NGHỊ QUYẾT CỦA NGHỊ VIỆN CHÂU ÂU VỀ VIỆT NAM
(2016/2755 (RSP))
Nghị viện châu Âu
– Chiếu theo các nghị quyết trước đây về tình hình ở Việt Nam;
– Chiếu theo tuyên bố ngày 18 tháng 12 năm 2015 của Phát ngôn viên của Cơ quan Hành động Đối ngoại châu Âu về vụ bắt luật sư Nguyễn Văn Đài;
– Chiếu theo tuyên bố của những người đứng đầu Nhà nước hoặc Chính phủ các nước EU vào ngày 7 tháng 3 năm 2016;
– Chiếu theo thông cáo báo chí của Phát ngôn viên của Cao ủy Nhân quyền LHQ ngày 13 tháng 5 năm 2016 ở Geneva về Thổ Nhĩ Kỳ, Gambia và Việt Nam;
– Chiếu theo tuyên bố ngày 3 tháng 6 năm 2016 của Heiner Bielefeldt, Báo cáo viên Đặc biệt của LHQ về quyền tự do tôn giáo-tín ngưỡng; Juan E. Méndez, Báo cáo viên Đặc biệt của LHQ về tra tấn, và đã được Michel Forst, Báo cáo viên Đặc biệt của LHQ về tình trạng của những người bảo vệ nhân quyền chuẩn y; Maina Kiai, Báo cáo viên Đặc biệt của LHQ về quyền tự do tụ tập và hội họp ôn hòa; David Kaye, Báo cáo viên Đặc biệt của LHQ về thúc đẩy và bảo vệ quyền tự do quan điểm và biểu đạt; Dubravka Šimonović, Báo cáo viên Đặc biệt của LHQ về bạo lực nhằm vào phụ nữ cùng nguyên nhân và hậu quả của điều này; và Nhóm Làm việc về Bắt giữ Tùy tiện;
– Chiếu theo Hiệp định Đối tác và Hợp tác giữa EU và Việt Nam, ký ngày 27 tháng 6 năm 2012 và đối thoại nhân quyền thường niên EU-Việt Nam giữa EU và Chính phủ Việt Nam, mà lần gần đây nhất được tổ chức vào ngày 15 tháng 12 năm 2015;
– Chiếu theo các nguyên tắc hướng dẫn của EU về nhân quyền;
– Chiếu theo Tuyên ngôn Phổ quát về Nhân quyền năm 1948;
– Chiếu theo Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR), mà Việt Nam đã gia nhập năm 1982;
– Chiếu theo Công ước Quốc tế về Xóa bỏ Mọi Hình thức Phân biệt Đối xử với Phụ nữ, mà Việt Nam đã là một nước thành viên từ năm 1982;
– Chiếu theo Công ước Chống Tra tấn của LHQ, mà Việt Nam đã phê chuẩn vào năm 2015;
– Chiếu theo kết quả Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát của Việt Nam trước Hội đồng Nhân quyền LHQ, ngày 28 tháng 1 năm 2014;
– Chiếu theo Quy tắc 135(5) và 123(4), trong Bộ Quy tắc về Các Thủ tục
A. Xét thấy EU coi Việt Nam là một đối tác quan trọng ở châu Á; trong khi năm 2015 đánh dấu kỷ niệm 25 năm quan hệ EU-Việt Nam; xét thấy những mối qua hệ này đã mở rộng nhanh chóng từ thương mại và viện trợ sang một mối quan hệ toàn diện hơn;
B. Xét thấy Việt Nam là một quốc gia độc đảng từ năm 1975, trong đó Đảng Cộng sản Việt Nam (CPV) không chấp nhận mọi sự thách thức đến quyền lãnh đạo của họ và kiểm soát toàn bộ Quốc hội và tòa án;
C. Xét thấy chính quyền Việt Nam đã đàn áp tàn bạo các cuộc biểu tình diễn ra trên toàn quốc trong tháng 5 năm 2016 sau một thảm họa sinh thái tàn sát vựa cá của đất nước;
D. Xét thấy một luật sư và nhà hoạt động nhân quyền Việt Nam, bà Lê Thu Hà, đã bị bắt vào ngày 16 tháng 12 năm 2015, cùng lúc với việc một luật sư nhân quyền nổi tiếng, ông Nguyễn Văn Đài, bị bắt vì tội tuyên truyền chống nhà nước; xét thấy vào ngày 22 tháng 2 năm 2016, nhà hoạt động nhân quyền Trần Minh Nhật đã bị một sĩ quan an ninh tấn công tại nhà riêng ở huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng; xét thấy ông Trần Huỳnh Duy Thức, bị bỏ tù vào năm 2009 sau một phiên tòa không được bào chữa đúng nghĩa, nhận bản án 16 năm tù và 5 năm quản chế; xét thấy đang có mối quan ngại lớn về tình trạng sức khỏe suy yếu của Hòa thượng Thích Quảng Độ, hiện đang bị quản thúc tại gia;
E. Xét thấy tại Việt Nam các chính đảng, công đoàn và tổ chức nhân quyền độc lập đều bị cấm, việc tụ tập nơi công cộng buộc phải được sự cho phép chính thức; xét thấy một số cuộc biểu tình ôn hòa đã bị giám sát chặt chẽ, các nhà hoạt động nổi bật bị quản thúc, và các cuộc biểu tình khác nữa đã bị phá vỡ hoặc bị cấm diễn ra ngay từ đầu;
F. Xét thấy công an đã triển khai hàng loạt biện pháp để ngăn chặn và trừng phạt những người tham gia biểu tình, dẫn đến một loạt vi phạm nhân quyền, gồm cả tra tấn và các hình thức đối xử và trừng phạt tàn bạo, phi nhân tính, hạ nhục nhân phẩm khác, cũng như dẫn đến những vi phạm về quyền tụ tập ôn hòa và quyền tự do đi lại; xét thấy điều kiện giam giữ và đối xử với tù nhân rất khắc nghiệt, đã có báo cáo về ít nhất 7 trường hợp chết tại nơi giam giữ trong năm 2015, nghi làbị công an tra tấn hoặc ngược đãi dưới các hình thức khác;
G. Xét thấy mặc dù Việt Nam đã chấp nhận 182 trong tổng số 227 khuyến nghị từ Hội đồng Nhân quyền LHQ trong phiên Kiểm điểm Định kỳ tháng 6 năm 2015, nhưng lại bác bỏ những khuyến nghị như: trả tự do cho tù chính trị và những người bị giam cầm mà không có cáo buộc, không được xét xử; cải cách tư pháp để chấm dứt tình trạng bỏ tù vì nguyên nhân chính trị; thành lập một thiết chế nhân quyền quốc gia độc lập và tiến hành các bước khác nhằm thúc đẩy sự tham gia của người dân; xét thấy, tuy vậy, gần đây Việt Nam cũng đã cho phép các tổ chức nhân quyền quốc tế được gặp đại diện của phía đối lập và các quan chức nhà nước – lần đầu tiên kể từ khi kết thúc chiến tranh;
H. Xét thấy Việt Nam nhất quyết viện dẫn các điều luật về “an ninh quốc gia” với ngôn từ mơ hồ trong Bộ luật Hình sự, ví dụ “tuyên truyền chống nhà nước”, “phá hoại”, hay “lợi dụng các quyền tự do dân chủ”, để kết tội và bịt miệng những người bất đồng chính kiến, người bảo vệ nhân quyền và người chỉ trích chính quyền;
I. Xét thấy vào tháng 5 năm 2016, một phóng viên BBC là ông Jonathan Head đã bị cấm đưa tin về chuyến đi của Tổng thống Mỹ Obama sang Việt Nam, và bị thu hết giấy tờ mà chẳng có một lý do nào được chính thức đưa ra; xét thấy ông Kim Quốc Hoa, cựu tổng biên tập báo Người Cao Tuổi, đã bị thu thẻ nhà báo vào đầu năm 2015, sau đó bị khởi tố theo Điều 258 Bộ luật Hình sự, tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ, sau khi tờ báo vạch trần một số vụ quan chức tham nhũng;
J. Xét thấy Việt Nam xếp thứ 175 trên 180 trong bảng Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới năm 2016 của tổ chức Phóng viên Không Biên giới, toàn bộ báo in và phát thanh truyền hình bị kiểm soát bởi CPV, quân đội hoặc các cơ quan chính phủ khác; xét thấy Nghị định 72 ban hành năm 2013 xiết chặt hơn nữa truyền thông xã hội và blog, Nghị định 174 năm 2014 áp đặt những hình phạt nặng nề lên những người sử dụng Internet và truyền thông xã hội để lên tiếng “tuyên truyền chống nhà nước” hay làm “phản động”;
K. Xét thấy quyền tự do tôn giáo-tín ngưỡng bị đàn áp và rất nhiều nhóm tôn giáo thiểu số bị ngược đãi nặng nề, gồm cả tín đồ Công giáo và các tôn giáo không được thừa nhận như Tăng đoàn Phật giáo Việt Nam Thống nhất, một số nhà thờ Tin Lành, và thành viên của nhóm tôn giáo thiểu số người Thượng, như Báo cáo viên Đặc biệt của LHQ về tự do tôn giáo-tín ngưỡng đã quan sát thấy khi thực hiện chuyến thăm Việt Nam;
L. Xét thấy vào tháng 4 năm 2016, Việt Nam thông qua Luật Tiếp cận Thông tin và Luật Báo chí sửa đổi, hạn chế quyền tự do biểu đạt và thắt chặt kiểm duyệt, cũng như thông qua các quy định cấm biểu tình trước cổng tòa trong quá trình xét xử;
M. Xét thấy xếp hạng của Việt Nam trong bảng Ch số Khoảng cách Giới của Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã rơi từ vị trí 42 năm 2007 xuống 83 trong năm 2015; và xét thấy Công ước LHQ về Xóa bỏ Mọi Hình thức Phân biệt Đối xử nhằm vào Phụ nữ đã chỉ trích chính quyền Việt Nam vì không nắm được “khái niệm bình đẳng giới thực chất”; xét thấy, mặc dù có một số tiến bộ, nhưng bạo lực gia đình, tình trạng buôn bán phụ nữ và trẻ em gái, mại dâm, HIV/AIDS và các xâm hại tình dục và quyền sinh sản vẫn còn là những vấn đề lớn ở Việt Nam;
N. Xét thấy Hiệp định Đối tác và Hợp tác Toàn diện là nhằm thiết lập một mối quan hệ đối tác hiện đại, rộng khắp và các bên cùng có lợi, dựa trên việc chia sẻ những lợi ích chung và nguyên tắc chung như bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, nhà nước pháp quyền và nhân quyền;
O. Xét thấy EU đã khen ngợi Việt Nam về những tiến bộ không ngừng trong các quyền xã hội-kinh tế, nhưng cũng bày tỏ quan ngại về tình hình các quyền chính trị và dân sự; tuy nhiên, xét thấy tại đối thoại nhân quyền thường niên, EU đã nêu vấn đề hạn chế quyền tự do biểu đạt, tự do báo chí và tự do tụ tập;
P. Xét thấy EU là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam; xét thấy EU, cùng với các nước thành viên, là nhà cung cấp viện trợ phát triển chính thức lớn nhất cho Việt Nam, và xét thấy EU sẽ tăng 30% ngân sách cho việc này, lên 400 triệu euro, trong giai đoạn 2014-2020;
Thống nhất quyết nghị như sau:
1. Ủng hộ việc thắt chặt quan hệ đối tác và cuộc đối thoại nhân quyền giữa EU và Việt Nam; hoan nghênh việc Việt Nam phê chuẩn Công ước Chống Tra tấn của LHQ vào năm ngoái;
2. Kêu gọi chính quyền Việt Nam chấm dứt ngay lập tức mọi hành động sách nhiễu, đe dọa, ngược đãi các nhà hoạt động nhân quyền, hoạt động xã hội và bảo vệ môi trường; nhất quyết yêu cầu chính quyền tôn trọng quyền tụ tập ôn hòa của những nhà hoạt động này, và trả tự do cho bất kỳ ai còn đang bọi giam cầm một cách sai trái; yêu cầu thả ngay lập tức tất cả các nhà hoạt động đã bị bắt giữ và cầm tù oan uổng như Lê Thu Hà, Nguyễn Văn Đài, Trần Minh Nhật, Trần Huỳnh Duy Thức và Thích Quảng Độ;
3. Bày tỏ quan ngại sâu sắc về mức độ bạo lực ngày càng gia tăng nhằm vào những người dân Việt Nam muốn biểu đạt sự phẫn nộ của họ về nạn cá chết hàng loạt dọc bờ biển miền Trung; yêu cầu công khai kết quả các cuộc điều tra về thảm họa môi trường này và công khai danh tính những người phải chịu trách nhiệm; kêu gọi chính quyền Việt Nam tôn trọng quyền tự do tụ tập theo đúng những nghĩa vụ nhân quyền quốc tế của họ;
4. Lên án việc kết tội và xử án nặng đối với các nhà báo và blogger Việt Nam như ông Nguyễn Hữu Vinh và cộng sự Nguyễn Thị Minh Thúy, và ông Đặng Xuân Diệu, và kêu gọi trả tự do cho họ;
5. Lấy làm tiếc về tình trạng vi phạm nhân quyền tiếp diễn ở Việt Nam, gồm cả đe dọa, sách nhiễu, bắt bớ tùy tiện, xử tù nặng, xét xử không công bằng, khủng bố các nhà hoạt động chính trị, nhà báo, blogger, người bất đồng chính kiến và người bảo vệ nhân quyền, cả trên mạng lẫn ngoài đời, rõ ràng vi phạm các nghĩa vụ nhân quyền quốc tế của Việt Nam;
6. Bày tỏ quan ngại về việc Quốc hội đang xem xét thông qua Luật về Hội và Luật Tôn giáo-Tín ngưỡng không tuân thủ các chuẩn mực quốc tế về quyền tự do hiệp hội và quyền tự do tôn giáo hay tín ngưỡng;
7. Yêu cầu Việt Nam đẩy mạnh hợp tác với các thiết chế nhân quyền và nâng cao mức độ tuân thủ cơ chế báo cáo cho các cơ quan theo công ước (treaty bodies – các cơ quan được thành lập và hoạt động dựa trên các công ước quốc tế về nhân quyền – ND); nhắc lại lời kêu gọi phải có sự tiến bộ trong việc thực hiện những khuyến nghị của Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát;
8. Nhắc lại lời kêu gọi xem xét lại một số điều luật cụ thể trong Bộ luật Hình sự Việt Nam, vốn được dùng để đàn áp tự do biểu đạt; lấy làm tiếc rằng không ai trong số 18000 tù nhân được ân xá dịp 2 tháng 9 năm 2015 là tù chính trị; lên án chế độ giam giữ và nhà tù ở Việt Nam, và yêu cầu các cấp chính quyền Việt Nam bảo đảm quyền tiếp cận luật sư không bị hạn chế;
9. Yêu cầu chính quyền Việt Nam thiết lập các cơ chế giải trình hiệu quả về hoạt động của lực lượng cảnh sát và an ninh, nhằm mục đích chấm dứt lạm dụng tù nhân hay người bị tạm giam tạm giữ;
10. Kêu gọi chính quyền chấm dứt ngược đãi tôn giáo và sửa đổi luât pháp về quy chế của các cộng đồng tôn giáo, nhằm tái thiết tình trạng hợp pháp của các tôn giáo không được thừa nhận; kêu gọi Việt Nam hủy bỏ dự thảo thứ 5 của Luật Tôn giáo và Tín ngưỡng, hiện đang được thảo luận ở Quốc hội, và chuẩn bị một dự thảo mới tuân thủ các nghĩavụ của Việt Nam theo Điều 18 Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị; kêu gọi trả tự do cho các chức sắc tôn giáo, gồm Mục sư Nguyễn Công Chính, bà Trần Thị Hồng và ông Ngô Hào;
11. Yêu cầu Việt Nam chống phân biệt đối xử nhằm vào phụ nữ, bằng cách đưa ra các luật chống nạn buôn người, và bằng những việc làm cụ thể hướng đến kiểm soát bạo lực trong gia đình và nạn vi phạm quyền sinh sản;
12. Khen ngợi Việt Nam về vai trò đi đầu ở châu Á trong lĩnh vực quyền của người đồng tính nữ, đồng tính nam, lưỡng tính, chuyển giới và liên giới tính (LGBTI), cụ thể là việc gần đây đã thông qua luật về hôn nhân và gia đình trong đó cho phép người đồng tính kết hôn;
13. Kêu gọi Ủy ban Liên Chính phủ ASEAN về Nhân quyền thanh tra tình hình nhân quyền ở Việt Nam, đặc biệt tập trung vào quyền tự do biểu đạt, và có khuyến nghị tới quốc gia này;
14. Kêu gọi Chính phủ Việt Nam gửi lời mời thường xuyên (standing invitation) đến Thủ tục Đặc biệt của LHQ, và cụ thể là đến Báo cáo viên Đặc biệt về quyền tự do biểu đạt và Báo cáo viên Đặc biệt về tình trạng của những người bảo vệ nhân quyền;
15. Kêu gọi EU tăng cường đối thoại chính trị về nhân quyền với Việt Nam theo Hiệp định Đối tác và Hợp tác Toàn diện;
16. Đề nghị Phái đoàn EU sư dụng tất cả các công cụ thích hợp để giúp Chính phủ Việt Nam trong các hành động trên, và hỗ trợ cho những người bảo vệ nhân quyền; nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại nhân quyền giữa EU và chính quyền Việt Nam, đặc biệt nếu sau đối thoại này là thực thi thực sự; nhấn mạnh rằng đối thoại phải hữu hiệu và có kết quả;
17. Thừa nhận nỗ lực của chính quyền Việt Nam trong việc thắt chặt quan hệ EU-ASEAN và sự ủng hộ của họ đối với vai trò thành viên của EU trong Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á;
18. Biểu dương việc Việt Nam đạt được với một con số ấn tượng các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, và kêu gọi Ủy ban và Phó Chủ tịch Ủy ban/ Đại diện Cao cấp của Liên hiệp Chính sách Đối ngoại và An ninh, tiếp tục hỗ trợ chính quyền Việt Nam, các tổ chức phi chính phủ và tổ chức XHDS trong nước, trong khuôn khổ Chương trình Phát triển sau năm 2015;
19. Đề nghị Chủ tịch chuyển nghị quyết này đến Phó Chủ tịch Ủy ban/ Đại diện Cao cấp của Liên hiệp Chính sách Đối ngoại và An ninh, các chính phủ và quốc hội của các nước thành viên, Chính phủ và Quốc hội Việt Nam, chính phủ và quốc hội các nước thành viên ASEAN, Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc và Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc.
Dịch từ nguyên bản tiếng Anh được chính thức thông qua ngày 08/06/2016. Bản dịch của Ủy ban Công lý – Hòa bình.