Nhà truyền giáo Étienne Frécon: ‘Giáo hội tại Đài Loan cho thấy dấu hiệu về một sức sống đích thực’

  • Tin tức
  • Thứ Sáu, 09-11-2018 | 15:53:28

Chủng viện Đài Bắc hiện có mười chủng sinh. Việc Truyền giáo là điều vô cùng quan trọng để vượt qua tình trạng trì trệ vốn đã chiếm ưu thế giữa các Kitô hữu trong một xã hội đã bị chiếm giữ bởi việc tục hóa và mong muốn được trở nên giàu có và sung túc. Mục tiêu cần phải đạt được đó chính là làm cho những người trẻ khám phá con người của Chúa Giêsu Kitô. Cha Étienne Frécon, một linh mục thuộc Hội Thừa Sai Paris, chia sẻ về kinh nghiệm của mình.

TAIWAN-_ETHNIC_GROUP

Đài Bắc (AsiaNews / ÉdA) – Giáo hội tại Đài Loan cho thấy dấu hiệu về một sức sống đích thực, theo Linh mục Étienne Frécon, một thành viên thuộc Hội Thừa Sai Paris (Missions étrangères de Paris). Sống trên đảo quốc kể từ năm 2012, Linh mục Étienne đã đơn cử một ví dụ như Ngày Giới trẻ Quốc gia, được tổ chức hàng năm vào tháng Tám. Đối với linh mục Etienne, thỏa thuận giữa Trung Quốc và Vatican được ký kết vào tháng 9 năm ngoái đã trở nên một mối lo sợ trên đảo quốc này bởi vì nó có thể dẫn đến việc phá vỡ quan hệ ngoại giao giữa Đài Loan (Cộng hòa Trung Quốc) và Vatican. Theo quan điểm của ngài, một động lực truyền giáo mới là hết sức cần thiết trong một xã hội bị tục hóa vốn đã bị chiếm giữ bởi cuộc tranh đua vì lợi nhuận. Dưới đây là cuộc phỏng vấn đã được biên tập lại được linh mục Etienne gửi cho tờ Églises d’Asie (ÉdA), do AsiaNews chuyển ngữ.

Các tín hữu Công giáo Đài Loan phản ứng thế nào đối với thỏa thuận mới giữa Bắc Kinh và Tòa Thánh?

Đài Loan sát cánh với Giáo hội ở Trung Quốc, đặc biệt là thông qua các bản dịch và việc đào tạo … Nhiều linh mục và nữ tu Trung Quốc đến Đài Loan để học hỏi, và một số người từ đại lục đến đây để có được những ý tưởng. Tuy nhiên, người dân Đài Loan đang thực sự đau buồn đối với việc tái thiết lập mối quan hệ hữu nghị giữa Bắc Kinh và Vatican, bởi vì họ sợ bị Rôma từ bỏ. Hiện nay, Đài Loan có mối quan hệ ngoại giao với Vatican, mặc dù đại diện ngoại giao của nó là một Tham tán và không còn là Sứ Thần Tòa Thánh nữa. Nhưng cho dù bất cứ điều gì xảy ra, tôi thiết nghĩ Giáo hội tại Đài Loan sẽ tiếp tục giúp đỡ Giáo hội trên đại lục, thậm chí ngay cả khi họ là hai thực thể hết sức khác biệt. Ở Đài Loan, chúng tôi rất tự do, mọi thứ đều hoàn toàn có thể.

Giáo hội ở Đài Loan hiện tại thế nào?

Có những dấu hiệu thực sự về một sức sống mãnh liệt. Có những người trẻ, những người thực sự được truyền động lực, những người sống theo tinh thần Tin Mừng và những người muốn trở thành những nhà truyền giáo. Chẳng hạn như, vào tháng Tám, như hàng năm, chúng tôi tổ chức sự kiện Ngày Giới trẻ Quốc gia, và năm nay, sự kiện này được thúc đẩy bởi động lực được tạo ra bởi Ngày Giới trẻ Á Châu tại Indonesia. Ban tổ chức đã quyết định làm một điều gì đó mang tính quốc tế và mời một số quốc gia châu Á đến tham dự sự kiện [. . .]

Tại Giáo xứ cũ của tôi, một số người trẻ đã thành lập một nhóm có mục tiêu là truyền giáo trong giới trẻ. Họ tổ chức nhiều hoạt động bên trong cũng như bên ngoài các trường học để thu hút những người trẻ không phải là Kitô hữu và đồng thời chia sẻ đức tin của mình với các bạn trẻ này. Tất nhiên, cũng có những dấu hiệu ảm đạm, vì một số cộng đồng rất nhỏ và thường chỉ quan tâm đến bản thân, với nhiều quy tắc và nghi thức. Do đó, đôi khi thiếu đi sự năng động và tinh thần nhiệt huyết truyền giáo. Chúng ta loay hoay giữa hai khuynh hướng này, thế nhưng, cánh đồng truyền giáo thì lại rộng lớn.

Phải chăng Ngài sẽ tiếp quản Chủng viện Đài Bắc …?

Thực vậy! Đây chính là một chủng viện liên Giáo phận cho toàn bộ hòn đảo, do Hội đồng Giám mục Công giáo Đài Loan điều hành, với mười chủng sinh. Chúng tôi là một nhóm gồm bốn linh mục đến từ bốn quốc gia khác nhau. Tôi lại là một người Pháp. Có một thành viên người Đài Loan, một người Hàn Quốc và một người Trung Quốc đến từ lục địa đã trải qua 20 năm ở Freiburg. Chúng tôi không có thêm ơn gọi mới vào mùa thu này. Thế nhưng mười chủng sinh cho 300.000 Kitô hữu quả là khá đáng kể, không quá tệ. Một phần ba trong số họ đến từ Giáo phận Hoa Liên, một Giáo phận bản địa được thành lập bởi Đức Giám mục Vérineux, thuộc Hội Thừa Sai Paris. Những thành viên khác là người Hán, tức là người Trung Quốc. Ơn gọi xuất phát từ các gia đình Công giáo truyền thống, vốn là những gia đình Công giáo trong hai hoặc ba thế hệ, hoặc là những người trẻ trở lại đạo Công giáo ở tuổi thiếu niên hoặc dưới 20 tuổi, trước khi gia nhập chủng viện vài năm sau đó.

Tại chủng viện này, chúng tôi có một cơ cấu hiện đang hoạt động. Các khóa học được giảng dạy tại Khoa Thần học, nhưng tôi nghĩ rằng có một nỗ lực rất lớn để tạo ra một động lực truyền giáo cho việc đào tạo các linh mục, để nó là lan truyền và thách thức những người trẻ Đài Loan. Điều này có thể mang lại luồng khí mới vào các cộng đồng Kitô giáo vốn nhỏ bé và thường là già nua, luôn cần có những vị Mục tử có thể dẫn họ bước ra khỏi vùng an toàn của mình. Cuối cùng, bởi vì chúng ta đang nói về vấn đề ơn gọi, tôi nghĩ rằng, với tư cách là người chịu trách nhiệm về ơn gọi cho Đài Loan, đây quả thực là một vấn đề về việc làm việc với những người giao tiếp với những người trẻ tuổi tại các Giáo phận khác nhau trên hòn đảo để các bạn trẻ có thể khám phá mối quan hệ với Chúa Kitô. Một động lực thực sự có thể xuất phát từ điều này, mà qua đó, đối với một số người, có thể gia nhập chủng viện.

Xu hướng hướng tới việc thế tục hóa có tồn tại?

Vâng, tôi nghĩ rằng sự trì trệ của Giáo hội Đài Loan cũng là do điều đó. Giáo hội Công giáo đã phát triển lớn mạnh bắt đầu từ những năm 1950 sau sự xuất hiện của Tưởng Giới Thạch (Chiang Kai-shek). Kể từ đó, Giáo hội đã trải qua sự tăng trưởng thực sự, với con số từ 10.000 lên tới khoảng 300.000. Đã có nhiều sự chuyển biến giữa người Đài Loan bản xứ và người Hoa bản địa. Do đó, Giáo Hội đã thực sự phát triển lớn mạnh. Điều này cũng trùng hợp với sự bùng nổ kinh tế của hòn đảo này, một giai đoạn mà trong đó nhiều người trở lại đạo. Nhưng hiện nay, chúng ta tự nhận thấy mình với các cộng đồng khá già cỗi do chưa có nhiều đổi mới.

Sự phát triển kinh tế và kết quả của một cuộc sống sung túc đã dần dần khiến cho các Kitô hữu tránh né việc thực hành tôn giáo. Do đó, hiện tại, công cuộc truyền giáo và rao giảng Tin Mừng phụ thuộc rất nhiều vào những người mới được rửa tội, những người đã trải nghiệm một sự biến đổi thực sự khi họ khám phá ra con người của Chúa Kitô.

Những người tân tòng là những người mà chúng ta có thể tín nhiệm đối với công việc truyền giáo trong các Giáo xứ. Trên thực tế, ở Đài Loan, chúng ta có cuộc sống sung túc, bị mắc kẹt trong một hình thức của những thói quen sinh họt hàng ngày bó buộc xung quanh công việc cũng như những đòi hỏi của xã hội, nhưng chúng ta lại không dành thời gian cho việc chăm lo đời sống tâm linh của mình. Và nếu không có đời sống tâm linh, thật rất khó để có thể lắng nghe lời mời gọi Thiên Chúa.

Thực ra, chúng ta đang sống trong một xã hội ngày càng trở nên tục hóa bất chấp sự hiện diện của Đạo giáo với các nghi thức của nó, và ở một mức độ nhỏ hơn, Phật giáo. Cuộc chạy đua vì lợi nhuận và sự giàu có ngày càng chiếm ưu thế … Vì vậy, việc trở thành Kitô hữu và gia nhập chủng viện chính là những nghĩa cử hết sức lớn lao. Có rất nhiều công việc cần phải thực hiện khi nói đến việc cùng đồng hành và phân định ơn gọi nhằm giúp phát triển đời sống tâm linh trong một bối cảnh vốn chẳng mấy thuận lợi.

Minh Tuệ chuyển ngữ

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết