Những người thợ “giờ thứ mười một”, có thể nói, không chỉ bó hẹp vào những tín hữu trong phạm vi Hội Thánh. Họ có thể là những người đã tỉnh ngộ, và qua những hành động đúng đắn, can đảm của mình, đã thức tỉnh lương tri và lương tâm mọi người, bất chấp những đòn thù hèn hạ, những vụ xét xử oan sai, tự nguyện biến mình thành Những Tù Nhân Lương Tâm, để “cổ võ cho chân lý, cho tự do, công bình và bác ái.”
Đức Giêsu đã ví Nước Trời giống như chuyện ông chủ vườn nho mướn thợ vào những giờ khắc khác nhau trong ngày. Điều này cho thấy ông quan tâm đến vườn nho của mình và tạo cơ hội để những người ông gặp, được hưởng nhờ ân lộc.
Những người thợ làm vườn, dù được mời gọi lúc tảng sáng hay lúc chiều tà, được ông trả lương cân xứng, không có sự bóc lột, hoặc bất công. Tất cả được hưởng sự quan tâm, thương cảm của ông.
Nước Trời, như dụ ngôn vườn nho Đức Giêsu thiết lập ở trần gian, chính là Hội Thánh. Hội Thánh là Lời Mời Gọi mọi người vào làm việc trong đó, bất kể thời đại nào, mọi công sức bỏ ra sẽ được Chúa tưởng thưởng xứng đáng, vì Người là Đấng công bằng vô cùng và lại giầu lòng từ bi, nhân ái.
Hội Thánh, từ lúc Đức Giêsu thiết lập đến nay hơn hai ngàn năm, luôn có những người thợ cần mẫn với công việc. Họ xuất thân từ các địa vị xã hội khác nhau như vua chúa, quan quyền, quý tộc, thương gia, nông dân, công nhân… từ trí thức đến bình dân, người khỏe mạnh hoặc đau yếu, đều được lời mời gọi.
Những con người tiêu biểu ấy đã được vinh hiển, là các thánh của Chúa.
Những người thợ trung thành với Tin Mừng, can đảm làm chứng cho Chúa, dù phải hy sinh mạng sống như các thánh Tử Vì Đạo;
những người thợ kiên vững trong sứ vụ, bất chấp mọi gian khổ, khó khăn, để nên gương sáng cho đoàn chiên, như các thánh Mục tử;
những người thợ cương quyết sống đúng theo Luật Chúa và những gì Hội Thánh dạy, không chạy theo những cám dỗ của thế gian, tìm lợi lộc từ việc thờ cúng các ngẫu tượng, thắng được tính xác thịt, những tật xấu, như các thánh nam nữ;
những người thợ trung trinh với đức khiết trinh Kitô giáo, quyết không bán mình cho những thứ chủ thuyết nhục dục đồi bại, vô luân như các thánh Đồng Trinh; những người thợ hiến mình cho công việc bác ái, giáo dục, những bậc vợ chồng, gắn bó với nhau trong sự bền vững của hôn nhân gia đình, trong sự giáo dục con cái nên người và trở nên con cái của Thiên Chúa.
Vườn nho của Thiên Chúa không chỉ bó hẹp trong phạm vi những sinh hoạt trong Hội Thánh, mà còn lan ra đến khắp mọi nơi, mọi thời, mọi dân tộc, quốc gia, mọi thể chế, mọi nền văn hóa. Vì nếu Đức Giêsu đã sai các môn đệ rao giảng Tin Mừng khắp thế gian, thì thế gian chính là vườn nho của Chúa, là nơi Chúa, ngang qua Hội Thánh vẫn mời gọi mọi người vào làm, vào mọi lúc, để thụ hưởng những ân huệ cao cả Chúa ban.
Hội Thánh không phải là một cơ cấu khép kín, mà mở ra cho mọi người. Mở ra, chính là sứ mạng đem Đạo vào Đời.
Đem đạo vào đời, theo ý nghĩa chúng ta vẫn nói, là phục vụ con người và xã hội. Một người tín hữu tốt, theo như định nghĩa của ĐTC Bênêđictô và được xác định bởi Đức Thánh Cha Phanxicô, là một tín hữu tuyệt đối không thể từ chối tham gia vào “chính trị”. Chính trị tức là những hoạt động đa dạng về kinh tế, xã hội, luật pháp, hành chánh, văn hóa, một nền chính trị có mục đích cổ võ công ích một cách có tổ chức và qua các định chế.
Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo 2, trong Tông huấn Kitô hữu Giáo dân, số 11 đã nói: “Các Nghị Phụ Thượng-hội-đồng đã nhiều lần khẳng định: tất cả và từng người đều có quyền và bổn phận tham gia vào chính trị ; sự tham gia này có thể rất khác nhau và bổ túc cho nhau về hình thức, về mức độ, về công tác và trách nhiệm. Những lời tố cáo về óc địa vị, tệ sùng bái quyền hành, tính ích kỷ và sự tham nhũng thường được đưa ra để chống lại các người của chính quyền, của quốc hội, của giai cấp thống trị, của các đảng phái chính trị, cũng như ý kiến khá phổ biến cho rằng, chính trị nhất thiết là lãnh vực nguy hiểm về luân lý, tất cả những điều ấy không có chút nào biện minh cho thái độ hoài nghi, cũng như chủ trương không tham gia của người kitô-hữu đối với vấn đề chính trị.”
Nếu, cũng theo lời Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trong Tông Huấn Giáo Dân, số 11: “Giáo dân không thể dửng dưng, xa lạ hay biếng nhác trước tất cả những gì hủy hoại và gây phương hại đến hòa bình như, bạo lực, chiến tranh và khủng bố, các trại tập trung, việc quân sự hóa chính trị, chạy đua vũ trang, hiểm họa hạt nhân. Thì ngược lại, với tư cách là những môn đệ của Đức Giêsu-Kitô, Đấng là “Hoàng Tử bình an” (Is 9,5) và “Bình An của chúng ta” (Ep 2,14), giáo dân phải đảm nhận công việc của những người “xây dựng hòa bình” (Mt 5,9), bằng việc hoán cải tâm hồn cũng như bằng hành động cổ võ cho chân lý, cho tự do, công bình và bác ái, là những nền tảng không thể tước bỏ của hòa bình”.
Như thế, chúng ta, trong tư cách là những người thợ được Chúa mời gọi vào làm vườn nho của Chúa hôm nay, phải nhận ra như một sứ mạng, trách nhiệm cổ võ cho chân lý, cho tự do, công bình và bác ái. Như có lời cầu nguyện:
Nơi nào có gian tà và dối trá, xin cho chúng con biết rao truyền Chân lý.
Nơi nào có xiềng xích, gông cùm, xin cho chúng con biết lên tiếng cho tự do.
Nơi nào có bất công và đàn áp, xin cho chúng con liên đới với nhau để giành lại sự công bằng.
Nơi nào có oán thù, ghét ghen, xin cho chúng con biết lấy tình thương xóa bỏ hận thù.
Xác định phạm vi toàn cầu của “Vườn nho của Thiên Chúa” như thế, bài Tin Mừng còn nhấm đến những người thợ giờ cuối cùng “thứ mười một”. Những người này chưa biết nhiều về Vườn nho, chưa hiểu lắm về thịnh tình của ông chủ, chưa góp nhiều phần công sức, mà vẫn được ân ban dồi dào.
Những người thợ này, có thể nói, không chỉ bó hẹp những tín hữu trong phạm vi Hội Thánh. Họ là những người đã tỉnh ngộ, và qua những hành động đúng đắn, can đảm của mình, đã thức tỉnh lương tri và lương tâm mọi người, bất chấp những đòn thù hèn hạ, những vụ xét xử oan sai, tự nguyện biến mình thành Những Tù Nhân Lương Tâm, để “cổ võ cho chân lý, cho tự do, công bình và bác ái.”
Ông Henri David Thoreau, nhà văn và triết gia người Mỹ, người cổ vũ cho hành vi Bất Tuân Dân Sự đã nói: “Khi chính phủ bỏ tù người dân một cách bất công, thì nhà tù sẽ là ngôi nhà cho những người công chính”.
Những lời của ông Thoreau như đang ứng với bối cảnh xã hội hiện tại ở Việt Nam. Ông còn nói: “Một chính phủ tốt nhất là một chính phủ không cai trị, và khi mọi người đã sẵn sàng cho chuyện đó thì kiểu chính phủ như vậy sẽ ra đời.”
Tiếc thay, điều đó, cho đến nay chưa có tại Việt Nam, dù đã có những tín hiệu tích cực như, sự liên đới chống lại những sự nhũng nhiễu, hạch sách của chính quyền, như việc các tài xế dùng tiền lẻ để chống lạm thu và những sai trái, bất minh trong các dự án BOT, việc hàng ngàn công nhân ở một xí nghiệp ở Thanh Hóa đã bãi công để phản ứng lại với những quy định bất công của giới chủ, việc phanh phui những điều khuất tất trong hành vi chống tham nhũng của nhà nước.
Đức Giáo hoàng Phanxicô, trong Tông sắc Năm Thánh Lòng Thương xót, số 19, viết: “Tham nhũng – vết thương đang làm mưng mủ xã hội, chính là một trọng tội đang kêu thấu tới trời, vì nó hủy hoại nền tảng của cuộc sống cá nhân và xã hội. Tham nhũng cướp đi niềm hy vọng vào tương lai của con người, vì trong sự tàn nhẫn và trong sự thèm muốn của mình, nó hủy hoại những kế hoạch tương lai của những người yếu đuối, và nghiền nát những người nghèo. Đó là một tội ác, mà nó bắt đầu với việc xâm nhập vào trong những điều nho nhỏ trong cuộc sống hằng ngày, rồi sau đó phát tán một cách rộng rãi, và đôi khi trở nên rõ ràng như trong những vụ việc lớn.
Đức Thánh Cha Phanxicô còn nói: “Sự tham nhũng chính là một sự ở lỳ trong tội lỗi, mà tội lỗi ấy nhắm tới việc thay thế Thiên Chúa với ảo tưởng về quyền năng của tiền bạc. Nó là một công việc của bóng tối, được hỗ trợ bởi sự nghi kỵ và những mưu ma, chước quỷ. Thánh Grê-gô-ri-ô Cả đã nói với lý do chính đáng rằng, Corruptio optimi pessima (tham nhũng điều tốt nhất, là một sự tồi tệ nhất). Ngài nói như thế để chỉ ra rằng, không có người nào được miễn nhiễm khi đối diện với cơn cám dỗ ấy. Và để loại trừ nó ra khỏi cuộc sống riêng tư cũng như cuộc sống công cộng, đòi hỏi phải có sự khôn ngoan, sự cảnh giác, sự trung thành với luật lệ, cũng như phải có tính minh bạch và sự can đảm, để đặt ngón tay vào trong vết thương. Ai không chiến đấu một cách công khai với sự tham nhũng thì sớm muộn gì người ấy cũng sẽ trở thành những kẻ đồng lõa, và rồi sẽ hủy hoại cuộc sống.”
Trước tình cảnh đất nước ngày càng băng hoại, nợ công tăng cao, bất ổn leo thang, những người lên tiếng cho bất công thì bị bắt bớ giam cầm cách bất công, đáp lại lời mời gọi của Chúa hôm nay”Cả các anh nữa, hãy vào làm vườn nho cho ta” (Mt 20,1-16), trong thánh lễ cầu nguyện cho công lý – hòa bình tối nay, như lời Mẹ Têrêxa Calcuta nói: “Trong cuộc sống này, chúng ta không thể làm những điều vĩ đại. Chúng ta chỉ có thể làm những điều nhỏ bé với một Tình yêu vĩ đại mà thôi”, chúng ta cùng hiệp thông với nhau để:
– Cầu cho nhân dân cả nước không phân biệt chính kiến, tôn giáo, cùng đoàn kết một lòng, chung tay xây dựng một Việt Nam giầu mạnh, ấm no.
– Cách riêng, cầu nguyện cho các tù nhân lương tâm, như luật sư Nguyễn Văn Đài, ký giả Trương Minh Đức, cô Thu Hà … cùng nhiều tù nhân lương tâm khác, đã can đảm hy sinh ích riêng cho một Việt Nam dân chủ, tự do, đã bị bắt giữ trái pháp luật thời gian qua; xin cho họ được can đảm làm chứng cho công lý sự thật, và sớm được trả tự do.
Amen.
Jos. Ngô Văn Kha, C.Ss.R.
(Bài giảng trong Thánh Lễ cầu nguyện cho Công lý tại Thái Hà – 24/9/2017)