Những người chống đối Giáo hội của Đức Phanxicô

Hiện nay, có một nhóm đối lập mạnh mẽ chống lại Giáo hội của Đức Phanxicô: các giáo dân, các thần học gia, các giám mục và các hồng y, những người muốn ngài từ chức hoặc biến mất nhanh chóng và đang chờ đợi một cơ mật viện mới để thay đổi tiến trình của Giáo hội hiện tại.

Francisco-multitud_2052104871_12019730_660x371

Victor Codina, tác giả của bài viết này, là người gốc Tây Ban Nha. Năm 1948, ông gia nhập Dòng Tên; ông đã hoàn thành nghiên cứu về triết học và thần học ở Barcelona, Innsbruck, Roma và Paris. Sau một thời gian dạy thần học ở Barcelona, ông sống ở Mỹ Latinh từ đầu những năm 1970. Ông cư trú tại Bolivia từ năm 1982, và giảng dạy tại Đại học Công giáo Bolivia. Ông là tác giả của nhiều tác phẩm thần học. Bài viết sau đây đã được xuất bản trên Iglesia viva (ngày 1 tháng 8 năm 2019).

Dẫn nhập lịch sử

Đây không phải là lần đầu tiên, cũng không phải là chuyện gì lạ, khi trong Giáo hội có những nhóm bất đồng và chống đối, bắt đầu với việc Phaolo đối mặt với Kêpha tại Antiokhia (Gl 2,14) và kéo dài cho đến ngày nay.

Những bất đồng đã xảy ra từ các Công đồng đầu tiên và cho đến hai Công đồng gần đây nhất. Tại Công đồng Vatican I (1870), một nhóm các giám mục và các nhà thần học đã phản đối việc định tín về ơn vô ngộ của Đức Giáo hoàng. Một số người không chấp nhận Công đồng và tách khỏi Roma, làm phát sinh cái gọi là Cựu chiến binh Công giáo. Những người khác thì, tuy không từ bỏ Giáo hội, nhưng không muốn tham gia cũng không ủng hộ cuộc bỏ phiếu cuối cùng của Công đồng về ơn vô ngộ, và một số người trong số họ đã rất bất mãn, đến nỗi ném tất cả các tài liệu của Công đồng xuống sông Tiber.

Một thế kỷ sau (1970), vấn đề vô ngộ lại xuất hiện, với những tranh chấp thần học giữa một bên là tiếng nói phê phán của Hans Küng, và bên kia là Karl Rahner, Walter Kasper và các nhà thần học khác tại Đức ủng hộ Công đồng. Cuộc tranh cãi tiếp tục giữa các nhà phê bình Vatican I, như A.B. Hasler môn đệ của Küng, và các nhà sử học nổi tiếng khác như Yves Congar, Hoffman và Walter Kasper. Küng đã bị cấm giảng dạy thần học.

Papa-Pio-XII_2100700040_9843033_667x375

Đức Pio XII

Thời Đức Pio XII, khi Đức Giáo hoàng công bố thông điệp Humani generis vào năm 1950 chống lại cái gọi là Nouvelle théologie, thì một số nhà thần học Dòng Tên của Fourvière-Lyon như Henri de Lubac và Jean Daniélou và một số nhà thần học Dòng Đaminh của Le Saulchoir-Paris, như Yves Congar và Dominique Chénu, đã bị sa thải. Sau đó, một số trong các vị này đã trở thành “chuyên gia” tại Công đồng Vatican II do Đức Giáo hoàng Gioan XXIII triệu tập.

Trong thời Vatican II, một phe đối lập mạnh mẽ đã phát triển, dẫn đầu là giám mục người Pháp Marcel Lefèbvre. Ông đã từ chối Công đồng Vatican II vì coi đó là chủ nghĩa tân hiện đại và tân Tin lành, và cuối cùng bị Đức Gioan Phaolo II ra vạ tuyệt thông, khi ông phong chức cho một số giám mục thuộc Huynh đoàn Pius X, mà không được phép của Roma.

Đức PhaoloVI, sau thông điệp Humanae vitae năm 1968 về kiểm soát sinh sản, đã bị nhiều Hội đồng Giám mục tranh luận một cách tôn trọng, tuy họ không phủ nhận các giá trị của nội dung thông điệp, nhưng đòi hỏi phải có cái nhìn toàn diện và rõ ràng hơn.

Trong các triều đại giáo hoàng của Đức Gioan Phaolo II và Đức Benedicto XVI, hơn 100 nhà thần học đã bị điều tra, khuyên răn, bịt miệng, một số đã bị truất phế khỏi ghế giáo sư thần học và có một người thậm chí đã bị vạ tuyệt thông.

Lời mở đầu về lịch sử này giúp chúng ta không phải ngạc nhiên khi thấy ngày nay, trước dung mạo mới của Giáo hội mà Đức Phanxicô đang đề xuất, xuất hiện những tiếng nói bất hòa và phê phán trái ngược hoàn toàn với lập trường của Đức Giáo hoàng.

Lịch sử cho thấy rõ ràng rằng những kiểu loại và định hướng của sự chống đối luôn phụ thuộc vào thời khắc lịch sử mà chúng xuất hiện: đó là những tiếng nói tiến bộ và ngôn sứ trong những thời khắc của chọn lựa giữa Kitô giáo cổ xưa hoặc tân Kitô giáo, và những tiếng nói phản động, cực đoan và bảo thủ trong những khoảnh khắc của một cuộc cải cách Giáo hội, vốn muốn trở về với các nguồn mạch Tin Mừng và theo phong cách của Chúa Giêsu.

Những lời phê phán Đức Phanxicô

capitanes-oposicion-Papa_2046705388_12042643_667x375Hiện tại có một nhóm đối lập mạnh mẽ chống lại Giáo hội của Đức Phanxicô: các giáo dân, các thần học gia, các giám mục và các hồng y, những người muốn ngài từ chức hoặc biến mất nhanh chóng và đang chờ đợi một cơ mật viện mới để thay đổi tiến trình của Giáo hội hiện tại.

Chúng tôi không muốn thực hiện ở đây một cuộc điều tra lịch sử – xã hội, chứ đừng nói đến một chương trình truyền thông, theo kiểu phương Tây, giữa tốt và xấu, vì vậy chúng tôi không muốn đề cập tên tuổi của các đối thủ ngày nay đang muốn “lột da” Đức Phanxicô, mà chỉ nói đến những đường nét cơ bản của các dòng thần học làm cơ sở cho sự đối lập có hệ thống này đối với Đức Phanxicô, và cho biết lý do của cuộc tranh luận.

Những lời chỉ trích Đức Phanxicô thuộc hai bình diện, một bình diện thuộc thần học và một bình diện khác khá đậm tính chính trị – xã hội, mặc dù, như chúng ta sẽ thấy sau này, nhiều lần cả hai dòng hội tụ chung về một mối.

1. Phê phán về thần học

Sự phê phán về thần học bắt đầu từ luận điểm cho rằng Đức Phanxicô không phải là một nhà thần học, mà chỉ là một người đến từ miền Nam, từ tận cùng thế giới, và sự thiếu chuyên nghiệp về thần học này giải thích sự thiếu chính xác của ngài và thậm chí cả những sai lầm của ngài về giáo lý.

Sự thiếu chuyên nghiệp về thần học này của Đức Phanxicô bị đem ra so sánh với năng lực hàn lâm của Đức Gioan Phaolo II và tất nhiên là của Đức Josef Ratzinger-Benedicto XVI.

Sự thiếu chuyên nghiệp về thần học của Đức Phanxicô giúp giải thích những tuyên bố nguy hiểm của ngài về lòng thương xót của Thiên Chúa trong Misericordiae vultus (MV), khuynh hướng thân cộng sản  của ngài trong lập trường đối với người nghèo và các phong trào bình dân, và việc coi lòng đạo đức bình dân như một cảnh vực thần học trong Evangelii gaudium (EG 197-201); sự thiếu chuyên nghiệp về thần học luân lý giúp hiểu việc mở cửa bí tích hoà giải và bí tích Thánh Thể, trong một số trường hợp, cho sự phân định của cá nhân và của Giáo hội đối với các cặp vợ chồng Công giáo ly dị và tái hôn, như xuất hiện trong một ghi chú của chương thứ tám của Amoris laetitia (AL 305, ghi chú 351); sự thiếu năng lực khoa học và sinh thái của ngài được thể hiện trong thông điệp về việc chăm sóc ngôi nhà chung (Laudato si’); và ngài đã gây xì căng đan khi nhấn mạnh quá mức vào lòng thương xót của Thiên Chúa (Misericordiae vultus), đến nỗi làm giảm giá ân sủng và thập giá của Chúa Giêsu.

Đối mặt với những lời buộc tội này, tôi muốn nhớ lại một tuyên bố kinh điển của Thomas Aquinas,[1] phân biệt giữa cattedra magisteriale của các giáo sư thần học của các trường đại học, và cattedra pastorale của các giám mục và các mục tử của Giáo hội. Newman lấy lại truyền thống này khi nói rằng, mặc dù đôi khi giữa hai ngai toà ấy có thể có sự căng thẳng, nhưng cuối cùng vẫn có sự hội tụ giữa chúng.

Sự phân biệt này được áp dụng cho Đức Phanxicô, là người, mặc dù với tư cách là một tu sĩ Dòng Tên dưới tên gọi Cha Jorge Mario Bergoglio, ngài đã từng nghiên cứu và giảng dạy thần học mục vụ tại San Miguel de Buenos Aires, nhưng giờ đây, những lời tuyên bố của ngài thuộc về cattedra pastorale của vị Giám mục Rôma. Ngài không ngồi trên ngai toà này như một nhà thần học, mà là một mục tử. Như đã được nói với một sự hài hước nhất định, chúng ta phải chuyển từ Bergoglio của lịch sử sang Phanxicô của lòng tin.

Điều cơ bản gây khó chịu cho những kẻ gièm pha Đức Phanxicô là sự kiện rằng thần học của ngài bắt đầu từ thực tế, từ thực tế của bất công, nghèo đói và sự hủy diệt thiên nhiên và từ thực tế của chủ nghĩa duy giáo sĩ trong Giáo hội.

Ngài không làm phiền ai khi ôm lấy trẻ em và những người bệnh, nhưng ngài gây phiền khi đến thăm Lampedusa và các trại tị nạn và những người di cư như ở Lesvos; ngài gây khó chịu khi nói rằng chúng ta không được xây bức tường chống lại người tị nạn mà phải xây chiếc cầu của đối thoại và hiếu khách; thật khó chịu khi, theo bước thánh Gioan XXIII, ngài khẳng định rằng Giáo hội phải nghèo và phải là của những người nghèo, rằng các mục tử phải mang mùi chiên, rằng Giáo hội phải là một Giáo hội hướng ngoại đi ra ngoại biên, và rằng những người nghèo là một cảnh vực thần học.

Ngài gây khó chịu khi nói rằng chủ nghĩa duy giáo sĩ là bệnh cùi tàn phá  Giáo hội và liệt kê 14 cám dỗ tại giáo triều Vatican, bao gồm từ sự tự cho mình là quan trọng và cần thiết cho đến sự thèm khát vinh hoa phú quý, cuộc sống hai mặt và bệnh Alzheimer tâm linh.

Thật khó chịu khi ngài còn nói thêm rằng đây cũng là những cám dỗ tại các giáo phận, các giáo xứ và các cộng đồng tu sĩ.

Thật đáng bực mình khi ngài nói rằng Giáo hội phải là một kim tự tháp ngược, với giáo dân ở trên đỉnh và giáo hoàng và giám mục ở phía dưới; và ngài cũng nói rằng Giáo hội là đa diện và trên hết là công nghị, và tất cả chúng ta phải bước đi cùng nhau, và chúng ta phải lắng nghe nhau và phải đối thoại với nhau; thật khó chịu khi trong Episcopalis Communio ngài nói về Giáo hội công nghị và về sự cần thiết phải lắng nghe nhau.

Cha Gustavo

Cha Gustavo

Các nhóm bảo thủ đã phát điên lên khi Đức Phanxicô cảm ơn Gustavo Gutiérrez, Leonardo Boff, Jon Sobrino, José María Castillo vì những đóng góp thần học của họ và khi ngài hủy bỏ việc đình chỉ a divinis đối với Miguel d’Escoto và Ernesto Cardenal; thật đáng ngạc nhiên khi trả lời cho Küng, khi ông ta viết cho Đức Phanxicô về sự cần thiết phải suy nghĩ lại về ơn vô ngộ, ngài đã gọi ông ta là “người anh em thân yêu” (Lieber Mitbruder) và nói sẽ sẵn sàng thảo luận về ơn vô ngộ khi xem xét các ý kiến của ông ta,.

Và điều làm phiền nhiều người là Đức Phanxicô đã tuyên thánh cho Romero, vị giám mục tử đạo người Salvador, bị nhiều người buộc tội là một tên cộng sản và một tên ngốc hữu ích cho phe cánh tả, và án tuyên thánh đã bị chặn lại trong nhiều năm.

Đức Phanxicô gây bực mình khi nói rằng ngài không kết án người đồng tính, khi khẳng định rằng Giáo hội là nữ tính và rằng nếu phụ nữ không được lắng nghe, Giáo hội sẽ vẫn nghèo nàn và thiên vị.

Lời kêu gọi của ngài về lòng thương xót, một lòng thương xót là cốt lõi của mặc khải Kinh thánh, đã không ngăn cản ngài nói về sự tuyệt đối không khoan dung đối với tệ nạn lạm dụng của các thành viên quan trọng của Giáo hội đối với trẻ vị thành niên và phụ nữ, rằng đó là một tội ác ghê tởm, cần phải xin Thiên Chúa và các nạn nhân tha thứ, rằng sự im lặng là đồng lõa và đó là tội lỗi của phẩm trật, rằng phải cố gắng sửa chữa, phải bảo vệ giới trẻ và thiếu nhi bằng cách ngăn chặn tội ác ấy xảy ra lần nữa. Và bàn tay của ngài đã không run rẩy khi ngài giáng cấp và loại bỏ khỏi hàng giáo sĩ bất cứ thủ phạm nào, dù có thể đó là hồng y, khâm sứ, giám mục hoặc linh mục.

Rõ ràng ngài không phải là một nhà thần học, nhưng thần học của ngài là mục vụ: Đức Phanxicô chuyển từ giáo điều sang kerygma, từ các nguyên tắc lý thuyết sang sự biện phân mục vụ và tâm linh. Và thần học của ngài không phải là thứ thần học thực dân, mà là của miền Nam, và điều này làm xáo trộn miền Bắc.

2. Phê phán về chính trị – xã hội

Đối mặt với những người buộc tội Đức Phanxicô là người của thế giới thứ ba và cộng sản, cần phải khẳng định rằng các thông điệp của ngài  liên tục một cách hoàn hảo với truyền thống ngôn sứ, Kinh Thánh và với học thuyết xã hội của Giáo hội.

Francisco-Curia-Romana-Ejercicios-Espirituales_2103099710_9861702_667x375Điều gây khó chịu là khả năng thẩm thấu đậm chất ngôn sứ của ngài: nói không với một nền kinh tế loại trừ và bất bình đẳng, nói không với một nền kinh tế sát nhân, nói không với một nền kinh tế không có dung mạo con người, nói không với một hệ thống kinh tế và xã hội bất công kết tinh thành các cấu trúc xã hội bất công, nói không với toàn cầu hóa sự thờ ơ, nói không với sự tôn thờ tiền bạc, nói không với đồng tiền chi phối hơn là phục vụ, nói không với bất bình đẳng tạo ra bạo lực, nói không với ‘sự vô cảm xã hội’ làm tê liệt chúng ta khi đối mặt với sự đau khổ của người khác, nói không với vũ khí và ngành công nghiệp chiến tranh, nói không với tệ nạn buôn người và bất kỳ hình thức nào gây ra tử vong (EG 52-75).

Đức Phanxicô không làm gì khác ngoài việc cập nhật điều răn không được giết người mà phải bảo vệ giá trị của sự sống con người từ giây phút đầu tiên đến giây phút cuối cùng; và ngài lặp lại cho chúng ta ngày nay câu hỏi của Đức YHWH với Cain: “Em của ngươi đâu?”.

Hơn nữa, ngài làm xáo trộn khi chỉ trích mô hình lấy con người làm trung tâm và đề cao kỹ trị, điều đang hủy hoại thiên nhiên, gây ô nhiễm môi trường, tấn công sự đa dạng sinh học và loại trừ người nghèo và người bản địa khỏi cuộc sống xứng với con người (LS 20-52).

Ngài làm phiền các công ty đa quốc gia khi ngài chỉ trích các công ty lâm nghiệp, dầu mỏ, thủy điện và đầu tư là những kẻ phá hủy môi trường, hủy hoại dân bản địa và đe dọa tương lai của ngôi nhà chung của chúng ta. Ngài quấy rối khi chỉ trích các nhà lãnh đạo chính trị không có khả năng đưa ra các nghị quyết can đảm (LS 53-59).

Và ngài bắt đầu gây khó chịu khi cho thông báo về Thượng hội đồng sắp diễn ra vào tháng 10 năm 2019 về vùng Amazon như là một ví dụ cụ thể về nhu cầu bảo vệ môi trường và cứu các nhóm người Amazon bản địa trước nạn diệt chủng. Một số chức sắc cao cấp của Giáo hội đã khẳng định rằng Instrumentum laboris hay Tài liệu chuẩn bị của Thượng hội đồng là một tài liệu dị giáo, một tài liệu theo thuyết phiếm thần và phủ nhận sự cần thiết của ơn cứu rỗi trong Chúa Kitô.

Các nhà bình luận khác chỉ tập trung vào đề xuất phong chức linh mục cho những người đàn ông bản địa đã có vợ để họ có thể cử hành Bí tích Thánh Thể ở những vùng xa xôi của Amazon, nhưng những nhà bình luận ấy lại hoàn toàn phớt lờ lời tố cáo mang tính ngôn sứ của Tài liệu chuẩn bị này khi nó chống lại sự hủy diệt do sự khai thác quá độ đang gây ra ở Amazon, đó là nguyên nhân của nghèo đói và sự loại trừ người bản địa, vốn có lẽ chưa bao giờ bị đe dọa kinh khủng như ngày nay.

Để kết luận

Không còn nghi ngờ gì nữa, có sự hội tụ giữa sự phê phán về thần học và sự phê phán về xã hội đối với Đức Phanxicô, các nhóm phản động trong Giáo hội sánh bước với các nhóm kinh tế và chính trị hùng mạnh, đặc biệt là ở miền Bắc. Chúng ta cũng có thể hỏi liệu vụ nổ quả bom lạm dụng tình dục gần đây, vốn có ảnh hưởng trực tiếp đến hình ảnh của Đức Phanxicô, người đồng thời vừa là một vị mục tử cải cách Giáo hội vừa là một nhà lãnh đạo thế giới, có phải là một sự ngẫu nhiên thuần túy và một sự trùng hợp đơn giản hay không.

fullsizeoutput_4ceCuối cùng, sự phản đối Đức Phanxicô là sự phản đối Công đồng Vatican II và cuộc cải cách theo Tin Mừng của Giáo hội mà Thánh Gioan XXIII muốn thúc đẩy. Đức Phanxicô đặt mình vào hàng ngũ các ngôn sứ muốn cải tổ Giáo hội, cùng với các thánh Phanxicô Assisi, Ignatius Loyola, Catherine xứ Siena và Teresa Chúa Giêsu, Angelo Roncalli, Helder Cámara, Dorothy Stang, Pedro Arrupe, Ignazio Ellacuría và giám mục Nonagenario Casaldáliga.

Đức Phanxicô vẫn còn nhiều lý lẽ nổi bật cho một cuộc cải cách theo Tin Mừng của Giáo hội. Chúng tôi không biết quỹ đạo tương lai của nó sẽ là gì, cũng như những gì sẽ xảy ra trong cơ mật viện tiếp theo.

Các giáo hoàng qua đi, nhưng Chúa Giêsu vẫn tiếp tục hiện diện và nâng đỡ Giáo hội cho đến tận thế, một Giêsu bị coi là kẻ háu ăn và tên say rượu, một người giao du với đám tội nhân và gái mại dâm, một người bị quỷ ám, bị điên khùng, thô tục và phạm thượng. Và chúng tôi tin rằng Thần Khí của Đức Chúa ngự xuống Giáo hội nguyên thủy vào Lễ Ngũ tuần sẽ không bao giờ từ bỏ Giáo hội, và cuối cùng sẽ không cho phép tội lỗi chiến thắng trên sự thánh thiện.

Và trong khi đó, như Đức Phanxicô luôn yêu cầu, từ lần xuất hiện đầu tiên trên ban công của Đền Thánh Phêrô tại Vatican với tư cách là Giám mục của Roma cho đến hôm nay, chúng ta hãy cầu nguyện cho ngài, ngõ hầu niềm hy vọng của ngài không bị thất bại và ngài có thể củng cố đức tin của anh em mình. Và nếu chúng ta không thể cầu nguyện hoặc không phải là tín hữu, thì ít nhất chúng ta cũng hãy hy vọng rằng ngài đang ở trong tình trạng tốt.

Víctor Codina, sj.

Ngọc Huỳnh chuyển ngữ

[1]Quodlibet  III,9, ad 3;In IV Sent, d 19,2.2 1 q 2 ad 1

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết