Các phong trào ở cơ sở, các cộng đồng địa phương cũng như các tổ chức tôn giáo – đặc biệt là Giáo hội Công giáo – đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng hòa bình và ngăn chặn các cuộc xung đột tại châu Phi, đại diện Tòa Thánh cho biết.
Đức Tổng Giám Mục Bernardito Auza – Sứ Thần Tòa Thánh đồng thời là quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc – đã phát biểu tại một phiên họp hôm 28/7 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về xây dựng hòa bình tại châu Phi.
Các tổ chức tôn giáo và các phong trào ở cơ sở có “cái nhìn cụ thể về những thực tế của cộng đồng địa phương” cũng như sự tương tác trực tiếp với những người dân địa phương, Đức Tổng Giám Mục cho biết.
“Họ trao quyền cho các cá nhân và xã hội ở cấp địa phương, nhận diện và nuôi dưỡng các nhà lãnh đạo mới, đồng thời tập hợp các tổ chức và cộng đồng để cùng cộng tác với nhau vì lợi ích chung cho cả nhân loại. Từ đó, các cá nhân và cộng đồng địa phương có thể dễ dàng hiểu và đồng cảm với nhau”.
Đức Tổng Giám mục Auza cho biết những đóng góp trực tiếp của Giáo Hội Công Giáo trong công cuộc xây dựng hoà bình và ngăn chặn các cuộc xung đột được thể hiện qua “sự hiện diện như những mao mạch” nơi ít nhất hàng ngàn các tổ chức như: các bệnh viện, trường học, và nhiều tổ chức khác đã được hình thành.
Các cơ quan nhân đạo và các tổ chức từ thiện Công giáo giúp đỡ trong việc cung cấp hỗ trợ khẩn cấp, nuôi dưỡng đối thoại, và giúp xây dựng năng lực các doanh nghiệp nhỏ.
“Tòa Thánh sẽ giám sát mạng lưới rộng lớn của những tác động nhanh chóng này, các chương trình trung hạn và dài hạn nhằm thúc đẩy mức tốt nhất có thể trong vấn đề giáo dục và chăm sóc sức khỏe, đồng thời đảm bảo việc tiếp tục những nỗ lực trong việc ngăn chặn các cuộc xung đột và xây dựng hòa bình thông qua việc đối thoại và phát triển con người toàn diện”, Đức Tổng Giám Mục cho biết.
Đức Tổng Giám mục Auza cho biết Tòa Thánh nhận thấy rằng một nền hòa bình bền vững cần con người ta phải đến với nhau qua những cuộc đối thoại cụ thể để đưa ra một phiên điều trần công bằng cũng như thống nhất các giải pháp.
Những nỗ lực ngoại giao chính thức phải đi kèm với “những nỗ lực ngoại giao không chính thức ” như việc đối thoại giữa các bộ lạc và sự cộng tác giữa các tôn giáo, Ngài cho biết thêm. Một số quốc gia ở châu Phi đã duy trì được nền hòa bình chính nhờ vào sự thành công của họ trong việc kết hợp giữa ngoại giao chính thức với các đối tác không chính thức của họ.
Việc ngăn chặn các cuộc xung đột và một nền hòa bình đích thực đòi hỏi sự kiên trì cũng như một tầm nhìn và sự cam kết dài hạn được thực hiện thông qua hàng ngàn hành động hàng ngày, Đức Tổng Giám mục nhắn nhủ. Các nhà lãnh đạo cũng như người dân phải vượt qua những quyền lợi ích kỷ để hết mình vì lợi ích chung, dẹp bỏ thái độ thù nghịch để cùng bước đi trên con đường của sự chữa lành và hòa giải.
Đức Tổng Giám mục Auza kêu gọi mọi người cần nỗ lực nhiều hơn trong việc giải trừ quân bị cũng như chống việc buôn bán vũ khí dù là hợp pháp hay bất hợp pháp.
“Sự gia tăng và phát triển của các loại vũ khí đơn giản chỉ làm trầm trọng thêm các cuộc xung khắc, dẫn đến việc tốn kém cả về mặt nhân lực và vật chất, đồng thời nó ngầm phá hoại tiến trình tìm kiếm hòa bình”, Đức Cha Auza tiếp tục. Chỉ qua việc thúc đẩy nhân quyền và tinh thần liên đới lẫn nhau mới có thể làm cho tiến trình xây dựng hoà bình mang lại hiệu quả, Ngài cho biết thêm.
Ngài đã trích dẫn những lời của Đức Thánh Cha Phanxicô đề cập đến sự kiện ‘Favela’ diễn ra tại Rio de Janeiro, Brazil: “Việc ‘xây dựng hòa bình” sẽ không thể kéo dài, sự hòa hợp và hạnh phúc cũng không thể được trong một xã hội lãng quên hay đẩy con người ra bên lề xã hội, hoặc loại trừ một phần của chính nó; nó đánh mất đi một điều gì đó hết sức quan trọng. Chúng ta không bao giờ, không bao giờ được phép để cho nền văn hóa loại trừ ăn sâu vào tâm hồn chúng ta! Không ai là người có thể bị loại bỏ cả!”.
Theo quan điểm của Đức Tổng Giám mục Auza, các kết quả khác nhau của những nỗ lực xây dựng hoà bình tại châu Phi, đưa ra giả thuyết là sẽ không có một mô hình thành công duy nhất.
“Một số quốc gia đã đạt được hòa bình, ổn định và duy trì sự tăng trưởng lâu dài, trong khi các quốc gia khác tiếp tục đắm mình trong vũng lầy của tình trạng nghèo đói cùng cực cũng như sự bất ổn định, nếu không nói đó là những tổ chức không tồn tại”, Đức Tổng Giám mục Auza cho biết.
Đức Tổng Giám mục Auza cũng đã ghi nhận một số chiến thuật quan trọng trong việc xây dựng hòa bình như: việc cung cấp an ninh lương thực và chăm sóc sức khỏe cơ bản ngay sau khi xảy ra bất kì cuộc xung đột nào; những giải pháp trung hạn như việc đầu tư tạo công ăn việc làm; và các chương trình dài hạn như việc xây dựng thể chế.
Minh Tuệ