Người phụ nữ tội lỗi (Lc 7,36-50)

Bài Tin Mừng Lc 7,36-50 kể cho chúng ta một câu chuyện rất cảm động: Đức Giêsu và người phụ nữ tội lỗi.

Có người thuộc nhóm Pharisêu mời Đức Giêsu dùng bữa với mình. Đức Giêsu đến nhà người Pharisêu ấy và vào bàn ăn” (c.36). Trong Tin Mừng Lc, đây không phải là lần duy nhất Đức Giêsu được một người Pharisêu mời dùng cơm. Thực ra, việc mời cơm một vị thầy là điều bình thường, nhất là khi vị thầy đó vừa giảng dạy trong hội đường của làng vào ngày hưu lễ. Ấy là chưa kể sự trọng thị mà một số người Pharisêu dành cho Đức Giêsu (ví dụ khi họ coi ngài là một ngôn sứ như câu 39 cho thấy). Tuy nhiên, trong câu chuyện của chúng ta hôm nay, bữa ăn này trước hết không nhằm cho thấy tình bạn của Đức Giêsu với người Pharisêu, nhưng là một sự kiện có vai trò văn chương, tạo nên một khung cảnh cho cuộc đối thoại giữa Đức Giêsu và một người Pharisêu, qua đó, đề cập đến những chủ đề vốn được coi là quan trọng trong giáo thuyết của những người Pharisêu.

Bỗng một phụ nữ vốn là người tội lỗi trong thành, biết được Người đang dùng bữa tại nhà ông Pharisêu, liền đem theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm” (c.37). Tác giả Luca không xác định rõ ràng về người phụ nữ tội lỗi, chỉ cho biết rằng chị ta là một người tội lỗi “có tiếng” trong thành. Sẽ là vô ích việc xác định xem chị đã phạm tội gì, vì tác giả Tin Mừng đã cố ý không nêu rõ, mà chỉ muốn đề cập đến chị ta như một hình ảnh của những con người tội lỗi được hưởng ơn tha thứ. Không hiểu làm thế nào một người phụ nữ tội lỗi có tiếng như thế mà lại có thể đi vào nhà người Pharisêu khi ông đang tiếp Đức Giêsu. Nhưng rõ ràng sự xuất hiện của chị đã tạo nên một khung cảnh quan trọng để cuộc tranh luận của Đức Giêsu với người Pharisêu được thực hiện.

Khi đã vào nhà, mang theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm, người phụ nữ “đứng đằng sau, sát chân Đức Giêsu mà khóc, lấy nước mắt mà tưới ướt chân Người. Chị lấy tóc mình mà lau, rồi hôn chân Người và lấy dầu thơm mà đổ lên” (c.38). Thánh Luca đã miêu tả thật sinh động chuỗi hành động của người phụ nữ tội lỗi. Tất cả những hành động đó cho thấy thái độ căn bản của người phụ nữ này là lòng biết ơn, niềm vui và tình yêu vô bờ của chị đối với Đức Giêsu.

Trong thực tế, chỉ nguyên việc người phụ nữ xõa tóc trước mặt những người đàn ông đã có thể là nguyên cớ để người đó bị người chồng từ rẫy, theo một số bản văn của các rabbi mà người ta còn lưu giữ được. Rõ ràng những hành động của người phụ nữ ở đây đã cho thấy tình yêu của chị đối với Đức Giêsu là rất mãnh liệt. Bên cạnh đó, tất cả hành động của chị đều chỉ được thực hiện nơi chân Đức Giêsu: nước mắt, mái tóc, những chiếc hôn, và thậm chí cả dầu thơm nữa. Điều đó chứng tỏ sự tôn kính vô bờ mà chị dành cho đức Giêsu và sự khiêm tốn rất sâu xa mà chị mang trong lòng khi diễn tả sự tôn kính và tình yêu thương đối với Đức Giêsu.

Đáng ngạc nhiên hơn nữa là thái độ của Đức Giêsu. Người bình thản để cho người phụ nữ diễn tả tình yêu và sự tôn kính trước mặt đám đông, cho dù điều đó có thể gây xì căng đan. Việc tiếp xúc với hạng người phụ nữ như thế, nhất là nếu chị ta là gái điếm như nhiều người thường hiểu, sẽ làm cho người ta trở nên nhơ uế, tương tự như khi tiếp xúc với xác chết hoặc với loài heo vậy.

Thấy vậy, ông Pharisêu đã mời Người liền nghĩ bụng rằng: “Nếu quả thật ông này là ngôn sứ, thì hẳn phải biết người đàn bà đang đụng vào mình là ai, là thứ người nào: một người tội lỗi!” Đức Giêsu lên tiếng bảo ông: “Này ông Simôn, tôi có điều muốn nói với ông!” Ông ấy thưa: “Dạ, xin Thầy cứ nói” (cc.39-40). Ông Pharisêu tỏ ra là một con người lịch sự và điềm đạm. Ông không diễn tả ra bên ngoài ý nghĩ của mình về Đức Giêsu, trái lại, ông vẫn thưa với Người một cách rất lịch sự: “Dạ, xin Thầy cứ nói”. Ông không đuổi người phụ nữ ra xa Đức Giêsu và cũng chẳng trách cứ gì Đức Giêsu, vì nghĩ rằng Người không phải là dân địa phương nên không biết gì về người phụ nữ kia. Ông chỉ thầm nhận định về Đức Giêsu: hẳn Người không phải là một ngôn sứ! Trong ý tưởng của người Pharisêu, một ngôn sứ phải có ít nhất hai phẩm chất này: phải đọc được tư tưởng và ý định của người khác, và phải trung thành với Luật của Thiên Chúa (tức là không thể để cho người phụ nữ kia đụng vào mình khi mình đã biết chị ta là kẻ tội lỗi).

Để trả lời cho nhận định của người Pharisêu, Đức Giêsu kể một dụ ngôn ngắn. “Đức Giêsu nói: “Một chủ nợ kia có hai con nợ: một người nợ năm trăm quan tiền, một người năm chục. Vì họ không có gì để trả, nên chủ nợ đã thương tình tha cho cả hai. Vậy trong hai người đó, ai mến chủ nợ hơn?” (cc.41-42).

Thực ra, dụ ngôn này chẳng ăn nhập gì với vấn đề mà người Pharisêu đang suy nghĩ: vấn đề thanh sạch hay nhơ uế, nhưng cung cấp lời giải thích cho thái độ của người phụ nữ. Theo dụ ngôn này, mọi người đều là con nợ của Thiên Chúa, kể cả người Pharisêu, vốn tự coi mình là công chính. Đức Giêsu cho thấy Người biết rõ tình trạng tội lỗi trầm trọng của người phụ nữ. Người cũng cho thấy Thiên Chúa là ai đối với chúng ta: Thiên Chúa đến với con người để tha thứ cho con người.

Câu hỏi Đức Giêsu đặt ra cho ông Simôn, người Pharisêu, cũng là lời mời gọi ông hãy ý thức rằng thái độ của người phụ nữ tội lỗi kia đối với Đức Giêsu chứng tỏ chị ta đã trải nghiệm một thực tại mà ông Simôn chưa được trải nghiệm: trải nghiệm về lòng nhân lành của Thiên Chúa tha thứ cho con người. Người phụ nữ đã nhận được ơn tha thứ, và do đó, chị có khả năng yêu mến nhiều hơn. Sự biết ơn và khả năng yêu thương chính là dấu hiệu, là hiệu quả và là thực tại mới mẻ mà ơn tha thứ đã làm nên nơi người phụ nữ tội lỗi này. Chị ta không còn là một người tội lỗi nữa. Cặp mắt ngôn sứ của Đức Giêsu cho phép Người nhận biết rõ ràng điều đó.

Ông Simôn đáp: “Tôi thiết tưởng là người đã được tha nhiều hơn.” Đức Giêsu bảo: “Ông xét đúng lắm.” Rồi quay lại phía người phụ nữ, Người nói với ông Simôn: “Ông thấy người phụ nữ này chứ? Tôi vào nhà ông: nước lã, ông cũng không đổ lên chân tôi, còn chị ấy đã lấy nước mắt tưới ướt chân tôi, rồi lấy tóc mình mà lau. Ông đã chẳng hôn tôi một cái, còn chị ấy từ lúc vào đây, đã không ngừng hôn chân tôi. Dầu ôliu, ông cũng không đổ lên đầu tôi, còn chị ấy thì lấy dầu thơm mà đổ lên chân tôi” (cc.43-46). Đức Giêsu chú tâm đến người phụ nữ và kêu mời ông Simôn nhìn lại chính mình. Chính Đức Giêsu nói rõ về tình yêu lớn lao của người phụ nữ, ngược lại với tình yêu rất ít ỏi của người Pharisêu. Thực ra, ông Simôn không đáng trách vì thiếu tôn trọng luật tiếp khách, nhưng là vì thiếu tình yêu mến. Người phụ nữ yêu mến nhiều hơn.

Rồi Đức Giêsu nói tiếp: “Vì thế, tôi nói cho ông hay: tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít” (c.47). Có hai cách hiểu câu này, tùy cách hiểu hạn từ hôti (bởi vì hoặc bằng cớ là). Cách hiểu thứ nhất: “Tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bởi vì chị đã yêu mến nhiều”; cách hiểu thứ hai: “Tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều”. Cách hiểu thứ nhất cho rằng lòng yêu mến là nguyên nhân của ơn tha thứ, còn cách hiểu thứ hai thì cho rằng lòng yêu mến là hiệu quả và bằng chứng của ơn tha thứ. Theo câu 47b (còn ai được tha ít thì yêu mến ít) và theo dụ ngôn mà Đức Giêsu vừa kể (cc.41-43) thì cách hiểu thứ hai hợp lý hơn. Người phụ nữ tội lỗi đã nhận được ơn tha thứ của Thiên Chúa và đáp lại tình yêu tha thứ ấy bằng những hành động yêu mến đặc biệt của mình. Lòng yêu mến của chị ta không phải là nguyên nhân làm cho chị được tha thứ, mà là hiệu quả và bằng chứng của ơn tha thứ ấy.

Rồi Đức Giêsu nói với người phụ nữ: “Tội của chị đã được tha rồi.” Bấy giờ những người đồng bàn liền nghĩ bụng: “Ông này là ai mà lại tha được tội? ” Nhưng Đức Giêsu nói với người phụ nữ: “Lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an” (cc.48-50).

Đức Giêsu ngỏ lời trực tiếp với người phụ nữ. Người nói với chị hai lời quan trọng.

Lời thứ nhất xác nhận và bảo đảm cho chị về ơn tha thứ của Thiên Chúa dành cho chị: “Tội của chị đã được tha rồi” (c.48).

Lời thứ hai là một công thức thường được các tác giả Nhất Lãm dùng để kết thúc các trình thuật chữa lành (x. Mc 5,34; 10,52; Lc 8,48; 17,19; 18,42). Phải chăng lời thứ hai này đã được tác giả Tin Mừng thêm vào nhằm nói rằng yếu tố làm cho người phụ nữ được tha thứ và cứu độ là lòng tin chứ không phải là những công việc chị thực hiện? Và như thế, có phải tác giả muốn gợi ý những suy tư về tương quan giữa lòng tin và tình yêu mến?

Gợi ý suy niệm:

1. Tương quan giữa tình yêu và ơn tha thứ. Thiên Chúa tha thứ tội lỗi cho chúng ta là vì Đức Giêsu đã chết và phục sinh, chứ không phải vì chúng ta làm được điều gì tốt lành. Tình yêu và nhân đức của chúng ta là hiệu quả và dấu chỉ của tình yêu đi bước trước của Thiên Chúa. Nhưng rất nhiều khi chúng ta lại đảo lộn trật tự, tưởng rằng mình có thể được cứu độ nhờ những việc lành mình đã làm được. Chúng ta được mời gọi yêu mến vì đã được tha thứ chứ không phải yêu mến để được tha thứ. Lời Đức Giêsu: “Tôi nói cho ông hay: tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít”.

2. Cách biểu lộ lòng yêu mến. Người phụ nữ trong bài Tin Mừng đã diễn tả một lòng biết ơn và yêu mến đặc biệt đối với Đức Giêsu. Tình yêu của chị xuất phát từ trải nghiệm về lòng thương xót và tha thứ của Thiên Chúa. Tình yêu của chị được thể hiện một cách mạnh mẽ nhưng tràn đầy khiêm tốn và sự tôn kính chân thành.

3. Cái nhìn ngôn sứ đích thật. Những hành động của người phụ nữ đối với Đức Giêsu đã được đánh giá khác nhau. Theo quan điểm của Đức Giêsu, đó là những hành động yêu mến, có giá trị chứng tỏ người phụ nữ đã được trải nghiệm lòng xót thương của Thiên Chúa và là hiệu quả của ơn tha thứ đó. Nhưng trong cách nhìn phiến diện của ông Simôn, thì đó lại là những hành động làm cho Đức Giêsu bị nhiễm uế.

Nguyễn Thể Hiện

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết