Ngay trước cuộc gặp thượng đỉnh với Trump, Đức Giáo hoàng đưa ra một tuyên bố về ngoại vi

Mặc dù người Mỹ tưởng rằng thế giới xoay quanh họ, Đức Giáo hoàng Phanxicô gần như chắc chắn đã không nghĩ đến Donald Trump khi ngài công bố bổ nhiệm năm tân Hồng y vào Chủ nhật vừa qua, ngay trước cuộc họp hôm nay với Tổng thống Hoa Kỳ. Tuy nhiên, thời điểm công bố danh sách các tân Hồng y thật ý nghĩa: ngay trước khi tiếp một nhà lãnh đạo thực tế của trung tâm, Đức Giáo hoàng đã đưa ra một tuyên bố mạnh mẽ về ngoại vi.

ĐTCNgười Mỹ đôi khi cần được nhắc nhở rằng thế giới không thực sự xoay quanh họ.

Thực ra, có lẽ Đức Thánh Cha Phanxicô đã không cố gắng đưa ra một tuyên bố về Hoa Kỳ khi ngài công bố danh sách năm vị Hồng y mới vào Chủ Nhật, chỉ bốn ngày trước cuộc gặp được mong đợi của ngài với Tổng thống Donald Trump vào sáng thứ Tư. Tuy nhiên, thời điểm công bố là đáng suy nghĩ: ngay trước cuộc gặp mặt của ngài với “đệ nhất quý ông Mỹ”, Đức Giáo hoàng đã đưa ra một cử chỉ nói lên rất rõ ràng tầm quan trọng của các khu vực ngoại vi.

Trong buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng vào ngày Chúa Nhật vừa qua, một cách rất bất ngờ, Đức Thánh Cha công bố danh sách các tân Hồng y đến từ El Salvador, Mali, Lào, Thụy Điển và Tây Ban Nha. Ba trường hợp đầu là của những quốc gia trước đây chưa bao giờ có hồng y, và ngoại trừ Đức Tổng Giám mục Juan José Omella của Barcelona, ​​Tây Ban Nha, tất cả đều đến từ những nơi thường được coi là “ngoại biên”.

Trong số năm vị hoàng tử mới của Giáo hội, có vẻ như việc chọn Đức Giám mục Gregorio Rosa Chávez của El Salvador là đáng chú ý hơn cả.

Là vị Giáo hoàng đầu tiên trong lịch sử Mỹ Latinh, Đức Phanxicô nhận thức rõ về những gì Đức Cha Rosa Chávez tượng trưng cho Giáo hội tại khu vực đó. Đức Cha Rosa Chávez là hiện thân sống động của di sản của Đức Tổng Giám mục Oscar Romero, vị tử đạo của Mỹ Latinh, người đã bị giết khi đang cử hành Thánh lễ vào năm 1980 bởi các tay súng liên hệ với các nhóm bán quân sự cánh hữu của đất nước, những người muốn ngài im lặng thay vì ủng hộ người nghèo và người bị áp bức .

Vì chính phủ Hoa Kỳ đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển, hỗ trợ và tài trợ cho các lực lượng bán quân sự đó, nên trong thực tế, việc công bố Đức Cha Rosa Chávez là tân Hồng y ngay trước khi Trump đến Roma có thể được nhiều người hiểu như là một lời Đức Thánh Cha mời gọi Hoa Kỳ lục vấn lương tâm.

Năm nay 74 tuổi, Đức Cha Rosa Chávez là một trong những người bạn thân nhất và là cộng tác viên đắc lực của Đức Cha Romero, và giống như Đức Cha Romero, ngài đã bị các quan chức Công giáo “quản chế” lâu dài, sợ rằng việc đề cao ngài hoặc việc cử hành lễ kỷ niệm Đức Cha Romero sẽ gây ra sự chia rẽ về chính trị và xã hội. Đức Cha Rosa Chávez (hiện vẫn chỉ là một Giám mục Phụ tá) đã ba lần vuột khỏi chức vụ Tổng Giám mục San Salvador, và ngài thực sự là vị giám mục phục vụ lâu nhất ở nước này, giữ chức vụ còn lâu hơn tất cả các giám mục Salvador hiện đang nghỉ hưu.

Việc kết thúc sự đóng băng xung quanh di sản của Đức Cha Romero đã được coi là một ưu tiên của Đức Phanxicô kể từ khi ngài đắc cử Giáo hoàng. Ngài đã chấp nhận việc phong chân phước cho vị tử nạn ở Salvador vào tháng 5 năm 2015, và đặt Đức Cha Rosa Chávez làm Hồng y như là một phần của cùng một dự án “phục hồi” đó.

Sự lựa chọn bốn vị tân Hồng y còn lại cũng là lời tuyên bố về giá trị của các vùng ngoại biên.

Ví dụ, việc vinh thăng vị Hồng y đầu tiên của Thụy Điển là một bước tiếp theo hợp lý sau chuyến viếng thăm của Đức Phanxicô tại nước này vào tháng Mười năm ngoái. Đức Cha Anders Arborelius là vị Giám mục đầu tiên người Thụy Điển trong Giáo hội Công giáo kể từ cuộc Cải cách Tin lành vào thế kỷ 16. Khi bổ nhiệm Đức Giám mục Arborelius vào Hồng y đoàn, Đức Thánh Cha Phanxicô không chỉ đề cao những vùng ngoại vi mà còn đề cao một trong những giáo phận có tinh thần đại kết đặc biệt nhất trong Giáo hội, phản ánh ưu tư của ngài về việc tìm kiếm sự hiệp nhất các Kitô hữu.

Trường hợp Đức cha Louis-Marie Ling Mangkhanekhoun của Pakse ở Lào, là trường hợp rõ ràng rằng Đức Giáo hoàng hướng đến một tình cảnh và vị trí bên lề, ngay cả trong phạm vi Công giáo. Trong toàn nước Lào, chỉ có khoảng 45.000 người Công giáo, với tổng dân số gần 7 triệu người, và Giáo hội còn quá nhỏ bé tại Lào, thậm chí chưa có giáo phận thực sự, chỉ có bốn vị Đại diện Tông tòa.

Tương tự như vậy là ở Mali, nơi 90%  trong tổng số 15 triệu dân là người Hồi giáo, người Công giáo đại diện cho khoảng 1,5% dân số của đất nước, có nghĩa là Đức Tổng Giám mục Jean Zerbo của Bamako cũng dẫn dắt một cộng đoàn nhỏ bé nằm xa con đường của cả Giáo hội lẫn thế giới.

Khi Đức Phanxicô chính thức vinh thăng năm vị Hồng y này, trong một buổi lễ được tổ chức vào ngày 28 tháng 6, ngài sẽ tiếp tục quốc tế hóa cơ quan sẽ bầu chọn người kế nhiệm ngài. Các lựa chọn cũng làm phức tạp hơn việc suy đoán về vị giáo hoàng kế tiếp, vì cả năm vị tân Hồng y đều là những người tương đối chưa nổi tiếng và thật khó để “định vị” các ngài vào một “khối” cụ thể hoặc một trường phái tư tưởng có thể cho biết vị giáo hoàng họ tìm kiếm khi thời đến thời đến buổi sẽ là thế nào.

Rõ ràng Đức Phanxicô hoàn toàn có quyền tuyên bố vào Chúa nhật vừa qua về việc triệu tập Công nghị Hồng y, bất kể ai sẽ đến Vatican vào tuần này. Ngài cần cung cấp cho các tân Hồng y khoảng thời gian một tháng kể từ ngày thông báo, và ngày 28 tháng 6, Lễ Thánh Phêrô và Thánh Phaolô, là thời điểm truyền thống để triệu tập Công nghị Hồng y.

Sự kiện ông Trump sẽ ở Vatican vào thứ Tư, do đó, đối với hầu hết những yếu tố của việc công bố danh sách các tân Hồng y, chỉ là sự kiện hoàn toàn ngẫu nhiên.

Tuy nhiên, đối với nhiều người, Đức Phanxicô là một người khôn ngoan về chính trị, và không cần phải nghi ngờ gì về tầm quan trọng của tuyên bố của ngài ngay trước khi ông Trump đến Vatican.

Nền tảng của chương trình nghị sự về chính sách đối ngoại của Trump là bảo vệ lợi ích của Mỹ và an ninh của Hoa Kỳ, được thể hiện bằng câu thần chú “nước Mỹ trước hết”. Mặc dù vẫn còn quá sớm để biết chính xác đâu là ý nghĩa của các lựa chọn cụ thể, nhưng nói cách chung, câu ‘thần chú’ ấy có nghĩa là siêu cường quyền lực nhất thế giới có thể sẵn sàng rút lui một chút khỏi các cam kết quốc tế để theo đuổi một chương trình nghị sự toàn cầu thu hẹp hơn và tập trung hơn.

Dĩ nhiên, Đức Phanxicô là một nhà toàn cầu hóa thuyết phục, nhấn mạnh rằng trong thế kỷ 21, số phận của các dân tộc và các quốc gia chắc chắn là có mối liên kết chặt chẽ, và các xã hội giàu có và có quyền lực hơn phải có trách nhiệm đặc biệt đối với các nạn nhân của một thứ”văn hoá vất bỏ”.

Do đó, có thể hiểu tuyên bố về việc bổ nhiệm năm tân Hồng y vừa qua, những vị Hồng y đến từ ngoại biên, ngay trước khi gặp người lãnh đạo thực tế của trung tâm, là một trong những thuật hùng biện có thể cho thấy sự thiếu quan tâm đối với phần còn lại của thế giới là điều không ổn. Năm vị giám chức này được trao mũ đỏ không phải vì Donald Trump, nhưng đối với những người biết quan sát, vẫn có một thông điệp ở đây.

Câu hỏi bây giờ là liệu Tổng thống Hoa Kỳ có nhận ra thông điệp đó – và, tất nhiên, ông ấy sẽ làm gì với thông điệp đó.

Vũ Hùng (theo Crux)

 

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết