Việc phóng thích ba tù nhân người Mỹ từ Bắc Triều Tiên được coi là bước tiến quan trọng đầu tiên trong việc giải quyết các hành vi lạm dụng trong nước, khi các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ kêu gọi việc tiếp tục mở rộng các sáng kiến tự do tôn giáo trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.
Các tù nhân được trả tự do dự kiến sẽ đến Hoa Kỳ vào sáng sớm thứ Năm. Họ sẽ được tháp tùng bởi Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo, người đã tới Bình Nhưỡng để hoàn tất các cuộc đàm phán xung quanh việc phóng thích ba tù nhân này.
David Curry, chủ tịch và giám đốc điều hành của Open Doors USA, một nhóm vận động cho các Kitô hữu bị bách hại, đã gọi tin tức về việc phóng thích tù nhân là “một chiến thắng tuyệt vời cho các gia đình này và đồng thời cũng một bước tiến quan trọng hướng tới việc khôi phục mối quan hệ ngoại giao với Bắc Triều Tiên”.
Tuy nhiên, ông Curry cảnh báo, “Để tiếp tục tiến trình, cử chỉ thiện chí đầu tiên này phải được tiếp tục bằng các hành động tiếp theo nhằm giải quyết các hành vi lạm dụng nhân quyền có hệ thống, dài hạn vốn vẫn gây tổn hại cho người dân Bắc Triều Tiên”.
Việc phóng thích các tù nhân Tony Kim, Kim Hak-song và Kim Dong-chul từ Bắc Triều Tiên hôm 9 tháng 5 được đưa ra khi chính phủ Mỹ đang tìm cách mở rộng việc thúc đẩy tự do tôn giáo ở nước ngoài thông qua cả việc phát triển kinh tế lẫn các mối quan hệ đối tác an ninh.
Trong một cuộc họp báo chính thức vào ngày 8 tháng 5 tại Văn phòng Văn phòng Hạ viện Hoa Kỳ, Đại sứ lưu động về vấn đề tự do tôn giáo quốc tế, ông Sam Brownback, cho biết rằng gần đây ông đã gặp lãnh đạo Bộ Quốc phòng và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) để thảo luận về việc thúc đẩy tự do tôn giáo trong các lĩnh vực của họ.
Trong số những tiến triển mới, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ sẽ bổ sung một “mạng lưới tự do tôn giáo” như một phần của các chương trình mà quỹ tài trợ, theo ông Brownback, người cũng cho biết rằng “chúng tôi đang đào tạo các nhà lãnh đạo quân sự trên toàn thế giới về vấn đề tự do tôn giáo”.
Cách tiếp cận thực dụng của ông Browback bao gồm việc thúc đẩy ý tưởng rằng tự do tôn giáo góp phần tăng trưởng kinh tế và an ninh.
Tự do tôn giáo “không chỉ là một quyền con người được Thiên Chúa ban cho, nhưng nó còn phát triển nền kinh tế của chúng ta và phát triển vấn đề an ninh của chúng ta. Và, chúng tôi muốn thảo kế hoạch đó trên toàn thế giới”, ông Browback nói.
Đối tác của Liên minh châu Âu với Đại sứ Brownback, ông Ján Figel, cũng đã nói về việc Liên minh châu Âu hướng đến việc thúc đẩy tự do tôn giáo quốc tế lớn hơn trong buổi họp báo hôm 8 tháng 5, vốn được đồng tổ chức bởi Mạng lưới Lập pháp Công giáo Quốc tế và Viện Tự do Tôn giáo.
Hoa Kỳ cũng sẽ mở rộng nỗ lực vận động của mình thay mặt cho các tù nhân lương tâm, chủ tịch Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF), ông Daniel Mark, tuyên bố tại một sự kiện riêng biệt vào ngày 8 tháng Năm.
Thông qua Dự án Các tù nhân lương tâm tôn giáo (Religious Prisoners of Conscience), USCIRF biên soạn một danh sách bao gồm những người bị cầm tù vì đức tin của họ hoặc những người cổ võ tự do tôn giáo, và những người ủng hộ cho việc trả tự do cho họ.
Ông Mark cho biết USCIRF đang nỗ lực để biên soạn một danh sách lớn hơn bao gồm các tù nhân lương tâm, đặc biệt là đối với “các quốc gia cần quan tâm đặc biệt” được liệt kê trong báo cáo năm 2018 vừa được công bố gần đây của họ.
Ba tù nhân người Mỹ được phóng thích từ Bắc Triều Tiên đều có các mối liên hệ Kitô giáo thông qua công việc của họ trong nước, được biết đến như một trong những kẻ phạm tội tồi tệ nhất đối với các hành vi vi phạm tự do tôn giáo trên thế giới.
Kim Dong-chul là một linh mục Kitô giáo bị kết án 10 năm lao động khổ sai ở Bắc Triều Tiên vào năm 2016, với tội danh gián điệp. Tony Kim và Kim Hak-song đều giảng dạy tại Đại học Khoa học và Công nghệ Bình Nhưỡng (PUST), một trường đại học được thành lập vào năm 2010 bởi một doanh nhân người Mỹ gốc Hàn, trước khi bị bắt. Họ đã bị giam giữ tương ứng với các tội danh “gián điệp” và “các hành vi thù địch”.
Tổng thống Trump cho rằng việc phóng thích ba tù nhân Mỹ là “một cử chỉ thiện chí tích cực” dẫn tới cuộc gặp gỡ sắp tới của ông với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, theo một tuyên bố của Nhà Trắng hôm 9 tháng Năm vừa qua.
Việc phóng thích các tù nhân có thể là một dấu hiệu cho thấy rằng vấn đề nhân quyền sẽ không bị bỏ quên trong các nỗ lực an ninh và xây dựng hòa bình liên tục với Bắc Triều Tiên, một vấn đề mà trước đó đã từng là tâm điểm của một cuộc tranh chấp.
“Ba công dân Hoa Kỳ này dường như đang có thể trạng tốt và tất cả đều có thể tự lên máy bay mà không cần sự giúp đỡ”, tuyên bố của Nhà Trắng tiếp tục.
Ngược lại, khi sinh viên người Mỹ 22 tuổi, Otto Warmbier, được trở về gia đình vào năm ngoái sau khi bị giam giữ ở Bắc Triều Tiên trong 17 tháng, anh đã bị tổn thương não nghiêm trọng và qua đời ngay sau đó. Warmbier đã bị kết án 15 năm lao động khổ sai vì đã ăn cắp một tấm áp phích chính trị từ khách sạn của mình trong khi đang tham quan một tour du lịch của Bắc Triều Tiên. Cha mẹ anh đã đệ đơn kiện chính phủ Bắc Triều Tiên hôm 3 tháng Năm.
Tổ chức ‘Open Doors USA’ nhấn mạnh rằng trong khi việc phóng thích ba tù nhân vào tuần này là một tiến triển tích cực, vẫn còn hàng chục ngàn người bị cầm tù ở quốc gia châu Á này, và tình huống của họ không nên bị lãng quên.
Ước tính hiện tại có khoảng 80.000 đến 120.000 người trong sáu trại tù chính trị của Bắc Triều Tiên, mà trong đó Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã tìm thấy những bằng chứng về tình trạng đói kém, lao động cưỡng bức và bị tra tấn.
“Các báo cáo chỉ ra rằng hàng chục ngàn tù nhân phải đối mặt với tình trạng lao động khổ sai hoặc bị hành quyết là các Kitô hữu đến từ các nhà thờ hầm trú hoặc những người thực hành đức tin một cách bí mật”, theo báo cáo năm 2018 của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ.
Phó Giám đốc Nghiên cứu và Chính sách của USCIRF, bà Tina Mufford, đã nhấn mạnh điểm này.
“Việc phóng thích ba công dân Mỹ bị chính quyền Bắc Triều Tiên cầm tù bất hợp pháp là một tin đáng vui mừng, nhưng nó cần phải được xem như là một lời kêu gọi hành động thay mặt cho hàng chục ngàn công dân Bắc Hàn, mà nhiều người trong số đó là các Kitô hữu, hiện đang thi hành án tù trong những điều kiện không thể nào diễn tả được”, bà Mufford nói.
“Bắc Triều Tiên có thể tự xác định vị thế của mình trên trường quốc tế, nhưng chế độ này đã bỏ qua các tiêu chuẩn đối với vấn đề nhân quyền quốc tế, bao gồm quyền tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng”, bà Mufford tiếp tục. “Bất kỳ sự tham gia của Hoa Kỳ hoặc quốc tế nào với Bắc Triều Tiên đều cần phải bao gồm các cuộc thảo luận về vấn đề tự do tôn giáo và quyền con người liên quan, một phần không nhỏ bởi vì các quyền tự do cơ bản này là vô cùng quan trọng đối với vấn đề an ninh khu vực và toàn cầu”.
Minh Tuệ chuyển ngữ