Các quan chức của Caritas Nam Sudan, nhánh phát triển và nhân đạo của các Giám mục Công giáo tại quốc gia Đông-Trung Phi này, đã bày tỏ sự liên đới với các thành viên của Hội đồng Giám mục Công giáo Sudan và Nam Sudan (SSS-CBC) trong lời kêu gọi tất cả các bên liên quan đến tình hình căng thẳng gia tăng ở nước này kiềm chế bạo lực.
Trong tuyên bố được đưa ra vào thứ Hai, ngày 31 tháng 3, các quan chức cho biết, “Caritas Nam Sudan sát cánh cùng Hội đồng Giám mục Công giáo Sudan và Nam Sudan (SSCBC) trong việc cảnh báo về tình trạng bạo lực leo thang và căng thẳng chính trị ở Nam Sudan”.
Họ giải thích rằng các cuộc đụng độ gần đây trong nước bắt nguồn từ việc bắt giữ các nhà lãnh đạo chính trị, bao gồm Phó Tổng thống thứ nhất Riek Machar Teny, và việc khiến những thường dân vô tội, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em phải đi tản, là “một bước lùi bi thảm đối với những nỗ lực hòa bình”.
Các quan chức Caritas Nam Sudan đã nhắc lại lời kêu gọi của các Giám mục Công giáo về sự kiềm chế, đối thoại và cam kết thực hiện Thỏa thuận tái thiết vào tháng 9 năm 2018 về Giải quyết xung đột ở Nam Sudan (R-ARCSS), thỏa thuận đã chấm dứt cuộc nội chiến 2013-2018 tại quốc gia non trẻ nhất thế giới.
Họ cũng nhắc lại lời kêu gọi của các Giám mục tới Tổng thống Salva Kiir Mayardit, tất cả các nhà lãnh đạo chính trị và các đảng phái “hãy tôn trọng nghĩa vụ thiêng liêng của họ đối với người dân Nam Sudan và chống lại mọi cám dỗ quay trở lại với vũ khí”.
Trong tuyên bố vào ngày 28 tháng 3, các thành viên SSS-CBC, bao gồm các Giám mục Công giáo ở Sudan và Nam Sudan đã than phiền về “tình trạng bạo lực leo thang và tình hình chính trị xấu đi ở Nam Sudan”.
Họ cũng nhấn mạnh đến các cuộc đụng độ giữa Phong trào Giải phóng Nhân dân Nam Sudan-Đối lập (SPLM-IO) và Lực lượng Phòng vệ Nhân dân Nam Sudan (SSPDF – lực lượng quân sự của Nam Sudan trước đây là Quân đội Giải phóng Nhân dân Sudan), và “tình trạng di dời ngày càng tăng của thường dân vô tội, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em” là những sự kiện “đánh dấu sự đảo ngược bi thảm của nền hòa bình mà tất cả chúng ta đều mong muốn và cầu nguyện”.
“Người dân Nam Sudan đã phải chịu đựng quá lâu. Chiến tranh đã cướp đi con cái, nhà cửa, tương lai của họ và một lần nữa, những đám mây đen của xung đột lại bao trùm đất nước chúng ta”, các thành viên SSS-CBC cho biết trong tuyên bố ngày 28 tháng 3 được chia sẻ với ACI Africa.
Các nhà lãnh đạo Giáo hội Công giáo ở hai quốc gia láng giềng vốn là một quốc gia cho đến khi Nam Sudan giành được độc lập vào tháng 7 năm 2011 đã kể lại rằng họ vẫn tiếp tục nhấn mạnh vào việc thực hiện thỏa thuận hòa bình ngày 12 tháng 9 năm 2018.
“Ngay từ đầu cuộc khủng hoảng mới này, chúng tôi, Giáo hội, đã kiên định kêu gọi kiềm chế, đối thoại và cam kết với R-ARCSS”, các thành viên SSS-CBC cho biết
Kể từ khi ký kết R-ARCSS tại Addis Ababa, hòa bình ở Nam Sudan đã trở nên mong manh. Bất chấp thỏa thuận, căng thẳng giữa SSPDF và SPLA-IO được cho là vẫn tiếp diễn, do sự ganh đua chính trị, nền chính trị về sự kế nhiệm, sự chia rẽ sắc tộc và sự chậm trễ trong việc thực hiện đầy đủ thỏa thuận hòa bình.
Tình hình đã trở nên tồi tệ hơn vào đầu năm 2025, khi các cuộc đụng độ mới nổ ra giữa hai phe, dẫn đến tình trạng di tản và thương vong trên diện rộng.
Vụ bắt giữ Phó Tổng thống thứ nhất, ông Machar, được cho là diễn ra sau vụ bắt giữ các nhà lãnh đạo khác của phe đối lập đã làm gia tăng căng thẳng ở quốc gia trẻ nhất thế giới, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ xảy ra cuộc xung đột quy mô lớn trở lại.
Trong tuyên bố chung vào ngày 28 tháng 3, các thành viên SSS-CBC đã nhắc lại lời của Đức Thánh cha Phanxicô trong chuyến viếng thăm Juba vào tháng 2 năm 2023, rằng: “Xin đừng để xảy ra sự đổ máu, xin đừng để xảy ra sự xung đột và bạo lực nữa. Hãy để cho hòa bình được hiển trị!”.
Minh Tuệ (theo ACI Africa)