mà những tù nhân đang phải trải nghiệm chính là thời gian tồi tệ nhất cho những tội ác mà một người nào đó gây nên. Tuy nhiên, Đức Thánh Cha mời gọi các  tù nhân hãy duy trì “hơi thở” của niềm hy vọng.

Đức Thánh Cha trở lại bài đọc Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Thêxalônica, cho biết “Thánh Phaolô dường như muốn nhắn nhủ với chúng ta rằng Thiên Chúa đã quá kiên nhẫn”.

“Lòng Thương Xót vẫn hằng chờ đợi chúng ta. Ngài cũng giống như người Cha trong dụ ngôn vẫn hằng chờ đợi đứa con ngỗ nghịch của mình  biết ăn năn trở về”.

“Nếu như Thiên Chúa vẫn luôn hy vọng như thế thì có lý gì chúng ta đánh mất hy vọng. Bởi vì hy vọng chính là sức mạnh giúp chúng ta thăng tiến. Đó là sức mạnh giúp chúng ta có thể hướng về tương lai và một cuộc đời đổi thay. Đó chính là động lực để chúng ta biết nhìn vào ngày mai để, đối với mọi thiếu sót của chúng ta, tình yêu mà chúng ta được biết có thể chỉ cho chúng ta một con đường và một hướng đi mới”.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về “thói đạo đức giả” của những người chỉ xem các tù nhân như “những kẻ phạm pháp”, và chẳng mấy bận tâm đến khả năng họ sẽ sớm ăn năn hối cải.

Đức Thánh Cha chia sẻ mỗi khi Ngài đi thăm một nhà tù nào đó, Ngài đều tự hỏi mình: “Tại sao lại là họ mà không phải là tôi? “Mỗi người chúng ta cũng đều có khả năng sẽ phạm những sai lầm”. 

Đức Thánh Cha nhắc nhở các tù nhân đừng bao giờ để mình bị “trói buộc” bởi những sai lầm trong quá khứ của mình, và “đừng bao giờ chịu khuất phục trước cám dỗ của những suy nghĩ rằng chúng ta sẽ không thể được tha thứ”.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã chia sẻ về tầm quan trọng của sự tha thứ đối với những người mà bản thân họ đã từng bị bạo hành hoặc bị lạm dụng hoặc những người thân yêu của họ đã từng bị như thế.

Nhận thức rằng có những vết thương mà chỉ có Thiên Chúa mới có thể chữa lành, Đức Thánh Cha cho biết, “khi bạo lực được đáp lại bằng sự tha thứ, thậm chí đối với tâm hồn những người đã từng mắc những sai phạm cũng có thể bị chinh phục bởi tình yêu vốn sẽ chiến thắng mọi hình thức của sự ác”.

“Có như thế, trong số các nạn nhân và cũng như những người làm những điều sai trái đối với họ, Thiên Chúa biểu lộ Lòng thương xót của Ngài”.

Đức Thánh Cha Phanxicô kết thúc bài chia sẻ và hướng về tượng Đức Trinh Nữ Maria đang ẵm Chúa Giêsu với chuỗi tràng hạt trên tay.

“Nguyện xin Mẹ bầu cử cho mỗi người chúng ta, để tâm hồn chúng ta có thể trải nghiệm sức mạnh của niềm hy vọng về một đời sống mới, một đời sống xứng đáng khi được sống trong tự do hoàn toàn và phục vụ tha nhân”. 

Minh Tuệ chuyển ngữ

 

 

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết