Đức Hồng Y Timothy Dolan, Tổng Giám mục New York nói rằng những người mắc bệnh nghiêm trọng cần những bác sĩ “hoàn toàn cam kết” với sức khỏe cũng như hạnh phúc của họ.
Chủ tịch Ủy ban trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ về các hoạt động ủng hộ sự sống đã kêu gọi gia tăng những nỗ lực nhằm ngăn chặn việc hợp pháp hóa trợ tử sau khi các cử tri tại Colorado và Hội đồng thành phố Columbia đã phê duyệt các thủ tục liên quan.
Đức Hồng Y Timothy Dolan Địa phận New York đã kêu gọi người Công giáo cùng tham gia với các chuyên gia y tế, các nhóm hành động vì quyền lợi của những người khuyết tật và một số tổ chức khác trong việc đấu tranh nhằm có được sự chăm sóc đúng nghĩa cho những người dân đang phải đối mặt với gia đoạn cuối của bệnh tật, trong một tuyên bố được công bố hôm 21/11 vừa qua.
“Đạo luật quy định về một liều độc gây tử vong, thật ra, là một đạo luật làm suy yếu đạo đức của ngành y”, Đức Hồng Y Dolan khẳng định. “Các bác sĩ nguyện không làm tổn hại đến các bệnh nhân, nhưng trợ tử chính là việc bỏ rơi cuối cùng đối với bệnh nhân”.
Đức Hồng Y Dolan bày tỏ sự lo ngại sau khi các cử tri tại Colorado đã thông qua một biện pháp tự tử với sự hỗ trợ của các bác sĩ dựa trên cuộc bỏ phiếu hôm 8/11 vừa qua. Luật cũng cho phép các công ty bảo hiểm từ chối việc điều trị đối với các bệnh nhân mà họ cho là đang trong giai đoạn cuối của một căn bệnh.
Colorado trở thành tiểu bang thứ sáu tại Hoa Kỳ hợp pháp hóa một luật được gọi là “luật về quyền được chết” cùng với các tiểu bang Washington, Oregon, California, Vermont và Montana.
Tại Washington DC, các thành viên Hội đồng thành phố đã phê duyệt Luật “Death with Dignity Act” cho phép các bác sĩ tại tiểu bang được phép chỉ định một cách hợp pháp các loại thuốc cho những bệnh nhân được xem như vẫn còn năng lực tinh thần cũng như đã được chẩn đoán chỉ còn có thể sống được sáu tháng hoặc thậm chí ít hơn. Theo như biện pháp này, các bên thứ ba được phép quản lý các loại thuốc sử dụng trong quá trình điều trị. Dự luật này sẽ được trình lên Thị trưởng Muriel Bowser để phủ quyết, đặt bút ký hoặc để cho nó trở thành luật chính thức mà không có bất kỳ hành động nào. Nếu trở thành luật chính thức, nó sẽ được quốc hội rà soát lại trước khi có hiệu lực thi hành.
Đức Hồng Y Dolan đã gọi biện pháp này là “biện pháp bành trướng nhất và nguy hiểm nhất cho đến nay” vì nó mở ra “cánh cửa đối với những hành động ép buộc và lạm dụng”.
“Mỗi một vụ tự tử đều là một bi kịch, cho dù người đó lớn tuổi hay còn trẻ, khỏe mạnh hay đau yếu”, Đức Hồng Y nói thêm. “Nhưng việc hợp pháp hoá trợ tử với sự trợ giúp của các bác sỹ đã tạo ra hai hạng người khác nhau: những người tự tử nhằm tránh tất cả những chi phí có thể phát sinh, và những người tự tử được coi là một điều tích cực.
“Chúng ta loại bỏ các loại hung khí cũng như các loại thuốc có thể gây hại cho một nhóm, trong khi bàn giao những loại thuốc có thể gây chết người cho một nhóm khác, thiết lập thêm một nhóm riêng biệt khác đối với những điều có thể đe dọa tính mạng bệnh nhân”, Đức Hồng Y tiếp tục. “Điều này hẳn là hoàn toàn không công bằng. Nhân phẩm giá vốn có của chúng ta không hề bị suy yếu dần bởi sự tấn công của bệnh tật hoặc vì không đủ những hành vi năng lực, và vì vậy tất cả mọi người đều xứng đáng phải được bảo vệ”.
Những người mắc những căn bệnh nghiêm trọng đòi hỏi “một sự hỗ trợ đúng nghĩa, bao gồm việc bác sĩ cam kết cách trọn vẹn với sức khỏe cũng như hỗ trợ giảm đau cho các bệnh nhân này khi họ bước vào giai đoạn cuối”, tuyên bố cho biết. “Các bệnh nhân cần chúng ta đảm bảo rằng họ không phải là một gánh nặng – nhưng phải coi là một đặc ân việc chăm sóc cho họ như chính chúng ta cũng hy vọng rằng mình cũng sẽ được chăm sóc một ngày nào đó trong tương lai. Một xã hội giàu Lòng thương xót sẽ dành sự quan tâm nhiều hơn chứ không hề vơi đi đối với các thành viên hiện đang phải đối diện với những giai đoạn dễ bị tổn thương nhất trong đời sống của họ”.
Minh Tuệ chuyển ngữ