Bài Tin Mừng Chúa Nhật III Mùa Chay năm A (Ga 4,5-42) kể lại cho chúng ta một cuộc gặp gỡ có vẻ bình thường như thật ra rất sâu xa giữa Chúa Giêsu và một chị phụ nữ Samari. Trong bài suy niệm này, chúng ta sẽ chỉ tập trung chú ý trên một vài chi tiết được kể ở cc.7-15 của trình thuật.
“Một hôm, Đức Giêsu đến một thành xứ Samari, tên là Xykha, gần thửa đất ông Giacóp đã cho con là ông Giuse. Ở đấy, có giếng của ông Giacóp. Người đi đường mỏi mệt, nên ngồi ngay xuống bờ giếng. Lúc đó vào khoảng mười hai giờ trưa” (Ga 4,5-6).
“Có một người phụ nữ Samari đến lấy nước. Đức Giêsu nói với người ấy: “Chị cho tôi xin chút nước uống!” Lúc đó, các môn đệ của Người đã vào thành mua thức ăn” (cc.7-8). Tác giả Tin Mừng không cho biết tên của người phụ nữ, cũng không nói rằng chị đến từ Xykha, ngoài đặc điểm duy nhất: chị là một người phụ nữ Samari. Người phụ nữ này, như thế, là đại diện cho xứ Samari, tìm đến giếng Giacóp để được thỏa cơn khát, tức là tìm thỏa cơn khát tâm linh và tinh thần trong truyền thống cổ xưa của mình. Và chính trong khung cảnh đó, đã xảy ra cuộc gặp gỡ giữa Đấng Mêsia và người phụ nữ Samari.
Cuộc gặp gỡ được bắt đầu bằng một lời xin của Đức Giêsu: “Chị cho tôi xin chút nước uống!”. Là một con người trong thân phận phàm nhân, Đức Giêsu trải nghiệm những nhu cầu căn bản phận người, và trong nhu cầu căn bản ấy, Người liên đới với mọi người phàm. Khi ngỏ lời xin một chút nước uống tức là Người ngỏ lời xin một sự liên đới ở cấp độ căn bản của con người với nhau, một sự liên đới nối kết người với người vượt bên trên những đặc điểm văn hóa và những rào cản chính trị hay tôn giáo. Đức Giêsu muốn bắt đầu cuộc gặp gỡ của Người với dân cư Samari bằng sự liên đới trong tư cách con người với con người đó, sự liên đới được biểu hiện bằng việc sẵn sàng chia sẻ những nhu cầu thiết yếu và căn bản nhất, chỉ vì người kia là con người.
“Người phụ nữ Samari liền nói: “Ông là người Dothái, mà lại xin tôi, một phụ nữ Samari, cho ông nước uống sao?” Quả thế, người Dothái không được giao thiệp với người Samari” (c.9). Câu hỏi của người phụ nữ phản ánh sự ngạc nhiên của chị. Chị không hiểu được tại sao một người đàn ông Dothái lại xin một phụ nữ Samari cho uống nước. Tác giả Tin mừng cung cấp cho chúng ta một chi tiết lịch sử để hiểu lý do của sự ngạc nhiên đó.
Về phần mình, Đức Giêsu đã muốn phá bỏ hàng rào ngăn cách giữa người Dothái với người Samari. Các hàng rào ấy không bao giờ được là tiếng nói cuối cùng cho tương quan giữa con người với con người. Hơn nữa, khi ngỏ lời xin nước với một người phụ nữ Samari như thế này, Người còn muốn bãi bỏ sự tự coi mình là cao trọng hơn của những người Dothái trong tương quan với dân Samari. Người muốn hiện diện đơn giản như một con người, với những nhu cầu thiết yếu như mọi con người. Người đặt mình trong một tình cảnh lệ thuộc và biết rằng người phụ nữ Samari nọ có thể ban tặng cho Người điều Người cần. Nhưng câu trả lời của người phụ nữ Samari lại như một gáo nước lạnh khiến cho cuộc đối thoại vừa được bắt đầu đã rơi vào nguy cơ bị phá vỡ.
“Đức Giêsu trả lời: “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người nói với chị: “Cho tôi chút nước uống”, thì hẳn chị đã xin, và người ấy đã ban cho chị nước hằng sống” (c.10). Đức Giêsu đã không trả lời trực tiếp cho câu hỏi của chị phụ nữ. Người nói với chị về một ơn huệ của Thiên Chúa, về một loại nước hằng sống mà Người sẵn sàng ban cho con người. Người đã ngỏ lời xin chị một ơn huệ, nhưng một trật, Người cũng sẵn sàng ban cho chị một ơn huệ ngàn lần cao trọng hơn. Người đề nghị chị vượt qua sự hận thù giữa hai cộng đồng người bằng cách thiết lập một tương quan dựa trên lòng tốt đối với nhau.
Ngay từ đầu, Chúa Giêsu đã cho thấy Người không lệ thuộc vào một hoàn cảnh đã có giữa những người Samari và những người Dothái. Người không thừa nhận sự chia rẽ giữa hai cộng đồng vì lý do ý thức hệ, đặc biệt trong lãnh vực tôn giáo. Người đưa ra một thực tại cao hơn hẳn, là chính ân huệ của Thiên Chúa, ân huệ không phân biệt giữa những người này với những người khác, bởi vì tình yêu của Thiên Chúa là thực tại dành cho toàn thể nhân loại (3,16: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”). Ân huệ của Thiên Chúa là chính Đức Giêsu, Con Một của Ngài, Đấng đem ơn cứu độ cho tất cả mọi người. Là nguồn mạch sự sống hằng tuôn chảy, Người sẵn sàng ban cho người phụ nữ Samari chính sự sống thần linh đó.
“Chị ấy nói: “Thưa ông, ông không có gầu, mà giếng lại sâu. Vậy ông lấy đâu ra nước hằng sống?” (c.11). Người phụ nữ Samari chưa biết đến bất cứ thứ nước nào khác, ngoài nước giếng Giacóp, và chị thấy rằng Đức Giêsu không có những phương tiện cần thiết để có thể múc nước ấy. Chị không biết đến, cũng không hình dung được rằng có ân huệ của Thiên Chúa được ban cách nhưng không. Cũng giống ông Nicôđêmô, được đào luyện và lớn lên trong khung cảnh Luật, chị phụ nữ Samari không quen nghĩ về tính cách nhưng không của ơn huệ Thiên Chúa ban.
Chị nói tiếp: “Chẳng lẽ ông lớn hơn tổ phụ chúng tôi là Giacóp, người đã cho chúng tôi giếng này? Chính Người đã uống nước giếng này, cả con cháu và đàn gia súc của Người cũng vậy” (c.12). Giếng Giacóp là ân huệ của Tổ Phụ Giacóp dành cho con cháu của ông, tức là cho dân tộc ông. Giếng này làm cho ký ức về Giacóp và hậu duệ của ông cứ sống động mãi trong lòng dân cư Samari. Giếng này là sợi dây nối kết giúp bảo toàn sự thống nhất chủng tộc và tôn giáo. Hơn nữa, giếng này còn có nghĩa là tượng trưng Lề Luật, thực tại tổng hợp các dung mạo của các tổ phụ và dung mạo của ông Môsê. Chị phụ nữ Samari biết ơn huệ của ông Giacóp (người đã cho chúng tôi), nhưng không biết ơn huệ của Thiên Chúa. Chị không biết đến những thực tại vĩ đại khác, ngoài những gì mà giếng Giacóp là biểu tượng. Đối với chị, thật là khó hiểu việc Đức Giêsu đề nghị một thứ nước sự sống khác, vì quả thực, nếu có nước ấy, thì nó phải là một thực tại hoàn toàn khác với Lề Luật. Và nếu thế, Đức Giêsu phải cao trọng hơn hẳn ông Giacóp cùng với tất cả vinh quang và giá trị mà ông đã ban cho con cháu ông! Người phụ nữ Samari cảm thấy thật khó chấp nhận điều đó. Vì vậy, giọng điệu của chị có vẻ mỉa mai. Và thế là, một lần nữa, cuộc đối thoại lại có nguy cơ bị phá hỏng, vì đề nghị của Chúa Giêsu không được chấp nhận.
“Đức Giêsu trả lời: “Ai uống nước này, sẽ lại khát. Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời” (cc.13-14). Với câu trả lời này, Đức Giêsu khẳng định tính chất không hoàn hảo, thậm chí là vẫn rất nghèo nàn, của ân huệ Giacóp. Ông đã ban cho con cháu mình nước, nhưng nước ấy không có khả năng làm cho người ta khỏi khát. Tuy nhiên, Đức Giêsu đã không khẳng định tường minh rằng Người lớn hơn ông Giacóp. Người ngầm nói điều đó bằng cách khẳng định sự hơn hẳn của ânhuệ mà người mang lại cho con người. Ai uống nước mà Người ban tặng sẽ không bao giờ phải khát nữa, bởi vì Thần Khí của Người sẽ ở mãi trong tâm hồn họ. Hơn nữa, Thần Khí mà Người ban tặng còn biến đổi con người nên mạch nước liên tục vọt lên, và vì thế, đem lại sự sống và sự phong nhiêu đời đời.
Thần Khí là nguồn mạch nội tâm, không phải chỉ là mạch nước bên ngoài như giếng Giacóp. Thần Khí ban cho con người sức sống đích thật tự bên trong, và từ bên trong con người, Thần Khí sẽ là mạch nước vọt lên đem lại sự sống đời đời. Chính Thần Khí đó sẽ là nguyên lý sự sống mới thay thế Lề Luật đến từ bên ngoài.
Người phụ nữ Samari vội nói với Đức Giêsu: “Thưa ông, xin ông cho tôi thứ nước ấy…” (c.15). Lúc đầu, khi nghe nói đến nước, người phụ nữ Samari đã nghĩ đến thứ nước trong giếng Giacóp. Nhưng rồi từ thứ nước bên ngoài ấy, chị được Đức Giêsu dẫn đi tìm thứ nước nằm bên trong lòng con người, thứ nước đem lại sự sống đời đời. Nước ấy sẽ do chính Đức Giêsu ban tặng. Đó là ThánhThần của Người.
Lời Chúa hôm nay đặc biệt nhắc nhở chúng ta ý thực về ân huệ cao cả mà chúng ta đã được lãnh nhận trong dòng nước thanh tẩy, là chính Thánh Thần mà Chúa Giêsu đổ vào trong lòng chúng ta. Trong bài đọc II của thánh lễ hôm nay, Thánh Phaolô cũng nói ơn Thánh Thần là nước kỳ diệu Thiên Chúa đổ vào lòng các người tin, và đó là Thánh Thần tình yêu: “Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta” (Rm 5,5b).
Giuse Nguyễn Thể Hiện