Tổ chức ‘Bread for the World’ tin rằng nạn đói trên thế giới có thể được xóa bỏ trước năm 2030, nhưng khẳng định rằng điều này sẽ chỉ xảy ra nếu Hoa Kỳ và các cường quốc khác trên thế giới chú trọng việc đào tạo những nguồn lực nhằm giải quyết những khó khăn của các “quốc gia bất ổn” trên toàn thế giới.
Một trong những thách đố lớn nhất đối với việc chấm dứt nạn đói trên toàn thế giới đó là “các quốc gia bất ổn” đang bị đe dọa bởi tình trạng bất ổn, các cuộc xung đột và việc biến đổi khí hậu, một báo cáo nhân đạo mới cho biết.
Tuy nhiên, bất chấp điều này, một trong những sáng kiến cho rằng nạn đói do hậu quả của tình trạng nghèo nàn gây ra có thể được xóa bỏ trong vòng 13 năm tới – và hiện tại đã có nhiều phong trào hướng tới mục tiêu này.
“Chúng ta sẽ không bao giờ có thể chấm dứt nạn đói nghèo đói trừ khi Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế tập trung sự quan tâm và mọi nguồn lực vào việc giải quyết những thách đố mà các quốc gia bất ổn đang phải đối diện”, Đức Cha David Beckmann – Chủ tịch ‘Bread for the World Institute’ tuyên bố hôm nay, thứ Hai 28/11.
“Tình trạng đói nghèo tại các quốc gia này chỉ trở nên tồi tệ hơn do biến đổi khí hậu”.
‘Bread for the World Institute’ -một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động trong việc giáo dục về việc chấm dứt nạn đói – đã công bố Báo cáo về nạn đói năm 2017 tại Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia vào cuối tuần trước. Báo cáo hàng năm này được mọi người biết đến đó là “bản phân tích hàng năm lớn nhất của Tổ chức này về tình trạng đói trên toàn thế giới”.
Chấm dứt nạn đói trên toàn thế giới trước năm 2030 là một trong những mục tiêu phát triển bền vững, một tập hợp các mục tiêu đã được xây dựng vào năm ngoái bởi các nhà lãnh đạo thế giới, tại hội nghị thượng đỉnh của Liên Hiệp Quốc. Chấm dứt nạn đói là một quyết định lớn lao được thừa nhận trong báo cáo hôm thứ hai 28/11, thế nhưng đã có những tiến bộ đã đạt được trong những năm gần đây trong cuộc chiến chống đói nghèo.
“Từ năm 1990 đến năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo trên toàn cầu đã giảm hơn một nửa. Năm 1990, cứ 4 người thì có 1 người bị đói; hiện nay cứ 9 người thì mới có 1 người bị đói “, một nhóm các nhà lãnh đạo tôn giáo đã cho biết trong một tuyên bố trong phần đầu của báo cáo. “Chúng ta phải khiêm tốn trước cơ hội mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta để có thể đóng góp vào sự tiến bộ này”.
Những người ký tên trong bản báo cáo bao gồm Carolyn Woo – Giám đốc điều hành của tổ chức ‘Tổ chức Cứu trợ nhân đạo’ (Catholic Relief Services), Nữ tu Donna Markham, O.P – Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tổ chức Bác ái Công Giáo (Catholic Charities) của Hoa Kì.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo thừa nhận rằng “hành trình chấm dứt nạn đói nghèo hãy còn xa xăm và quả là không hề dễ dàng chút nào”.
Để thực hiện mục tiêu to lớn này, các quốc gia với những tình huống xấu nhất cần phải được giúp đỡ đầu tiên – báo cáo cho biết – đồng thời lưu ý rằng “nếu chúng ta cứ tiếp tục với đường lối hiện nay, người ta ước tính rằng vào năm 2030, hai phần ba những người bị đói sống tại các quốc gia bất ổn”.
Các “quốc gia bất ổn” là gì và tại sao nhu cầu của họ lại rất quan trọng? Đây là các quốc gia có tỷ lệ tồi tệ nhất về nạn đói với ba nguyên nhân phổ biến – “các cuộc xung đột dân sự, việc quản trị kém, cũng như việc dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu”, báo cáo cho biết.
Kể từ khi nạn nghèo đói lan rộng đã tạo thêm cơ hội cho các cuộc xung đột và khủng bố, các quốc gia này “có lẽ là những thách đố lớn nhất trên hành trình hướng đến năm 2030”, tuyên bố của các nhà lãnh đạo tôn giáo cho biết.
Các quốc gia này “chính là một vấn đề an ninh quốc gia đối với Hoa Kỳ”, ông Beckmann cho biết. “Nạn nghèo đói cùng cực cùng với dân số trẻ ngày càng gia tăng tại quốc gia này chính là những mảnh đất màu mỡ đối với chủ nghĩa khủng bố và nạn buôn người”.
Một số ví dụ tồi tệ nhất của các quốc gia này đó là Syria và Nam Sudan, báo cáo giải thích.
Chẳng hạn như, “[sự tàn phá] trong vòng hai năm đầu của cuộc nội chiến Syria, đã làm nước này phải mất 35 năm mới có thể phát triển trở lại, trong đó có 3.000 trường học bị hư hỏng hoặc bị phá hủy, 2.000 trường học được biến thành nơi trú ẩn cho những người dân bị buộc phải di dời, gần một phần ba các trung tâm y tế công cộng bị phá hủy, một nửa dân số phải sống trong cảnh nghèo đói, và một nửa lực lượng lao động phải lâm vào tình trạng thất nghiệp”.
Và “không phải tất cả các quốc gia bất ổn đều có thu nhập thấp” – báo cáo cho biết – đồng thời lưu ý rằng “Syria và Iraq là các quốc gia bất ổn nhưng vẫn có mức thu nhập trung bình” vì các cuộc xung đột kéo dài tại các quốc gia này. “Sẽ không thể có được sự viện trợ nhân đạo nếu như các nhóm người có vũ trang cứ tiếp tục sát hại lẫn nhau đồng thời gây ra khủng bố”.
Nguyên nhân của sự bất ổn, chẳng hạn như việc biến đổi khí hậu và các cuộc xung đột, có thể có mối liên hệ chặt chẽ với nhau.
“Chẳng hạn như, Somalia – một trong những quốc gia bị ảnh hưởng bởi các cuộc xung đột trên thế giới – là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi việc biến đổi khí hậu”, báo cáo nhấn mạnh.
“Theo một phân tích, 7 trong số 10 quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi việc biến đổi khí hậu cũng có nguy cơ rơi vào các cuộc xung đột. Những tiềm tàng của việc biến đổi khí hậu gây bất ổn cho các quốc gia tại một số khu vực bất ổn nhất trên thế giới chính là lý do tại sao quân đội Mỹ cho rằng việc thay đổi khí hậu chính là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia”.
Đặt câu hỏi về những điều có thể được thực hiện nhằm giải quyết những vấn đề tại các quốc gia này, dường như câu trả lời thiết thực lúc này là Hoa Kỳ phải tập trung không chỉ vào việc cung cấp một cách hiệu quả việc viện trợ, mà còn nâng cao vị thế người dân để họ có thể tự hỗ trợ mình thông qua việc đầu tư.
Báo cáo trích dẫn lời của Đức Thánh Cha Phanxicô, lưu ý rằng giải pháp này “đòi hỏi sự tham gia của những người đang phải sống trong cảnh nghèo đói và chịu đựng những cơn đói kém”. Đây là lời trích dẫn từ bài phát biểu của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Hội nghị thượng đỉnh về mục tiêu phát triển bền vững hồi tháng 9/2015.
Một số khuyến nghị chính sách khác bao gồm “cho phép một sự linh hoạt hơn” trong những khoản viện trợ nước ngoài, đầu tư vào nông nghiệp nông thôn và tạo công ăn việc làm để chống lại cảnh nghèo đói cũng như nạn thất nghiệp, đồng thời giúp đỡ các quốc gia khác “ứng phó với các thảm họa tự nhiên”.
“Những thách đố mà chúng ta thấy không phải là điều mới mẻ đối với những người có đức tin. Các cộng đồng dễ bị tổn thương chính là một phần trong những câu chuyện linh thiêng nổi bật trong Kinh Thánh”, tuyên bố của các nhà lãnh đạo tôn giáo cho biết. Đồng thời tuyên bố cũng ghi nhận những tường thuật Kinh Thánh về những thảm họa tự nhiên cũng như những cuộc xung đột.
“Lũ lụt (Sáng thế ký 7, 7), hạn hán (1 Vua 17, 7-9), nạn đói và sự tổn thương của phụ nữ (Rút, 1-5), bất ổn chính trị (1 Samuel 21, 10), cuộc đấu tranh dân tộc (Cv 18, 1- 2), các cuộc bách hại tôn giáo (Cv 8, 11, 12) đã ảnh hưởng đến dân chúng qua các thời đại”, các nhà lãnh đạo tôn giáo cho biết.
“Bằng việc tuân giữ đức tin và lòng can đảm, chúng ta có thể giải quyết những thách đố vốn được xem như một rào cản, nhằm chấm dứt nạn đói đối với tất cả mọi người bất kể niềm tin tôn giáo của họ là gì. Chúng tôi kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ cũng như cộng đồng quốc tế hãy cùng cộng tác với nhau trong việc đẩy mạnh đầu tư nhiều hơn tại các quốc gia bất ổn nhằm thúc đẩy hòa bình, tạo sự ổn định cũng như những cơ hội, đồng thời xây dựng khả năng phục hồi cho các quốc gia này”.
Minh Tuệ chuyển dịch