Ngày vì môi trường và những loại “rác”

Ngày vì môi trường của Giáo phận Vinh đã kết thúc, thánh lễ cầu nguyện hưởng ứng của nhà thờ Thái Hà Dòng Chúa Cứu Thế đã kết thúc, nhưng điều còn đọng lại và sẽ lại ngân vang là tiếng nói “phải có tự do, phải đòi tự do” khỏi các áp lực của chính quyền.

Để bày tỏ sự hiệp thông với giáo phận, nhất là hưởng ứng với lời kêu gọi của Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Giám mục giáo phận Vinh, bất chấp nhiều áp lực từ những đe dọa của nhà cầm quyền, sáng hôm qua, Chúa nhật 7/8/2016, cả Giáo phận Vinh bày tỏ thái độ về vấn đề môi trường, qua những cuộc tuần hành ôn hoà, đến tận khu công nghiệp Formosa Vũng Áng. Đông yên1

Đây là một trong những động thái tích cực bảo vệ môi trường theo tinh thần thông điệp “Laudato Si – Bảo vệ ngôi nhà chung” của Đức Thánh Cha Phanxicô, đồng thời cũng lên tiếng bày tỏ lập trường Công giáo trước vấn đề thảm hoạ môi trường do những chính sách sai lầm của nhà cầm quyền gây ra trong mấy tháng qua, điển hình là vụ nhà máy thép Fomosa xả thải chất độc ra môi trường, huỷ hoại sinh thái, đầu độc con người và huỷ diệt dân tộc.

Tối Chúa nhật cùng ngày, những ngọn nến lung linh quyện với những lời cầu nguyện tha thiết tại nhà thờ Thái Hà Dòng Chúa Cứu Thế, được thắp lên trong thánh lễ đặc biệt hưởng ứng ngày vì môi trường của Giáo phận Vinh.

JBV_9809Tổng kết một ngày hành động vì môi trường trong tinh thần thông điệp “Laudato Si” là những việc tích cực đem lại niềm hy vọng cho xã hội như, thức tỉnh lương tâm, thức tỉnh cộng đồng như Lời Chúa ngày Chúa Nhật 19 mùa Thường niên năm C.

Các loại “rác thải” độc hại được “vô tư” thải ra môi trường trước đây, với sự đồng thuận hoặc làm ngơ của chính quyền, đã được thu gom bởi những người nặng lòng với quê hương, với dân tộc, với tương lai giống nòi.

Đó là thứ rác “thờ ơ” với thời cuộc, với con người, với chính trị. Cụ thể là Giáo phận Vinh được mời gọi dấn thân và đã “dấn thân” hết mình. Bởi hơn ai hết, những người con trong Giáo phận Vinh biết rằng, chính họ là nạn nhân trực tiếp, và Đức cha Phaolô Nguyễn Thái  Hợp dư biết rằng “Giáo hội không làm chính trị nhưng phải đặt mình vào chính trị”, vì chính ngài đang là nạn nhân của thứ chính trị xảo trá, và đoàn chiên của ngài đang gánh những hậu quả thảm thương của thứ chính trị lấy kinh tế dày đạp trên sự sống con người, là thảm hoạ môi trường Formosa, không phải trong một thời gian, mà phải tính đến hàng chục năm, hàng thế kỷ.

Đó là thứ  rác “sợ chính trị” như sợ tội và sợ Satan, để rồi chính “sự tội” ấy tàn phá và “Satan” ấy tha hồ tung hoành. Không phải vô cớ mà Đức Phaolô VI nói: “Chính trị là một trong những hình thức cao cả nhất của đức ái”. Đức ái là đức yêu thương. Yêu thương không chỉ là “động lòng thương” trước những thảm cảnh của con người, là cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, nhưng còn là tận diệt những nguyên nhân gây ra những thảm hoạ đó, mà chính trị là phương thế đấu tranh hữu hiệu nhất.

Trên hết, Giáo hội phải trung thành với con người, nhất là những người sống trong những tình cảnh bi thảm do các vấn đề quân sự, kinh tế, đạo đức, khoa học xã hội gây ra. Trung thành là phải có lập trường, là chọn thái độ đứng về phía con người khốn khổ bị áp bức, bách hại, trong đó có “đoàn chiên” của Chúa. Đó là điều Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp đang làm hôm nay cùng với Giáo phận Vinh: hành động vì môi trường để chống lại “những tội ác” đang huỷ hoại môi trường sống, đe doạ sự sống còn của con dân Việt.

Đó là một mệnh lệnh đạo đức, khiến lương tâm con người được thức tỉnh và lương tri bừng trỗi dậy, mạnh dạn đạp trên thứ rác thải có tên là “nỗi sợ hãi”, làm ngỡ ngàng những “con rối” trong chiến dịch quấy phá, và hiên ngang diễu hành ngang qua “căn gốc” của nỗi sợ hãi có tên là lực lượng trấn áp bằng bạo lực được bảo kê bởi thể chế cầm quyền cộng sản.

Đó là cách hành xử rất “Tin mừng”, rất “tỉnh thức” trong tinh thần của Lời Chúa. Điều đó cho thấy tôn giáo, ở đây là Công giáo, không phải là “thuốc phiện” ru ngủ người dân, càng không phải là “tay sai” của chế độ, nhưng là “tiếng nói” mãnh liệt của chân lý, một chân lý vì con người, vì những quyền căn bản của con người; một chân lý cho con người và với con người, những con người can đảm dám tiêu hao đời sống mình, hạnh phúc của riêng mình, sinh mạng của mình để thắp lên ngọn đèn sự thật và công lý, toả lan ánh sáng niềm tin và hy vọng.

Ngày vì môi trường của Giáo phận Vinh đã qua, thánh lễ cầu nguyện hưởng ứng của nhà thờ Thái Hà Dòng Chúa Cứu Thế đã qua, nhưng điều còn đọng lại và sẽ lại ngân vang là tiếng nói “phải có tự do, phải đòi tự do” khỏi các áp lực của chính quyền.

Sự tự do trước những sự mua chuộc của các tổ chức kinh tế, chỉ biết đến lợi nhuận.

Và tất nhiên là sự tự do trong vòng xoáy của những cấu trúc tội lỗi, là những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến những thảm hoạ huỷ diệt con người, tinh thần con người, linh hồn con người và đời sống con người.

Jos. Ngô văn Kha, C.Ss.R.

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết