Hôm thứ Ba 26/5, Tổng thư ký LHQ António Guterres đã nhấn mạnh rằng thế giới cần một phản ứng với đại dịch coronavirus dựa trên việc bảo vệ phẩm giá con người và nhân quyền.
“Đại dịch nên là một hồi chuông cảnh tỉnh”, ông Guterres chia sẻ trong cuộc phỏng vấn vào ngày 26 tháng 5 với Vatican News. “Các mối đe dọa chết chóc toàn cầu đòi hỏi một sự đoàn kết và liên đới mới”.
“Ngay từ đầu cuộc khủng hoảng này, tôi đã ủng hộ tinh thần liên đới trong các xã hội và giữa các quốc gia. Phản ứng của chúng ta cần phải dựa trên nhân quyền và phẩm giá con người”, lãnh đạo Liên Hợp Quốc nhấn mạnh.
Ông Guterres đã lãnh đạo tổ chức quốc tế kể từ năm 2017. Ông từng là Thủ tướng Bồ Đào Nha từ năm 1995 đến 2002 và là Cao ủy Tị nạn Hoa Kỳ từ năm 2005 đến 2015.
Vào tháng 12, ông Guterres, một người Công giáo, đã ghi lại một thông điệp video cùng với Đức Giáo hoàng Phanxicô tại Vatican. Hai nhà lãnh đạo thúc giục tầm quan trọng của vấn đề tự do tôn giáo, phẩm giá con người và việc bảo vệ môi trường.
Vào cuối tháng 3, Tổng thư ký LHQ đã đưa ra lời kêu gọi ngừng bắn toàn cầu để các quốc gia có thể tập trung vào việc chống lại sự lây lan của coronavirus chủng mới.
Tổng thư ký LHQ cho biết rằng thông điệp ngừng bắn của ông rất đơn giản: “Các cuộc chiến cần phải dừng lại để chúng ta có thể tập trung vào kẻ thù chung của nhân loại – COVID-19”.
Trong cuộc phỏng vấn của mình, ông Guterres đã ghi nhận sự đánh giá cao của ông đối với Đức Giáo hoàng Phanxicô vì sự ủng hộ của Ngài đối với lời kêu gọi ngừng bắn toàn cầu và công việc của Liên Hợp Quốc.
“Cam kết toàn cầu, lòng trắc ẩn và những lời kêu gọi đoàn kết khẳng định những giá trị cốt lõi hướng dẫn công việc của chúng tôi: giảm bớt sự đau khổ của con người và thúc đẩy phẩm giá con người”, ông Guterres nói.
Ông Guterres giải thích rằng 115 chính phủ và hơn 200 nhóm xã hội dân sự đã tán thành và ủng hộ lời kêu gọi, và 16 nhóm vũ trang đã cam kết chấm dứt bạo lực, thế nhưng “sự ngờ vực vẫn cao, và rất khó để biến những cam kết này trở thành những hành động tạo ra sự khác biệt trong cuộc sống trong số những người bị ảnh hưởng bởi xung đột”.
Tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF) vào tuần trước cho biết rằng Yemen, giữa bối cảnh của cuộc nội chiến, cũng đang trên bờ vực của “thảm họa” coronavirus.
“Những gì chúng ta đang thấy tại trung tâm điều trị của chúng tôi chỉ là phần nổi của tảng băng xét về số lượng những người bị nhiễm vi rút và qua đời tại Aden”, theo Caroline Seguin, Giám đốc điều hành MSF tại Yemen.
Liên Hợp Quốc và các quốc gia tài trợ cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa và làm điều đó một cách khẩn cấp, không chỉ cho Aden mà còn cho toàn bộ Yemen, bà Seguin nói.
Tổng thư ký cho biết ông cũng quan tâm đến vấn đề liên quan đến “sự hòa thuận hài hòa trong các gia đình”.
“Trên toàn cầu, khi đại dịch lan rộng, chúng ta cũng đang chứng kiến sự gia tăng đáng báo động về tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái”, ông Guterres lưu ý.
Ông Guterres cho biết rằng ông đã đưa ra lời kêu gọi nhằm huy động sự bảo vệ tốt hơn cho phụ nữ và đồng thời yêu cầu các nhà lãnh đạo tôn giáo “lên án một cách dứt khoát tất cả các hành vi bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái cũng như duy trì các nguyên tắc nền tảng về sự bình đẳng”.
Đại dịch coronavirus cũng phơi bày sự bất bình đẳng ở khắp mọi nơi, ông Guterres nhấn mạnh, bao gồm sự chênh lệch kinh tế và sự tiếp cận không công bằng đối với dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
“Nghèo đói có thể tăng thêm 500 triệu người – mức tăng đầu tiên trong ba thập kỷ”, ông Guterres nói, và đồng thời cũng cho biết thêm rằng đây chính là lý do tại sao ông ủng hộ gói cứu trợ toàn cầu chiếm ít nhất 10% nền kinh tế toàn cầu.
Ông Guterres cũng cho biết rằng điều quan trọng là mọi phương pháp điều trị COVID-19 được tìm thấy hoặc triển khai – bao gồm cả vắc-xin – cần phải an toàn và tất cả mọi người có thể được tiếp cận.
“Trong một thế giới có sự kết nối với nhau, không ai trong chúng ta an toàn cho đến khi tất cả chúng ta đều được an toàn”, ông Guterres nhấn mạnh.
Trong cuộc phỏng vấn, Tổng thư ký LHQ cũng cho biết các nhà lãnh đạo tôn giáo “có vai trò vô cùng quan trọng” trong suốt đại dịch trong việc thúc đẩy sự tôn trọng lẫn nhau trong các cộng đồng của họ.
“Họ có vị thế mạnh mẽ để phản đối những thông điệp không chính xác và có hại, và đồng thời khuyến khích tất cả các cộng đồng thúc đẩy thái độ bất bạo động, từ chối chủ nghĩa bài ngoại, phân biệt chủng tộc và tất cả các hình thức bất khoan dung”, ông Guterres nói.
Các nhà lãnh đạo tôn giáo có thể tận dụng các mạng lưới của họ “để hỗ trợ các chính phủ trong việc thúc đẩy các biện pháp y tế công cộng được Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị”, Tổng thư ký LHQ nói, và đồng thời “xua tan những thông tin và tin đồn sai lệch”.
Minh Tuệ (theo CNA)