Hình ảnh về sự đa nguyên và khoan dung của Bangladesh đã bị nhơ nhuốc bởi sự gia tăng trầm trọng của chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo trong những năm gần đây.
Các nhà lãnh đạo Bangladesh của các tín ngưỡng khác nhau hy vọng chuyến viếng thăm sắp tới của ĐTC Phanxicô sẽ thúc đẩy sự hòa hợp và khoan dung ở quốc gia đa số là Hồi giáo này.
Tuy nhiên, một nhóm Hồi giáo không khoan nhượng đã cảnh báo rằng họ sẽ phản đối nếu như ĐTC Phanxicô lên tiếng hoặc làm bất cứ điều gì “không mong đợi và không thể chấp nhận được”.
Chuyến viếng thăm từ ngày 30/11 đến 2/12 sắp tới sẽ là chuyến viếng thăm thứ ba của một vị Giáo Hoàng đến một quốc gia đông dân và nghèo nàn này.
Đức Phaolô VI đã thực hiện một chuyến dừng chân vào năm 1970 kéo dài vài tiếng đồng hồ tại Đông Pakistan (nay là Bangladesh) để bày tỏ sự cảm thông đối với các nạn nhân của một cơn bão tàn phá. Và Đức Gioan Phaolô II đã viếng thăm quốc gia Bangladesh độc lập vào ngày 19 tháng 11 năm 1986.
Trong chuyến viếng thăm sắp tới tới thủ đô Dhaka, ĐTC Phanxicô sẽ gặp Thủ tướng Sheikh Hasina và Tổng thống Abdul Hamid cũng như các thành viên của các cơ quan ngoại giao và xã hội dân sự.
Ngài cũng sẽ bày tỏ thái độ tôn kính tại hai đài tưởng niệm quốc gia.
ĐTC Phanxicô sẽ cử hành Thánh Lễ cho hơn 100.000 người tại Dhaka, nơi mà Ngài sẽ truyền chức Linh mục cho 16 Phó tế.
ĐTC Phanxicô cũng sẽ tham dự các buổi hội nghị liên tôn và đại kết, sau đó Ngài sẽ dừng chân ghé thăm một cơ sở của Dòng Thừa Sai Bác Ái, một Hội Dòng do chính Thánh Têrêsa Calcutta thành lập.
Một dịp để tán dương các giá trị, sự hân hoan và tình yêu
Chuyến thăm của ĐTC Phanxicô cũng sẽ đánh dâu kỷ niệm 46 năm mối quan hệ ngoại giao giữa Vatican và Bangladesh, Đức Hồng y Patrick D’Rozario Địa phận Dhaka cho biết.
Vatican là một trong những quốc gia đầu tiên công nhận Bangladesh sau khi giành được độc lập từ Pakistan vào năm 1971, sau đó là các mối quan hệ ngoại giao đầy đủ thông qua việc bổ nhiệm Sứ Thần Tòa Thánh vào năm 1973.
Mối quan hệ này dựa trên các giá trị phổ quát như tinh thần bác ái và phẩm giá con người, vượt qua mọi sắc tộc và lĩnh vực chính trị, Đức Hồng Y D’Rozario phát biểu với ucanews.com
Vị giám chức đã lưu ý đến những biểu hiện của sự cảm thông quốc tế khi Bangladesh bị ảnh hưởng bởi thiên tai cũng như những thảm kịch chẳng hạn như việc tòa nhà Rana Plaza sụp đổ vào năm 2013 khiến cho hơn 1.100 người thiệt mạng.
“Tôi đã cảm nhận được cảm giác hân hoan nơi mọi người dân, những người đang háo hức để có được một cuộc gặp gỡ với một vị lãnh đạo là biểu tượng của sự hiệp nhất của Giáo hội”, ĐHY D’Rozario nói.
“Họ sẽ hòa mình vào đám đông như những người hành hương để có thể nhìn thấy Ngài như là nhìn thấy Đức Kitô hữu hình nơi thế giới”.
Giáo sĩ Maolana Fariduuddin Masoud, Chủ tịch nhóm Hồi giáo tự do Bangladesh mang tên Jamiyat-ul-Ulema (Hội đồng các Giáo sĩ), cho hay tình yêu và tinh thần hiếu khách sẽ được nhấn mạnh trong chuyến viếng thăm này.
“Đức Giáo Hoàng Phanxicô là một nhân vật thánh thiện và là một nhà lãnh đạo toàn cầu, vì vậy tất cả mọi người dân đều hết sức vinh dự để được đón tiếp Ngài tại Bangladesh và họ sẽ cho Ngài cảm nhận được một tình yêu tràn ngập nơi đây”, giáo sĩ Masoud phát biểu với ucanews.com
Thúc đẩy đối thoại và hòa hợp chống lại chủ nghĩa cực đoan
Hình ảnh về sự đa nguyên và khoan dung của Bangladesh đã bị nhơ nhuốc bởi sự gia tăng trầm trọng của chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo trong những năm gần đây.
Kể từ năm 2013, các chiến binh Hồi giáo đã giết hại khoảng 50 người bao gồm các blogger, các nhà văn và các nhà xuất bản vô thần, các nhà hoạt động đồng tính, những người Hồi giáo tự do, một số người thuộc các nhóm tôn giáo thiểu số và người nước ngoài.
Một cuộc trấn áp của chính phủ đã chứng kiến khoảng 70 chiến binh bị giết hại và hàng chục người khác bị bắt.
Tuy nhiên, hầu như không có những động thái nào đã được thực hiện để chống lại hệ tư tưởng cấp tiến châm ngòi cho tình trạng bạo lực, bao gồm việc thông qua việc thúc đẩy đối thoại liên tôn.
Rana Dasgupta, một luật sư và nhà lãnh đạo Hindu tại Dhaka, cho biết rằng ĐTC Phanxicô có thể nhìn vào những thất bại trong cuộc chiến chống chủ nghĩa cực đoan của Bangladesh.
“Những kẻ cực đoan muốn tấn công vào trọng tâm của quốc gia – tính đa nguyên và hòa hợp của chúng ta; vì vậy họ đã giết hại những người có quan điểm tự do hoặc phê bình đối với tôn giáo hoặc trung thành với các tôn giáo khác”, giáo sĩ Dasgupta phát biểu với ucanews.com
“hệ tư tưởng cực đoan này không phải là một phần của nền văn hoá của chúng ta, nhưng rất ít công việc đã được thực hiện trên mặt trận này để đưa ra một hệ tư tưởng tương phản.
“ĐTC Phanxicô đã có thái độ ôn hòa đối với Hồi giáo, từ chối liên tưởng nó với chủ nghĩa khủng bố và đồng thời kêu gọi việc đối thoại giữa các tôn giáo nhằm chống lại bạo lực và chủ nghĩa cực đoan”.
Giáo sĩ Dasgupta cho biết chính phủ Bangladesh đã cố gắng thúc đẩy việc đối thoại và sự hòa hợp nhưng đã không nỗ lực đủ.
“Có lẽ vị Giáo Hoàng có thể đưa ra một số chỉ dẫn về việc làm thế nào để việc đối thoại tốt nhất có thể được sử dụng cho sự hòa hợp và hòa bình”, Giáo sĩ Dasgupta nói.
Ashoke Barua, một nhà lãnh đạo Phật giáo, cho biết chuyến viếng thăm của ĐTC Phanxicô sẽ là một lợi ích cho sự hòa hợp tôn giáo.
“Chuyến viếng thăm của ĐTC Phanxicô sẽ truyền sinh khí cho sự hòa hợp tôn giáo và đưa mọi người thuộc mọi tôn giáo đến gần nhau hơn”, nhà lãnh đạo Barua nói.
“Đây cũng chính là một cơ hội tuyệt vời để bày tỏ tinh thần hào hiệp tốt đẹp của Bangladesh cho thế giới”.
Đức Hồng Y D’Rozario cho biết rằng bất chấp những thất bại gần đây, ĐTC Phanxicô sẽ nhận ra rằng quốc gia này vẫn cam kết với sự hòa hợp và hòa bình.
“Quốc gia của chúng ta giống như một dòng sông”, ĐHY D’Rozario nói. “Đôi khi ta có thể nhìn thấy những dòng chảy mạnh mẽ do những cơn gió mạnh, nhưng ở lòng sông thì lại có sự một sự êm đềm”.
“Và điều này xuất phát từ lòng mộ đạo căn bản và tính đa nguyên của dân tộc”.
Cuộc khủng hoảng Rohingya
Bangladesh đang phải vật lộn để đối phó với dòng người tị nạn do bạo lực chống lại những người Hồi giáo Rohingya ở Myanmar. ĐTC Phanxicô dự định sẽ đề cập vấn đề một cách công khai hoặc riêng tư.
Đức Hồng Y D’Rozario lưu ý rằng Bangladesh đã thể hiện “các giá trị truyền thống” bằng cách chấp nhận việc những người Rohingya chạy trốn.
“ĐTC Phanxicô sẽ đến vì sự hòa hợp và hòa bình, không chỉ đối với những người Rohingya mà còn cho tất cả mọi người”, ĐHY D’Rozario nói. “Ngài không đến để giải quyết bất cứ vấn đề gì, nhưng chắc chắn Ngài sẽ đưa ra một thông điệp dành cho họ cũng như cho tất cả mọi người”.
Đức Hồng Y D’Rozario lưu ý rằng cuộc khủng hoảng Rohingya có các yếu tố tương tự với tình trạng bạo lực chống lại các cộng đồng bị gạt ra bên lề xã hội trên toàn cầu, bao gồm cả những nơi có liên quan đến các “cường quốc lớn của thế giới”.
“ĐTC Phanxicô không chỉ nói về những người Rohingya mà còn về những người khác đang bị bách hại và có lẽ Ngài sẽ chỉ trích những kẻ chỉ ‘rơi những giọt nước mắt cá sấu’ vì những người Rohingyas nhưng không phải cho những người khác, giống như các Kitô hữu tại Trung Đông”, vị giám chức cho biết thêm.
Một người Hồi giáo ôn hòa, ông Maolana Masoud, cho biết rằng ĐTC Phanxicô có thể không đưa ra giải pháp cho người Rohingya, nhưng Ngài vẫn có thể mang lại hy vọng cho họ.
“Hy vọng là một dấu hiệu của sự sống, vì vậy những người Rohingyas đến Bangladesh bởi vì họ muốn sống”, ông Masoud nói.
“Những người bị bách hại này biết rằng ĐTC Phanxicô quan tâm và đồng cảm với họ”.
Những người cấp tiến hoan nghênh nhưng lại hết sức thận trọng
Nhóm Hefazat-e-Islam (Những người Bảo vệ Hồi giáo) không khoan dung của Bangladesh đã thúc đẩy việc thực hiện khắt khe luật chống luật báng bổ, việc hành quyết những người theo chủ nghĩa vô thần, Hồi giáo hóa sách giáo khoa và loại bỏ những hình ảnh và các bức tượng khỏi những nơi công cộng.
Nhóm này cũng đã công kích những điều mà họ xem như việc Phúc Âm hóa Kitô giáo ở một số khu vực.
Một nhà lãnh đạo cấp cao của Hefazat hoan nghênh chuyến viếng thăm của ĐTC Phanxicô đến Bangladesh nhưng ông cho biết sẽ giám sát chặt chẽ chuyến viếng thăm này.
“Đức Giáo Hoàng Phanxicô là nhà lãnh đạo tối cao của các Kitô hữu và là người đứng đầu của nhà nước Vatican, vì vậy chúng tôi hoan nghênh Ngài đến thăm đất nước của chúng tôi”, Mufti Faizullah, thư ký của nhóm này, phát biểu với ucanews.com
“Chúng tôi sẽ theo dõi chặt chẽ những điều mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô phát biểu và thực hiện trong chuyến viếng thăm này”.
“Nếu chúng tôi nhận thấy bất cứ điều gì không mong đợi và không thể chấp nhận được, chúng tôi sẽ phản đối và đưa ra các tuyên bố nếu cần”.
Minh Tuệ chuyển ngữ