Theo một bản tin của trang plo.vn, Pháp Luật thành phố HCM, vào tháng 9/2014, hình ảnh khúm núm của người dân trước cán bộ là phổ biến. Vì vậy, nhiều nơi xuất hiện chương trình dạy lại cho nhân viên công quyền cách ứng xử văn hoá. Tuy nhiên, bài báo nhận định rằng việc xây dựng văn hoá công sở ấy tại tp HCM dù tích cực nhưng vẫn ít ỏi, chắp vá.
Vào đầu tháng 4/2016, một thông báo được đưa ra từ Học viện Khoa học Xã hội, thuộc Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, về việc tổ chức bảo vệ luận án tiến sĩ cho một nghiên cứu sinh, với đề tài: “Đặc điểm giao tiếp với dân của chủ tịch Ủy ban nhân dân xã”.
Tại sao có người chọn đề tài này? Vì giao tiếp của các chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã với người dân tốt đẹp quá? Nếu thế chuyện là bình thường, có gì để nghiên cứu, để mong có phát kiến mới? Hay chính vì cách giao tiếp của các chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã với người dân còn nhiều điều cần nói, nên việc nghiên cứu đã được chọn, để chỉ ra điều gì đó? Chính xác là trường hợp thứ hai, như được mô tả trong bản tin của Học viện: “thực tế ở nhiều địa phương, quá trình giao tiếp với dân của chủ tịch ủy ban nhân dân xã vẫn còn bộc lộ biểu hiện hách dịch, sách nhiễu dân”.
Khi người dân khúm núm trước nhân viên công quyền, chỉ vì người đối diện là nhân viên công quyền, hành vi ấy thể hiện người dân “nghèo” nhân cách.
Khi nhân viên công quyền phách lối, xúc phạm người dân là nhân viên công quyền “nghèo” nhân cách.
Nghèo nhân cách, tức nghèo phẩm cách con người, vì không biết, không ý thức được sự thật về vị trí làm NGƯỜI của mình và của người khác, nên coi nhẹ phẩm cách của mình và/hoặc xúc phạm nhân cách người khác.
Một xã hội gồm quá nhiều người nghèo như vậy là một xã hội nghèo. Cái nghèo này không được chúc phúc, cần được xoá bỏ, cần được giải thoát.
Xét ở mức độ sơ đẳng nhất, nhân viên công quyền là người làm một số việc chung phục vụ xã hội, và được trả lương, thuê làm, từ tiền đóng góp của người dân qua mọi loại thuế, phí. Thí dụ: Cứ mua 100.000 tiền xăng, ta đóng 54.000 tiền thuế, phí. Do đó, quan hệ giữa hai bên, người dân – cán bộ, là quan hệ ngang bằng, theo nguyên tắc công bằng.
Để chấm dứt cảnh người dân phải khúm núm trước cán bộ, nhà nước làm việc nhà nước: tổ chức huấn luyện cho nhân viên trong guồng máy của mình văn hoá ứng xử, theo lẽ công bằng từ phương diện kinh tế.
Trong khi đó, ở mức độ sâu xa hơn, đối với công dân Kitô hữu, khi tin rằng mọi người được Thiên Chúa dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, thêm nữa, mỗi người được Thiên Chúa dựng nên một cách duy nhất, không ai thay thế được, thì phải tin tiếp rằng, mỗi người đã được Đấng Tạo Dựng đặt để một vai trò riêng biệt do tính duy nhất của mình, và cũng đã được ấn định rằng mỗi người có vị trí ngang bằng với tất cả mọi người về góc độ giá trị.
Từ đó, các công dân Công giáo, có lẽ cần tự nhắc nhủ mình và nhắc lẫn cho nhau nhớ rằng thái độ khúm núm trước nhân viên công quyền, ngoài việc có sự xúc phạm giữa người với người, ẩn bên dưới hành vi, thái độ ấy còn là việc ý muốn của Thiên Chúa không được tôn trọng.
Tóm lại, do người dân vẫn đóng từng đồng tiền thuế, qua mọi mặt hàng, nên nguyên tắc công bằng phải được thực hiện, nhưng cao hơn nữa, giáo huấn Công giáo giúp mọi người ý thức sâu xa hơn vị trí, vai trò làm Người Tạo Hoá ban cho mình, để tự tin thi hành quyền ngang bằng về mặt giá trị của mình trong xã hội, cách riêng cần từ khước thái độ khúm núm trước các nhân viên công quyền.
Nhờ đó phẩm cách con người do Đấng Tạo Dựng ban tặng được gìn giữ, bảo toàn.
Nhờ đó góp phần xây dựng một xã hội giàu có hơn về mặt giá trị con người.
Can Đê