Những phát biểu đầu tiên của Đức Thánh Cha Lêô XIV cho thấy sự nối tiếp mạnh mẽ di sản của Đức Phanxicô, dù ngài cũng mang sắc thái riêng của Dòng Augustinô riêng và ý hướng rõ ràng muốn điều hành Giáo hội với tinh thần hiệp đoàn (collegiality) sâu sắc hơn.

Giờ Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng đầu tiên của Đức Thánh Cha Lêô XIV tại ban công chính của Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô, Vatican, ngày 11 tháng 5 năm 2025 (Ảnh: Stefano Spaziani/ Newscom/ MaxPPP)
Những động thái ban đầu của bất kỳ vị tân Giáo hoàng nào cũng đều được theo dõi sát sao và được phân tích rộng rãi: Ngài sẽ làm gì? Ngài sẽ quyết định gì? Tại Vatican, các vị hữu trách đang dần làm quen với vị kế nhiệm của Đức Phanxicô. Như một nguồn tin nội bộ chia sẻ: “Piano, piano. Hãy để mọi sự diễn ra từ từ”.
Tuy nhiên, những phát biểu và lần xuất hiện đầu tiên của Đức Lêô XIV đã hé mở một hướng đi đang thành hình: một triều đại Giáo hoàng tiếp nối đường lối của Đức Phanxicô, nhưng đồng thời mang dấu ấn cá nhân của một người có vẻ như muốn tiến bước cách thận trọng, không vội vã, nhưng cũng không ngần ngại phát biểu cách rõ ràng và dứt khoát.
Trong giờ Kinh lạy Nữ Vương Thiên Đàng (Regina Caeli) hôm Chúa Nhật vừa qua, lời cầu nguyện truyền thống trong mùa Phục Sinh, Đức Thánh Cha Lêô đã nhắc lại lời Đức Phanxicô mô tả “cuộc thế chiến thứ ba từng phần”, và đồng thời lặp lại lời kêu gọi của Đức Phaolô VI trước diễn đàn Liên Hiệp Quốc vào năm 1965: “Đừng để chiến tranh xảy ra nữa”.
Chỉ vài ngày trước đó, trong bài diễn văn công khai đầu tiên vào tối thứ Năm, ngài đã kêu gọi “hòa bình cho tất cả mọi người”. Đến Chúa Nhật, Đức Thánh Cha tiếp tục nhấn mạnh điều này khi kêu gọi một nền hòa bình “công bằng” và “bền vững” cho Ukraina, kêu gọi việc trả tự do cho các tù nhân, và đưa các trẻ em bị bắt cóc trở về. Ngài cũng kêu gọi một lệnh ngừng bắn tại Gaza và việc phóng thích các con tin. Cùng buổi sáng hôm ấy, trong một bài suy tư nhân Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Ơn gọi, Đức Thánh Cha lại tiếp nối sứ điệp của Đức Phanxicô, nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về những Mục tử sống gần gũi với Dân Chúa.
Niềm vui đức tin và cung giọng quen thuộc
Tinh thần Mục tử ấy cũng được thể hiện vào ngày thứ Bảy trước đó, khi Đức Thánh Cha bất ngờ đến thị trấn Genazzano — cách Rôma khoảng 50 km về phía đông — để viếng Đền Thánh Đức Mẹ Chỉ Bảo Đàng Lành, nơi được trao phó cho Dòng Thánh Augustinô, Dòng tu mà ngài từng đảm nhận vai trò Bề trên Tổng quyền. Tại đây, Đức Thánh Cha đã dừng lại cầu nguyện và dành thời gian chào hỏi hàng trăm giáo dân địa phương đang quy tụ bên ngoài. Đây là lần đầu tiên ngài đi bộ giữa dân chúng, và cho thấy một vị Giáo hoàng thân thiện, nở nụ cười dễ gần, dù có phần vẫn còn ngỡ ngàng trước sự chú ý mà vai trò mới đem lại.
Sự tiếp nối với Đức Phanxicô cũng được thể hiện vào tối hôm thứ Bảy, khi Đức Thánh Cha viếng mộ vị tiền nhiệm sau chuyến đi Genazzano. Trong bài giảng Thánh lễ đầu tiên với Hồng y Đoàn, được cử hành sáng thứ Sáu tại Nhà nguyện Sistine, Đức Lêô XIV đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc loan báo “niềm vui đức tin vào Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ”. Ngài bày tỏ nỗi ưu tư rằng đức tin Kitô giáo ngày nay thường bị gạt ra bên lề, bị coi là “phi lý, dành cho kẻ yếu đuối hay thiếu hiểu biết”, trong khi xã hội lại ưa chuộng “công nghệ, tiền bạc, sự thành công, quyền lực và khoái lạc”.
Dấn thân trọn vẹn với Công đồng Vaticanô II
“Việc loan báo Tin Mừng là điều khẩn thiết trong những nơi chốn này”, ngài nói, “bởi vì sự thiếu vắng đức tin thường dẫn đến những bi kịch — đánh mất ý nghĩa cuộc sống, khước từ lòng thương xót, tấn công phẩm giá con người dưới những hình thức nghiêm trọng nhất, khủng hoảng gia đình, và biết bao thương tích khác đang làm xã hội chúng ta tổn thương sâu sắc”. Ngài củng cố tầm nhìn này trong buổi gặp gỡ với Hồng y Đoàn vào hôm sau tại Hội trường Thượng Hội đồng.
Mời gọi các vị Hồng y “cùng nhau canh tân cam kết trọn vẹn của chúng ta đối với đường hướng mà Giáo hội hoàn vũ đã theo đuổi suốt nhiều thập niên qua sau Công đồng Vaticanô II”, Đức Thánh Cha bày tỏ rõ ý định của mình: đọc lại Công đồng Vaticanô II dưới ánh sáng của Tông huấn Evangelii Gaudium của Đức Phanxicô.
Từ văn kiện mang tính định hướng triều đại Giáo hoàng của Đức Phanxicô, Đức Lêô XIV đã làm nổi bật một số chủ điểm then chốt: “cuộc hoán cải truyền giáo của toàn thể cộng đồng Kitô hữu”, “tình yêu ưu ái dành cho những người bé mọn và bị gạt ra bên lề”, và “cuộc đối thoại can đảm và đầy tín thác với thế giới đương đại trong mọi chiều kích và thực tại”. Đức Thánh Cha cũng nhắc đến Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, văn kiện của Công đồng về Giáo hội trong thế giới ngày nay.
Tinh thần hiệp đoàn trong điều hành, với dấu ấn riêng
Trong khi rút ra sâu sắc từ đường hướng của Đức Phanxicô, Đức Lêô XIV cũng đang dần ghi dấu phong cách riêng của mình. Giống như vị tiền nhiệm, ngài quan tâm sâu sắc đến người nghèo. Tuy nhiên, khi chọn Tông Hiệu “Lêô” — một sự tôn kính đối với Đức Lêô XIII, vị Giáo hoàng ban hành Thông điệp Rerum Novarum, văn kiện đầu tiên của Giáo hội đối với thời đại công nghiệp hóa — ngài cũng bày tỏ mong muốn đối diện với những thách thức của kỷ nguyên công nghệ hiện nay. Đức Thánh Cha muốn Giáo huấn Công giáo lên tiếng về những cuộc cách mạng mới: trí tuệ nhân tạo, biến động kinh tế, và những đe dọa đang nổi lên đối với phẩm giá con người, công lý và lao động.
Điểm đáng chú ý nhất là trong cuộc gặp gỡ với Hồng y Đoàn hôm thứ Bảy, Đức Thánh Cha nhấn mạnh tầm quan trọng của tính hiệp đoàn (collegiality) — như một phản hồi rõ ràng trước những phê bình trong các Phiên họp chung tiền Mật nghị, rằng Đức Phanxicô đôi khi điều hành đơn phương. Đức Lêô XIV đưa ra một dấu hiệu rõ ràng khi chỉ phát biểu ngắn gọn, sau đó mời gọi một cuộc trao đổi kín với các Hồng y, những người mà ngài mô tả là “những cộng sự thân cận nhất của Đức Giáo hoàng”.
Mục tiêu của các cuộc trao đổi — theo Vatican — là một “cuộc trò chuyện tự do,” nhằm thu thập “những lời khuyên”, “đề xuất,” và “ý tưởng”. Đức Thánh Cha còn yêu cầu những điều “rất cụ thể”. Cuộc trao đổi này có thể báo hiệu một sự chuyển hướng trong mô hình điều hành, hướng đến hình ảnh một “Giáo hội hiệp hành” như chính Đức Lêô XIV đã khẳng định trong bài huấn từ đầu tiên từ ban công Đền thờ Thánh Phêrô.
“Tan biến để Đức Kitô ở lại”
Nếu Đức Phanxicô là một tu sĩ Dòng Tên, thì Đức Lêô XIV là một tu sĩ Dòng Thánh Augustinô. Và điều đó có thể là nét khác biệt sâu xa nhất. Khi còn là một tu sĩ trẻ, tu sĩ Robert Prevost đã bảo vệ luận án tiến sĩ Giáo luật về vai trò của Bề trên trong các cộng đoàn Augustinô — một vai trò được xây dựng không chỉ trên quyền bính, mà còn trên tinh thần phục vụ thiêng liêng và sự phân định cộng đoàn.
Giờ đây, khi lãnh đạo toàn thể cộng đoàn Giáo hội hoàn vũ, Đức Lêô XIV đã nhắn nhủ các Hồng y rằng Giáo hội không nên được nhận biết “vì sự nguy nga của các cơ sở vật chất hay sự tráng lệ của các công trình kiến trúc” mà qua “sự thánh thiện của các thành viên” — những người được Thiên Chúa tuyển chọn để “loan báo những kỳ công của Đấng đã kêu gọi anh em”.
Trong một tầm nhìn mang đậm tinh thần Dòng Augustinô và đặt trọng tâm vào Đức Kitô, vị chủ chăn đang được cả thế giới chú ý những ngày qua đã kết thúc bằng một lời mời gọi mạnh mẽ — điều mà ngài gọi là một “cam kết vô điều kiện đối với bất cứ ai thi hành quyền bính trong Giáo hội”:
“Tan biến để Đức Kitô ở lại; trở nên nhỏ bé để Người được nhận biết và tôn vinh; trao hiến hoàn toàn để không ai bị tước mất cơ hội nhận biết và yêu mến Người”.
Minh Tuệ (theo La Croix)