Nhà thờ Lòng Thương Xót, được khánh thành vào ngày 24 tháng 11, nằm ở quận Gulshan nơi mà cách đây ba năm trước đã diễn ra vụ tấn công khủng bố tại tiệm bánh Holy Artisan Bakery Cafè. Các tín hữu, chủ yếu thuộc các bộ lạc, đã chờ đợi ngôi Thánh đường này trong suốt 40 năm qua. “Các tín hữu Công giáo rất vui mừng vì họ đã có được một ngôi Thánh đường mời vốn sẽ chăm sóc các nhu cầu tâm linh của họ”.
Một Giáo xứ mới trong Tổng Giáo phận Dhaka, một dấu hiệu cho thấy sự hiện diện quan trọng của Giáo hội Công giáo ở ngoại ô Bangladesh: Đó chính là Nhà thờ Lòng Thương Xót, được khánh thành vào ngày 24 tháng 11 vừa qua với sự hiện diện của Sứ Thần Tòa Thánh, Đức TGM George Kocherry, và ĐHY Patrick D’Rozario, Tổng Giám mục Dhaka, và khoảng 20 linh mục.
Cuối Thánh lễ, Đức TGM Kocherry đã trao Mặt nhật do ĐTC Phanxicô tặng cho Linh mục Chánh xứ. Phát biểu với AsiaNews, Linh mục Brien C. Gomes, 40 tuổi, Cha sở Giáo xứ, đã kể về “niềm vui hân hoan của các anh chị em tín hữu địa phương, khoảng 8 nghìn người Công giáo, cuối cùng đã có được Giáo xứ của riêng mình sau khi chờ đợi suốt 40 năm. Họ sẽ không còn phải đi xa để cầu nguyện và lãnh nhận các Bí tích”.
Buổi lễ khánh thành có sự tham dự của 900 tín hữu, nhiều tín đồ Hồi giáo và các nhà lãnh đạo tôn giáo. Sự ra đời của một Giáo xứ mới tại một quốc gia chủ yếu là Hồi giáo, Linh mục Gomes nói, “là một dấu hiệu tích cực của sự hòa hợp và đối thoại giữa các tôn giáo”. Nó nằm ở quận Gulshan, nơi có nhiều đại sứ quán và được đặc trưng bởi sự hiện diện đáng kể của các anh chị em di dân trong nước. Ở đây, “có ít nhất 1.000 gia đình Công giáo cư trú, họ chủ yếu là những thuộc các bộ lạc trở lại đạo Công giáo di cư từ nhiều nơi trên khắp mọi miền đất nước. Chúng tôi có cộng đồng Garo da Mymensingh, Santhals và Oraos đến từ Rajshahi, những người Bengal từ khu vực Khulna và Baralu. Hầu hết các bậc cha mẹ đều có trình độ học vấn thấp và làm những người giúp việc trong các trung tâm làm đẹp, hoặc làm công nhân lao động chân tay. Thay vào đó, con em họ được đi học và có trình độ học vấn tốt”.
Gulshan là khu phố nơi mà vào năm 2016, một biệt động quân Hồi giáo tấn công một nhà hàng mà những người nước ngoài thường lui tới, làm thiệt mạng tất cả 22 người, bao gồm cả khách hàng và nhân viên. Trong khu vực, Linh mục Gomes nói, “chúng tôi được bao quanh bởi những người thuộc các tôn giáo khác, nhưng chúng tôi chưa bao giờ nhận được mối đe dọa về vấn đề an ninh của chúng tôi. Cũng trong ngày thứ Tư 27/11 vừa qua, ngày mà bản án đã được tuyên bố đối với những kẻ khủng bố, chẳng có gì xảy ra. Sẽ rất rủi ro nếu các cuộc biểu tình được tổ chức, nhưng mọi thứ vẫn yên ổn”.
Trong quá khứ, nhà thờ vùng ngoại ô này là một Giáo xứ thuộc Nhà thờ Mân côi Tejgaon. Những thách đố chính, Linh mục Gomes tiếp tục, “có liên quan đến việc thiếu đất đai, cho đến những cuộc hôn nhân hỗn hợp giữa các nhóm sắc tộc khác nhau, cho đến vấn đề quan hệ tình dục trước hôn nhân. Ví dụ như, trong văn hóa Garo có một hình thức lễ cưới đặc biệt mà theo đó hai người trẻ đã qua đêm với nhau được coi như là đã kết hôn một cách tự động, thậm chí ngay cả khi không có nghi lễ tôn giáo hoặc dân sự. Đó chính là một thực tế phổ biến mà chúng tôi phải nỗ lực cố gắng chiến đấu bằng cách làm thay đổi não trạng của họ, làm cho giá trị của hôn nhân phải được nhận thức một cách đúng đắn. Chúng tôi nhấn mạnh vào tầm quan trọng của vấn đề đạo đức và luân lý, khuyến khích việc tham gia vào các lớp Giáo lý trong các lớp học dành riêng cho mọi lứa tuổi để truyền bá các Giáo huấn của Tin Mừng”.
Mục tiêu đó chính là “cổ võ đời sống tâm linh của các tín hữu, để họ không đi theo những con đường sai trái, nhưng có một cuộc sống đạo đức hơn”. Chính vì lý do này, “công việc của các ánh chị em Giáo lý viên quả thực vô cùng quan trọng: hiện tại có hai Giáo lý viên, một người Bengal và một người Garo”. Trong số các sáng kiến Cha Gomes muốn theo đuổi kể từ năm 2020, đó chính là “các chuyến viếng thăm các gia đình, thành lập một nhóm gồm các bạn trẻ và một nơi để họ có thể chia sẻ kinh nghiệm về đức tin và cuộc sống”.
Về việc đối thoại với các tôn giáo, Linh mục Gomes nói, “Giáo hội tại Bangladesh phục vụ nhu cầu của những người Hồi giáo và các anh chị em bộ lạc. Các anh chị em Kitô hữu yêu thương tất cả mọi người theo tinh thần bác ái bao dung”.
“Chúng tôi hy vọng – Linh mục Gomes kết luận – rằng cộng đoàn nơi đây sẽ phát triển lớn mạnh. Chúng tôi mong muốn xây dựng một ngôi nhà thờ lớn hơn, bởi vì ngôi nhà thờ hiện tại không thể chứa tất cả giáo dân, và một trung tâm phục vụ cho việc đào tạo và học hỏi chuẩn bị cho biệc lãnh nhận các Bí tích”.
Dưới đây là một số hình ảnh Lễ khánh thành Nhà thờ Lòng Thương Xót tại Dhaka:
Thiên Ân (theo Asia News)