Giám Mục Tombura-Yambio: “Đối thoại là con đường duy nhất dẫn đến hòa bình: cần chấm dứt ngay những phát biểu mang tính kích động.”
Đức Cha Edward Hiiboro Kussala – Giám Mục Địa phận Tombura-Yambio tại Nam Sudan, nói: “Ngôn ngữ là thứ vũ khí gây ra bạo lực nhiều hơn, thậm chí nó còn gây tổn hại lớn so với súng đạn.”
Nam Sudan vừa bắt tay vào một chặng đường đầy gian nan nhằm kiến tạo hòa bình và hòa giải dân tộc sau khoảng 3 năm nội chiến giày xéo đất nước. Đức Cha Hiiboro đã kêu gọi các nhà lãnh đạo chính trị cần tránh “thứ ngôn ngữ khó nghe và mang tính chất chia rẽ thay vì phát triển một thứ ngôn ngữ mang tính chất xây dựng đất nước”.
Đức Cha Hiiboro đã nhắc đến cuộc khủng hoảng tại Wau – cách Juba 650 km về phía tây bắc – nơi đã nổ racác cuộc đụng độ vào cuối tháng Sáu vừa qua làm thiệt mạng ít nhất 50 người. Theo Đức Cha, cội rễ của cuộc khủng hoảng tại Way là do thiếu đối thoại, bởi vì “khi yếu tố đối thoại không được tính đến, dĩ nhiên, người ta sẽ dùng đến bạo lực và chiến tranh”.
“Nam Sudan – Đức Cha Hiiboro nhấn mạnh – cần phải học cách đối thoại. Chính việc đối thoại sẽ đem lại cho chúng ta một Nam Sudan hòa bình. Việc đối thoại thực chất không phải là một hành động hèn nhát. Dường như chúng ta đã trải nghiệm sự sai lầm đó qua cuộc khủng hoảng vừa qua”.
Thật không may – Đức Cha Hiiboro cho biết thêm – tại Nam Sudan, người dân sống trong sự ngờ vực lẫn nhau; họ sợ nói chuyện với nhau. Ngài cũng nhấn mạnh rằng mặc dù thế, Giáo Hội, các tổ chức xã hội dân sự, các tổ chức phi chính phủ… đã có những nỗ lực để bắt đầu cuộc đối thoại quốc gia. Mọi cơ quan chức năng có nhiệm vụ phải khôi phục lại hòa bình trên khắp đất nước.
“Chúng tôi đã giảng giải và mời gọi các tín hữu nơi mỗi nhà thờ tích cực góp phần vào các cuộc đối thoại, thế nhưng, chúng tôi cần chính phủ phải can thiệp và tăng cường lan truyền rộng rãi thông điệp này nơi cộng đồng để mở đường cho một quốc gia ổn định và hòa bình lâu dài” – Ngài kết luận.
Minh Tuệ (theo Fides)