Đó là câu nói của Tổng thống Obama trước hơn 2000 cử tọa tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình trước khi ông rời Hà Nội vào Sài Gòn.
Đây là câu nói được ông khẳng định sau khi đã trình bày một cách trôi chảy, thâm thúy về lịch sử kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục tôn giáo lâu đời và đầy hào hùng của dân tộc Việt Nam, từ việc nhắc tới trống đồng Đông Sơn, nền văn hóa lúa nước Sông Hồng, nghề dệt lụa, cho tới việc nhắc nhớ đến các bậc anh hùng hào kiệt trong lịch sử dân tộc như Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt – với câu thơ thần nổi tiếng, khẳng định tinh thần bất khuất, tự cường của dân tộc Việt Nam.
Ông đã nói câu nói đầy ý nghĩa này sau khi khẳng định: “Việt Nam là một nước có chủ quyền độc lập và không có quốc gia nào khác có thể áp đặt lên ý chí của người dân Việt Nam. Độc lập, chủ quyền ấy do người dân Việt Nam quyết định”.
Mặc dù trong bài phát biểu ông có nói tới những thành tựu kinh tế, những hiệp ước thương mại Mỹ – Việt hay nói tới những dự phóng tương lai mở ra những viễn tượng tốt đẹp khi Việt Nam ra nhập TPP, khi Mỹ dỡ bỏ cấm vận vũ khí sát thương, thì ông vẫn khẳng định “Người Việt sẽ phải quyết định tương lai của người Việt”.
Nhìn hình ảnh người dân Việt Nam đổ ra đường, reo hò, hô vang tên ông mỗi khi ông đi qua, đã khiến nhiều người cảm thấy chạnh lòng, thương cảm, nhưng cũng đã làm cho nhiều người phấn khởi, thêm khi vọng về một ngày mai dân chủ, bởi họ thoáng thấy khát vọng dân chủ thật lớn nơi những người Việt Nam ra đón ông Obama.
Vậy, điều gì đã thu hút người dân Việt đổ ra đường đón ông như một người bạn, một người có thể đem lại sự thay đổi cho dân tộc, cho đất nước, trong khi ông là một người xa lạ, đại diện cho một quốc gia từ nhiều năm nay bị coi là một quốc gia thù địch?
Đối với ông Obama, có thể những gì ông làm, phát biểu trong những ngày ở Việt Nam: ăn bún chả, tới thăm chùa Ngọc Hoàng, thăm ao cá “bác Hồ” – bị bà Kim Ngân hắt xô thức ăn trước mặt, ghé quán nước trà tại Từ Liêm, chỉ mang tính ngoại giao, nghi lễ. Nhưng, sự hiện diện của ông không chỉ là hiện thân của một con người dễ mến, dễ thương, gần gũi, với đôi bàn tay “ấm, mền cho đến bây giờ vẫn không quên” – như bà chủ quán bún chả phố Lê Văn Hưu nhận định, đã thu hút người Việt đổ ra đường, mà điều chính yếu làm người dân Việt Nam đổ ra đường đón ông, chính là vì ông đang đại diện cho một giá trị mà thế giới khát vọng.
Như vậy, qua cuộc viếng thăm Việt Nam của ông Obama được người dân Việt Nam nồng nhiệt đón tiếp, được nhiều người nhận định là cơ hội cuối cùng cho Việt Nam thoát khỏi sự kìm kẹp của Trung Hoa, thì việc “người Việt sẽ quyết định tương lai của người Việt” thế nào, tùy thuộc vào việc người dân Việt Nam chọn lựa giá trị nào cho quốc gia, dân tộc mình.
Đây cũng là vấn đề đặt ra cho những tổ chức xã hội dân sự, những người đấu tranh cho một xã hội Việt Nam thịnh vượng và công bằng hơn.
Những câu hỏi cần phải được đặt ra lúc này, đó là: tại sao sự hiện diện của ông Obama lại thu hút người dân Việt đến thế? Tại sao các phong trào đấu tranh tại Việt Nam thời gian qua thiếu tính đồng bộ mà chỉ là những phong trào tự phát? Điều gì làm cho người dân không biết đến hoặc có biết đến các nhóm hay tổ chức thì họ vẫn e ngại không dám ủng hộ hoặc tham gia? Đâu là giá trị thật sự mà mọi tổ chức đều phải hướng tới trong công công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc?
Những câu hỏi này không phải là thừa, vì chắc chắn, tương lai của đất nước và dân tộc tùy thuộc vào việc người dân Việt hôm nay chọn lựa giá trị phổ quát nào để xây dựng đất nước, và các phong trào đấu tranh có cùng ngồi lại với nhau để hướng tới một giá trị chung làm nền cho công cuộc đấu tranh hay không?
25/5/2016
Hà Thạch