Giáo xứ Đông Yên – Vũng áng chớm thu. Vẫn còn đấy, ngổn ngang của những ngôi nhà bị đập phá như chứng tích của cường quyền, chà đạp trên những quyền căn bản của con người. Với cách hành xử bất công, tàn nhẫn của chế độ không còn lấy dân làm gốc, bỗng ập đến trên vùng quê yên ả, gồm những con người, lương cũng như giáo, chỉ mong ước với những ước mong thật đơn giản, chân chất, bình dị, nay trở thành nạn nhân của chế độ độc tài chẳng hề biết đến thế nào là xót thương, dù đó là những nông dân suốt đời bán lưng cho trời, bán mặt cho đất; dù đó là những ngư dân chống chèo trên những ngọn sóng, đầu gió để tìm sự mưu sinh cho bản thân và gia đình. Xa xa là khu công nghiệp Formosa lừng lững, bề thế như thách thức sự thật và công lý, như ngạo nghễ trước những nỗi đau thương của những nạn nhân trực tiếp, là cư dân ở đấy, và gián tiếp là sự tồn vong của dân Việt.
Phải chăng vì nỗi đau gây ra cho dân tộc quá lớn và kéo dài đến hàng thập kỷ do “thảm hoạ môi trường Formosa” gây ra, dưới sự che chắn không ngần ngại của nhà cầm quyền, mà đã có “ngày vì môi trường” của Uỷ ban Công lý và Hoà bình Giáo phận Vinh tổ chức dựa trên tinh thần thư chung của Đức cha Nguyễn Thái Hợp, và ngày 15/8/2016, toàn giáo dân trong Giáo phận tụ họp tại Nhà thờ chính toà Xã Đoài mừng lễ quan thầy Đức Maria Hồn xác lên trời, cho thấy Giáo hội không tách rời xã hội; Giáo hội không làm chính trị nhưng Giáo hội tham gia vào chính trị để thức tỉnh ý thức cộng đồng về vấn đề nguy kịch ngay trong Giáo phận và trên cả nước: vấn đề ô nhiễm môi trường, cụ thể là thảm hoạ Formosa gây ra.
“Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!”. Đó là Lời Chúa long trọng công bố trong ngày Chúa nhật 20 TN (C) vừa qua. Và được diển giải qua lời Đức Phanxicô “Giáo Hội không cần quan những kẻ quan liêu nhưng cần các những sứ giả đầy nhiệt huyết . Nếu không có ngọn lửa này, Giáo hội có nguy cơ trở thành một Giáo Hội nguội lạnh hoặc chỉ đơn thuần là một Giáo Hội hờ hững, tạo nên những Kitô hữu lạnh nhạt và thờ ơ”.
Những kẻ quan liêu trong Giáo hội mà Đức Phanxicô nhắm đến là ai?, những sứ giả nhiệt thành với ngọn lửa nung nấu nơi tâm hồn cụ thế là ai?, ngọn lửa ấy là gì?.
Đó là ngọn lửa Thánh Thần Đức Giêsu đã ném vào mặt đất và Người khắc khoải ước mong ngọn lửa ấy bừng lên, bừng lên trong những tâm hồn, bừng lên trong Giáo hội của Chúa.
Ngọn lửa Thánh Thần “ngự xuồng tràn ngập tâm hồn mỗi người chúng ta và biến chúng ta thành những kẻ biết sống yêu thương”. Những kẻ biết sống yêu thương nhờ ngọn lửa của Thánh Thần chính là những người biết chạnh lòng thương với những con người khốn khổ, những người liên đới với những nỗi đau mất mát của đồng loại mình, không lạnh nhạt và thờ ơ đã đành, cũng không thể hô hào cho có như kiểu phong trào, đánh trống bỏ dùi, nếu không nói quá đáng là còn biến mình thành vật “ngáng trở” những người khác thực thi đức yêu thương, nhưng những người biết sống yêu thương là những người biết dấn thân và dấn mình vào cuộc với sự can đảm, vị tha và hy sinh. Nói như Đức cha Cao Đình Thuyện, Giám mục Giáo phận Vinh, một lần đã công bố tại Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, giáo xứ Thái hà trong những ngày “dầu sôi lửa bỏng” năm 2008 là, “Chuyện của Thái Hà cũng là chuyện của Giáo phận Vinh”, vì vậy “chuyện của giáo phận Vinh hôm nay cũng là chuyện của Thái hà, và hơn thế, là chuyện của toàn Giáo hội Công giáo Việt Nam.
Đức Phanxicô còn nói: “Ngọn lửa ấy có một sức mạnh thanh tẩy và canh tân … ngọn lửa ấy sẽ thiêu rụi tất cả những đau khổ của con người, những ích kỷ, tội lỗi, biến đổi chúng ta từ bên trong và tái tạo tâm hồn chúng ta”.
Đó chính là điều mà người giáo dân Đông Yên – Vũng Áng đã và đang trải qua một cuộc thanh luyện hàng ngày, để có thể “đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hoà vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm” đối với nhuyên nhân gây ra thảm hoạ môi trường: khu công nghiệp Formosa dưới sự bảo kê của chính phủ Việt Nam.
Hơn thế, những anh chị em Giáo xứ Đông yên đã có hành động can đảm khi chọn lựa “lá rách đùm lá te tua”, khi biết rộng mở tâm hồn để Chúa Thánh Thần hoạt động, với sự tin tưởng Người sẽ ban cho họ sự can đảm vượt trên nỗi sợ hãi để làm chứng cho Lòng thương xót và cứu độ của Chúa Giêsu.
Sự sợ hãi và tính toán ở đây chính là những hạt gạo nghĩa tình đến từ những người đồng đạo và cả những người có lòng nhân từ biết chia sẻ lòng xót thương bằng những hành vi cứu trợ cần kíp. Những anh chị em Giáo xứ Đông Yên đã can đảm đi ra “vùng ngoại biên” của sự an toàn và những toan tính cho riêng mình, để bước đi trong những bước chân của lòng thương xót, khi ủng hộ việc nhường phần trợ giúp ít ỏi của sự trợ giúp kỳ này, cho những lương dân sống kề cận, và cộng tác trong việc tổ chức phân phối được công bằng và hợp lý.
Khổ thì đã khổ, những khi biết chia sớt, người giáo dân Đông yên cảm thấy bớt khổ hơn, khi mang đến niềm vui cho những láng giềng lương dân; khi thấy những nụ cười và lòng biết ơn, cảm mến. Sự quấn quýt trong tình thương mến phải chăng là “món hời” cho những ai biết chạnh lòng thương, biết sống lòng thương xót với tha nhân?.
Với lòng can đảm vượt trên sự an toàn của bản thân, người giáo dân Đông Yên còn cho thấy đâu là nhân cách đích thật và giá trị thật của một người là Con Chúa, biết xót xa trước cảnh khổ đau của đồng loại, mà ở đây, là những người cùng là nạn nhân, cùng cảnh ngộ thê thảm, cùng một tương lai mờ mịt và tăm tối.
Đó chính là “ngọn lửa Thánh Thần” được thắp lên trong lòng anh chị em giáo dân Đông Yên, thiêu đốt mọi tính ích kỷ, lo toan vụ lợi, mà có thể, nếu không biết vận dụng “thảm hoạ Formosa”, chắc còn lâu lắm mới nghĩ ra được cách loan báo Tin mừng cách hữu hiệu, đầy nhiệt tâm và thân thiện như hiện nay. Không còn phân biệt lương giáo, những cảm xúc dâng trào, những lời cám tạ ơn Trời từ những người từng là, và luôn là cận thân với nhau, trong ngày hôm ấy đã là điểm nhấn mạnh mẽ.
Những gì anh chị em giáo xứ Đông Yên đã chia sẻ vẫn còn ghi khắc, như một dấu ấn vào trong tâm khảm của những người đồng hương không cùng tôn giáo. Và đó cũng là lời thúc giục mọi tín hữu khác biết lưu tâm đến những hoàn cảnh của anh chị em mình, trong môi trường mình đang sống. Nếu biết sống chứng tá, Chúa Thánh Thần luôn có những cách thế kỳ diệu để khơi gợi lên những tâm tình và những hành động vì lòng xót thương.
Như lời Đức Thánh Cha Phanxicô “những chứng nhân sáng ngời này nhắc nhở mỗi người chúng ta rằng, Giáo Hội không cần những kẻ quan liêu và những nhân viên cơ quan cần cù, nhưng rất cần đến những sứ giả nhiệt thành bị nung nấu bởi nhiệt huyết đến với hết thảy mọi người những lời an ủi của Chúa Kitô”. Nhưng ai là những kẻ quan liêu và những nhân viên cơ quan cần cù?.
Đức Phanxicô kết luận: “Nếu Giáo Hội không để cho ngọn lửa của Chúa Thánh Thần ấy xâm nhập vào thẳm sâu chính mình, Giáo Hội sẽ trở nên một tổ chức lạnh nhạt hay chỉ đơn thuần là một Giáo Hội thờ ơ trước tha nhân, một Giáo Hội không có khả năng trao ban sự sống, bởi vì Giáo Hội ấy chỉ tại nên những Kitô hữu thờ ơ và lạnh nhạt. Hãy ngẫm xem liệu mỗi người chúng ta có biết đón nhận ngọn lửa ấy không?, biết đón nhận “ngọn lửa tình yêu đối với Thiên Chúa và những người thân cận không ?”.
Ơn Chúa là người giáo dân Đông Yên đã biết cảm thương và sống lòng xót thương cụ thể trong những ngày này như là một chứng tá của đức tin, của sự tín thác vào Lòng Thương Xót của Chúa Giê su.
Giáo xứ Đông Yên – Vũng áng chớm thu. Vẫn còn đấy, ngổn ngang của những ngôi nhà bị đập phá, nhưng những hạt mầm của Tin mừng, của tình thương đã được gieo vãi, chờ ngày phát triển mạnh mẽ…
Jos. Ngô Văn Kha, C.Ss.R.