Đức Thánh Cha Phanxicô phát biểu trong bài giảng Thánh lễ sáng 31/5 tại nhà nguyện Thánh Marta: “Những Kitô hữu mang khuôn mặt nhăn nhó quả thực xấu xí biết bao!”; “Những kẻ sống mà không biết phục vụ thì quả thực không đáng sống”; các tín hữu được mời gọi để luôn luôn “gặp gỡ tha nhân” và ôm lấy họ, như Thiên Chúa đã dạy.
Chỉ cần học cách “phục vụ và giúp đỡ tha nhân”, thế giới sẽ thay đổi tốt hơn lên một cách đáng kể. Việc phục vụ và gặp gỡ người khác sẽ đem lại cho chúng ta “niềm vui” và chúng sẽ “lấp đầy cuộc sống”, đặc biệt đối với chúng ta là những người Kitô hữu, chúng ta không bao giờ nên mang một vẻ mặt “nhăn nhó” và ủ dột: đó là những lời chia sẻ của Đức Thánh Cha Phanxicô, Vatican Radio cho biết.
Suy ngẫm về Đức Trinh Nữ Maria Mẹ Chúa Giêsu, vị Giám mục thành Roma đã nhấn mạnh sự can đảm của một người phụ nữ, về khả năng giúp đỡ những người khác, cánh tay luôn rộng mở chính là dấu hiệu của sự sẵn sàng giúp đỡ người khác. Tất cả những ý niệm trên đều được trích từ bài Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Đức Maria thăm viếng bà Elisabeth. Đoạn Tin Mừng này, cùng với những lời của ngôn sứ Xôphônia trong bài đọc thứ nhất và của Thánh Phaolô Tông đồ trong bài đọc thứ hai, đã diễn tả một cử hành phụng vụ “tràn đầy niềm vui”, đại diện cho một luồng không khí trong lành” cho cuộc sống của chúng ta.
Đức Thánh Cha nói: “Những người Kitô hữu có khuôn mặt nhăn nhó hay lúc nào cũng ủ dột quả thực trông thật xấu xí. Thậm chí họ không phải là những Kitô hữu thực sự. Họ nghĩ họ là Kitô hữu, nhưng không phải vậy. Đây chính là thông điệp Kitô giáo”, Đức Thánh Cha nói.
Và trong bầu không khí của niềm vui mà phụng vụ hôm nay đem lại cho chúng ta như một quà tặng, Cha muốn chỉ ra 2 điều: thứ nhất, đó là thái độ; thứ hai, Cha muốn nói đến một sự kiện”.
Thái độ chính là “một trong những khía cạnh của việc phục vụ”. Phục vụ phải được thực hiện mà không hề có sự do dự: Đức Trinh Nữ Maria, mà chúng ta đọc thấy trong Tin Mừng, đã “vội vã lên đường”, mặc dù Mẹ đang mang thai và có thể có rất nhiều những hiểm nguy đang rình rập trên đường” – Đức Thánh Cha Phanxicô nói. “Người phụ nữ ấy mới chỉ 16 tuổi, có thể là 17, không hơn, nhưng đã rất can đảm. Cô thức dậy và vội vã lên đường mà không đưa ra bất kì lời biện hộ nào”.
Vì vậy, đây chính là “sự can đảm của một người phụ nữ”. “Trong Giáo Hội, có rất nhiều những tấm gương về những người phụ nữ can đảm”, Đức Bergoglio cho biết. “Đó là những phụ nữ phải đảm đương trách nhiệm chăm lo cho gia đình, đó là những phụ nữ phải chịu trách nhiệm giáo dục con cái. Họ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, rất nhiều đau khổ, họ là những người chăm sóc cho những người bệnh tật … Phải nói rằng họ rất can đảm: họ thức dậy và chỉ biết đến việc phục vụ và phục vụ”. Và việc phục vụ chính là “một dấu chỉ của người Kitô hữu. Những kẻ sống mà không biết phục vụ – Đức Thánh Cha nói – thì không đáng sống”. Hơn nữa, việc phục vụ của một Kitô hữu phải là việc “phục vụ trong niềm vui, và đây là thái độ mà Cha muốn nhấn mạnh hôm nay. Luôn luôn có những niềm vui của việc phục vụ. Chính vì vậy, hãy luôn sống để phục vụ tha nhân”.
Kế đến là một sự kiện: đó là cuộc gặp gỡ giữa Đức Maria và chị họ của mình. “Hai người phụ nữ đã đến với nhau và gặp gỡ nhau trong niềm hân hoan”. Do đó, nếu “chúng ta biết học hỏi điều này, để phục vụ và đến với tha nhân như vậy, thế giới sẽ thay đổi”.
Gặp gỡ tha nhân chính là “một dấu hiệu khác của người Kitô hữu. Một người tự xưng mình là Kitô hữu mà không có khả năng đến với tha nhân để gặp gỡ anh em đồng loại thì không phải là một Kitô hữu đích thực” – Đức Thánh Cha cho biết. Sau đó, Đức Thánh Cha nhắc lại rằng “cả hai việc phục vụ và gặp gỡ đòi buộc chúng ta phải bước ra thế giới bên ngoài: để phục vụ và gặp gỡ tha nhân cũng như để ôm lấy anh em mình. Thiên Chúa hiện diện qua cử chỉ phục vụ, và Ngài cũng hiện diện nơi những cuộc gặp gỡ”.
Minh Tuệ (theo Vaticaninsider)