‘Ngôi nhà của Lòng thương xót’ của Mông Cổ đang háo hức chờ đón Đức Thánh Cha Phanxicô

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ là vị Giáo hoàng đầu tiên viếng thăm Mông Cổ vào tháng Chín (Ảnh: Vatican News)

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ là vị Giáo hoàng đầu tiên viếng thăm Mông Cổ vào tháng Chín (Ảnh: Vatican News)

Giáo hội Công giáo ở Mông Cổ đã xây dựng “Ngôi nhà của Lòng thương xót” – một trung tâm từ thiện dành cho người di cư và người nghèo ở thủ đô quốc gia Ulaanbaatar mà Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ làm phép khánh thành trong chuyến viếng thăm đầu tiên của ngài đến quốc gia Trung Á vào tháng 9 sắp tới.

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ viếng thăm Mông Cổ từ ngày 1 đến ngày 4 tháng 9 và tham dự một loạt chương trình bao gồm gặp gỡ các giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân Công giáo địa phương cũng như các quan chức chính phủ hàng đầu và lãnh đạo của các nhóm tín ngưỡng khác nhau.

Chủ đề chuyến Tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Mông Cổ là “Cùng nhau Hy vọng”.

Việc khánh thành Ngôi nhà của Lòng thương xót ở quận Bayangol của Ulaanbaatar sẽ là sự kiện công khai cuối cùng của Đức Thánh Cha trước khi ngài quay trở về Rôma vào ngày 4 tháng 9, hãng tin Fides đưa tin vào ngày 12 tháng 7.

Trung tâm này là biểu tượng của tình yêu thương và lòng trắc ẩn đối với những thành phần yếu kém hơn trong xã hội từ Giáo hội Công giáo nhỏ bé của Mông Cổ với khoảng 1.500 thành viên và 77 nhà truyền giáo, báo cáo cho biết.

Dự án bắt đầu vào năm 2019 nhờ những nỗ lực của Đức Cha Giorgio Marengo, một nhà truyền giáo người Ý và là Phủ Doãn Tông Tòa Ulaanbaatar, người mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã tấn phong Hồng y vào năm ngoái.

Ý tưởng của Đức Cha Marengo là mở “một trung tâm xã hội chăm sóc phụ nữ và trẻ vị thành niên là nạn nhân của bạo lực gia đình”.

Bạo lực gia đình phổ biến ở nước này do hệ thống xã hội do nam giới thống trị, báo cáo cho biết.

Khoảng 57,9% phụ nữ đã kết hôn và 46,8% trẻ em phải đối mặt với một số hình thức bạo hành gia đình ở Mông Cổ vào năm 2020, theo Tổ chức Luật Phát triển Quốc tế.

Trung tâm tự coi mình là “nơi mà những người gặp vấn đề… có thể tìm thấy sự thoải mái và bình yên”, Fides đưa tin.

Dự án đã nhận được tài trợ từ tổ chức từ thiện Công giáo Caritas và tổ chức từ thiện Giáo hoàng, Hiệp Hội Giáo hoàng Truyền giáo (PMS), Australia.

Một tòa nhà ba tầng với một tầng hầm đã được xây dựng trong một khu phức hợp trường học bỏ hoang trước đây thuộc sở hữu của các Nữ tu Dòng Thánh Phaolô thành Chartres.

Nó sẽ không chỉ là nơi trú ẩn tạm thời cho phụ nữ và trẻ vị thành niên phải rời bỏ nhà cửa sau khi bị lạm dụng, mà còn là cơ sở sơ cứu, nơi những người vô gia cư sẽ được chăm sóc y tế.

Hầu hết những người vô gia cư không đăng ký với hệ thống y tế quốc gia và do đó không được tiếp cận điều trị tại các cơ sở y tế công cộng, Fides đưa tin.

Một nhiệm vụ quan trọng của trung tâm là thúc đẩy việc tái thiết lập liên lạc giữa những người vô gia cư và gia đình của họ để bắt đầu “các quá trình đoàn tụ gia đình”.

Nó cũng nhằm mục đích trở thành một cơ sở lưu trú tạm thời cho những người di cư đến thành phố và không có người thân hoặc bạn bè địa phương, nhữn người có thể cung cấp cho họ sự hỗ trợ ban đầu.

Tuần trước, một phái đoàn từ PMS Australia đã đến thăm để giám sát và báo cáo về tiến độ của trung tâm và các dịch vụ sẽ được cung cấp để ứng phó với các trường hợp khẩn cấp và các vấn đề ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của người dân địa phương.

Trung tâm đang được thành lập tại quận Bayangol, theo báo cáo của PMS, vì quận này có dân số hơn 150.000 người với nền tảng kinh tế và xã hội đa dạng.

Quần này cũng là một điểm đến phổ biến cho những người di cư trong nước đổ về thủ đô từ các vùng nông thôn. Các cộng đồng đa dạng của nó đại diện cho khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn giữa người giàu và người nghèo trong nước.

Chính phủ cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe miễn phí cho mọi công dân, nhưng hệ thống y tế đang thiếu các chuyên gia chăm sóc sức khỏe và nguồn lực hạn chế ở một số khu vực.

Vô gia cư là một vấn đề phổ biến và phức tạp ở các khu vực đô thị như Ulaanbaatar. Các nhóm phát triển ước tính thành phố có ít nhất 7.000 người vô gia cư trong tổng dân số ước tính 1,4 triệu người.

Nghèo đói vẫn là một thách thức lớn. Văn phòng Thống kê Quốc gia Mông Cổ đã báo cáo vào năm 2021 rằng khoảng 27,4% trong tổng số 3,3 triệu dân của quốc gia này là người nghèo và tỷ lệ thất nghiệp là 9,6%.

Các nhà phân tích cho biết chuyến viếng thăm Mông Cổ của Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ được Nga và Trung Quốc, hai quốc gia có chung đường biên giới với nước này, theo dõi chặt chẽ.

Vatican đã có những đường lối ngoại giao với Nga và Trung Quốc trong những năm gần đây.

Gần đây, Đức Thánh Cha đã cử một phái viên đến Nga để làm trung gian cho các cuộc đàm phán hòa bình nhằm chấm dứt cuộc chiến Ukraine.

Đức Thánh Cha Phanxicô gần đây cũng đã nhắc lại quyết tâm của Vatican trong việc tiếp tục “đối thoại” với Trung Quốc bất chấp thỏa thuận Trung Quốc-Vatican năm 2018 về việc bổ nhiệm các Giám mục đang gặp trở ngại do chế độ cộng sản rõ ràng đã vi phạm thỏa thuận ít nhất hai lần.

Trên đường đến Mông Cổ, Đức Thánh Cha Phanxicô dự kiến sẽ bay qua Trung Quốc, thay vì Nga. Theo thông lệ của các Giáo hoàng, Đức Thánh Cha Phanxicô có thể sẽ gửi một bức điện tín ngắn tới chính quyền Trung Quốc để công nhận điều này, hãng tin AP đưa tin.

Theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, khoảng 60% người Mông Cổ tự nhận mình là người theo đạo và số còn lại không theo tôn giáo nào.

Khoảng 87,1% những người thể hiện bản sắc tôn giáo là Phật tử, 5,4% theo Hồi giáo, 4,2% theo Shaman giáo, 2,2% theo Kitô giáo, và 1,1% theo các tôn giáo khác, theo báo cáo vào năm 2021.

Minh Tuệ (theo UCA News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết