Người ta sẽ phải tốn rất nhiều giấy mực để viết về một giai đoạn được cho là tàn khốc nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam: giai đoạn từ 1954 tới năm 1973 tại Bắc Việt. Đây là giai đoạn mà ngày nay khi nhắc đến, nhiều người vẫn không thể lý giải được vì sao cũng là người Việt, nhưng người ta lại đã đối xử với nhau không chút tình người. Không kể tới cuộc chiến tranh huynh đệ hai miền Nam – Bắc với tất cả sự khốc liệt của nó, giai đoạn này còn được đánh dấu bởi hai sự kiện “long trời lở đất”: biến cố cải cách ruộng đất, Phong trào Nhân văn giai phẩm và sau đó với vụ án “Xét lại chống đảng”.
Phong trào nhân văn giai phẩm, do một số văn nghệ sĩ, trí thức được cho là có khuynh hướng chính trị đổi mới, khởi xướng đầu năm 1955 và bị dập tắt vào tháng 6 năm 1958. Sau đó là thời kỳ đen tối của các văn sĩ, trí thức: hàng loạt các nhà văn, nhà thơ, trí thức bị đấu tố, bắt giam không án, như: Thụy An, Nguyễn Hữu Đang, Trần Dần, Phan Khôi, Phùng Quán… Nhiều người trong số họ đã bị thân bại danh liệt trong những năm tháng chịu tù đầy và cả sau này nữa, khi họ đã được tự do.
Thời này, không chỉ những nhân sĩ, trí thức bị quy kết là những thành phần nguy hiểm cho xã hội. Các linh mục, tu sĩ, các ông trùm, ông câu, ông biện trong các họ đạo cũng bị coi là “những thành phần chống phá”, làm gián điệp cho nước ngoài. Cho tới hiện nay, không thể thống kê được đã có bao nhiêu linh mục, tu sĩ, ông câu ông biện bị bắt giam, chịu nhiều năm tù không án. Chỉ biết rằng đó là một con số rất lớn, đến độ, như tác giả Kiều Duy Vĩnh đã kể lại trong cuốn “Cổng trời Cẳn Tỷ”:
“Khu O. Khu H. Khu A. Khu B. Khu C. Khi đi và lúc đọc tên tôi nhẩm: có 72 người. Phần lớn là già, đứng tuổi và 99 phần trăm là Thiên Chúa Giáo.
Cha Vinh, cha Quế được gọi đi trước, đi về khu O. Nguyễn Hữu Ðang vào khu C. Tôi và tu sĩ Ðỗ Bá Lung vào khu A. Khu A có hai nhà. Nhà tôi ở có: – Ðinh Hiền Lương, tu sĩ dòng tu ép xác Châu Sơn, Ninh Bình, Ðức cha Lê Hữu Từ trước khi làm Giám mục Phát Diệm đã tu ở đó. – Nguyễn Trung Chính, tức Nhẩm, tu sĩ xứ Trung Ðồng, Thái Bình. Nguyễn Văn Khánh Sơn, giáo dân đeo kính cận người Nghệ Tĩnh. – Cố Hoàng: giáo dân Ðức Thọ, Hà Tĩnh, có hai người sinh đôi là Song, Toàn để phân biệt với – Tu sĩ Hoàng cũng Nghệ An. – Lưu Nam phụ trách thanh niên Công Giáo địa phận Xã Ðoài. – Tu sĩ Bình, địa phận Thái Bình. – Tu sĩ Ðỗ Bá Lung xứ Ngọc Ðồng, Hưng Yên. – Trần Văn Liệu, giáo dân làm nghề đồ tể ở Cầu Giát, Quỳnh Lưu, v.v.”
Số phận của những tù nhân không án này được ông Kiều Duy Vĩnh kể lại cách chua xót: “Tôi sở dĩ sống sót là vì tôi không phải là người theo Đạo. Nếu tôi mà đeo Thánh Giá ở ngực và biết câu kinh thì tôi phải chết đã lâu rồi”. Ông cho biết: 72 người chỉ còn lại độ 11 người sống sót.
Đối với ông Kiều Duy Vĩnh, hình ảnh can trường, giữ vững đức tin và lòng đạo đức của các tù nhân Công giáo đã đánh động ông rất nhiều. Ông viết trong cuốn hồi ký: “Tôi đã thật sự gặp các vị Thánh Tử vì Đạo. Các vị Thánh Tử vì Đạo bằng xương bằng thịt sống cạnh tôi nhiều năm… Tôi vốn xa lạ với các tên Phêrô, Phaolồ và Mađalêna. Nhưng cái tên Ðỗ Bá Lung thì cho đến hết đời tôi không thể nào quên được”.
Trong số những “vị thánh tử đạo bằng xương bằng thịt”, ngoài các linh mục tu sĩ, thì giáo dân Lâm Đình Túy, là người mà ông gọi là vị thánh tử đạo thứ hai, đã chết trong tù sau những lần bị tra tấn tàn khốc năm 1973 tại trại giam Phong Quang, Lào Cai. Ông kể về ông Lâm Đình Túy với tất cả lòng mộ mến, thán phục:
“Bác Túy gầy yếu xanh xao. Rất ít nói. Nhìn bác, tôi lại nhớ đến Tu Sĩ Đinh Hiền Lương, Dòng Tu ép xác Châu Sơn, tù ở Cổng Trời với tôi và đã chết. Đầu cũng cắt ngắn gần như trọc, cả ngày chả nói một câu chuyện, cứ ngồi yên lặng lẽ nhìn, nhìn đấy mà chả nhìn thấy gì cả. Nhưng có một điều rất khác. Rất khác là khi làm việc thiêng liêng, bất cứ vào thời điểm nào, ngay cả trong lúc đang làm việc ở ngoài đồng, ngoài trại, bao giờ bác cũng quỳ xuống, kính cẩn cúi đầu như ở trong Nhà Thờ làm lễ. Bác để hết tâm trí vào việc cầu nguyện, lúc đó coi như không còn ai ở chung quanh, kể cả giám thị trại, quản giáo, lính coi tù, bác vẫn quỳ xuống mà nguyện cầu, ngang nhiên làm như thường.”
Không biết có phải “cái tên Ðỗ Bá Lung thì cho đến hết đời tôi không thể nào quên được” đã đánh động ông hay không, nhưng trước khi qua đời, ông Kiều Duy Vĩnh đã trở thành một Kitô hữu và chết trong vòng tay bè bạn và những người Công giáo thân quen.
Phùng Quán (1932-1985) tham gia phong trào Nhân văn Giai phẩm chỉ với hai bài thơ “Lời mẹ dặn” và “Chống tham ô lãng phí” (1957). Nhưng sau đó ông đã bị quy kết là phản động và bị bắt đi lao động cải tạo ở nhiều nơi. Trong cuốn hồi ký “Ba Phút Sự Thật” kể về những vất vả, những bấp bênh của một văn sĩ, những sự thật “trần trụi, gai góc và đau lòng”, ông Phùng Quán ghi lại câu chuyện được nghe từ người bạn Tuân Nguyễn – một nhà thơ, kể về một người tù không án mà Tuân Nguyễn gọi là “Thằng Khùng”.
Đó là một người đàn ông “cao lòng khòng, tay chân thẳng đuồn đuỗn, đen cháy, chỉ toàn da, gân với xương. Trên người, tứ thời một mớ giẻ rách thay cho quần áo. Lúc đầu mình cứ tưởng anh ta bị câm vì suốt ngày ít khi thấy anh ta mở miệng dù là chỉ để nhếch mép cười. Thật ra anh ta chỉ là người quá ít lời. Gặp ai trong trại, cả cán bộ quản giáo lẫn phạm nhân, anh ta đều cúi chào cung kính, nhưng không chuyện trò với bất cứ ai. Nhưng không hiểu sao, ở con người anh ta có một cái gì đó làm mọi người đặc biệt chú ý, cứ muốn làm quen… ”.
Nhiệm vụ của anh khùng tại trại là một công việc “đặc quyền không ai tranh” – “khâm liệm tù chết”: “Mỗi lần có tù chết, giám thị trại đều cho gọi “thằng khùng” (tên họ đặt cho anh ta) và giao cho việc khâm liệm. Với bất cứ trại viên chết nào, kể cả những trại viên đã từng đánh đập anh ta, anh ta đều khâm liệm chu đáo giống nhau. Anh ta nấu nước lá rừng, tắm rửa cho người chết, kỳ cọ ghét trên cái cơ thể lạnh ngắt cứng queo, với hai bàn tay của người mẹ tắm rửa cho đứa con nhỏ.
Lúc tắm rửa, kỳ cọ, miệng anh ta cứ mấp máy nói cái gì đó không ai nghe rõ. Anh ta rút trong túi áo một mẩu lược gãy, chải tóc cho người chết, nếu người chết có tóc. Anh ta chọn bộ áo quần lành lặn nhất của người tù, mặc vào rồi nhẹ nhàng nâng xác đặt vào áo quan được đóng bằng gỗ tạp sơ sài. Anh ta cuộn những bộ áo quần khác thành cái gói vuông vắn, đặt làm gối cho người chết. Nếu người tù không có áo xống gì, anh ta đẽo gọt một khúc cây làm gối. Khi đã hoàn tất những việc trên, anh ta quỳ xuống bên áo quan, cúi hôn lên trán người tù chết, và bật khóc. Anh ta khóc đau đớn và thống thiết đến nỗi mọi người đều có cảm giác người nằm trong áo quan là anh em máu mủ ruột thịt của anh ta. Với bất cứ người tù nào anh ta cũng khóc như vậy…
Lúc khóc, cả gương mặt vàng úa, nhăn nhúm của anh ta chan hòa nước mắt. Cả thân hình gầy guộc của anh ta run rẩy. Mình có cảm giác cả cái mớ giẻ rách khoác trên người anh ta cũng khóc… Trong tiếng khóc và nước mắt của anh ta chan chứa một niềm thương xót khôn tả. Nghe anh ta khóc, cả những trại viên khét tiếng lỳ lợm, chai sạn, “đầu chày, đít thớt, mặt bù loong” cũng phải rơm rớm nước. Chỉ có nỗi đau đớn chân thật mới có khả năng xuyên thẳng vào trái tim người. Mình thường nghĩ ngợi rất nhiều về anh ta. Con người này là ai vậy? Một thằng khùng hay người có mối từ tâm lớn lao của bậc đại hiền?”
Trong một lần lùa trâu đi chăn cùng với “Thằng Khùng”, Tuân Nguyễn đã khám phá ra con người “có mối từ tâm lớn lao của bậc đại hiền” ấy lại là một người Công giáo, có khả năng đặc biệt khi đọc thuộc lòng tác phẩm Candide của Voltaire bằng tiếng Pháp. Đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác, trên đường lùa trâu về trại, Tuân Nguyễn đã hỏi “Thằng Khùng” là ai và nhận được câu trả lời đầy bí ẩn: “Tôi là cái thanh ngang trên cây thập tự đóng đinh Chúa.” Theo Tuân Nguyễn, cuối năm đó – năm Tuân Nguyễn lùa trâu đi chăn cùng với Thằng Khùng, nghe bạn tù đồn: “Thằng chuyên gia khâm liệm e đi đoong” do bạo bệnh. Tuân Nguyễn đã xin giám thị trại cho đến thăm và được Thằng Khùng dùng một hòn than củi mài nhẵn, dồn chút sức lực cuối cùng, viết vào lòng bàn tay chữ “Nhẫn” bằng chữ nho.
Nhiều người, khi đọc chuyện “Thằng Khùng” của Tuân Nguyễn do Phùng Quán kể lại, thì đã cho rằng đó là linh mục Gioan La San Nguyễn Văn Vinh (1912-1971) còn gọi là cha Chính Vinh, linh mục giáo phận Hà Nội. Dịp Noel 1958, vì muốn bảo vệ chủ quyền của Giáo hội trong khuôn viên cơ sở tôn giáo, ngài bị bắt và bị kết án 18 tháng tù giam. Sau đó, tại trại giam, vì cương quyết bảo vệ các tù nhân khác, nhất là sau khi chối từ lời mời của một cán bộ cao cấp từ Hà Nội lên Trại giam Cổng trời đề nghị ngài cộng tác với các linh mục thuộc Ủy ban Liên lạc những người Công giáo, từ bản án 18 tháng, không qua một thủ tục pháp lý án lệnh nào, ngài bị đày biệt giam 12 năm và chết rũ tù năm 1971.
Thực ra, thật khó để xác định “Thằng Khùng” của Tuân Nguyễn có phải là cha Chính Vinh hay không, vì không có cơ sở nào chắc chắn để khẳng định điều đó. Tuy nhiên, có điều chắc chắn rằng, hình ảnh của một người Công giáo, tài hoa, thương người chết rũ tù đã để lại những ấn tượng vô cùng sâu sắc cho Tuân Nguyễn và những bạn tù, như ông đã viết: “Hầu như tất cả các trại viên, kể cả những tay hung dữ nhất, cũng đều thương anh ta.” Đối với Tuân Nguyễn, “Thằng Khùng” như ông nói, đã làm thay đổi ít là nhãn quan văn học nơi ông, để rồi nếu ông có viết lại “cuốn tiểu thuyết của mình” chắc chắn sẽ hay và sâu sắc hơn.
Nhà văn Bùi Ngọc Tấn sinh năm 1934 tại Thủy Nguyên, Hải Phòng. Ông bắt đầu sáng tác từ năm 1954. Ông bị bắt giam năm 1968 và được trả tự do năm 1974, với tội danh “Tuyên truyền phản cách mạng” trong vụ án “Xét lại chống Ðảng, làm tay sai cho nước ngoài”.
Trong những năm tháng tù tội, ông có dịp được sống chung cùng những tù nhân công giáo. Đối với Nhà văn Bùi Ngọc Tấn, đó là những tù nhân đặc biệt để lại nhiều ấn tượng sâu đậm. Ông viết về người Công giáo trong cuốn tiểu thuyết “Truyện kể Năm 2000”:
“Trong tù, rất thận trọng. Chẳng nên làm phức tạp tình hình. Chẳng nên làm mình thêm lo lắng. Ở ngoài đời tự nhiên đã bị khoác cái tội tuyên truyền phản cách mạng. Vào đây lại thêm tội chống đối thì chỉ có mục xương… Chẳng ai nói với ai những điều sâu kín trong lòng, nhưng tất cả đều hiểu rằng: không ai chấp nhận cái thứ tù không án. Tù không ngày về. Không một ai chấp nhận chế độ ăn uống lao dịch khủng khiếp mà họ đang chịu đựng. Hắn quý trọng các anh em tù Công giáo. Tất cả đều sống kiên cường đúng mực. Tốt với bạn tù. Không ai là Giuđa. Không ai bẩm sớ. Có lẽ đó là anh em thực hiện lời dạy của Chúa. Thử thách này cũng là thử thách trước Chúa” (tr.59-60).
Đối với ông, những người Công giáo thật hạnh phúc, vì họ có lòng tin. Chính đức tin làm cho họ sống lương thiện và chân chính, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ bạn tù. Trong tù, bất cứ lúc nào họ cũng cầu nguyện và cầu nguyện chính là phương dược chữa lành các vết thương do sự tàn độc và cách đối xử bất nhân của cai tù. Chứng kiến các tù nhân Công giáo cầu nguyện trong thinh lặng mỗi lúc đêm về hay khi gặp những biến cố, ông đã phải thốt lên: “Sung sướng thay những người có đức tin” (Truyện kể Năm 2000, tr. 72).
Những ký ức trên đây (dĩ nhiên không phải là tất cả) của các nhân sĩ, trí thức không Công giáo về những chứng nhân đức tin Công giáo của thời kỳ vô cùng khó khăn, rất có giá trị đối với chúng ta. Vì hoàn cảnh lịch sử, các nhân sĩ – trí thức đó đã có dịp tiếp xúc với những người Công giáo trong một hoàn cảnh không thể bi thương hơn nữa – kiếp tù đầy không án. Và chính trong hoàn cảnh đó, họ lại có cơ hội chiêm nghiệm một cách sâu sắc về giá trị và sức mạnh của đức tin Kitô giáo.
Đọc và suy tư về những ký ức quý giá này, chúng ta ý thức cách sâu sắc hơn về sứ mạng chứng tá của Hội Thánh Việt Nam nơi những người Công giáo thánh thiện và anh hùng. Trong hoàn cảnh bi đát nhất của thời cuộc, dù bị xã hội bằng mọi cách tuyên truyền xuyên tạc, nhiều khi là những cách rất thiếu lương thiện, để vu khống nhục mạ, và thậm chí bị tù đày oan khiên, nhưng các ngài đã vẫn sống chứng tá đức tin cách can trường, để lại nơi tâm hồn những người bạn không cùng niềm tin một lòng kính trọng sâu xa. Đặc biệt, các ngài đã để lại những chứng từ về một đức tin bất khuất, không lung lạc trước bất cứ thử thách hay khó khăn nào. Xiềng xích, tù ngục, đói rét không khuất phục được các ngài. Trái lại, các ngài đã biến ngục tù thành nơi cất lên lời kinh ca ngợi, thành chỗ để loan báo Tin Mừng.
Tôi tự hỏi: Chúng ta, con cháu các ngài, chúng ta đang và sẽ làm gì để làm chứng cho Chúa giữa xã hội Việt Nam hôm nay?
Lm. Gioan Nguyễn Ngọc Nam Phong, C.Ss.R.