Báo chí trong nước và quốc tế đồng loạt loan tin Tổng thống Obama đặt chân đến Hà Nội 21g50 tối 22/5/ 2016, bắt đầu chuyến viếng thăm kéo dài 3 ngày tại Việt Nam, từ ngày 23 đến 25/5. Đây là chuyến viếng thăm Việt Nam đầu tiên của ông Obama và ông là tổng thống Mỹ thứ ba đến Việt Nam từ sau khi chiến tranh kết thúc.
Sau “màn” đón tiếp “ngắn gọn” của hai quan chức “bậc thường” tại sân bay quốc tế Nội Bài, chính xác là Tổng thống Obama đã tươi vui nhận bó hoa của một cô gái Việt Nam “đại điện” cho.. tất cả, ông đã lên xe về khách sạn Marriott (Mỹ Đình, Hà Nội). Người dân Hà Nội đã đổ ra đường hân hoan chào đón khi đoàn xe của Tổng thống Hoa Kỳ đi ngang qua.
Thái độ của người dân Việt Nam và cách “nghênh đón” của các lãnh cao cấp của Chính phủ và Đảng cộng sản cũng hoàn toàn trái ngược khi đón tiếp Tổng thống Obama so với chuyến thăm trước đó của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 5 và 6/11/ 2015.
Nhưng sự kiện này thu hút sự quan tâm của không chỉ người dân trong nước, mà còn từ cộng đồng người Việt ở nước ngoài, đặc biệt tại Mỹ, vì tầm quan trọng của nó ảnh hưởng đến mọi lãnh vực của Việt Nam và gieo niềm hy vọng cho mọi tầng lớp người dân ở Việt Nam:
Hy vọng rằng sau chuyến viếng thăm, Chính phủ Mỹ sẽ bỏ lệnh cấm vũ khí sát thương đối với Việt Nam và mở rộng hợp tác quân sự, bảo đảm tự do hàng hải theo Công ước Quốc tế về hàng hải và và an ninh ở khu vực Biển Đông; việc phát triển quan hệ đối tác toàn diện với Việt Nam;
Mong rằng sự phát triển nhờ Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Mỹ đóng vai trò then chốt sẽ tạo đà cho một làn sóng đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam, sẽ mở ra nhiều cơ hội giúp các nhà đầu tư Việt Nam tiếp cận thị trường Mỹ.
Nhiều người hy vọng Chính phủ Việt Nam nắm bắt được thời cơ này để với chiến lược tái cân bằng ở Châu Á, thiết lập quan hệ đối tác với những quốc gia trong khu vực. Liệu Hà Nội có dám “thoát Trung” để hợp tác với Mỹ, vì lợi ích quốc gia, dân tộc?
Hy vọng việc hợp tác giáo dục với điển hình Đại học Fulbright, đại học độc lập đầu tiên của Việt Nam hoạt động theo mô hình các trường đại học nổi tiếng tại Mỹ.
Những thanh niên, sinh viên Việt Nam mong rằng sự có mặt của ông Obama, Tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ, sẽ là nguồn cảm hứng cho sự vượt lên.
Còn những người đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền thì mong tiếng nói và sự can thiệp của ông Obama sẽ thúc đẩy nhanh tiến trình cải thiện nhân quyền và dân chủ hóa tại Việt Nam, chí ít là thúc đẩy Chính phủ Việt Nam đi đến chỗ công nhận xã hội dân sự, trả tự do cho những tù nhân lương tâm và những người đấu tranh cho dân chủ, và cho phép thành lập công đoàn độc lập.
Nhiều người trông chờ ông Obama sẽ thực hiện một cú ngoạn mục như tháng 03 năm 2016, khi ông sang thăm đất nước Cuba theo lời mời của chính phủ nước này. Các lãnh đạo Cuba đón tiếp Tổng thống Obama rất trọng thị tại La Havana. Với bài phát biểu hùng hồn, đầy khí thế về dân chủ hóa, ông Obama nhấn mạnh: Dân chủ không phải là vũ khí mà là con đường tất yếu đưa Cuba đến những vinh quang trong tương lai. Và dân Cuba phải mạnh mẽ trong việc tự chọn cho mình một chính quyền dân chủ. Điều này đã mang lại luồng gió mới cho người dân Cuba. Liệu Việt Nam vẫn giữ thế đứng kiêu hãnh của “kẻ chiến thắng” từ năm 1975, hay xếp lại quá khứ để hướng đến tương lai, chuyển mối quan hệ từ thù địch sang mối quan hệ “khắng khít”?
Cho dù ông Obama có đáp ứng được tất cả những nguyện vọng của dân Việt đang khao khát mỏi mòn, có làm được điều kỳ diệu như vua Kiro của đế quốc Ba tư xưa đã giải phóng người Do thái đang bị lưu đày tại Babylon, được tự do, trở về quê cha đất tổ, hay không, thì với lòng tin, nhiều người Công giáo vẫn thấy đó có thể là những hành động giải phóng, cứu rỗi của Thiên Chúa qua người Chúa chọn là ‘Vua Kiro’.
Người Công giáo vẫn liên lỷ cầu nguyện trong sự liên đới với tất cả những nỗi đau khổ của dân tộc Việt Nam, với lòng khao khát và trông chờ về lời hứa ban, không đến từ con người nhưng đến từ Thiên Chúa. Tổng thống Obama đã đến và sẽ đi, nhưng Chúa đã đến và Người đã cắm lều ở giữa dân Người. Người vẫn luôn chia sẻ cuộc sống của tộc Việt, với những niềm vui nhỏ bé, với những ngày bình thường, với những trăn trở chính đáng, cả với những kết cục thật đắng cay.
Dù Tổng thống Obama được coi là người quyền lực nhất hành tinh, đã giải quyết được nhiều chuyện, đem lại nhiều hy vọng, nhưng thật ra chỉ có Chúa là Đấng quyền năng, an bài mọi sự, là Ánh Sáng, sự thật, sự cứu rỗi và niềm hạnh phúc vĩnh cửu. Người có thể « hạ bệ những người quyền thế và nâng cao mọi kẻ khiêm nhường ; kẻ đói nghèo Chúa ban của đầy dư, người giầu có phải trở về tay không » (Lc 1, 52t). Ông Obama là con cái của Chúa, ít nhiều ông cũng nhớ ai đã ban quyền cho ông để ông thực thi quyền bính, không phải là được phục vụ, nhưng là phục vụ con người, vì Chúa, trong quyền hạn và trách nhiệm của người « quyền lực nhất hành tinh ».
Bên cạnh rất nhiều kỳ vọng vào những điều ông Obama sẽ làm, có nhiều người lại ưu tư, nghi hoặc, lo lắng và sợ hãi cho tương lai của đất nước, của dân tộc. Đức Giêsu cũng đã sống trong hoàn cảnh này, biết những tâm trạng đó, vì Người đã làm người, đã đón nhận bản chất của con người, không phải để biến đổi hay để xóa bỏ bản chất đó, nhưng thần thánh hóa nó, chí ít là làm cho nó được trọn hảo, sinh ra những hoa quả tốt lành. Đức Giêsu đã làm cho cuộc sống của con người, với tất cả những thực tế của nó, trở thành cuộc sống của Người, để không giọt nước mắt khổ đau nào rơi ra vô ích, để trong phận người, Người cảm nhận những vết thương đau trong thân xác cũng như trong tâm hồn, Người nhận biết những tủi nhục khinh khi, Người biết thế nào là cuộc sống trần trụi, tang thương trong guồng máy đầy bạo lực và dã man, cũng như sự ác độc vô nhân của con người, rồi Người có được niềm hy vọng, không dựa vào con người và quyền lực của con người, nhưng dựa vào quyền năng của lòng xót thương của Thiên Chúa.
Và khi cuộc sống làm người của Đức Giêsu hướng nhìn lên Đấng mà Ngài gọi là Cha, Chúa Cha có thể trao ra chén đắng hay để cho chén đắng được qua đi, tùy theo thánh ý của Thiên Chúa, thì con người vẫn ngỡ ngàng khi Thiên Chúa có thể làm khác đi, nhưng Người đã không làm, ngõ hầu nhân loại biết rằng nó được cứu không phải bởi quyền năng siêu vượt, nhưng bởi sự vâng phục của Đức Giêsu với Chúa Cha cho đến chết, và chết trên thập giá để cứu rỗi nhân loại.
Với chuyến viếng thăm Việt Nam của Tổng thống Obama, nhiều người đoán định đường lối chính sách của cả Mỹ lẫn Việt Nam. Tuy nhiên, Thiên Chúa vẫn muốn những điều vượt khỏi tầm hiểu biết của con người. Lúc trước, khi chứng kiến những hành động quyền năng giải thoát của con người khỏi mọi sự dữ, sự ác của Đức Giêsu, người ta kinh ngạc thốt lên : «Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Đức Chúa đã viếng thăm dân Người» (Lc 7,16), nhưng người ta không thấy rằng chính nhờ những giọt nước mắt của Người mà con người được giải thoát khỏi những bất hạnh, vì Người trở nên phàm nhân, nên sự hèn hạ của con người không còn là điều khủng khiếp, vì Người phải mang thương tích mà người ta được chữa lành (1Pr 2,24)
Báo chí ca ngợi Tổng thống Obama, người làm nên lịch sử. Có thể lắm, nhưng lịch sử được viết lên bởi toàn bộ con người sống trong đó, theo một lý tưởng nào đó, chứ không phải là những «lãnh tụ» vĩ đại uy quyền, ngạo nghễ đứng trên khối đông con người; mà lịch sử ấy cũng phải có cái đích của nó chứ không thể lúc thăng, lúc trầm hay cứ thế này mãi. Vậy bao lâu lịch sử nhân loại còn tiếp diễn với những thăng trầm của nó, thì mọi người mọi thời rồi cũng sẽ hỏi nhau nhau : «Ngài là Đấng phải đến chăng, hay chúng tôi còn phải chờ đợi Đấng nào khác?”. Tất cả chỉ trở nên có nghĩa và có giá trị, khi có Đấng, « Ngay lúc đó”, chữa những người khỏi bệnh hoạn tật nguyền và quỷ ám, và cho nhiều người mù được thấy”. Và truyền thông sẽ thuật lại những gì “đã nghe và đã thấy: người mù xem được, người què đi được, người phong hủi được sạch, kẻ điếc nghe được, người chết sống lại, kẻ nghèo khó được rao giảng tin mừng” (Lc 7, 19-23).
Đấy mới là vấn đề chính yếu mà người ta cần quan tâm, cần mong chờ.
Đấng đó đã đến, đến viếng thăm, đến cứu chuộc và ở với con người mọi ngày cho đến tận thế rồi.
Jos. Ngô Văn Kha, C.Ss.R.