Người môn đệ Đức Giêsu

Thuật ngữ môn đệ trong các sách Tin Mừng trình bày và diễn tả bản chất ơn gọi của những ai lắng nghe lời mời gọi của Đức Giêsu và bước theo Người.

20161128-chua-cau-nguyenTrong gần 3 năm rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa, Đức Giêsu kêu gọi nhiều người làm môn đệ của Người: trong tư cách cá nhân (x. Mt 9,9; Mc 2,13-14; Ga 1,40tt) hoặc Nhóm 12 (x. Mc 3,14-16), các Tông Đồ (x. Mt 10,2), 72 môn đệ (x. Lc 10,1), đám đông dân chúng (x. Lc 6,17; 19,37; Ga 6,60), những người thu thuế và tội lỗi (x. Mc 2,15-16; Lc 5,29).

Tất cả đều được Người dạy dỗ (x. Mc 3,34) và cho đồng bàn với Người. Họ trở thành người nhà của Người, vì họ nghe, đón nhận Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành (x. Lc 8,21).

Thuật ngữ môn đệ trong các sách Tin Mừng trình bày và diễn tả bản chất ơn gọi của những ai lắng nghe lời mời gọi của Đức Giêsu (x. Mc 1,17-20) và bước theo Người (x. Mt 8,23; Ga 1,37; Lc 22,39). Trong tự do, họ đáp lời Người và nhận Người làm Thầy. Người kêu gọi họ trong tư cách cá nhân và họ cũng đáp lời trong tư cách cá nhân. Người chọn và lập họ thành nhóm, để họ cùng đến ở lại với Người (x. Ga 1,39) và để Người sai đi rao giảng Tin Mừng (x. Mc 3,14). Môn đệ được đề cập trong các sách Tin Mừng, trước hết chính là Nhóm 12 như một khuôn mẫu cho những ai “đi theo Đức Giêsu” (x. Mc 3,14; Mt 10,1-4; 11,1; Lc 6,12-16; Ga 6,67.70).

Ơn gọi bước theo và làm môn đệ Đức Giêsu phát xuất bởi lời mời gọi của Người và Người ban quyền năng của Người cho các ông: quyền trên các thần ô uế, cũng như ơn chữa lành bệnh tật (x. Mt 10,1). Người làm cho các ông trở thành người nhà (x. Mt 12,49) và bạn hữu của Người (x. Ga 6,3; 15,13-15). Họ làm theo lời Người truyền (x. Mt 21,6; 26,19). Các ông sẽ được thấy, được tận mắt chứng kiến những dấu lạ Người làm (x. Lc 19,37). Ngang qua những dấu lạ ấy, Đức Giêsu trình bày chính hoạt động cứu độ của Thiên Chúa thực hiện trong chính bản thân Người (x. Lc 10,23-24; Mt 13,16-17).

Các ông sống chung với nhau – Nhóm 12 (x. Mc 3,14), biết yêu thương nhau (x. Ga 13,35), biết bền chí trong cầu nguyện (Lc 18,1), biết từ bỏ tất cả những gì mình có (x. Lc 14,26.33), biết vác thập giá mình mà theo Người (x. Mt 16,24; Mc 8,34; Lc 14,27) và cùng chết với Người (Mc 14,31).

Nhóm 12 môn đệ, sau này sách Công Vụ Tông Đồ gọi là các Tông Đồ (x. Mt 10,2; Lc 6,13). Các ông được tuyển chọn nhờ Thánh Thần (x. Cv 1,2; Ep 1,1) chứ không do ý muốn của loài người (x. Gl 1,1). Các ông sống tư cách môn đệ của mình là làm chứng cho Đức Giêsu sống lại, nhờ quyền năng mạnh mẽ của Thiên Chúa và nguồn ân sủng dồi dào của Thánh Thần (x. Cv 4,33; 5,12). Các ông là những người vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm (x. Cv 5,29). Trong cuộc sống, các ông long trọng làm chứng và nói Lời Thiên Chúa (x. Cv 8,25).

Trong và trên tất cả những tư cách ấy, có một tư cách cốt lõi, làm nên dung mạo cuộc đời và ơn gọi của người môn đệ: tin vào Kinh Thánh và lời Đức Giêsu (x. Ga 2,22). Sứ mạng của người môn đệ là được dành riêng để sống với Đức Giêsu và loan báo Lời Thiên Chúa (x. Rm 1,1). Khi sống trong tư cách chứng nhân và người loan báo Tin Mừng, các ông trở nên trò cười cho thế gian, cho thiên thần và loài người (x. 1Cr 4,9).

Ơn gọi của người môn đệ Đức Kitô, khởi nguồn từ sáng kiến và ý định của Thiên Chúa. Thiên Chúa gọi đích danh từng người. Lời mời gọi của Thiên Chúa là lời mời gọi của Tình Yêu. Tiếng xin vâng chính là lời đáp trả của người nghe được tiếng mời gọi. Tình Yêu và lời đáp trả, làm nên dung mạo người môn đệ Đức Kitô.

Để ứng đáp lại Tình Yêu ấy, người môn đệ của Đức Kitô đi trên con đường Thầy mình đã đi: vâng ý Cha (x. Mt 26,39; Mc 14,36; Lc 22,42) và làm theo thánh ý Người (Ga 4,34; 17,4). Làm theo và hoàn tất thánh ý của Thiên Chúa là “lý do” của việc Đức Giêsu đến trong trần gian (x. Ga 10,36; 17,18; 20,21). Đó là hoàn tất công trình Chúa Cha đã giao cho Người (x. Ga 17,4).

Sách Thánh cho thấy chương trình và thánh ý của Chúa Cha chính là công trình sáng tạo và công trình cứu độ được thực hiện trong Đức Kitô – Lời sáng tạo và cứu chuộc.

“Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành” (Ga 1,3). “Người ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có (Ga 1,10a).

“Vì trong Người, muôn vật được tạo thành trên trời cùng dưới đất, hữu hình với vô hình. Dẫu là hàng dũng lực thần thiêng hay là bậc quyền năng thượng giới, tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng nhờ Người và cho Người” (Cl 1,16).

Trong Đức Kitô, sự có mặt của tạo thành là sự có mặt nhờ Người, với Người, trong Người và cho Người. Tạo thành có ý nghĩa và có giá trị trước mặt Thiên Chúa Cha, là nhờ hiệp nhất và nên một với Đức Kitô, trong Chúa Thánh Thần.

Trong đích điểm của mạc khải ấy, người môn đệ của Đức Kitô được kêu gọi để cùng ăn, cùng uống, cùng ở với Người và được Người sai đi. Sứ mạng này nằm trong trục chính của công trình tạo thành và cứu chuộc.

Người môn đệ sống tư cách môn đệ của mình trong tương quan với Đức Giêsu không nhằm tìm vinh quang, lợi lộc cho mình, nhưng nhằm tìm kiếm và thi hành Ý Muốn của Thiên Chúa. Ý Muốn ấy là làm cho công trình tạo thành và cứu chuộc của Thiên Chúa, thực hiện trong Đức Kitô, được tiếp nối giữa dòng lịch sử nhân loại, cho đến ngày chung cuộc trong vinh quang trời mới đất mới.

Người môn đệ tiếp tục công trình tạo thành và cứu chuộc của Đức Kitô, trong tư cách cá nhân hay cộng đoàn, không phải là tiếp tục đi đến việc hoàn thành một công trình đang dang dở. Công trình ấy đã hoàn tất trong Đức Kitô. Người môn đệ tiếp nối công trình này trong tư cách là sự tiếp nối làm chứng cho điều đã có và thành toàn. Sự tiếp nối này làm cho người môn đệ trở nên khí cụ chuyển tải, thông truyền về một sự hiện diện, về một thực tại thần thiêng.

Cuộc sống dấn thân phục vụ của người môn đệ trong mọi khía cạnh của cuộc sống là lời ứng đáp, câu trả lời, “sự mạc khải” cho nhân loại hôm nay. Bốn Tin Mừng, khắc họa một số tư cách của người môn đệ và sẽ cho thấy lời ứng đáp của người môn đệ trong tư cách cá nhân hay Nhóm 12. Đó là mô mẫu cho những ai lắng nghe lời mời gọi của Đức Kitô và tiếp bước theo Người.

Người môn đệ Chúa Kitô sống tư cách của mình như là chứng nhân, là hiện thân cho chính tương quan tình yêu, tình bạn và tình thân ấy, trong chọn lựa phương tiện sống, trong lập trường quan điểm, trong cách thức thực hành, trong cung cách phục vụ, trong lời rao giảng, trong đời sống thường ngày, hay trong âm thầm cầu nguyện với và trong Đức Kitô, cũng như với và vì những người nghèo, người đau khổ, người bị bỏ rơi, cô độc (x. Lc 4,18-19).

Micaen Gia Lâm, C.Ss.R.

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết