Tuần Cửu Nhật cầu nguyện cho Bắc Triều Tiên nhấn mạnh đến nhiều vấn đề khác ngoài việc phi hạt nhân hóa
Sau hai hội nghị thượng đỉnh lịch sử liên quan đến Chủ tịch Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, các giám mục Hàn Quốc đang nỗ lực kêu gọi tất cả mọi tín hữu Công giáo thực hiện Tuần Cửu Nhật theo chín ý định cụ thể cầu nguyện bán đảo Triều Tiên từ ngày 17 – 25 tháng 6.
Tuần Cửu Nhật lên đến đỉnh điểm vào ngày 25 tháng 6, “Ngày cầu nguyện cho sự Hòa giải và Thống nhất của nhân dân Hàn Quốc”.
Tuần Cửu Nhật này không phải là một nỗ lực mới đối với các giám mục Hàn Quốc, những người đã dẫn dắt các tín hữu Công giáo cầu nguyện cho sự hòa giải và thống nhất của bán đảo Triều Tiên vốn đã bị chia cắt trong nhiều thập kỷ. Theo Đức Tổng Giám mục Kim Hee-joong Địa phận Gwangju, người Công giáo Hàn Quốc đã xem ngày 25 tháng 6 như là ngày cầu nguyện cho bán đảo Triều Tiên kể từ năm 1965.
Tuần Cửu Nhật đầu tiên cầu nguyện cho sự hòa giải và thống nhất của Hàn Quốc là vào tháng 6 năm 1993, khi Bắc Triều Tiên bắt đầu rơi vào nạn đói do sự sụp đổ của nền kinh tế cộng sản, vốn đã được duy trì bởi sự phụ thuộc nặng nề vào Liên Xô. Ước tính có khoảng 500.000 đến 600.000 người đã chết trong nạn đói ở Bắc Triều Tiên kể từ năm 1993 đến năm 2000, theo Cục điều tra dân số Hoa Kỳ.
Tuần Cửu Nhật là tuần gồm chín ngày cầu nguyện liên tục với ý cầu nguyện cụ thể, thường là kêu xin sự chuyển cầu của một vị Thánh. Nó được làm theo mô hình chín ngày mà các tông đồ đã chìm đắm trong việc cầu nguyện trong khoảng thời gian giữa hai biến cố Chúa Giêsu lên trời và Chúa Thánh Thần Hiện Xuống.
Chín ý cầu nguyện của năm nay nắm bắt được sự phức tạp của những vấn đề mà bán đảo này hiện đang phải đối mặt vào năm 2018:
Ngày 17 tháng 6: Cầu cho việc chữa lành đối với một quốc gia đã bị chia cắt
Gần 3 triệu người Hàn Quốc đã thiệt mạng, chiếm 10% dân số nước này, trong cuộc chiến tranh Triều Tiên tàn bạo kể từ năm 1950 đến năm 1953. Nhưng bán đảo Triều Tiên, về mặt kỹ thuật, hiện vẫn còn đang trong cảnh chiến tranh, 65 năm sau cuộc đình chiến được ký kết vào năm 1953.
Kể từ khi phân chia bán đảo Triều Tiên dọc theo vĩ tuyến 38, hai miền Bắc và Nam đã phân hóa đáng kể về mặt kinh tế và văn hóa.
Vào ngày 27 tháng 4, các nhà lãnh đạo của hai miền Triều Tiên đã ký Tuyên bố Panmunjom, mà trong đó họ đã cam kết theo đuổi các cuộc họp trong tương lai với mục tiêu tuyên bố chấm dứt chính thức đối với cuộc Chiến tranh Triều Tiên.
Ngày 8 tháng 6: Cầu cho các gia đình bị chia cắt.
Hàng trăm ngàn người đã bị chia cắt vĩnh viễn khỏi gia đình họ bởi việc chia cắt bán đảo Triều Tiên. Theo Bộ Thống nhất Hàn Quốc, chưa đến một nửa số người Hàn Quốc bị chia cắt khỏi các thành viên trong gia đình họ hiện vẫn còn sống sót và độ tuổi trung bình của họ là 81.
Chính phủ Bắc và Nam Triều Tiên thỉnh thoảng đã tổ chức các cuộc đoàn tụ đẫm nước mắt cho các gia đình bị chia cắt. Tại một cuộc hội ngộ vào năm 2015, một người vợ 85 tuổi đã đoàn tụ với chồng của mình, người mà bà đã không còn được gặp mặt trong vòng 65 năm. Họ có 12 giờ để được ở bên nhau trước khi phải quay trở lại quốc gia của mình.
Ngày 19 tháng 6: Cầu cho các anh chị em Bắc Triều Tiên của chúng ta
25 triệu người sống ở Bắc Triều Tiên, nước này có một trong những hồ sơ nhân quyền tồi tệ nhất trên thế giới. Một cuộc điều tra của LHQ vào năm 2014 đã đưa ra một báo cáo dài 372 trang ghi nhận các tội ác chống lại nhân loại, bao gồm các vụ hành quyết, sự nô lệ, tra tấn, giam cầm, phá thai ép buộc, và việc cố ý gây ra nạn đói kéo dài.
Hiện tại có khoảng 80.000 đến 120.000 người bị giam giữ trong sáu trại tù chính trị của Bắc Triều Tiên, mà trong đó Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã tìm thấy những bằng chứng về nạn đói, lao động cưỡng bách và các vụ tra tấn.
20 tháng 6: Cầu cho những người đã đào thoát khỏi Bắc Triều Tiên
Hiện có khoảng 31.530 người đào thoát khỏi Bắc Triều Tiên hiện đang sinh sống ở Hàn Quốc, theo Bộ Thống nhất Hàn Quốc. Gần như tất cả những người đào thoát khỏi Bắc Triều Tiên đều trốn thoát bằng cách băng qua biên giới phía bắc vào Trung Quốc trước khi bắt tay vào một hành trình đầy nguy hiểm khác để thoát khỏi Trung Quốc, những người hồi hương thoát khỏi Bắc Triều Tiên được phát hiện trên đất Trung Quốc. Nhiều phụ nữ tị nạn đã bị bán vào tay những kẻ buôn bán tình dục ở Trung Quốc.
Hậu chấn thương tâm lý là tình trạng phổ biến ở những người đào thoát khỏi Bắc Triều Tiên sau khi sống sót sau một cuộc hành trình như vậy, và nhiều người phải tranh đấu để thích nghi với miền Nam, nơi mà họ thường phải đối mặt với tình trạng phân biệt đối xử. Các tín hữu Công giáo đã làm việc với những người đào thoát khỏi Bắc Triều Tiên trong nhiều năm để giúp họ thích nghi với xã hội Hàn Quốc.
Ngày 21 tháng 6: Cầu cho các nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc
Kim Jong Un chỉ mới 26 tuổi khi trở thành nhà lãnh đạo của Bắc Triều Tiên vào năm 2011, sau cái chết của cha mình là ông Kim Jong Il. Ông là “nhà lãnh đạo tối cao” thứ ba trong triều đại nhà Kim, bắt đầu bởi ông nội của nhà lãnh đạo, Kim Il Sung.
Ông Kim đã làm nên lịch sử vào năm 2018 bằng cách vượt qua ranh giới quân sự đến với Hàn Quốc để gặp gỡ Tổng thống Hàn Quốc vào hồi tháng Tư và sau đó trở thành nhà lãnh đạo Bắc Hàn đầu tiên gặp gỡ Tổng thống Hoa Kỳ vào hồi tháng Sáu. Mặc dù không rõ liệu đây có phải là dấu hiệu cho thấy sự sẵn lòng của nhà lãnh đạo Kim nhằm tạo ra những sự thay đổi nghiêm túc ở Bắc Triều Tiên hay không, các giám mục Hàn Quốc kêu gọi việc cầu nguyện cho nhà lãnh đạo Kim Jong Un.
Ông Moon Jae-In trở thành Tổng thống của Hàn Quốc vào tháng 5 năm 2017 sau khi người tiền nhiệm của ông bị truy tố về tội tham nhũng. Ông Moon là một người Công giáo, cựu luật sư về nhân quyền, và là con trai của những người tị nạn Bắc Triều Tiên. Ông ưu tiên vấn đề ngoại giao hòa bình với miền bắc vào thời điểm khi mà sự căng thẳng với Triều Tiên tăng cao.
Ngày 22 tháng 6: Cầu cho công cuộc truyền giáo của Bắc Triều Tiên
Năm 1945, có khoảng 50.000 người Công giáo được ghi nhận tại các giáo xứ ở Bắc Triều Tiên, theo Hội đồng Giám mục Hàn Quốc, với tỉ lệ hơn gấp đôi con số các tín hữu Tin Lành. Trước cuộc Chiến tranh Triều Tiên, Bình Nhưỡng được gọi là “Giêrusalem của phương Đông” và được coi là một trung tâm của Kitô giáo ở Đông Bắc Á.
Ngay trước cuộc chiến tranh Triều Tiên nổ ra vào năm 1950, hầu hết các linh mục ở Bắc Triều Tiên đều bị bắt, bị giết hại, hoặc mất tích, theo Hội đồng Giám mục Hàn Quốc. Quá trình tôn phong Chân Phước đã bắt đầu cho 40 tu sĩ và nữ tu của Tu viện Biển Đức Tokwon, những người đã chịu phúc tử đạo dưới thời Cộng sản.
Năm 1988, “Hiệp hội Công giáo Hàn Quốc” đã được thành lập bởi chính phủ Cộng sản với khoảng 800 thành viên đăng ký. Hiệp hội này không được Vatican công nhận, nhưng là một trong ba nhà thờ được nhà nước bảo trợ hoạt động ở Bắc Triều Tiên dưới sự giám sát chặt chẽ của chính quyền Cộng sản.
Thánh lễ thỉnh thoảng được cử hành tại Nhà thờ Chính tòa Changchung của Bình Nhưỡng khi một linh mục nước ngoài viếng thăm chính thức nước này, nhưng vào ngày Chúa nhật, phụng vụ thường được cử hành bởi một giáo dân do nhà nước chỉ định, linh mục Lee Eun-hyung cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Tổ chức Viện trọ các Giáo hội Đau khổ.
Cuộc bách hại các Kitô hữu tồi tệ hơn ở Bắc Triều Tiên hơn bất cứ nơi nào trên thế giới, theo Danh sách cần được Theo dõi Thế giới của tổ chức Open Doors, cơ quan ước tính rằng có thể có tới 300.000 Kitô hữu thực hành đức tin của họ cách bí mật ở Bắc Triều Tiên. Các Kitô hữu tại quốc gia vô thần này đã phải đối mặt với việc bị bắt giữ, cải tạo giáo dục tại các trại lao động, hoặc, trong một số trường hợp, có thể bị hành quyết vì đức tin của họ.
Những linh mục đến với Bắc Triều Tiên với hy vọng thực hiện công cuộc truyền giáo đã bị bắt giữ, nhưng các tổ chức Kitô giáo ở Seoul tiếp tục loan báo Tin Mừng qua đài phát thanh vào miền Bắc với hi vọng rằng ai đó sẽ tìm cách để bắt được tín hiệu phát song.
Ngày 23 tháng 6: Cầu cho các cuộc giao lưu khác giữa Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc
Một phần của Tuyên bố Panmunjom có chữ ký của cả hai nhà lãnh đạo Hàn Quốc đó chính là cam kết trao đổi hợp tác nhiều hơn giữa hai nước. Trong quá khứ, những cuộc trao đổi này vừa mang tính chất văn hóa vừa mang tính chất kinh tế. Chủ đề của hội nghị chuyên đề hàng năm của các giám mục Hàn Quốc năm nay sẽ xem xét về vấn đề tương lai của các cuộc trao đổi và hợp tác giữa Hàn Quốc vào ngày 21 tháng 6 tại Đại học Công giáo Daegu.
Vào ngày 13 tháng 6, nội các Hàn Quốc đã thông qua một chương trình trao đổi chính thức giữa các sinh viên Đại học Quốc gia Seoul và Đại học Kim Il Sung, các trường đại học hàng đầu tương ứng với hai quốc gia.
Ngày 24 tháng 6: Cầu cho công cuộc hòa giải thực sự của hai miền Bắc và Nam
“Hòa giải” là một từ mà các giám mục Hàn Quốc thường xuyên sử dụng khi thảo luận về Bắc Triều Tiên. “Cho đến ngày cuối cùng đến khi hòa bình được thiết lập vĩnh viễn trên bán đảo Triều Tiên và những người bị chia rẽ của chúng ta được đoàn tụ, Giáo hội Công giáo tại Hàn Quốc sẽ tiếp tục đồng hành với hành trình hướng tới việc hòa giải và thống nhất của người dân Hàn Quốc bằng một hiệp ước”, Đức Tổng Giám mục Kim Hee-joong cho biết hôm 27 tháng Tư.
Kể từ khi bị phân chia, cả hai quốc gia đã đưa ra những tuyên truyền quan trọng nhằm hạ bệ lẫn nhau. Lời cầu nguyện được sử dụng trong Tuần Cửu Nhật này (xem bên dưới) có nội dung như sau: “Xin hãy tha thứ cho chúng con vì những lời lẽ phỉ báng và chống lại nhau và đồng thời chữa lành những vết thương của sự chia rẽ cùng như ban cho chúng con ơn hòa giải”.
Ngày 25 tháng 6: Cầu cho sự thống nhất hòa bình của người dân Hàn Quốc
Đối với nhiều Kitô hữu Hàn Quốc, sự thống nhất hòa bình của bán đảo Triều Tiên chính là mục tiêu cuối cùng. “Cũng giống như Giáo hội tại Đức đã đóng một vai trò quan trọng trong việc thống nhất Đông và Tây Đức, Giáo hội Hàn Quốc cũng sẽ nâng cao tiếng mình vì sự tồn tại hòa bình của hai miền Triều Tiên”, Cha Timothy Lee Eun-hyeong, thư ký Ủy ban giám mục về sự hòa giải của người dân Hàn Quốc, phát biểu vào năm 2017.
“Quốc gia Hàn Quốc là biểu tượng của một thế giới bị chia rẽ và chưa thể trở thành một thế giới hòa bình và công bằng”, Thánh Gioan Phaolô II chia sẻ về chuyến Tông du Hàn Quốc vào năm 1989, “tuyy nhiên, vẫn có một con đường phía trước.
Hòa bình đích thực – Hòa bình mà thế giới đang thực sự hướng tới – mùa xuân vĩnh cửu từ mầu nhiệm vô cùng phong phú về tình yêu diệu vời của Thiên Chúa”.
Thánh Gioan Phaolô II tiếp tục, “Với tư cách là những người, chúng ta tin rằng Mầu nhiệm Cứu Chuộc của Đức Kitô biến hiện tại trở thành nguồn sức mạnh của sự sống và tình yêu vượt thắng trên tất cả mọi sự dữ cũng như tất cả sự chia rẽ”.
Dưới đây là lời cầu nguyện sẽ được sử dụng trong suốt Tuần Cửu Nhật của giám mục Hàn Quốc:
Lời cầu nguyện trong Tuần Cửu Nhật cầu nguyện cho sự hòa giải và thống nhất của người dân Hàn Quốc
Lạy Chúa, Ngài đã tạo dựng chúng con theo hình ảnh Ngài và giống như Ngài.
Xin hãy biến đổi chúng con ngày càng trở nên giống Ngài hơn.
Xin hãy hiệp nhất chúng con nên một trong tình yêu.
Xin hãy củng cố tình yêu của chúng con dành cho nhau.
Lạy Chúa, Thánh ý Ngài đó chính là hòa bình giữa chúng con.
Nguyện xin cho Hòa bình có thể được phục hồi trên bán đảo này.
Xin hãy tha thứ cho chúng con vì những lời lẽ phỉ báng và chống lại nhau và đồng thời chữa lành những vết thương của sự chia rẽ cùng như ban cho chúng con ơn hòa giải.
Lạy Chúa, Thánh ý của Ngài đó chính là tinh thần hiệp nhất của tất cả mọi dân tộc. xin hãy chữa lành nỗi đau của sự chia rẽ vốn gây chia rẽ giữa chúng con.
Xin hãy biến đổi chúng con trở nên nhận thức được sự thờ ơ của chúng con đối với nhau và đồng thời giúp chúng con biết nỗ lực phấn đấu vì sự hiệp nhất khi chúng con chia sẻ tất cả những gì chúng con có cho nhau.
Xin hãy giúp chúng con biết tôn trọng và yêu thương lẫn nhau và vì vậy sẽ mang lại sự thống nhất hòa bình.
Xin hãy ban cho chúng con đức tin, lạy Chúa, để chúng con biết tin tưởng phó thác vào Ngài ngõ hầu Triều đại của Thiên Chúa hiển trị nơi vùng đất này.
Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con. Amen.
Lạy Đức Trinh Nữ Maria, Nữ Vương Hòa bình, cin cầu cho chúng con!
Các Thánh Tử đạo Hàn Quốc, xin cầu cho chúng con!
Minh Tuệ chuyển ngữ