Nạn Mãi Dâm Ở Napoli

“những cô gái mại dâm là những kẻ bị lợi dụng, đằng sau họ là những người sống nhờ nguồn lợi ấy.” Gennaro Maria Sarnelli 20161219-ciorani-sarnellis-palace

Gennaro Maria Sarnelli nhiệt thành với công việc tông đồ, đến độ, ngài không có thời gian để nghỉ ngơi. Cho đến hôm nay chúng ta vẫn tự hỏi, làm sao chỉ trong tám năm (1736-1744) và trong điều kiện sức khỏe không tốt, ngài vẫn thành công, đó là chưa muốn nói ngài đạt được một kết thúc có hậu đối với một công việc phức tạp và khó khăn trong thành phố Napoli.

Một Vấn Đề Nhạy Cảm

Gennaro Maria Sarnelli bị ám ảnh bởi hiện tượng ruồng bỏ như là sự kiện một vài hạng người nào đó đã bị loại trừ ngay giữa một thành phố lớn như thành phố Napoli tiền bán thế kỷ 18. Những ưu tư ấy đã thúc đẩy ngài lập kế hoạch, viết và nhất là thúc đẩy ngài hành động không ngừng.

Nét độc đáo của Gennaro Maria Sarnelli phải được tìm tòi trong sự nhạy cảm cực độ đối với hiện trạng sống bên lề xã hội. Không phải ngài là người đầu tiên tỏ ra nhạy cảm đối với các hình thức loại trừ đặc thù trong xã hội và trong mục vụ, để rồi loại bỏ chúng bằng một cố gắng không ngơi nghỉ. Vị tu sĩ nổi tiếng Dòng Đaminh Gregorio Rocco nói rằng: “Ồ! cha Gennaro Maria Sarnelli thực sự muốn gánh tội trần gian”.

Vấn Đề Mãi Dâm

Gennaro Maria Sarnelli đã làm công việc lớn lao là “đưa những cô gái điếm ra xa”. Ở Napoli, các trung tâm mãi dâm là Quartièrs Espagnols và la Duchesca. Gennaro Maria Sarnelli với tư cách là một tu sĩ và linh mục trẻ, đã làm việc trong giáo xứ SS. Francesco e Matteo ở Quartiers Espagnols. Ngài nhận thấy rằng, nếu không nói, thì nạn mãi dâm vẫn lan tràn nơi những cô gái trẻ nghèo. Đó là một thực trạng, phản ứng đầu tiên của ngài là chạy như bay đến giúp những con người bất hạnh lấy lại phẩm giá và thử tìm một giải pháp để cứu họ.

Tại Naples, ai cũng biết lòng nhiệt tình và nỗi vất vả của Gennaro Maria Sarnelli hầu giúp các cô gái mãi dâm thoát khỏi cảnh tội lỗi bằng cách giúp đỡ vật chất, hoặc bằng những bài giảng lễ hết sức mạnh mẽ và rõ ràng, nhằm đưa họ trở về với Thiên Chúa. Và chính vì mục đích ấy, ngài đã khuyến khích hội kinh sĩ ở toà tổng giám mục làm các cuộc linh thao. Ngài không giữ lại cho mình những gì ngài đã nhận từ gia đình, thậm chí ngài chỉ khoác trên người bộ quần áo đã sờn, để đi đến với những người nghèo hèn tội lỗi hoặc những cô gái trẻ bị bỏ rơi. Ngài đã tiêu pha sự sống mình để giúp họ; ngài đi lang thang khắp các vùng lân cận để hễ thấy ai đau khổ là chìa tay giúp họ.

Hơn nữa, Gennaro Maria Sarnelli thường xuyên đi xin đồ cứu trợ, không chỉ ở các cơ sở tôn giáo, nhưng còn trong các gia đình, vì chuyện này mà ngài phải chịu đựng những lời trách mắng xua đuổi và những điều bất lợi khác do quá thường xuyên lui tới các cơ sở cũng như các gia đình.

Gennaro Maria Sarnelli đã tạo được một dây liên lạc giữa sự nghèo khó và nạn mãi dâm. Ngài còn đi xa hơn nữa. Ngài viết rằng “những cô gái mại dâm là những kẻ bị lợi dụng, đằng sau họ là những người sống nhờ nguồn lợi ấy.”

Gennaro Maria Sarnelli nhiều lần bị những tên ma cô của bọn gái điếm đe dọa giết hại. Cho nên, cha mẹ ngài không ngừng phản đối ngài làm việc ấy, vì sợ điều đáng tiếc sẽ xảy ra cho ngài và ảnh hưởng đến gia đình. Nhưng ngài tuyên bố sẵn sàng chịu tất cả những điều lăng nhục và ngài tự cho là hạnh phúc nếu như phải mất chính mạng sống mình cho công việc vì vinh quang Thiên Chúa.

Sự xấu cần thiết?

Cuối cùng ngài nhận thấy hoạt động đơn độc của mình giúp đỡ đúng lúc cho từng trường hợp chỉ là giọt nước trong đại dương. Ngài bắt đầu thay đổi não trạng đối với nạn mãi dâm “hãy huỷ bỏ những nơi ô uế và tất cả thành phố bị ô nhiễm”, câu nói đã được gán cho Augustinô vĩ đại. Gennaro Maria Sarnelli là người đầu tiên không chấp nhận tính tiền định của vết thương xã hội ấy. Anphong Maria đệ Ligori, trong tác phẩm Thần Học Luân Lý của mình, sẽ đi theo Gennaro Maria Sarnelli trên con đường đó, về điểm này, ngài là người mở đường cho một cách thức suy tư mới trong thế giới công giáo.

Một Hoạt Động Trên Quy Mô Lớn

Năm 1736, ngài xuất bản tác phẩm: “Lý lẽ công giáo và những giải pháp nhằm bảo vệ các quốc gia khỏi bị tàn phá bởi nạn mãi dâm.” Đã có những khoản luật cần phải áp dụng chúng và luật chỉ dung thứ cho người làm nghề mãi dâm nếu như hành nghề ở ngoài thành phố, trong các khu phố đã được dành riêng cho việc này.

Năm 1737, được sự ủng hộ của Đức Tổng Giám mục Napoli, Đức Hồng Y Giuse Spinelli, ngài cho xuất bản lần thứ hai và bổ sung những cách thức đặc biệt để giữ lại và kìm hãm lâu dài các cô gái mãi dâm; đón nhận những người hối cải; giữ gìn những cô gái trẻ đang có nguy cơ; không ngừng gìn giữ quốc gia khỏi những vết nhơ do sự truỵ lạc.

Gennaro Maria Sarnelli đề ra một chương trình với qui mô rộng lớn là đưa vào “khu biệt cư” những cô gái điếm không thể hoàn lương. Việc được đào tạo làm luật gia cũng có phần trong việc giữ lập trường này. Ấy là “cần đến pháp quyền thế tục”, công đoạn sau cùng Gennaro Maria Sarnelli không thể bỏ qua. Cũng như thánh Anphong Maria Đệ Ligori đã không bỏ qua điều ấy ngay khi ngài làm giám mục. Và như xã hội dân sự của chúng ta mỗi lần phải đương đầu với vấn nạn mãi dâm cũng không bỏ qua.

Gennaro Maria Sarnelli tặng “các lãnh chúa Đại Danh đã được chọn và những đại biểu của thủ đô Napoli” tác phẩm của ngài liên quan đến nạn mãi dâm. Sau lời kêu gọi các lãnh chúa bắt đầu hoạt động và xin vua Charles III cho phục hồi nhưng điều luật đã được các vị tiền nhiệm của vua ban bố.

Ngày 20 tháng 12 năm 1737 một chỉ dụ của vua quyết định “tất cả các phụ nữ có đời sống xấu xa phải rời khỏi thành phố trước ngày 4 tháng 5 năm 1738 và đến ở trong những nơi đã được chỉ định cho họ”. Sắc chỉ có kèm theo những hình phạt thể xác và phạt tiền đối với những cô gái mãi dâm tội nghiệp nào còn ngoan cố và đối với người nào đã giúp đỡ họ lẩn tránh chỉ dụ nhà vua.

Sự can thiệp của vua đã có âm hưởng trong vương quốc và trong tu viện Dòng Chúa Cứu Thế. Đức cha Falcoia, đã viết cho các thành viên của Dòng một lá thư: “công cuộc của Gennaro Maria Sarnelli đã trở nên một phần sứ vụ tông đồ của Dòng Chúa Cứu Thế: mọi thành viên của Hội Dòng được kêu gọi lưu tâm đặc biệt việc phục vụ Thiên Chúa và con người, và nâng đỡ lòng nhiệt thành, sự cố gắng của những ai đã được kêu gọi vào cùng sứ mạng ấy”.

Chủ đề mãi dâm còn Gennaro Maria Sarnelli đề cập tới vào năm 1740, ngài xuất bản một cuốn sách nhỏ cuối cùng, nhằm gợi ra những cách thức khác “để tách những cô gái điếm ra khỏi xã hội vốn danh tiếng này.” Phải chăng đây là một sự thừa nhận thất bại?

Qua tác phẩm ấy, có người suy ra rằng, đi tới mút cùng của vấn đề, lý do của một một nửa sự thất bại là do đã áp dụng những phương pháp mà cảnh sát sử dụng, tuy nhiên Gennaro Maria Sarnelli đã có được hai kết quả quan trọng: thay đổi cách thức suy nghĩ trong Giáo Hội và trong xã hội dân sự về vấn đề nạn mại dâm; lôi kéo sự chú ý của mọi người về sự sa sút do sự nghèo khó và nạn bóc lột phụ nữ. Công lao ấy không phải là nhỏ, vả lại hạ thấp cánh tay không phải là phong cách của Gennaro Maria Sarnelli: bệnh nhân thì luôn tồn tại, đó không phải là lý do đủ để loại bỏ các bác sĩ và thuốc men.

Gennaro Maria Sarnelli đã nhận ra tình trạng bên lề xã hội là vấn đề của nhân loại và của người tín hữu. Vì nhận thức ấy không dừng lại trong những suy nghĩ vô bổ về những cảnh khốn khó ở thế kỷ ngài, nhưng đã thúc đẩy ngài làm một cái gì đó để mang đến cho thế kỷ ấy phương thuốc chữa lành. Như vậy, ngài đã đi đến chỗ vạch ra con đường nhằm làm tăng tính nhạy cảm và sự dấn thân của người kitô hữu hơn là gợi ý một chương trình hành động có thể áp dụng khắp nơi và trong mọi hoàn cảnh.

N.T.M

Biên soạn dựa trên tác phẩm

Gennaro Maria Sarnelli – Tông đồ gái điếm thành Napoli

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết