Tại sao Đức Tin có tác động tích cực lên xã hội?
Những sự kiện xảy ra tại Aicập một lần nữa tạo cơ hội tốt để chúng ta nhìn nhận vai trò của tôn giáo trong xã hội. Trong khi chủ nghĩa cực đoan hay bạo lực nhân danh tôn giáo thật đáng lên án thì nhìn chung, tôn giáo lại có ảnh hưởng cách tích cực.
Điều này được làm sáng tỏ trong một cuốn sách được xuất bản cuối năm ngoái. Tác giả cuốn sách là Rodney Stark, nguyên giáo sư môn xã hội học và là tác giả của rất nhiều cuốn sách nói về ảnh hưởng của Kitô giáo lên xã hội.
Trong cuốn sách có tựa đề là “America’s Blessings: How Religion Benefits Everyone, Including Atheists”, NXB. Templeton (tạm dịch là: Những phúc lành của nước Mỹ: Tôn giáo mang lại nhiều phúc lợi cho mọi người, gồm cả những người vô thần như thế nào), tác giả Stark khẳng định rằng tất cả những tuyên bố ông đưa ra về tác động tích cực của tôn giáo đều dựa trên công trình nghiên cứu đáng tin cậy.
Stark nói rằng, có rất nhiều chứng cứ vững chắc chứng minh rằng tôn giáo có ảnh hưởng lớn lao đối với cung cách ứng xử xã hội. Ông trưng ra 247 nghiên cứu đã được xuất bản từ năm 1944 đến năm 2013 để cho thấy tôn giáo đã góp phần tích cực trong việc làm giảm tệ nạn phạm pháp, tội ác và sai quấy.
Có một khảo cứu cho thấy rằng những người trẻ chưa bao giờ đến nhà thờ có nguy cơ bị cảnh sát bắt giữ nhiều hơn gấp bốn lần so với những người lui tới nhà thờ thường xuyên. Ảnh hưởng tích cực của tôn giáo bao trùm cả những người da trắng lẫn người Mỹ gốc Châu Phi và vượt qua những trình độ giáo dục và mức thu nhập khác nhau.
Sau khi duyệt xét lại một số lớn các nghiên cứu, Stark nhận thấy ảnh hưởng tích cực của tỷ lệ những người đến nhà thờ thường xuyên đối với tần suất những vụ trộm cắp, cướp giật, hành hung đột kích và giết người. Ông lưu ý, điều này hoàn toàn đúng đối với thanh thiếu niên. Những ứng xử xã hội khác như: sự trung thực, việc sử dụng thuốc kích thích, đồ uống có men và việc đến lớp chịu tác động tùy theo mức độ tham gia các hoạt động tôn giáo.
Về đời sống gia đình
Tác giả dành một chương trong cuốn sách để nói về khả năng sinh sản và đời sống gia đình. Qua so sánh, Stark thấy rằng mức độ sinh sản của người dân ở hầu hết các nước Châu Âu thấp hơn nhiều so với ở nước Mỹ. Theo Stark, tôn giáo đã tạo ra sự khác biệt đó. Ông nhận xét: “Khả năng sinh sản của những người Châu Âu sùng đạo thì khá tốt vượt trên mức yêu cầu, nhưng con số người Châu Âu sùng đạo quá nhỏ để bù đắp cho thực trạng hiếm muộn của những người ít sùng đạo hơn hoặc những người không tôn giáo”. Dựa trên nhiều khảo cứu, Stark giải thích về điều này khi cho rằng sự tỏ bày niềm khao khát cho gia đình đông con hơn có liên hệ mật thiết với việc siêng năng đến nhà thờ.
Một nghiên cứu cho thấy rằng trong số những người thường xuyên đến nhà thờ tỷ lệ sinh sản của phụ nữ Châu Âu cao hơn phụ nữ nước Mỹ. Vấn đề là, gần 40% phụ nữ nước Mỹ đến nhà thờ ít nhất một lần trong tuần trong khi đó tỷ lệ này ở Châu Âu lại thấp hơn nhiều. Stark kết luận: “Tất cả những thực tế đó chứng minh cho nhận định rằng, những cặp vợ chồng càng sùng đạo thì càng tạo được sự bền vững, sự thỏa mãn và nhiều phúc lợi trong đời sống gia đình của họ”. Ông cũng giải thích thêm, ở nước Mỹ những người theo tôn giáo có khả năng tiến xa trong đời sống hôn nhân và chung thủy hơn những người không tôn giáo. Trên thực tế, chỉ một nửa trong số những người đến nhà thờ hàng tuần là có nguy cơ ly dị so với những người không bao giờ đến nhà thờ. Điều này cũng đúng đối với các quốc gia Châu Âu, những người đến nhà thờ thường xuyên rất ít khi phải ly dị. Nhìn chung, những cặp trai gái năng động trong các sinh hoạt tôn giáo càng có ý thức rõ ràng trong việc chung thủy một vợ một chồng, rất hiếm khi họ có đời sống chung chạ trước hôn nhân.
Về việc giáo dục
Liên quan đến giáo dục, Stark lưu ý nhiều người vô thần thường tuyên bố rằng những người theo tôn giáo không được giáo dục đầy đủ hoặc không được đào tạo chính quy tại trường lớp. Tác giả gọi đó là một “sự kỳ cục” và dẫn chứng rằng những người Mỹ không bao giờ đến nhà thờ có rất ít khả năng hoàn tất được chương trình trung học. Ông còn thêm, một sinh viên càng sùng đạo thì càng có thành tích tốt và dành được nhiều điểm số cao trong học đường.
Trong khi một số người cho rằng, mối tương quan giữa tôn giáo và thành công trong giáo dục là nhờ ở mức thu nhập cao hơn. Stark phản bác rằng, nhận xét đó là không thỏa đáng vì nhiều kết quả đã chứng minh rằng những tác động của tôn giáo đối với thành quả giáo dục càng đúng đắn đối với những sinh viên Mỹ gốc Châu Phi và những sinh viên thuộc Tây Ban Nha hay Bồ Đào Nha. Stark kết luận, những bậc phụ huynh theo tôn giáo là những người tốt phước hơn, họ có khả năng tạo nên những đứa con biết cư xử tốt hơn và được giáo dục đầy đủ hơn.
Hướng sang những chủ đề khác, Stark nêu lên một sự tương phản: trong khi nhiều nhà nhà tư tưởng hiện đại, như Sigmund Freud, cho rằng tôn giáo gây ra những bệnh tật về tâm thần, thì thực tế những tín đồ tôn giáo lại được hưởng một tình trạng sức khỏe thể lý và tinh thần tốt hơn.
Mặt khác, tác giả tập trung nghiên cứu một thực trạng đang nổi cộm tại nhiều nơi, đó là tình trạng tự tử. Qua nhiều nghiên cứu, Stark nhận thấy là, trong một lãnh thổ địa lý xác định, tỷ lệ người theo Kitô giáo càng cao thì tỷ lệ người tự tử càng thấp. Những người theo tôn giáo cũng ít bị rơi vào tình trạng suy nhược cơ thể hoặc rối loạn thần kinh.
Chương tiếp theo, tác giả xem xét về tương quan xã hội của những người theo tôn giáo. Ông chỉ ra rằng, những người càng sùng đạo thì càng có tinh thần quảng đại đối với người khác và càng tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện. Tác giả đi đến nhận xét, tất cả những tôn giáo lớn trên thế giới đều nhấn mạnh đến tầm quan trọng của tinh thần quảng đại. Rất nhiều khảo cứu cho thấy, trên toàn thế giới những người tích cực hoạt động tôn giáo là những người có lòng quảng đại đối với người khác hơn.
Tóm lại, cuốn sách của Stark cung cấp cho chúng ta một lời nhắc nhở tế nhị rằng tôn giáo không phải là cái gì đó độc hại hoặc hạn chế đối với đời sống chúng ta.
Một cách nào đó, nhãn quan của Stark có điểm còn hạn chế. Lý do là vì ông có chủ ý nhân cơ hội phản bác lại cái nhìn phiến diện về những đóng góp tích cực của tôn giáo để nhấn mạnh về sự vượt trội nước Mỹ đối với Châu Âu, trong khi đó lại không xét đến những nguyên nhân cố hữu gây nên điểm khác biệt nơi hai châu lục này. Tuy nhiên, đây là một cuốn sách rất có giá trị để đọc.
Lm. John Flynn (Giuse Thiện dịch theo Zenit.org)