Dù được Chúa ân thưởng trong vinh quang Thiên quốc, Đức Maria vẫn mang trong mình Trái Tim của Người Mẹ, Trái Tim Bị Đâm Thâu, Trái Tim nhạy cảm và biết xót thương trước những nỗi đau của đoàn con dưới trần.
Đức Maria, Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội, lẽ ra Mẹ phải có một đời sống thoát tục, thoát cõi đời ô trọc này như một nữ thần nguyên tuyền.
Đức Maria, Đấng đầy ơn phúc, lẽ ra Mẹ phải sống hạnh phúc, bình an và không một nỗi đau, một sự bất hạnh nào có thể chạm đến Mẹ.
Là Mẹ Con Đấng Tối Cao, lẽ ra Đức Maria phải được Thiên Chúa sủng ái bằng sự chăm sóc đặc biệt, không bị ảnh hưởng bởi bất cứ tác động nào.
Những suy nghĩ như thế về địa vị, phẩm giá và hồng ân Thiên Chúa ban cho Mẹ thật đáng quý, thật đáng trân trọng, nhưng những suy nghĩ ấy không có thật nơi Mẹ, và Mẹ cũng không sống như thế.
Dù là Mẹ Con Chúa Trời Hằng Sống và nhận được mọi ơn trọng thiêng của Thiên Chúa, Sách Tân Ước cho thấy Mẹ vẫn đảm nhận trọn vẹn kiếp sống làm người và trải qua những thăng trầm của đời sống, để hoàn thành ơn gọi làm người theo Thánh ý Thiên Chúa, làm Mẹ Đức Giêsu theo kế hoạch của Thiên Chúa, và làm Mẹ nhân loại mà Đức Giêsu, Con của Mẹ đã trao trên thập giá.
Nếu cuộc đời Đức Maria được đánh dấu bởi việc Chúa Thánh Thần phủ bóng trong ngày Thiên sứ Truyền Tin, khi Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể trong lòng Mẹ, và việc Mẹ nhận lấy Chúa Thánh Thần trong ngày Hiện Xuống, cùng với các tông đồ, là ơn huệ của Đấng Phục sinh, còn trong khoảng thời gian đó, các tác giả sách Tân Ước cho thấy cuộc đời Mẹ là một chuỗi những đau khổ và gian truân, hiểm nguy và bi thảm. Những lúc ấy, Mẹ phải xoay sở cùng với Giuse, trong sự soi sáng của Chúa Thánh Thần với xác tín có Thiên Chúa ở cùng.
Mẹ đã chăm chuyên suy gẫm Lời Chúa trong mọi biến cố của cuộc đời. Vì thế, nhờ ơn Chúa Thánh Thần soi dẫn, Mẹ cân nhắc, phán đoán, tìm được sức mạnh để thực hiện, và sau đó, thấy được sự an bài diệu kỳ của Thiên Chúa.
Thiên Chúa không muốn Mẹ sống tách biệt với con người, vô cảm với những vấn đề trong cõi nhân sinh, với những nỗi thống khổ của thân phận làm người. Người muốn Mẹ nhập cuộc, hòa nhịp với cuộc sống, đối diện với những thách thức, khó khăn, trăn trở của con người, đau với những nỗi đau của con người và cảm nhận những thống khổ của kiếp người dưới sự chi phối, tác động của sự tội, sự dữ, sự chết dưới quyền lực ác thần, để biết chạnh thương, xót thương và cứu giúp, như một sự chuẩn bị cần thiết cho ơn gọi làm Mẹ chúng sinh sau này.
Bởi thế, như Đức Giêsu, Mẹ đã phải dãi dầu học cho biết thế nào là vâng phục, để biết thế nào là lòng tôn kính Thiên Chúa trong mọi sự (Dt 5,7-9). Ngay từ lúc dâng con vào Đền thờ, Mẹ đã biết lời tiên tri về những đau khổ kinh khủng, như bị lưỡi gươm đâm thấu tâm hồn, để những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người phải lộ ra (Lc 2,35), sẽ trở nên hiện thực khi Mẹ đứng kề thập giá của con như một chứng nhân và là người thông phần vào những đau khổ của con, hấp hối cùng nhịp với sự hấp hối của con và chết trong cái chết của con.
Được Chúa ân thưởng trong vinh quang Thiên quốc, hưởng hạnh phúc viên mãn với các thánh của Thiên Chúa, Mẹ vẫn mang trong mình trái tim của người mẹ, Trái Tim Bị Đâm Thâu, Trái Tim nhạy cảm và biết xót thương những nỗi đau của đoàn con dưới trần.
Làm sao Mẹ có thể an tâm, thảnh thơi, trọn vẹn trong lời ca ngợi chúc vinh Thiên Chúa, đang khi đoàn con Đức Giêsu giao cho Mẹ còn yếu đuối, u mê, lầm lạc, dễ sa ngã và đánh mất ơn Cứu Chuộc cao trọng?
Lòng dạ Mẹ vẫn quặn đau, vì không một tiếng kêu cầu ai oán nào của đoàn con mà không xuyên thấu Trái Tim Mẹ, chúng vẫn làm Trái Tim Mẹ rỉ máu.
Mọi người đều xin Mẹ cứu giúp khỏi những cơn gian nan khốn khó, mấy ai xin học cùng Mẹ, để trở nên giống như Mẹ, xin Mẹ dạy cho biết đường kính sợ và tín thác vào thánh ý Chúa, trong nước mắt, trong đau khổ, bế tắc, khi bị tước đoạt, bị bỏ rơi, cô độc, trần trụi; mấy ai bằng lòng từ bỏ mình, vác thập giá, uống chén đắng, để thánh hóa những đau khổ, nhờ xác tín, “kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy mới được cứu thoát” (Mt 24,13)
Dường như mọi người đến muốn Chúa làm theo ý mình, ít ai nghĩ phải vâng theo ý Chúa. Đức Giêsu từng nói: “Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi” (Mt 12,49). Đức Maria là người mẹ đích thật, vì đã tin tuyệt đối vào Thiên Chúa, biết lắng nghe và thi hành ý Chúa. Những gian nan trong cuộc sống, những bi thảm Mẹ gặp trong đời minh chứng điều đó.
Hôm nay và cho đến muôn đời, Đức Maria vẫn là người Mẹ Sầu Bi, Trái Tim Mẹ vẫn mang những thương tích vì tội lỗi của đoàn con dưới trần, nhưng có thế, tâm hồn mọi người mới bộc lộ ra, mới chạy đến kêu xin cùng Mẹ.
Jos Ngô Văn Kha CSsR