Người đứng đầu Hội đồng Giám mục Công giáo Philippines (CBCP) thừa nhận rằng người nghèo vẫn bị gạt ra bên lề xã hội, thậm chí ngay cả trong Giáo hội.
“Thật khiêm tốn khi thừa nhận rằng, bất chấp tầm nhìn của Hội đồng toàn thể lần thứ hai của Philippines năm 1991 về việc thúc đẩy một Giáo hội của người nghèo,… người nghèo vẫn không chỉ ở bên lề xã hội mà còn ở bên lề của Giáo hội”, Đức Giám mục Pablo Virgilio David Địa phận Kalookan, Chủ tịch CBCP, cho biết.
Trong một bài phát biểu tại Nhà thờ chính tòa Manila gần đây, vị Giám chức cho biết “nhận xét phổ biến nhất” và “đau đớn” được đưa ra trong Tiến trình Hiệp hành đó là “ấn tượng chung rằng người nghèo cảm thấy bị phân biệt đối xử trong các Giáo xứ của họ”.
“Nhiều Linh mục và lãnh đạo giáo dân có xu hướng chào đón những người giàu có và có tầm ảnh hưởng nhiều hơn….Thậm chí còn đau đớn hơn là nhận xét chung rằng nhiều nhà lãnh đạo Giáo hội, giáo sĩ hoặc giáo dân, không thèm lắng nghe tiếng nói của họ”, Đức Giám mục David nói.
Đức Giám mục David cho biết các cuộc đối thoại khu vực trong Tiến trình Hiệp hành ở Philippines cũng cho thấy “một xu hướng đáng kể” là nhiều Giáo xứ chỉ tập trung vào các mối quan tâm về “Giáo hội”.
“Chúng ta đã có xu hướng hạn chế sự tham gia của Giáo dân vào việc phục vụ Giáo hội hơn là phục vụ xã hội với tư cách là thành viên của một Giáo hội phục vụ”, Đức Giám mục David nói.
Bài phát biểu của Đức Giám mục David là một phần của hoạt động mừng kỷ niệm 50 năm thành lập Liên Hội đồng Giám mục Á Châu (FABC), mà vị Giám chức cho biết “đã thực sự thúc đẩy tính hiệp hành cao hơn trong Giáo hội kể từ khi khởi sự”.
Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công giáo Philippines cho biết FABC đã nhất quán khẳng định việc đối thoại ba chiều kích – với các tôn giáo khác, văn hóa và người nghèo – rằng Giáo hội Philippines phải đánh giá “cách chúng ta đã theo đuổi” trong khi đồng thời xem xét kinh nghiệm hiệp hành.
Đức Giám mục David cho biết Giáo hội Công giáo Philippines đang trong tình thế bất lợi về mặt đối thoại liên tôn vì “trên thực tế chúng ta là một quốc gia chủ yếu theo Kitô giáo”.
“Đó chính là lý do tại sao chúng ta có xu hướng ít quan tâm đến việc đối thoại với các tôn giáo khác”, Đức Giám mục David nói.
Vị Giám chức cho biết các cộng đồng đức tin khác đã không khỏi ngạc nhiên “khi chúng ta bận tâm đến việc tiếp cận với họ” trong Thượng hội đồng về Hiệp hành.
“Tính hiệp hành với các tôn giáo khác thực sự không chỉ là sự chung sống hòa bình hay thậm chí là việc đối thoại”, Đức Giám mục David nói.
“Đó cũng là về việc chủ động khám phá các không gian của quan hệ đối tác và sự cộng tác về việc mở ra các cộng đồng Giáo hội nền tảng của chúng ta để thúc đẩy không chỉ các cộng đoàn Kitô giáo nền tảng mà còn các cộng đồng cơ bản của con người”, Đức Giám mục David nói.
Minh Tuệ (theo Herald Malaysia)