Những thách thức đối với chuyến Tông du Nhật Bản của ĐTC Phanxicô

Thách thức lớn nhất đối với Giáo hội Nhật Bản: phần lớn người Công giáo ở Nhật Bản đều là người nước ngoài, những người lao động nhập cư đến từ các quốc gia Công giáo – từ Philippines, từ Brazil và đặc biệt là từ Việt Nam – họ đến để trẻ hóa Giáo hội ngày càng già hóa này. Việc tiếp nhận những người nước ngoài chính là một cơ hội cho Giáo hội, nhưng tinh thần khoan dung lẫn nhau là vô cùng cần thiết.

Đài tưởng niệm hòa bình Hiroshima (Mái vòm Genbaku), Nhật Bản © UNESCO / Giovanni Boccardi

Đài tưởng niệm Hòa bình Hiroshima (Nhà mái vòm Genbaku), Nhật Bản (Ảnh: UNESCO/Giovanni Boccardi)

Chủ đề chính thức của chuyến viếng thăm của ĐTC Phanxicô đến Nhật Bản đó chính là “Bảo vệ tất cả mọi sự sống”, được trích từ “Lời cầu nguyện Kitô giáo kết hợp với công trình Sáng tạo”, ở phần cuối Thông điệp Laudato Si, theo lời giải thích của ông Shintaro Yuzawa, một giáo dân người Nhật Bản chịu trách nhiệm Tuyên úy cho người Công giáo Nhật Bản tại Paris. Ông đã vui vẻ chấp nhận trình bày các chủ đề khác nhau vốn xuất phát từ chủ đề chính này cho từng giai đoạn trong chuyến viếng thăm Nhật Bản (từ ngày 23-26 tháng 11 năm 2019) của ĐTC Phanxicô: vũ khí hạt nhân, án tử hình, việc bảo vệ môi trường, sự hòa giải, cuộc gặp gỡ với tân Hoàng đế Naruhito, và việc gặp gỡ người Công giáo Nhật Bản. . .

Liên quan đến việc bảo vệ sự sống, liệu chuyến viếng thăm của ĐTC Phanxicô có dẫn đến lời kêu gọi bãi bỏ vũ khí hạt nhân?

Ông Shintaro Yuzawa: Vâng và, nói chung, một lời kêu gọi để mở to đôi mắt trước những đau khổ do chiến tranh gây ra. Đó chính là ý nghĩa của chuyến viếng thăm của ĐTC Phanxicô đến Hiroshima và Nagasaki. Hình ảnh một cậu bé tại Nagasaki cõng trên vai xác đứa em của mình chínhlà biểu tượng của điều đó: Đức Thánh Cha Phanxicô đã chọn hình ảnh này để bày tỏ những ước muốn tốt đẹp cho hòa bình trong năm mới 2018. Nagasaki cũng chính là vùng đất của các Kitô hữu bí mật, và ĐTC Phanxicô sẽ bày tỏ lòng tôn kính đối với 26 vị tử đạo đã bị đóng đinh tại Nagasaki vào ngày 5 tháng 2 năm 1597. Tính chất hợp thời đối với ý nghĩa của các vị tử đạo, những người đã chết để chúng ta có thể có được sự sống, là điều quan trọng. Chủ đề của sự cam kết chống lại các loại vũ khí hạt nhân đã được bàn luận rất nhiều bởi những người Nhật Bản không phải là Kitô hữu: những nạn nhân vô danh của các vụ bắn phá nguyên tử được chứng kiến bởi phẩm giá của họ rằng nhân loại không thể bị phá hủy bởi sự điên rồ của chiến tranh.

Dường như Đức Thánh Cha Phanxicô cũng rất bận tâm đến việc xóa bỏ án tử hình?

Đã có 17 vụ hành quyết ở Nhật Bản từ năm 2018 đến 2019, 13 người trong số họ là thành viên của giáo phái Aum Shinrikyo (chịu trách nhiệm về vụ tấn công bằng khí sarin khiến 13 người thiệt mạng vào năm 1995). Trên thực tế, ĐTC Phanxicô sẽ gặp gỡ một người bị kết án tử hình – Iwao Hakamada – một người Công giáo đã tuyên bố sự vô tội của mình trong suốt 50 năm và đang chờ đợi việc xem xét lại vụ án.

Ký ức về vụ tai nạn hạt nhân khủng khiếp tại Fukushima lưu lại trong tâm trí mọi người ở Nhật Bản và xa hơn nữa: liệu nó cũng sẽ được trình bày?

Việc bảo vệ môi trường cũng sẽ chính là tâm điểm của chuyến viếng thăm sắp tới. Để bảo vệ tất cả mọi sự sống, cũng cần thiết phải bảo vệ trái đất, vốn chính là “ngôi nhà chung của chúng ta”. Ở Nhật Bản, môi trường không những bị đe dọa bởi những thảm họa tự nhiên, mà còn bởi những hoạt động của con người. ĐTC Phanxicô sẽ chứng kiến thảm họa của trận đại hồng thủy vào ngày 11 tháng 3 năm 2011, khiến 20.000 người chết cũng như gây ra vụ tai nạn hạt nhân trong nhà máy hạt nhân Fukushima Daiichi.

Tấm thiệp chúc mừng năm mới 2018 nổi tiếng của ĐTC Phanxicô mang nhiều ý nghĩa: “Thành quả của chiến tranh”. Những điều kiện cho một nền hòa bình lâu bền là gì?

Chủ đề về sự tha thứ và hòa giải thực sự vô cùng quan trọng để có thể xây dựng hòa bình với các quốc gia láng giềng của chúng ta, thế nhưng sự căng thẳng vẫn còn hiện diện, chủ yếu là do sự khác biệt về vấn đề trách nhiệm đối với các hành vi của Nhà nước Nhật Bản (Bồi thường cho những ‘phụ nữ mua vui’, những công nhân lao động cưỡng bức trong thời kỳ chiếm đóng của Nhật Bản). Vấn đề đã trở nên hết sức nhạy cảm vì lập trường quốc quyền chủ nghĩa của Thủ tướng Shinzo Abe, người mà các bên yêu cầu sửa đổi Hiến pháp Nhật Bản, cụ thể là Điều 9 – điều khoản về chủ nghĩa hòa bình. Tuy nhiên, tân Hoàng đế Naruhito và cựu Hoàng đế Nhật Bản rất gắn bó với Hiến pháp Nhật Bản hiện tại, vốn đang gây ra sự căng thẳng với hoạt động chính trị của Thủ tướng.

ĐTC Phanxicô đã bày tỏ lời chúc tốt đẹp tới tân Hoàng đế Naruhito và đồng thời đã cử Đức Hồng y Francesco Monterisi đại diện cho Ngài tại lễ đăng quang của Nhật hoàng tại Tokyo vào ngày 22 tháng 10. Đức Thánh Cha cũng sẽ gặp gỡ Nhật hoàng vào ngày 25 tháng 11 sắp tới. Liệu rằng đây có phải là một cơ hội để thúc đẩy mối quan hệ với Kitô giáo?

Mối quan hệ của Kitô giáo với Hoàng gia quả thực hết sức phức tạp. Một cách chính thức, Nhật Hoàng chính là giáo sĩ tối cao của Thần đạo, hậu duệ của Thần Amaterasu, nữ thần Mặt trời. Tuy nhiên, tân Hoàng hậu và cựu Hoàng hậu đều xuất phát từ các trường đại học Công giáo. Người ta cho rằng lập trường hòa bình của Nhật Hoàng là do ảnh hưởng của Kitô giáo đối với Hoàng gia. Đó là lý do tại sao chúng tôi hy vọng rằng cuộc gặp gỡ của ĐTC Phanxicô với Nhật Hoàng, cũng như với Thủ tướng Shinzo Abe, có thể góp phần giảm bớt căng thẳng với các quốc gia láng giềng.

ĐTC Phanxicô là vị Giáo hoàng thứ hai đến thăm đất nước của ông. Vậy ông có thể mong đợi điều gì như là một thành quả đối với cộng đồng Công giáo?

Để tạo một động lực mới cho đời sống của Giáo hội tại Nhật Bản. Chuyến viếng thăm trước đây vào năm 1981 của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã mang đến cho người Công giáo ở Nhật Bản tinh thần nhiệt huyết hứng khởi và đồng thời khơi dậy một số lượng lớn đối với ơn gọi linh mục và tu sĩ nam nữ. ĐTC Phanxicô sẽ gặp gỡ những người trẻ tuổi tại Nhà thờ Chính Tòa Tokyo. Chúng tôi hy vọng rằng cuộc gặp gỡ của ĐTC Phanxicô với những người trẻ tuổi sẽ tạo ra một động lực mới cho Giáo hội tại Nhật Bản, nơi mà số lượng thành viên của Nhật Bản đang ngày càng trở nên trì trệ và già hóa. Thách thức lớn nhất đối với Giáo hội Nhật Bản: phần lớn người Công giáo ở Nhật Bản đều là người nước ngoài, những người lao động nhập cư đến từ các quốc gia Công giáo – từ Philippines, từ Brazil và đặc biệt là từ Việt Nam – họ đến để trẻ hóa Giáo hội ngày càng già hóa này. Việc tiếp nhận những người nước ngoài chính là một cơ hội cho Giáo hội, nhưng tinh thần khoan dung lẫn nhau là vô cùng cần thiết. Sự hiện diện của những người trẻ, những người luôn luôn hào hứng cởi mở với sự đa dạng văn hóa, là vô cùng quan trọng cho tương lai của Giáo hội.

Minh Tuệ (theo Zenit)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết