Người được đề cử Giải Nobel Hòa bình kêu gọi Tổng thống Biden bảo vệ các Kitô hữu Iraq

Ngày 26 tháng 3 năm 2021: Bức ảnh khôi phục của Đức Trinh Nữ Maria bị ISIS phá hủy đã trở lại giáo xứ ban đầu của nó ở Iraq./ Fr. Thabet Habeb / CNA)

Ngày 26 tháng 3 năm 2021: Bức tượng Đức Trinh Nữ Maria bị ISIS phá hủy được khôi phục đã được đưa trở lại Giáo xứ ban đầu bức tượng này được đặt tại Iraq (Ảnh: Lm. Thabet Habeb / CNA)

Sau khi lực lượng cuối cùng của Hoa Kỳ rời khỏi Afghanistan trong tuần này, một liên minh liên tôn đã kêu cầu Tổng thống Joe Biden giữ quân đội Mỹ ở lại Iraq để bảo vệ các tín hữu Kitô giáo và các nhóm thiểu số tôn giáo bị đàn áp khác.

“Chúng tôi thay mặt cho hai dân tộc mang tính lịch sử và đang bị đe dọa tuyệt chủng, các Kitô hữu Assyria và người Yazidis, kêu cầu ngài Tổng thống tiếp tục sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Iraq”, theo nội dung bức thư ngày 31 tháng 8 được ký bởi Juliana Taimoorazy, người sáng lập và là Chủ tịch của Hội đồng cứu trợ Kitô giáo Iraq, cũng như Hadi Pir, phó Chủ tịch của tổ chức Yazda.

Bà Taimoorazy đã được đề cử Giải Nobel Hòa bình năm 2021 vì công việc bảo vệ các Kitô hữu Assyrian, người Yazidis và các nhóm thiểu số khác ở Iraq khỏi mối đe dọa diệt chủng. Bà Taimoorazy là một Kitô hữu Assyria gốc Iran. Bà Taimoorazy đã thiết lập Hội đồng Cứu trợ Kitô giáo Iraq vào năm 2007, theo sự thúc giục của Đức cố Hồng y Francis George Địa phận Chicago.

Phát biểu với CNA hôm thứ Ba, bà Taimoorazy chia sẻ rằng bà quả thực rất đỗi ngạc nhiên trước đề cử này và bà hy vọng điều này sẽ nâng cao nhận thức về hoàn cảnh của các Kitô hữu tại Trung Đông.

“Khi tôi được thông báo rằng tôi đã được đề cử, tôi đã nói, ‘trước hết, tôi rquả thực ất tầm thường nhỏ bé’, và đó chỉ là điều hết sức viển vông”, bà Taimoorazy nói.

“Thành thật mà nói, đó là những cảm xúc lẫn lộn”, bà Taimoorazy giải thích. “Sự đau khổ vẫn tiếp tục, sự đau khổ của người dân của tôi tiếp tục. Vì vậy, chúng tôi sẽ phải làm mọi thứ có thể nhằm mang lại sự cứu trợ cho họ, thông qua đề cử này. Quả thực đây chính là ý Chúa”.

Hôm thứ Ba, bà Taimoorazy và bà Pir cho biết rằng các sự kiện gần đây ở Afghanistan chứng tỏ “Hoa Kỳ không thể dựa vào Taliban hoặc ISIS để hành động một cách thiện chí nếu không có sự ngăn chặn thực sự của một lực lượng quân sự đối lập”.

“Thưa ngài Tổng thống, nếu như tình hình bi thảm ở Afghanistan đã dạy cho chúng ta bất cứ điều gì, thì đó chính là chúng ta phải làm mọi thứ trong khả năng của mình để tránh lặp lại một thảm họa nhân đạo như vậy”, theo nội dung bức thư.

Những người lính Mỹ cuối cùng đã rời Afghanistan vào ngày 30 tháng 8, kết thúc chiến dịch quân sự kéo dài 20 năm ở nước này. Sau khi các tay súng Taliban nhanh chóng giành quyền kiểm soát đất nước vào mùa hè này, chiếm thủ đô Kabul vào ngày 14 tháng 8, nhiều Kitô hữu Afghanistan và những người khác từng làm việc với lực lượng Hoa Kỳ đã nhanh chóng tìm cách di tản. Các nhóm cứu trợ đã cảnh báo về tình trạng ngày càng xấu đi đối với các Kitô hữu và các nhóm thiểu số tôn giáo khác dưới sự cai trị của Taliban, và nhiều người dân Afghanistan được cho là đã đi tìm nơi ẩn náu.

Ước tính chỉ có 10.000 đến 12.000 Kitô hữu ở Afghanistan, và chỉ có 200 người Công giáo. Thậm chí ngay cả dưới thời Cộng hòa Hồi giáo Afghanistan, trước khi Taliban tiếp quản, việc cải đạo từ Hồi giáo có thể bị trừng phạt bằng cái chết, bị bỏ tù hoặc bị tịch thu tài sản.

Trong khi Nhà Trắng tuyên bố rằng Hoa Kỳ đã sơ tán hơn 120.000 người khỏi đất nước, hàng nghìn người dân Afghanistan và hàng trăm người Mỹ được cho là vẫn đang tìm cách rời khỏi khu vực sau khi lực lượng cuối cùng của Hoa Kỳ rời Kabul vào hôm thứ Hai. Không rõ liệu sẽ có hay không hoặc khi nào các chuyến bay thương mại có thể tiếp tục tại sân bay Kabul, và nếu người Afghanistan muốn rời bỏ khu vực thực sự có thể làm như vậy hay không.

Bức thư yêu cầu quân đội Mỹ tiếp tục ở lại Iraq đã được công bố trong cuộc họp báo vào ngày 31 tháng 8 do Trung tâm Simon Wiesenthal tổ chức. Giáo sĩ Abraham Cooper, Phó Hiệu trưởng và Giám đốc Hành động Xã hội Toàn cầu của Trung tâm, đã chủ trì hội nghị.

“Những sự kiện đau thương xảy ra ở Afghanistan đã làm sống lại ký ức về tất cả những gì đã xảy ra với cộng đồng Kitô giáo và Yazidi ở Iraq vào năm 2011”, bức thư viết. “Trong năm đó, Hoa Kỳ quyết định rút quân. Ba năm sau nó phải gấp rút quay trở lại để chống lại tổ chức khủng bố nguy hiểm nhất thế giới, ISIS”.

Bức thư viết rằng “thậm chí ngay cả một lực lượng khiêm tốn của người Mỹ cũng sẽ mang lại một mức độ răn đe đáng kể”, và sự hiện diện của những đội quân này “khiến những kẻ cực đoan phải suy nghĩ kỹ trước khi lấn át các cộng đồng của chúng ta và gây ra những vụ giết người cũng như tình trạng hỗn loạn đối với những người vô tội”.

Bất chấp lịch sử hơn một nghìn năm sự hiện diện của Kitô giáo trong khu vực, bà Taimoorazy và bà Pir đã cảnh báo Tổng thống Biden rằng “sự sống còn của các Kitô Iraq và các dân tộc Yazidi hiện đang bị đe dọa cực kỳ nghiêm trọng”.

“Thưa ngài Tổng thống, chúng tôi kêu gọi ngài chống lại áp lực rút toàn bộ quân khỏi Iraq”, họ nói. “Lịch sử đẫm máu gần đây đã chỉ ra rằng nếu không có sự hiện diện như vậy, lịch sử của những người Assyria và Yazidis trên vùng đất lâu đời của họ sẽ chấm dứt. Những người này sẽ trở thành nạn nhân của cuộc diệt chủng có mục tiêu và sự thanh lọc sắc tộc”.

Hiện tại, bà Taimoorazy đang tìm kiếm một cuộc gặp với Ngoại trưởng Antony Blinken, nhằm bày tỏ những quan ngại sâu sắc về tương lai của Kitô giáo tại Trung Đông. Bà Taimoorazy cũng đã khởi sự một bản kiến nghị lên chính quyền của Tổng thống Biden.

“Điều chúng tôi mong muốn là người dân Mỹ, anh chị em Kitô hữu tại Mỹ, hãy đánh động Washington”, bà Taimoorazy nói. Nếu quân đội không tiếp tục ở lại Iraq, bà Taimoorazy cảnh báo, “sẽ có thêm một cuộc diệt chủng nữa”.

Minh Tuệ (theo CNA)

 

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết