Ban đầu, các phong trào này được cho là đã giúp canh tân giáo dân. Nhưng với sự sụt giảm đáng kể số linh mục giáo phận và sự suy giảm của các dòng tu trên toàn thế giới trong suốt ba thập niên qua, các phong trào này dường như đang được coi là nguồn cung cấp các linh mục mới. Mặc dù điều này có thể giúp giảm bớt tình trạng thiếu giáo sĩ trong ngắn hạn, nhưng nó cũng có thể gây ra một loạt các vấn đề mới.
Trong các triều đại giáo hoàng hiện đại và đặc biệt là kể từ Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, Chúa Nhật Lễ Hiện Xuống đã thực sự trở thành ngày hội của các phong trào mới trong Giáo hội như Focolare, Hiệp thông và Giải phóng, và Cộng đồng Sant’Egidio. Vào tuần đầu tiên của tháng 6 này, Roma đã bị “xâm chiếm” bởi những tham dự viên từ khắp nơi trên thế giới, quy tụ trong lễ kỷ niệm 50 năm Phong trào Canh tân Đặc sủng Công giáo. Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự buổi cầu nguyện canh thức đại kết tại Circo Massimo vào thứ Bảy, ngày 3 tháng 6, và đã cử hành Thánh lễ với họ vào Chúa Nhật tại Quảng trường Thánh Phêrô. Trong bài giảng, Đức Phanxicô đã lặp lại những thông điệp chống giáo phái mà ngài vẫn thường nói với tất cả các phong trào Công giáo mà ngài gặp trong suốt triều đại giáo hoàng của ngài: duy trì sự hiệp nhất trong đa dạng, và chống lại cám dỗ tập trung vào những khác biệt, chọn “là một phần trong toàn thể, thay vì thuộc về nhóm này hoặc nhóm kia trước khi thuộc về Giáo hội”, hoặc khư khư giữ “các lập trường cứng nhắc và yếm khí”.
Điều này rất phù hợp với “lời mời gọi phổ quát hướng đến sự thánh thiện” của Công đồng Vatican II, tuy nhiên, Đức Phanxicô đã rất khác với các Đức Giáo hoàng tiền nhiệm khi đối diện với các phong trào mới trong Giáo hội. Cách riêng, ngài có vẻ hoài nghi về tất cả các hình thức ưu tú trong Giáo hội, bao gồm cả sự ưu tú của các nhóm đã trở nên nổi bật thay vì là một phần của Công giáo kể từ giữa thế kỷ 20 và đặc biệt là sau Công đồng Vatican II.
Mặc dù có mối liên hệ tương đối xa cách với những phong trào như vậy, Đức Phanxicô vẫn biết rõ khuôn mặt mới này của Công giáo toàn cầu. Việc bổ nhiệm mới đây của ngài đã nói lên điều đó: thư ký mới của Bộ mới được thiết lập [2016] về Giáo dân, Gia đình và Sự sống, là một linh mục Brazil, Cha Alexandre Awi Mello, giám đốc quốc gia của các phong trào mới trong Giáo Hội ở Schönstatt. Các nhóm này có vẻ ngày càng đóng một vai trò quan trọng và cần được lưu tâm: ngoài hướng dẫn về bảo tồn tro cốt trong trường hợp hỏa táng, tài liệu duy nhất do Bộ Giáo lý Đức tin tuyên bố trong triều đại của Đức Phanxicô, cho đến nay, là Iuvenescit Ecclesia (ngày 16 tháng 5 năm 2016), một bức thư liên quan đến mối quan hệ giữa một bên là các Giám mục và các Giáo hội tòng thổ với bên kia là các nhóm và phong trào mới trong Giáo hội.
Có vẻ Đức Phanxicô thừa nhận rằng ngay cả chính Giáo hoàng cũng không thể ngăn cản những phong trào mới trong Giáo hội làm thay đổi Giáo hội – đặc biệt là trong mối liên hệ giữa giáo dân và giáo sĩ. Một thông cáo báo chí ngắn gọn vào tuần trước đã cho biết về một cuộc họp giữa Đức Giáo hoàng và tất cả các bộ trong Giáo triều Roma, thảo luận về vấn đề các linh mục trong các phong trào mới của Giáo hội, và đặc biệt là khả năng “nhập tịch” của các linh mục trong các tổ chức đó. Điều này có thể là biểu hiện của một sự thay đổi đáng kể, bởi vì cho đến nay, chỉ có các vị giám chức và thường quyền của các giáo hạt tòng nhân –giáo phận quân đội, cũng như các giáo hạt được thành lập để đón nhận các tín hữu Anh giáo trở về hiệp thông với Công giáo – mới được đặc ân tiếp nhận các linh mục nhập tịch.
Các linh mục nhập tịch trong các phong trào mới của Giáo hội sẽ không phải tuân thủ các trật tự địa phương, nghĩa là dưới quyền các Giám mục giáo phận. Đối với Vatican, điều này có nghĩa là thừa nhận một điều gì đó về cách thức các phong trào này phát triển từ thời Công đồng Vatican II. Ban đầu, các phong trào này được cho là đã giúp canh tân giáo dân. Nhưng với sự sụt giảm đáng kể số linh mục giáo phận và sự suy giảm của các dòng tu trên toàn thế giới trong suốt ba thập niên qua, các phong trào này dường như đang được coi là nguồn cung cấp các linh mục mới. Mặc dù điều này có thể giúp giảm bớt tình trạng thiếu giáo sĩ trong ngắn hạn, nhưng nó cũng có thể gây ra một loạt các vấn đề mới.
Vấn đề không phải là ý thức hệ, như sự khác biệt giữa các huynh đoàn này: ví dụ như các chủng sinh và linh mục từ Cộng đồng Sant’Egidio thì có vẻ “hòa giải” hơn và đại kết hơn những người từ phong trào Hiệp thông và Giải phóng hoặc phong trào Con đường Giáo lý mới. Nhưng vấn đề là cấu trúc: để thay thế hoặc bổ sung các chủng viện của giáo phận và các giáo xứ của giáo phận thiếu giáo sĩ, “Giáo hội tòng thổ” – các Giám mục, kể cả Giám mục Roma – đang tính đến những ơn gọi linh mục đến từ các tổ chức “phi lãnh thổ”: các phong trào.
Điều này khơi lên bốn sự chú ý rất thú vị.
Thứ nhất là về chính sách của Giáo hội: các phong trào, trong cái nhìn của Đức Phanxicô, không phải là những “tầng lớp ưu tú” đặc biệt cho cuộc tân Phúc Âm hóa giống như dưới thời Đức Gioan Phaolo II và Đức Benedictô XVI. Đức Phanxicô đã từng rõ ràng phê bình bất kỳ khuynh hướng giáo phái nào mà ngài thoáng nhìn thấy. Nhưng dù vậy, ngài vẫn thừa nhận rằng những phong trào này đang tạo ra những linh mục mới, cần thiết trong Giáo hội Công giáo, vốn vẫn cần hàng giáo sĩ để làm việc. Theo nghĩa đó, động thái này, nếu được chấp thuận, sẽ báo hiệu rằng Giáo hội dễ dàng thay đổi mối quan hệ giữa chiều kích tòng thổ và tòng nhân trong Giáo hội hơn là phong chức linh mục cho những người đàn ông đã lập gia đình hoặc cho nữ giới.
Tiếp đến là suy tư Giáo hội học. Việc đảo ngược mối quan hệ giữa chiều kích tòng thổ hoặc địa lý của các tổ chức Giáo hội (giáo xứ, giáo phận) với chiều kích tòng nhân (thành viên trong một nhóm không được xác định theo vị trí địa lý) sẽ đảo ngược một hệ thống bắt nguồn từ những năm đầu của Kitô giáo (các giáo phận là những thực tại kế tiếp các tỉnh của Đế Quốc La Mã) và đã được kiên cố hoá trong suốt thiên niên kỷ thứ hai, đặc biệt là bởi Công đồng Trentô (1545-1563). Nó cũng đặt ra một thách thức lớn đối với quan niệm về Giáo hội địa phương trong đối thoại và trương lực với Giáo hội phổ quát.
Suy tư thứ ba thuộc về thần học. Toàn bộ ý tưởng về “sự hội nhập” của sứ điệp Kitô giáo được gắn liền với Giáo hội học về Giáo hội địa phương. Đâu là những loại hình (và nơi chốn) đào tạo mà các linh mục từ các phong trào mới sẽ nhận được, hoặc họ sẽ là linh mục cho toàn thể Giáo hội (bao gồm cả các “ngoại vi” của Đức Phanxicô) hay chỉ cho phong trào của họ. Vấn đề này đã được Đức Gioan Phaolô II đưa ra trong tông huấn Pastores Dabo Vobis (1992), tông thư Tertio Millennio Adveniente (1994), và tông huấn Vita Consecrata (1996). Mối quan hệ giữa một số phong trào và các Giáo hội địa phương trong nhiều trường hợp là rất ít hợp tác; ví dụ, các Giám mục địa phương từ lâu đã phàn nàn với Roma về phương thức hoạt động của phong trào Con đường Giáo lý mới trong các Giáo phận của họ và thậm chí cả ở cấp quốc gia nữa.
Cuối cùng là một ghi nhận lịch sử. Vào năm 1513, trước Công đồng Trentô và Cuộc Cải cách, Paolo Giustiniani và Pietro Querini đã trình lên ĐGH Leo X tài liệu Libellus và Leonem X, bộ đề xuất cải cách quan trọng nhất của giai đoạn ngay trước Cải cách. Giustiniani và Querini đã đề xuất, trong số những thứ khác, một sự cắt giảm triệt để số lượng các dòng tu và xây dựng một Giáo hội canh tân, tập trung, đặt dưới sự lãnh đạo của Đức Giáo hoàng và các Giám mục. Nhưng những gì xảy ra sau Công đồng Trentô thì hoàn toàn ngược lại: sự gia tăng “chóng mặt” các dòng tu mới.
Một điều tương tự cũng xảy ra sau Công đồng Vatican II. Nhiều người hình dung về một Giáo hội Công giáo dưới sự lãnh đạo của các Giám mục và Giáo hoàng, và dành ít sự tự chủ hơn cho các dòng tu và các cấu trúc của Giáo hội không tòng thổ. Nhưng thay vào đó, đã có một cuộc khủng hoảng về chức giám mục – các Giám mục hiện nay có chức năng giống với các giám đốc điều hành (CEO) hơn là các mục tử; họ được kêu gọi hành động cách tập thể với Đức Giáo hoàng hơn là hành động với đàn chiên của họ; và họ phải đối mặt với một tuổi nghỉ hưu cố định là bảy mươi lăm – và một sự thay đổi trong cách dự kiến sẽ làm việc với vị Giáo hoàng kế tiếp vị đương nhiệm. Điều này xảy ra cùng với sự lan rộng của các nhóm trong Giáo hội và các phong trào gắn liền với “các cộng đồng chủ ý”, vốn đòi hỏi sự tự trị khỏi các bản quyền địa phương và trong thực tế đã nhận được nhiều sự tự trị từ các bản quyền địa phương. Tất cả dường như là một ví dụ khác về cách thức cơ thể sống động của Giáo hội thực hiện các dự án cải cách bất chấp những kế hoạch đầy thiện ý và được suy nghĩ chín chắn nhất của các nhà thần học “thông sáng”.
Minh Tâm (theo CWM)