Ngày Công lý Xã hội Thế giới: “Phải đặt người dân trước mọi lợi nhuận”

Liên Hiệp Quốc đã thiết lập ngày này vào năm 2007 nhằm làm nổi bật những vấn đề toàn cầu như nghèo đói, sự loại trừ, vấn đề công ăn việc làm và bình đẳng giới. Đối với Đức Cha D’Silva, bạo lực là kết quả của sự bất bình đẳng. Cơ cấu kinh tế hiện tại phải được tái xem xét vì “lòng yêu thương đối với anh chị em chúng ta”.

Ngày Công lý Xã hội Thế giới – được tổ chức vào ngày 20/2 – là một cơ hội để đặt người dân trước mọi lợi nhuận – Đức Cha Allwys D’Silva phát biểu nhân Ngày Công lý Xã hội Thế giới được thành lập bởi Liên Hiệp Quốc vào năm 2007.

Phát biểu với AsiaNews, Đức Giám mục Phụ tá vừa mới được bổ nhiệm của Địa phận Mumbai – người đã dấn thân trong nhiều năm qua về các vấn đề xã hội, quyền con người và bảo vệ môi trường, cho biết: “Ngày nay, thế giới chúng ta đầy rẫy những xung đột và chia rẽ”, và “Công bằng xã hội là một nguyên tắc nền tảng cho sự chung sống hòa bình và thịnh vượng trong nước cũng như giữa các quốc gia”.

Liên Hiệp Quốc đã thiết lập ngày này nhằm làm nổi bật những vấn đề toàn cầu như nghèo đói, sự loại trừ, vấn đề công ăn việc làm, bình đẳng giới, việc tiếp cận phúc lợi và công bằng cho tất cả mọi người. Chủ đề của Ngày Công lý Xã hội Thế giới năm nay đó là ‘Ngăn ngừa xung đột và duy trì hòa bình thông qua việc làm bền vững’.

Với mục tiêu như vậy, tất cả các quốc gia được cổ võ nhằm thúc đẩy các mục tiêu cũng như các kế sách của Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới về Phát triển xã hội, chẳng hạn như: vấn đề công ăn việc làm, việc phục hồi xã hội, hiểu biết nhiều hơn, và hợp tác với Liên Hiệp Quốc cũng như các bên liên quan khác nhằm xây dựng các chiến lược hiệu quả cho hành động.

“Chúng tôi tôn trọng các nguyên tắc của công lý xã hội khi chúng ta thúc đẩy bình đẳng giới, các quyền của người dân bản địa và những người nhập cư”, Đức Cha D’Silva – người đứng đầu bộ phận đặc trách về biến đổi khí hậu và là thư ký Văn phòng phát triển con người thuộc Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC).

“Chúng ta hướng tới công bằng xã hội khi chúng ta loại bỏ những rào cản mà nhân loại hiện đang phải đối diện bởi vì giới tính, tuổi tác, chủng tộc, sắc tộc, tôn giáo, văn hóa hoặc vấn đề khuyết tật. Khi chúng ta duy trì sự bình đẳng, mọi chia rẽ và xung đột sẽ bị tiêu diệt. Cả thế giới hãy phấn đấu cho sự bình đẳng này nhân Ngày Công lý Xã hội Thế giới”.

“Bạo lực thường là kết quả của sự bất bình đẳng”, Đức Cha D’Silva giải thích. “Chẳng có ví dụ nào tốt hơn so với sự bất công trong lĩnh vực kinh tế. Khi chỉ có một số ít ăn phần lớn chiếc bánh và phần còn lại được trích ra chỉ một mảnh nhỏ của chiếc bánh, thì lúc này chắc chắn bạo lực sẽ nảy sinh trên các ngả đường phố”.

“Thất nghiệp đã trở nên một vấn đề phổ biến tại châu Á và do đó chúng ta cần phải có một cái nhìn tốt hơn vào cơ cấu kinh tế của chúng ta vốn đã chỉ xem lợi nhuận như là mục tiêu duy nhất. Và vì vậy, lòng thương cảm đối với anh chị em của chúng ta đã không được tính đến nơi đời sống thường ngày của chúng ta. Chúng ta cần phải đặt người dân lên trên hết mọi lợi nhuận”.

Minh Tuệ chuyển ngữ

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết