Nạn buôn người ở các quốc gia phát triển đã trở nên phổ biến hơn trước đây

  • Tin tức
  • Chúa Nhật, 22-07-2018 | 05:01:23

Có tới 1 / 800 người Mỹ hiện đang là nạn nhân của nạn buôn người, theo một báo cáo toàn cầu mới cho thấy tỷ lệ nô lệ hiện đại ở các nước phát triển cao hơn nhiều so với trước đây.

Woman_Sad_alone_Credit_Unsplash_CNAAndrew Forrest, người sáng lập Chỉ số nô lệ toàn cầu (Global Slavery Index), đã gọi báo cáo này là “một lời kêu gọi thức tỉnh đáng chú ý”.

“Sự thúc bách phải đối phó với tội ác kinh khủng này phải chuyển từ các nước nghèo hơn sang các nước giàu hơn, vốn có các nguồn lực và thể chế để làm tốt hơn nhiều”, ông Forrest cho biết trong một tuyên bố hôm 19 tháng 7.

“Người ta chấp nhận một cách rộng rãi rằng hầu hết các tội ác đều không được báo cáo và không được ghi nhận, bởi vì các nạn nhân đều là những người bị gạt ra bên lề xã hội và dễ bị tổn thương”, ông Forrest nói. “Báo cáo này cho thấy, từ chính miệng của một số trong số 40,3 triệu nạn nhân của chế độ nô lệ hiện đại, rằng những tội ác bi thảm này tiếp tục xảy ra ngoài tầm kiểm soát, và với quy mô đầy bi thảm”.

“Chúng ta không thể ngồi yên trong khi hàng triệu phụ nữ, trẻ em nam nữ và các thanh thiếu niên trên khắp thế giới đang bị hủy hoại cuộc sống và tiềm năng của họ bị dập tắt bởi bọn tội phạm tìm kiếm lợi nhuận một cách nhanh chóng”.

Được xuất bản hàng năm bởi ‘Walk Free Foundation’, Chỉ số nô lệ toàn cầu biên soạn những dữ liệu ước tính số lượng những người bị buôn bán trên toàn cầu.

Chỉ số xác định chế độ nô lệ hiện đại như bất kỳ tình huống bóc lột nào mà một cá nhân không thể rời khỏi “vì các mối đe dọa, bạo lực, ép buộc, lạm dụng quyền lực, hoặc những mưu mẹo gian dối”. Điều này bao gồm việc bóc lột tình dục, lao động cưỡng bức và lao động trẻ em.

Nó cũng bao gồm các cuộc hôn nhân cưỡng bức, báo cáo cho biết, đồng thời lưu ý rằng phụ nữ chiếm 71% số người bị mắc kẹt trong chế độ nô lệ hiện đại ngày nay.

Nhiều nguồn dữ liệu hơn – bao gồm các cuộc khảo sát và phỏng vấn trực tiếp – trong báo cáo năm nay đã dẫn đến sự gia tăng đáng kể trong các ước tính về những người bị buôn bán ở nhiều quốc gia phát triển.

Báo cáo xác định Bắc Triều Tiên là nơi có tỷ lệ nô lệ hiện đại cao nhất – với khoảng 1/10 người được xếp vào loại nô lệ hiện đại – tiếp theo là Eritrea, Burundi và Cộng hòa Trung Phi.

Tuy nhiên, các quốc gia phát triển ở phương Tây, bao gồm Mỹ và Anh, cũng có tỷ lệ buôn bán người cao hơn nhiều so với trước đây, theo báo cáo.

Báo cáo năm 2018 ước tính rằng khoảng 403.000 người bị mắc kẹt trong chế độ nô lệ hiện đại ở Hoa Kỳ – cao hơn 7 lần so với các con số trước đó. Tại Anh, con số này được ước tính là 136.000, cao hơn gần 12 lần so với những ước tính trước đó.

Tháng trước, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã công bố báo cáo Tình trạng buôn người năm 2018, đánh giá các quốc gia trên thế giới dựa trên cách thức các chính phủ của họ hoạt động để ngăn chặn và phản ứng đối với nạn buôn người.

Khi trình bày báo cáo, Ngoại trưởng Mike Pompeo nhấn mạnh rằng vấn đề của nạn buôn người là vấn đề được nhận thấy có ảnh hưởng sâu sắc đến cá nhân một người hơn nhiều người hình dung.

“Buôn người là một vấn đề toàn cầu, nhưng nó cũng là một vấn đề địa phương”, ông Pompeo phát biểu hôm 28/6. “Nạn buôn người có thể được tìm thấy trong một nhà hàng yêu thích, một khách sạn, trung tâm thành phố, một trang trại, hoặc trong nhà hàng xóm của họ”.

Chống nạn buôn người là một ưu tiên của ĐTC Phanxicô. Vào tháng 12 năm 2013, ĐTC Phanxicô đã chia sẻ với một nhóm đại sứ rằng vấn đề này khiến cho Ngài lo lắng rất nhiều, Ngài nói rằng “thật là một sự ô nhục” khi con người “bị coi như là những đồ vật, bị lừa dối, tấn công, thường bị buôn bán nhiều lần vì các mục đích khác nhau, và cuối cùng, bị giết hại hoặc, trong mọi trường hợp, bị tổn hại về mặt thể lý và tinh thần, kết thúc bằng việc bị loại bỏ và bị bỏ rơi”.

Vào tháng 3 năm 2014, ĐTC Phanxicô đã ký một thỏa thuận đại kết với Đức Tổng Giám mục Anh giáo Justin Welby, theo đó Giáo hội Công giáo và Giáo hội hiệp thông Anh giáo đã đồng ý ủng hộ một sáng kiến chống nô lệ, chống buôn người, Mạng lưới Tự do Toàn cầu.

Năm sau, ĐTC Phanxicô đã tập trung vào chủ đề này trong Sứ điệp nhân Ngày Hòa bình Thế giới của mình. ĐTC Phanxicô đã đưa là lời kêu gọi với “tất cả mọi người có thành tâm thiện chí” và với “những cấp bậc cao nhất của các thể chế dân sự”, những người đã chứng kiến “tai họa của chế độ nô lệ đương thời”.

Tại hội nghị thượng đỉnh vào tháng 6 năm 2016, ĐTC Phanxicô đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lắng nghe các nạn nhân của nạn buôn người.

Trong thông điệp đầu năm nay, ĐTC Phanxicô đã nhắn nhủ những người trẻ rằng họ đang ở trong “một nơi dễ dàng gặp gỡ những người sống sót trong nạn buôn người”.

“Hãy đi đến các Giáo xứ của các bạn, hãy đến với một hiệp hội gần nhà mình, để gặp gỡ họ và lắng nghe họ”, ĐTC Phanxicô nói.

Vatican cũng đã tổ chức nhiều hội nghị về nạn buôn người, tập trung vào việc nâng cao nhận thức cũng như thảo luận về các phương tiện chống lại chế độ nô lệ hiện đại và đồng thời giúp đỡ các nạn nhân tái hòa nhập vào xã hội.

 Minh Tuệ (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết