[…] tiếp cận nước uống an toàn là quyền căn bản và phổ quát của con người, vì nó giúp cho con người được tồn tại và do đó là điều kiện để thực thi các quyền khác của con người. Đối với người nghèo không tiếp cận được nguồn nước uống, thế giới này mang một món nợ xã hội lớn vì cướp đi quyền sống của họ, quyền bắt nguồn từ trong phẩm giá bất khả nhượng của họ. Một phần món nợ này được giải quyết bằng những đóng góp tài chánh quan trọng để cung cấp nước sạch và vệ sinh cho dân nghèo nhất. (Laudato Si, số 30)
***
Từ năm 2014, tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn đã rất rõ rệt tại đồng bằng sông Cửu Long. Nhiều vùng người dân thiếu nước ngọt trầm trọng, mà “tiếp cận nước uống an toàn là quyền căn bản và phổ quát của con người, vì nó giúp cho con người được tồn tại và do đó là điều kiện để thực thi các quyền khác của con người”.
Với slogan “Vì xưa Ta khát, các ngươi đã cho uống” (Mt.25:35), tháng 3/2016 các tu sĩ dòng Camillo Việt Nam đã khởi đầu chương trình kêu gọi cộng đồng chung tay trong dự án “Nước sạch cho cộng đồng”. Dự án chính là việc “trả món nợ xã hội” về quyền có nước sạch của mọi người, nhất là người nghèo.
Tại mỗi điểm dân cư được chọn tài trợ, dự án lắp đặt một giàn máy lọc, thiết kế riêng, tương ứng với đặc tính của nước đầu nguồn vào từng nơi (nước nhiễm mặn hay nước phèn,…). Mỗi giàn máy có thể phục vụ bền vững cho trên 4.000 người.
Rồi tháng 10/2016 tình trạng thiếu nước sạch lại trở nên khẩn cấp do lũ lụt ở một số nơi miền Trung. Do đó, “Nước sạch cho cộng đồng” được tiến hành như một dự án hỗ trợ sau lũ ở một số nơi tại miền Trung.
Tính đến ngày 29/11/2016, 24 giàn máy ở một số vùng nhiễm mặn miền Tây và 5 giàn máy cho các vùng gần nơi thường bị lũ miền Trung đã được thực hiện. Thường các giàn máy đặt tại nhà xứ một giáo xứ, hoặc một dòng tu, để công việc quản lý được chăm sóc tốt. Một cách tương đối, theo chân dự án ta có các bản đồ sau, với các chấm tròn màu đỏ tượng trưng nơi được đặt giàn máy lọc (giàn máy ở Gia Lai không có trong các bản đồ).
Các giàn máy ở miền Trung được đặt tại các giáo xứ điểm cao, nhưng gần vùng trũng thường bị lũ, để có thể cung cấp cho các vùng lũ thiếu nước sạch khi cần.
Tính theo giá 250 triệu một giàn máy như trang dự án thông tin, thì các cá nhân, hội, nhóm tham gia dự án “Nước sạch cho cộng đồng” cùng các tu sĩ dòng Camillo đã đóng góp phần vật chất là hơn 7 tỉ đồng, cộng công sức của đội thi công đã thi công miễn phí tất cả các giàn máy.
Nhưng từ góc nhìn của Laudato Si, những Anh Chị Em ấy đã làm nhiều hơn thế. Các Anh Chị Em ấy tự nguyện tham gia “trả món nợ” thay cho toàn xã hội, để hơn 100.000 người đã có được một phần quyền căn bản nhất: quyền có nước sạch để dùng.
Nhìn lên bản đồ những vùng nhiễm mặn, còn rất nhiều nơi người dân cần được xã hội trả món nợ được hưởng quyền căn bản này.
Như thế, ai đã và đang chiêm nghiệm Laudato Si, hay cùng suy tư với các tu sĩ Camillo rằng “Vì xưa Ta khát, các ngươi đã cho uống” thì còn rất nhiều việc có thể chung tay.
Thuận Kiệt