Vụ việc người dân Sầm Sơn đòi biển tạm thời lắng dịu, sau khi ông bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến trực tiếp nhận lỗi và hứa miệng sẽ để cho người dân tiếp tục neo đậu thuyền trên ngư trường truyền thống của mình.
Ngày hôm nay, truyền thông nhà nước đồng loạt đưa tin, ngư dân Sầm Sơn hồ hởi phấn khởi ra khơi sau hơn 10 ngày gác thuyền khiếu nại.
Những ngư dân hiền lành vốn chỉ biết tới gió biển, muối mặn, bao đời lang thang biển khơi, hôm nay ngẩng mặt nhìn trời sung sướng, vì tưởng rằng tiếng kêu của mình đã thấu tới thiên đình và vì được những người có chức quyền ở địa phương hứa hẹn bằng những công lệnh miệng.
Người dân Việt khắp đất nước chỗ nào cũng vậy, không riêng gì Sầm Sơn. Bất kể đã có bao kinh nghiệm đau thương trong quá khứ về sự thất hứa của những người lãnh đạo trong thể chế xã hội này, chỉ cần nghe hứa là người ta đã hồ hởi, phấn khởi tin tưởng, chỉ đơn sơ nghĩ rằng người có chức quyền lớn như vậy không thể thất hứa được.
Đó là tấm lòng của người dân đối với đất nước. Nhưng đó cũng là kẽ hở để những người lãnh đạo lợi dụng thực hiện những mưu đồ xấu.
Chắc hẳn, người dân Đông Yên – Hà Tĩnh, Dương Nội – Hà Nội, Văn Giang – Hưng Yên, Kim Môn – Hải Dương và mới đây nhất là Ninh Hiệp – Hà Nội, đều đã từng được nghe những lời hứa hẹn có cánh, rằng các nhà lãnh đạo sẽ giải quyết sự việc theo hướng tích cực, đảm bảo quyền lợi cho người dân. Nhưng sau đó, những nông dân hiền lành không chỉ bị lừa. Nhiều người trong số họ, vừa nghe xong lời hứa hôm trước thì hôm sau đã phải vào tù, với những tội danh rất mơ hồ như “gây rối trật tự công cộng” nơi khu ruộng nhà mình. Sau đó, các dự án tiếp tục được triển khai để kịp chào mừng những ngày lễ lớn của đất nước.
Vụ việc ở Sầm Sơn, trước khi có cuộc đối thoại ngày 7/3/2016, hai ngày trước đã có vụ án được khởi tố. Chiếc thòng lọng đã giăng ra. Không biết những ngày tới, có ai sẽ bị bắt như những tiểu thương Ninh Hiệp vừa qua không. Nhưng chẳng có gì bảo đảm là người ta sẽ thực hiện những gì ông bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa đã nói với các ngư dân: nào là những kế hoạch của tỉnh đã được phê duyệt, nào là bờ biển là của dân do nhà nước thống nhất quản lý, nào là sẽ đảm bảo xây dựng bến cảng mới hiện đại cho ngư dân neo đậu thuyền, nào là ai chấp nhận đền bù sớm thì được ưu tiên…
Thực ra, việc các quan chức thất hứa một cách có hệ thống nhưng được bảo vệ, bắt đầu từ một thể chế chính trị với những chủ trương, chính sách xã hội, dự án kinh tế, không mang “khuôn mặt người”, cũng chẳng vì nước vì dân. Nó chỉ nhắm làm giàu cho một thiểu số những người có chức quyền, những nhóm lợi ích và những doanh nghiệp sân sau.
Đối với người dân, dù có ở cả trăm năm trên mảnh đất quê mình như người dân Cồn Dầu, dù có là cơ sở tôn giáo như Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm, hay dù là một khu chợ mang nặng tính văn hóa truyền thống lâu đời như Ninh Hiệp, thì đều không được chính quyền tính đến khi dự án được qui hoạch. Chính quyền, khi qui hoạch dự án, cũng không cần biết tương lai của người dân ra sao, người dân sẽ làm gì để sống, con cái họ học hành thế nào. Mấy ông quan chức chỉ cần biết dự án được qui hoạch thì họ có bổng lộc. Vì thế, họ sẵn sàng làm mọi cách để đoạt được mục đích, bất kể cả việc đẩy người vô tội vào tù.
Ngư dân Sầm Sơn hôm nay lại ra khơi ngay trên ngư trường truyền thống của mình. Nhưng, cái gì sẽ bảo đảm tương lai cho họ, khi mà các dự án chưa bao giờ mang “khuôn mặt người” và những nhà lãnh đạo chính quyền địa phương chưa bao giờ nghĩ tới hai chữ “con người” như vậy?
Hà Thạch