Khi lệnh phong tỏa được áp đặt và các cư dân hoảng loạn tự cô lập ở nhà, những người có thu nhập thấp vẫn phải vật lộn để sinh tồn.
Anh Akbar Hossain trông có vẻ lo lắng và thất vọng khi ngồi với một thùng ổi ở vòng xoay Mirpur-10 ở phía bắc thủ đô Dhaka.
“Mỗi ngày tôi bán trái cây trị giá khoảng 2.000 taka (24 đô la Mỹ). Bây giờ là 12 giờ đêm và tôi chưa bán được quả nào. Tôi chưa bao giờ trải qua tình huống đáng thất vọng như vậy”, Akbar, 18 tuổi, phát biểu với UCA News.
Trong gần một tuần lễ, anh Akbar buộc phải bán những trái ổi với giá cực thấp do nhu cầu tiêu dung sụt giảm mạnh.
“Thông thường, ổi được bán với giá 70 taka mỗi kg, nhưng tôi buộc phải bán ở mức 20-30 taka một kg. Nếu điều này tiếp tục, tôi sẽ phải rời khỏi thành phố và quay trở về quê”, anh Akbar nói.
Akbar, một người Hồi giáo, là một người bán trái cây theo mùa trong suốt ba năm qua kể từ khi anh rời ngôi làng của mình ở quận Bhola ở miền nam Bangladesh để tìm vận may ở thủ đô nhộn nhịp.
Akbar sống với một người họ hàng ở Mirpur và bán trái cây quanh năm, bao gồm xoài, vải thiều và ổi. Anh giữ một phần thu nhập của mình để tự lo cho bản thân và phần còn lại anh gửi về quê cho cha mẹ để hỗ trợ việc học hành cho hai đứa em đang trong độ tuổi đi học của mình.
Việc buôn bán thất bát của Akbar tại thành phố 20 triệu dân không gì khác ngoài sự bùng phát của coronavirus.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), loại virus chết người này đã lây lan sang 190 quốc gia trên toàn thế giới, lây nhiễm 382.420 người và làm thiệt mạng 16.574 người.
Tính đến ngày 24 tháng 3, Bangladesh đã ghi nhận 33 trường hợp nhiễm vi rút được xác nhận và ba trường hợp tử vong, các quan chức chính phủ cho biết. Ngoài ra, 65 người dân Bangladesh ở nước ngoài đã bị nhiễm bệnh và bốn người đã chết trên đất nước ngoài.
Chính phủ đã đóng cửa các cơ sở giáo dục từ ngày 17-31 tháng 3, tuyên bố một kỳ nghỉ chung từ 24 tháng 3 đến 4 tháng 4, áp đặt lệnh phong tỏa hoàn toàn và một phần ở một số khu vực và cấm tất cả các hình thức tụ họp công cộng.
Ở nhiều nơi trên đất nước, đặc biệt là các khu vực đô thị như thủ đô Dhaka, đường phố vắng tanh vì những cư dân hoảng loạn đã tự cô lập tại nhà.
Nỗi sợ hãi dâng cao đối với việc bùng phát thảm họa coronavirus thảm khốc ở quốc gia đa số Hồi giáo gồm hơn 160 triệu người này với các cơ sở y tế thiếu thốn trong bối cảnh thiếu các trang thiết bị bảo vệ nghiêm trọng cho bác sĩ và nhân viên y tế.
Người nghèo và người thu nhập thấp bị ảnh hưởng nặng nề
Giống như Akbar, hàng ngàn người nghèo và người có thu nhập thấp đang phải gánh chịu gánh nặng của loại virus chết người này.
Anh Montu Mian, 43 tuổi, làm công việc kéo xe kéo thuê ở Dhaka trong năm năm qua. Vợ và ba đứa con của anh sống ở ngôi làng nằm ở quận Rangpur ở phía bắc.
Một mảnh đất nông nghiệp nhỏ cho phép gia đình có thể tự xoay sở thực phẩm trong nửa năm và họ phải mua thức ăn cho nửa năm còn lại.
Trong thời gian bình thường, anh Mian có thể mang về nhà 300-800 taka sau khi trả lại tiền thuê hàng ngày, nhưng giờ thì không còn nữa.
“Tôi bắt đầu ngày làm việc của mình lúc 6 giờ sáng và bây giờ đã là giữa trưa. Tôi chỉ kiếm được 200 taka và tôi không thể hy vọng có được tổng thu nhập 500 taka. Tôi sẽ không còn gì sau khi ăn uống và trả tiền thuê xe hàng ngày”, Mian phát biểu với UCA News.
Giờ đây, Mian không chắc có nên ở lại Bangladesh hoặc trở về nhà. Nhiều người kéo xe kéo như anh đã rời khỏi thành phố – một số do mất thu nhập và những người khác vì sợ virus, anh Mian nói.
“Tôi không sợ chết vì bệnh, nhưng tôi lo lắng không biết phải làm gì để hỗ trợ gia đình”, anh Mian chia sẻ thêm.
Lovely Begum, 30 tuổi, một bà mẹ hai con, làm công việc giúp việc nhà bán thời gian cho tới 10 gia đình ở thủ đô Dhaka mỗi ngày cho đến ngày 15 tháng 3.
Kể từ đó, chị Begum đã mất việc tại 8 gia đình vì sợ lây nhiễm virus. Chồng chị là một người nghiện ma túy, vì vậy chị phải là trụ cột duy nhất cho chồng và hai cô con gái của mình.
“Từ mỗi gia đình tôi có thể kiếm được 2.000 đến 3.000 taka mỗi tháng. Thu nhập của tôi chi trả cho mọi thứ. Tôi tự hỏi làm thế nào tôi có thể xoay sở tiền thuê nhà 5.000 taka vào tháng tới”, chị Begum bộc bạch với UCA News.
Gia đình chị Begum đã chuyển đến Dhaka từ quận Mymensingh cách đây sáu năm trước. Họ không có đất đai ngoại trừ một ngôi tại ngôi làng.
“Chúng tôi không có tiền để mua thức ăn và trả tiền thuê nhà. Nếu chủ nhà trì hoãn tiền thuê nhà một vài tháng, chúng tôi sẽ sống sót, hoặc chúng tôi sẽ bị buộc phải ra đường. Chúng tôi không có nơi nào để về”, chị Begum nói.
Hỗ trợ người nghèo
Người nghèo và người thu nhập thấp đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng và thậm chí ngay cả tầng lớp trung lưu cũng sẽ bị ảnh hưởng nếu đại dịch tiếp tục kéo dài, theo Abul Barakat, một nhà kinh tế học nổi tiếng.
“Những người sống lần hồi cầm hơi đã mất đi thu nhập và giá cả của các nhu yếu phẩm hàng ngày đã ngày càng tăng lên. Khi thời gian trôi qua, tình hình sẽ còn tồi tệ hơn. Bên cạnh lĩnh vực y tế được chuẩn bị yếu kém, chúng tôi đã không nghĩ về sự suy thoái kinh tế nghiêm trọng vốn sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến những người ở dưới đáy xã hội”, ông Barakat, cựu giáo sư kinh tế tại Đại học Dhaka, phát biểu với UCA News.
Ngay cả khi không ở quy mô của các nước phát triển, chính phủ nên có cách tiếp cận nhân đạo đối với các cộng đồng nghèo, ông nói.
“Thủ tướng của chúng ta, ông Sheikh Hasina đã chỉ thị chúng tôi tìm những người vô gia cư để hỗ trợ họ. Nếu chúng ta có thể tìm thấy những người vô gia cư, chúng ta có thể giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực của họ. Chúng ta nên mở rộng bàn tay giúp đỡ những người không thể tự nuôi sống bản thân trong giai đoạn đầy kịch tính này”, ông Barakat nói.
Bangladesh không nên áp đặt lệnh phong tỏa hoàn toàn, trong khi lĩnh vực công nghiệp nên hoạt động thậm chi ngay cả ở quy mô nhỏ hoặc sinh kế của nhiều người sẽ bị đe dọa, ông Barakat chia sẻ thêm.
Vào ngày 23 tháng 3, các quan chức của bộ tài chính cho biết chính phủ đang lên kế hoạch phân phối thực phẩm trợ cấp cho những người nghèo ở đô thị, tờ New Age đưa tin.
Thủ tướng Hasina dự kiến sẽ công bố chương trình này vào ngày 25 tháng 3 trước ngày kỷ niệm 50 năm Bangladesh giành độc lập từ Pakistan, báo cáo cho biết.
Tổ chức từ thiện Công giáo Caritas đã có cuộc trò chuyện với các nhà tài trợ để hỗ trợ cho những người nghèo bị ảnh hưởng bởi coronavirus, Ranjon Francis Rozario, trợ lý giám đốc điều hành của tổ chức Caritas Bangladesh, cho biết.
“Chúng tôi cảm thấy buồn thương cho những người có thu nhập thấp vì nhiều người trong số họ ngay lúc này không có thu nhập. Chẳng mấy chốc họ sẽ không còn tiền bạc và không có gì để ăn. Chúng tôi đã liên lạc với Tổ chức Caritas Quốc tế và chúng tôi muốn làm điều gì đó để giúp đỡ họ”, ông Rozario chia sẻ với UCA News.
Minh Tuệ (theo La Croix)