Những bài suy niệm về Chặng Đàng Thánh Giá do các em thiếu nhi viết: Chúa Giêsu xoa dịu nỗi sợ hãi của chúng ta

Các em thiếu nhi và một số anh chị em giáo viên đang cùng nhau soạn các bài suy niệm về Chặng Đàng Thánh Giá

Các em thiếu nhi và một số anh chị em giáo viên đang cùng nhau soạn các bài suy niệm về Chặng Đàng Thánh Giá

Đức Thánh Cha Phanxicô đã giao việc chuẩn bị các bài suy niệm cho Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh năm nay cho Nhóm Hướng đạo Agesci “Foligno I” (Umbria) và Giáo xứ Santi Matiri di Uganda (Các Thánh Tử đạo Uganda).

Chặng Đàng Thánh Giá vào Thứ Sáu Tuần Thánh do Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự sẽ với các bài suy niệm và các bức tranh vẽ do các em thiếu nhi và giới trẻ Địa phận Rome thuộc Giáo xứ Các Thánh Tử Đạo Uganda, nhóm hướng đạo Agesci “Foligno I” và một số khách mời. Họ cũng sẽ đọc các bài suy niệm này trong các nghi thức được cử hành tại Quảng trường Thánh Phêrô do Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự.

Bằng sự đơn sơ và chi tiết cụ thể của mình, các bài suy niệm do các em thiếu nhi viết có sức mạnh đánh động tâm hồn, khiến chúng ta suy nghĩ và nỗ lực dấn thân vì một thế giới tốt đẹp hơn và công bằng hơn. Các bài suy niệm này mời gọi chúng ta đặt câu hỏi về cuộc sống của chúng ta và sự cần thiết phải thay đổi bản thân và thế giới của chúng ta.

cq5dam.thumbnail.cropped.1000.563 (2)

Đi Đàng Thánh Giá tại Quảng trường Thánh Phêrô, ngày 10 tháng 4 năm 2020 (NAhr: Truyền thông Vatican)

Đi Đàng Thánh Giá tại Quảng trường Thánh Phêrô, ngày 10 tháng 4 năm 2020 (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Rất nhiều thập giá của trẻ em trên thế giới

Sự đau khổ của trẻ em có thể thường bị bỏ qua. Trong phần giới thiệu tập sách, các em khi hướng về Chúa Giêsu đã nhấn mạnh: “Lạy Chúa Giêsu kính yêu, Chúa biết rằng trẻ con chúng con cũng có những thập giá phải vác. Những cây thập giá không nhẹ hơn hay nặng hơn của người lớn, nhưng vẫn là những cây thập giá trong đời thực, đè nặng trên chúng con thậm chí ngay cả vào ban đêm. Chỉ mình Chúa mới biết những thập giá đó là gì và lưu tâm đến chúng. Chỉ mình Chúa mà thôi”. Thập giá là nỗi sợ hãi bóng tối, nỗi cô đơn và bị bỏ rơi, cũng như do đại dịch, trải qua những hạn chế của bản thân, bị người khác trêu chọc, cảm giác mình nghèo hơn bạn bè đồng trang lứa, buồn phiền vì những cuộc cãi vã trong gia đình. Nhưng một số là sự đau khổ vì “có nhiều trẻ em trong thế giới của chúng con chẳng có gì để ăn, không được đi học, bị lợi dụng và buộc phải trở thành quân nhân”. Chúa Giêsu luôn gần gũi chúng con và Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng con, các em kết luận, “xin hãy giúp chúng con vác thập giá hằng ngày của chúng con như Chúa cũng đã vác Thánh giá”.

Bìa tập sách với thiết kế của một trong những đứa trẻ của Casa Famiglia “Tetto Casal Fattoria”

Bìa tập sách với thiết kế của một trong những đứa trẻ của Casa Famiglia “Tetto Casal Fattoria”

Kết tội người vô tội và thiếu sự can đảm

Nơi thứ nhất: Phongxiô Philatô kết án tử hình Chúa Giêsu.

 Bài suy niệm kể lại một tình tiết xảy ra trong một lớp học cấp một: một đứa trẻ, Mark, bị buộc tội ăn trộm đồ ăn của một bạn nhỏ cùng lớp. Có người biết cậu bé vô tội nhưng không can thiệp để bênh vực cậu bé. Người tường thuật câu chuyện cảm thấy xấu hổ về sự thiếu can đảm đó; cậu ta đã hành động như Philatô và giờ đây hối hận vì đã chọn con đường dễ dàng hơn. “Đôi khi chúng ta chỉ lắng nghe tiếng nói của những người nghĩ và làm điều ác, trong khi việc làm điều đúng đắn giống như một con đường lên dốc, đầy chông gai và khó khăn. Nhưng chúng ta có Chúa Giêsu ở bên cạnh, luôn sẵn sàng hỗ trợ và giúp đỡ chúng ta”.

Những hành động có thể làm tổn thương người khác

Nơi thứ hai: Chúa Giêsu vác Thánh giá.

 Đoạn Tin Mừng theo Thánh Lu-ca mô tả Chúa Giêsu bị quân lính chế giễu và đánh đập. Hành động chế giễu diễn ra giữa trẻ em không phải là hiếm, thậm chí đến mức dẫn tới hành vi bắt nạt, như trường hợp của Martina, người gặp khó khăn khi đọc thành tiếng trong lớp. “Có thể đó không phải là ý định của chúng ta để giễu cợt cô bé, nhưng chúng ta đã gây ra bao nhiêu đau đớn bởi những tiếng cười đùa của chúng ta! … Sự ngược đãi không chỉ là điều đã xảy ra cách đây 2000 năm trước. Đôi khi một số hành động của chúng ta có thể phán xét, ngược đãi và làm tổn thương một trong những người anh chị em của chúng ta”.

Trải nghiệm của sự thất bại

Nơi thứ ba: Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ nhất.

Chúa Giêsu đang gánh lấy mọi tội lỗi của chúng ta; Ngài bị đánh đập và bị sỉ nhục. Trải nghiệm đi kèm với khoảnh khắc này là của một đứa trẻ luôn học hành xuất sắc nhưng lần đầu tiên bị điểm kém: Sự thất bại đường đột này đối với tôi là quá sức. Đột nhiên tôi cảm thấy cô đơn, không có ai để an ủi tôi. Nhưng khoảnh khắc đó đã khiến tôi trưởng thành hơn… Giờ đây, tôi nhận ra rằng chúng ta có thể sẩy chân và vấp ngã hàng ngày, nhưng Chúa Giêsu luôn hiện diện ở đó để chìa tay ra với chúng ta”.

Tình yêu của người mẹ

Nơi thứ tư: Chúa Giêsu gặp Đức Mẹ.

Bài đọc được chọn là tiệc cưới tại Cana với mối tương quan hệ giữa Chúa Giêsu và Mẹ Người được đặt làm trọng tâm. Bài đọc cung cấp một tình tiết để trẻ em suy nghĩ về người mẹ của chính mình và tình yêu của người mẹ vốn luôn đồng hành cùng với chúng. Thậm chí cụ thể là đưa các em “đi tập bóng đá, đến các lớp học ngoại ngữ, và đến với các lớp học Giáo lý vào mỗi sáng Chúa Nhật hàng tuần”. Bài suy niệm nói lên nhu cầu được yêu thương của những đứa trẻ và có lẽ giúp cha mẹ trở nên tốt hơn. “Nếu tôi gặp phải một rắc rối, một câu hỏi hoặc chỉ là một số suy nghĩ khó chịu, mẹ luôn sẵn sàng lắng nghe tôi với một nụ cười”.

Nhìn thấy Chúa Giêsu khi gặp gỡ tha nhân

Nơi thứ năm: Ông Simon thành Cyrênê vác Thánh giá đỡ Đức Chúa Giêsu.

Có rất nhiều cơ hội để giúp đỡ ai đó. Lời chứng được mô tả ở đây là sự quan tâm được thể hiện đối với một người bạn nước ngoài mới đến khu xóm. Cậu ta đứng nhìn xem những đứa trẻ khác đang chơi bóng nhưng lại không có đủ can đảm để giới thiệu về bản thân. Một bạn nhỏ trong nhóm đã nhìn thấy cậu bé người nước ngoài này và là người đầu tiên gặp gỡ và mời cậu tham gia cùng với nhóm bạn của mình. “Kể từ đó”, cậu bé viết, “Walid đã trở thành một trong những người bạn thân thiết nhất của tôi và cũng là thủ môn cho đội bóng của chúng tôi”. Chỉ khi chúng ta nhận ra một người anh em nơi một người thì “chúng ta mới sẵn sàng mở lòng đón nhận Chúa Giêsu”.

Một chút giúp đỡ để cảm thấy bớt cô đơn

Nơi thứ sáu: Bà Veronica trao khăn cho Chúa Giêsu lọt mặt.

“Quả thật Ta bảo các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy”, những lời của Chúa Giêsu trích từ Phúc Âm Mát-thêu đưa chúng ta đến Nơi thứ sáu. Ngay cả những đứa trẻ trong sinh hoạt hàng ngày cũng trải qua những khoảnh khắc khó khăn hay buồn phiền và cần ai đó an ủi chúng. Một ví dụ là sau khi thua một trận đấu bóng đá quan trọng mà chúng hy vọng sẽ giành được kết quả tốt đẹp nhất. Chán nản sau trận đấu, “có một người bạn của tôi, đang cầm một lon nước ngọt và đợi tôi”. Với sự đồng hành của anh ấy, “việc thua trong trận đấu bóng trở thành một ký ức ít tồi tệ hơn”.

Nhớ đến những người cần được giúp đỡ nhất

Nơi thứ bảy: Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ hai.

Bài suy niệm kể lại trải nghiệm của một học sinh lớp bốn. Vở kịch cuối năm đang được chuẩn bị và cậu bé muốn đóng  vai chính bằng mọi giá. Thay vào đó, giáo viên đã chọn Giovanni, một học sinh cá biệt trong lớp. Sau một chút nóng giận ban đầu, bạn nhỏ này đã hiểu ra và vui vẻ. Kể từ đó, Giovanni tham gia hăng hái hơn vào các hoạt động trong lớp. Cậu bé nhận xét: “Sự thất vọng của tôi đã giúp đỡ một bạn khác. Sự lựa chọn của giáo viên đã mang lại cơ hội cho người thực sự cần nó”.

Giúp đỡ những người mắc lỗi lầm

Nơi thứ tám: Chúa Giêsu đứng lại yên ủi con thành Giêrusalem.

Trong Tin Mừng theo Thánh Luca, chúng ta đọc thấy Chúa Giêsu khi nhìn thấy họ, Người nói: “Hỡi con gái Giêrusalem! Đừng khóc cho Ta, nhưng hãy khóc cho bản thân và con cái các con!”. Đây là điểm khởi đầu cho câu nói: “Sửa sai anh chị em mình là điều khó khăn nhưng cần thiết”. Điều này đã được đúc kết bởi hai anh em đã nói dối mẹ rằng họ đã làm bài tập về nhà vào buổi chiều hôm đó, trong khi thực tế là cả hai anh em đã rong chơi suốt cả buổi chiều. Một trong hai bạn nhỏ ngày hôm sau nói không khỏe nên không đi học, bạn nhỏ còn lại đi học nhưng khi về nhà bèn nói với anh trai của mình: “Chúng ta nói dối mẹ là sai, mà anh lại còn giả vờ bị đau bụng nữa. Em đề nghị chúng ta hãy làm bài tập ngay lập tức, và vì vậy tôi đã giúp anh mình bắt kịp những bài đã bỏ lỡ ngày hôm trước. Khi chúng tôi làm xong tất cả bài tập, chúng tôi còn suốt thời gian buổi chiều để cùng vui chơi”.

Sự cô đơn do đại dịch gây ra

Nơi thứ chín: Chúa Giêsu ngã xuống lần thứ ba.

Đoạn Tin Mừng nói về hạt lúa mì thối đi và do đó trổ sinh nhiều bông hạt. Đại dịch Covid-19 tấn công và để lại nhiều hậu quả thậm chí ngay cả đối với những người trẻ tuổi. Cảm giác phổ biến đó chính là sự cô đơn: họ không còn về thăm ông bà, các trường học đóng cửa, họ nhớ bạn học và bạn bè của mình. “Cảm giác khốn khổ của sự cô đơn này đôi khi trở nên không thể chịu đựng nổi. Chúng ta cảm thấy bị mọi người ‘bỏ rơi’, thậm chí không còn có thể mỉm cười. Giống như Chúa Giêsu, chúng ta nhận thấy mình như bị ngã nhào”.

Niềm vui xuất phát từ việc cho đi

Nơi thứ mười: Chúa Giêsu bị lột áo.

Ở đây, một bé gái cũng kể một câu chuyện: trong phòng bạn nhỏ có một bộ sưu tập búp bê mà em rất yêu thích. Một ngày nọ, em nghe nói rằng Giáo xứ đang quyên góp đồ chơi cho những trẻ em tị nạn tại Kosovo. Bạn nhỏ đã lựa chọn trong bộ sưu tập búp bê một số con búp bê cũ nhất mà em ít thích hơn và chuẩn bị một chiếc hộp. Sau đó, bạn nhỏ nói: “Tuy nhiên, buổi tối hôm đó, tôi cảm thấy mình làm chưa đủ. Vào lúc tôi lên giường đi ngủ, chiếc hộp đã được xếp đầy những con búp bê và các kệ trở nên trống rỗng”. Việc vứt bỏ những thứ thừa thãi, bạn nhỏ kết luận, khiến tâm hồn được thư thái bình an và việc cho đi khiến người ta cảm thấy hạnh phúc.

Lễ Giáng sinh được dành riêng để phục vụ người nghèo

Nơi thứ mười một: Chúa Giêsu bị đóng đinh vào thập giá.

“Vào một dịp lễ Giáng sinh nọ, chúng tôi cùng với các hướng đạo sinh đến Rome để thăm các Nữ tu Thừa sai Bác ái và phân phát thực phẩm cho những người nghèo khổ, thay vì mừng lễ cùng với gia đình của chúng tôi”. Đó là sự hy sinh không nhỏ được mô tả trong bài suy niệm cho Nơi thứ mười một. Nhưng một thanh niên tâm sự: “Trên đường trở về, tôi nghĩ đến khuôn mặt của tất cả những người tôi đã phục vụ, nụ cười của họ và những câu chuyện họ kể … Ý nghĩ được mang lại cho những người đó một chút hạnh phúc khiến dịp lễ Giáng sinh đó trở nên một kỷ niệm không thể nào quên”. Việc pục vụ người khác với tình yêu thương “là Giáo huấn mà Chúa Giêsu đã truyền cho chúng ta từ thập giá”.

Chúa Giêsu tha thứ cho kẻ ăn năn hối cải

Nơi thứ mười hai: Chúa Giêsu sinh thì trên Thánh giá.

Mẫu gương của Chúa Giêsu tha thứ cho những người làm điều gian ác làm cho các em thiếu nhi suy ngẫm về sự dữ đang hiện hữu trên thế giới, chẳng hạn như những tên mafias giết hại ngay cả trẻ em. Làm sao có thể tha thứ cho những điều ghê rợn như vậy được?. Các em viết: “Khi sinh thì trên Thánh giá, Chúa Giêsu đã ban ơn cứu độ cho tất cả mọi người. Ngài đến không phải để kêu gọi những người công chính, nhưng là để kêu gọi những tội nhân có lòng khiêm nhường và can đảm để được hoán cải”.

Họ đã đưa ông nội đi và tôi không bao giờ còn được gặp lại ông nữa

Nơi thứ mười ba: Tháo đanh Đức Chúa Giêsu.

Trong giai đoạn này, nhiều trẻ em phải chịu đựng sự biến mất đột ngột của các bậc ông bà của họ. Một bạn nhỏ kể lại: “Người ta nhảy bổ ra khỏi xe cứu thương trong trang phục như phi hành gia, mặc đồ bảo hộ, đeo găng tay, đeo khẩu trang và tấm che mặt. Họ đã đưa ông tôi đi, ông đang rất khó thở. Đó là lần cuối cùng tôi nhìn thấy ông tôi”. Đau khổ cũng bắt nguồn từ việc không thể gần gũi với ông và khích lệ ông: “Tôi cầu nguyện cho ông mỗi ngày. Bằng cách đó, tôi đã có thể hiện diện ở đó với ông trong chuyến hành trình cuối cùng của ông trên trần gian này”.

Tạ ơn Chúa, Chúa Giêsu đã dạy tôi cách yêu

Nơi thứ mười bốn: Táng xác Đức Chúa Giêsu trong mồ.

Bài suy niệm là lời tạ ơn của cô bé Sara 12 tuổi đối với Chúa Giêsu. “Con muốn tạ ơn Chúa”, cô bé viết, bởi vì “Chúa đã dạy con vượt qua những khó khăn của chính mình bằng cách tin tưởng phó thác vào Ngài, yêu thương tha nhân như anh chị em, và đứng dậy mỗi khi tôi vấp ngã … Hôm nay, nhờ hành động của tình yêu vô bờ bến của Chúa, con biết rằng cái chết không phải là dấu chấm hết cho tất cả mọi thứ”.

Nếu anh em không trở nên giống như trẻ nhỏ…

Người lớn sẽ đọc phần lời nguyện kết thúc Chặng Đàng Thánh Giá. Chúa Giêsu đề cập đến trẻ em như một ví dụ khi Ngài mô tả những phẩm chất cần thiết để được vào Nước Thiên đàng. Vì vậy, yêu cầu đầu tiên là phải trở nên giống như trẻ nhỏ “nhỏ bé khiêm hạ, thiếu thốn mọi thứ, mở ra với cuộc sống”. Sau đó, tất cả trẻ em trên thế giới được phó thác cho Thiên Chúa, để chúng “ngày càng thêm tuổi càng thêm khôn ngoan, và tràn đầy ân sủng”, và cuối cùng, những lời cầu nguyện được dành cho bậc phụ huynh và các nhà giáo dục của chúng, “để chúng có thể luôn cảm thấy anh chị em như là những người trao ban sự sống và tình yêu thương”.

Minh Tuệ (theo Vatican News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết