Kể từ năm 2013, vị Tổng thống tân cử của Hoa Kỳ đã dành một số mẩu tweets trên tài khoản Twitter – dù số lượng không nhiều – và thường xuyên thay đổi giọng điệu của mình. Trong số những mẩu tweets đó là một tuyên bố về sự ngưỡng mộ của ông đề cập đến sự khiêm nhường được cho là “mẫu số chung” giữa Đức Phanxicô với bản thân ông.
Mối tương quan giữa Đức Giáo hoàng Phanxicô với ông Trump sẽ diễn ra như thế nào? Đây là một trong những vấn đề được đặt ra với chính quyền Hoa Kỳ mới dưới thời Tổng thống tân cử Donald Trump. Hẳn mọi người sẽ nhớ lại những chuyện khuấy động đã xảy ra giữa ông Trump và vị Giám mục Rôma về vấn đề của bức tường chống nhập cư, khi Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành Thánh lễ chỉ cách bức tường ngăn cách tại khu vực biên giới Hoa Kỳ-Mexico tính bằng mét. Nhưng có những nhận xét khác ít được nhiều người biết đến mà vị “Tổng tư lệnh” sắp tới của Hoa Kỳ đã phát biểu về vị kế nhiệm hiện nay của Thánh Phêrô trên tài khoản Twitter của mình. Đó là những ý kiến pha trộn những nhận định trong đó có lời tuyên bố về sự ngưỡng mộ đề cập đến sự khiêm nhường được gán cho là “mẫu số chung” giữa Đức Giáo hoàng Phanxicô và bản thân ông.
Cho đến nay, sự việc đã xảy ra trong chuyến viếng thăm của Đức Phanxicô đến Mexico hồi tháng Hai vừa qua, dường như có thể cho chúng ta một cơ sở để có thể dự đoán về tính chất của mối quan hệ tương lai giữa Đức Giáo hoàng với vị Tổng thống tân cử của Hoa Kỳ. Ông Trump đã chọn một cuộc chiến trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Fox; khi được hỏi về việc ông có nhận định thế nào về Thánh Lễ mà Đức Phanxicô sắp cử hành với những người di cư tại Ciudad Juarez và El Paso (Texas), ông đã gọi Đức Giáo hoàng là “một con người rất chính trị”, “không hiểu được những vấn đề mà đất nước chúng ta hiện đang phải đối diện” mà cũng không hiểu “sự nguy hiểm tiềm tàng của khu vực biên giới tiếp giáp với Mexico”. Ông cũng nhấn mạnh rằng, theo ý kiến của ông, Mexico đã “tìm cách cho ngài làm việc đó [nghĩa là cử hành Thánh lễ tại Ciudad Juarez, ND]. Bởi vì Mexico muốn giữ nguyên trạng biên giới vì họ thì hưởng lợi còn chúng ta thì thua thiệt”.
Trên chuyến bay trở về Roma, Đức Giáo hoàng đã rất thẳng thắn trong nhận xét của ngài về những ý kiến mà ông Trump đã bày tỏ, ngài phát biểu: “Một người chỉ nghĩ đến việc xây dựng các bức tường ngăn cách tại bất cứ nơi nào họ có thể thực hiện, mà chẳng mảy may để ý đến việc xây dựng những cầu nối thì chẳng phải là một người Kitô hữu”. Câu trả lời giới truyền thông của ông Trump là “một nhà lãnh đạo tôn giáo mà lại đặt vấn đề về đức tin của một người quả là đáng xấu hổ”. Đề cập đến một cuộc thánh chiến [của IS] giả định nhắm vào Vatican, ông đã đáp lại: “Tôi có thể hứa với quý vị rằng Đức Giáo hoàng sẽ chỉ mong muốn và cầu nguyện cho ông Donald Trump trở thành Tổng thống vì điều này [cuộc thánh chiến của IS] hẳn không thể nào xảy ra được”.
Ý tưởng về một cuộc đụng độ sắp xảy ra giữa một lãnh đạo chính trị quyền lực nhất thế giới và vị Giám mục Rôma đủ để làm nảy lên những phản xạ có điều kiện của hệ thống truyền thông toàn cầu. Nhưng người kế vị ông Obama đã lên tiếng bộc lộ những suy nghĩ cũng như những ý kiến khác nhau liên quan đến phong cách của Đức Phanxicô trước những lời trao đổi, thông qua các phương tiện truyền thông vào hồi tháng Hai vừa qua. Những nhận định của ông Trump bắt đầu ngay từ thời điểm Đức Bergoglio được bầu chọn làm Giáo Hoàng. Một chuỗi những lời nói sáo rỗng, những lời dí dỏm hay những tuyên bố về “phong cách” khác biệt của vị Tân Giáo Hoàng được ông thốt ra nhưng cũng biểu hiện sự kính trọng của ông với Đức Phanxicô.
Ông Trump bắt đầu những nhận định của mình ngay từ những giờ phút đầu tiên hôm 14/3/2013 chỉ vài giờ sau khi Cơ Mật Viện diễn ra, bày tỏ mong muốn bình dị của mình với “những người bạn Công Giáo của tôi về việc bầu chọn Đức Phanxicô Đệ Nhất lãnh đạo Giáo Hội Công giáo. Những người quen biết ngài đều rất yêu mến ngài!”. Chỉ vài ngày sau, ông đã tỏ vẻ bất bình trước quyết định của Đức Phanxicô vào ngày đầu tiên trong Triều đại Giáo hoàng của mình quay trở lại khách sạn “Domus” trên đường Via della scrofa tại Roma để thanh toán chi phí: “Tôi không thích nhìn thấy một vị Giáo Hoàng đứng trước quầy lễ tân của một khách sạn để thanh toán hóa đơn của mình. Điều này trông chẳng giống với một vị Giáo Hoàng chút nào!” Vào buổi chiều thứ Ba hôm 19/3, ngày Đức Giáo hoàng cử hành Thánh lễ nhậm chức Giáo hoàng, ông Trump cũng đã đăng tải trên tài khoản Twitter của mình. Để đáp lại với những người chỉ ra rằng Đức Phanxicô, không giống như ông Trump, đã không cảm thấy cần thiết phải tự hào rằng mình vĩ đại thế nào, vị Tổng thống tương lai đã dí dỏm cho biết: “Đó là lý do tại sao tôi sẽ chẳng bao giờ có thể trở thành một Giáo hoàng!” Nhưng đúng vào dịp lễ Giáng sinh đầu tiên trong Triều đại Giáo hoàng của Đức Phanxicô, trong bầu không khí huyền diệu tại New York, đầy ánh sáng của một mùa lễ hội linh thiêng, ông Trump cũng đã có những lời lẽ thích hợp để thể hiện niềm yêu mến của mình với vị Giám mục Roma, nhưng lý do ông đưa ra đã cho thấy một thay đổi đầy bất ngờ: “Vị tân Giáo Hoàng là một người khiêm tốn, rất giống tôi, điều đó có thể giải thích lý do tại sao tôi yêu mến Ngài rất nhiều!” Và lời nhận xét đầy trìu mến này về Đức Phanxicô đã thu hút hơn 5000 retweets.
Những dòng tweets của ông Trump về Đức Giáo hoàng Phanxicô không chỉ là những điểm được cho là chung và những khác biệt giữa hai người. Vào tháng Tư năm 2014, các cuộc bầu cử Tổng thống vẫn còn cách xa một chặng đường dài. Có lẽ ông Trump đã từng cân nhắc việc chạy đua vào vị trí Tổng thống. Trong khi đó, ông cũng đã có một số niềm vui trên tài khoản Twitter của mình và ở giữa cuộc phiêu lưu trên phương tiện truyền thông xã hội của mình, ông đã quyết định bày tỏ thiện cảm của mình với Đức Phanxicô. Ông được hỏi ai sẽ là vị khách mơ ước của ông trên chương trình truyền hình ‘The Celebrity Apprentice’, một show truyền hình của Hoa Kỳ do chính ông làm chủ và đã được phát sóng trên kênh NBC từ năm 2008. Ông hóm hỉnh trả lời: “Đức Giáo hoàng”.
Trong thực tế, vị Tổng thống tân cử của Hoa Kỳ rất quan tâm đến Vatican thậm chí ngay cả trước khi Đức Thánh Cha Phanxicô được bầu chọn làm Giáo hoàng. Ông cũng đã có những nhận định về quyết định từ nhiệm của Đức Bênêđictô XVI, bày tỏ sự phản đối chân thành của mình theo cách thường là cục mịch và thẳng thắn của ông: “Đức Giáo hoàng lẽ ra không được từ nhiệm–ngài nên thi hành đến cùng sứ vụ. Việc ngài từ nhiệm gây tổn hại cho ngài, gây tổn hại cho Giáo Hội…”
Minh Tuệ chuyển dịch