Cựu Sứ Thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ, Đức Tổng Giám mục Vigano đã tham gia cùng với các Giám mục Kazakhstan trong một phản ứng rõ ràng đối với ĐTC Phanxicô.
Năm Giám mục đã tái khẳng định Giáo huấn truyền thống của Giáo hội về việc Rước Lễ đối với những người đã ly dị và tái hôn, trong một phản ứng rõ ràng đối với những tuyên bố gần đây của ĐTC Phanxicô.
Bản tuyên bố ban đầu được ban hành bởi ba Giám mục Kazakhstan – Đức Cha Tomash Peta, Tổng Giám mục Saint Mary tại Astana, Đức Cha Jan Pawel Lenga, Tổng Giám mục Karaganda, và Đức Cha Athanasius Schneider, Giám mục Phụ tá Saint Mary tại Astana – vào ngày 31 tháng 12 vừa qua, nhân dịp Lễ Thánh Gia Thất trong Năm Thánh Kỷ Niệm 100 Năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima.
Hôm 2/1, hai vị Giám chức người Ý – Đức Tổng Giám mục Carlo Vigano, cựu Sứ thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ, và Đức Tổng Giám mục Luigi Negri – đã thêm chữ ký của họ vào bản tuyên bố, theo thông tin từ website Corrispodenza Romana.
Bản tuyên bố, vốn đã được công bố trên một số trang web, lưu ý rằng một số Hội đồng Giám mục nói rằng những người Công giáo đã ly dị và tái hôn có thể được Rước lễ, thậm chí ngay cả khi họ vẫn sống trong mối quan hệ tính dục với đối tác mới.
Giáo huấn truyền thống của Giáo Hội, đã được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Nguyên Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI xác quyết, đó là những người tái hôn chỉ có thể được Rước lễ nếu họ quyết tâm thực hiện việc tiết chế quan hệ tính dục trong mối quan hệ của họ.
Trong khi một số Giám mục gần đây ủng hộ Giáo huấn này, những người khác, chẳng hạn như hai Giám mục Malta, đã mâu thuẫn với điều đó. Các Giám mục Malta tuyên bố rằng việc tránh quan hệ tính dục có thể là điều điều không thể, và những người quyết định rằng họ đã được “giao hòa với Thiên Chúa” có thể được Rước lễ. Có thông tin là ĐTC Phanxicô đã tán dương tuyên bố này.
Một tài liệu không rõ ràng từ các Giám mục Buenos Aires đã được một số nhà bình luận giải thích là mâu thuẫn với Giáo huấn truyền thống, mặc dù những người khác không đồng ý điều này. Đức Thánh Cha Phanxicô đã cho phép tài liệu này được công chúng chấp thuận.
Trong bản tuyên bố mới, năm vị Giám mục cho biết rằng một số tài liệu của các Giám mục ủng hộ việc Rước Lễ cho những người tái hôn đã “nhận được sự tán thành thậm chí ngay cả từ thẩm quyền cao nhất của Giáo hội”, có lẽ là một sự tham chiếu đối với những tuyên bố của ĐTC Phanxicô.
Đáp lại, năm vị Giám mục nhắc lại Giáo huấn truyền thống, tất cả đều được in đậm:
Quả là một điều bất hợp pháp để biện minh, phê chuẩn, hoặc hợp thức hoá việc ly hôn trực tiếp hoặc gián tiếp và một mối quan hệ tính dục ổn định không liên quan đến hôn nhân thông qua kỉ luật Bí tích của việc thừa nhận cái gọi là “những người ly dị và tái hôn” đối với việc Rước Lễ, trong trường hợp này là một kỷ luật hoàn toàn xa lạ với toàn bộ Truyền Thống của Đức tin Công Giáo và Tông Truyền.
Các Giám mục lập luận rằng truyền thống của Giáo Hội về việc Rước Lễ đối với những người tái hôn bị ràng buộc, bởi vì nó tuân theo Giáo huấn của Đức Giêsu về tính bất khả phân ly của hôn nhân. Không thể có sự mâu thuẫn, các Giám mục cho biết, giữa “kỷ luật các Bí tích và và đức tin của Giáo hội đối với tính tuyệt đối không thể phân ly của một cuộc hôn nhân đã được phê chuẩn và đã thành sự”. Các Giám mục đã trích dẫn những lời của Công đồng Vatican II khi dạy rằng: “Các Bí tích ấy không chỉ giả thiết phải có đức tin mà còn bằng lời nói và các dấu chỉ, các Bí tích ấy còn phải nuôi dưỡng, củng cố và diễn tả đức tin nữa; đó là lý do tại sao chúng được gọi là ‘các Bí tích của đức tin'”.
Năm ngoái, ba vị Giám mục Kazakh đã kêu gọi người Công giáo hãy cầu nguyện cho ĐTC Phanxicô, và đặc biệt cầu nguyện để Ngài hủy bỏ những chỉ dẫn mục vụ trái ngược với Giáo huấn của Giáo hội. Các Giám mục nói rằng kỷ luật bí tích là một “phong tục đã được chứng minh, được đón nhận và gìn giữ cẩn thận từ thời các Tông Đồ và gần đây đã được khẳng định một cách chắc chắn bởi Thánh Gioan Phaolô II … và bởi Nguyên Giáo Hoàng Benedict XVI”.
Trong tài liệu mới của mình, các Giám mục đã nhìn sâu hơn vào nền tảng thần học của Giáo huấn. Họ đã đề cập đến một tài liệu khác của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông Huấn ‘Reconciliatio et Paenitentia’, trong đó, có liên quan tới những người tái hôn: “Giáo hội chỉ có thể mời gọi các con cái của mình, những người tự nhận thấy mình trong những tình huống đau đớn, tiếp cận với Lòng thương xót của Thiên Chúa bằng những cách thức khác chứ không phải thông qua các Bí tích như: Bí Tích Hòa Giải và Bí Tích Thánh Thể cho đến khi họ đạt được những điều kiện bắt buộc”.
Đức Gioan Phaolô II nhấn mạnh rằng Giáo Hội không thể làm thay đổi kỷ luật này vì hai nguyên tắc: trước hết “Lòng trắc ẩn và Lòng thương xót”, và thứ hai là “sự thật và tính nhất quán, theo đó Giáo hội không đồng ý việc cho là sự thiện và sự ác”.
Chính trị gia và triết gia người Ý, Rocco Buttiglione, đã lập luận rằng một linh mục có thể, thay vì cho phép giải tội, nói với các hối nhân rằng họ không ở trong tình trạng mắc tội trọng. Vị Linh mục sẽ khuyến khích hối nhân lãnh nhận Bí tích Thánh Thể thậm chí ngay cả khi họ quyết định tiếp tục phạm tội nghiêm trọng. Nhưng các Giám mục Kazakh đã trích dẫn Giáo huấn của Công Đồng Trentô dạy rằng: “Giáo Hội không có được đặc sủng bất khả ngộ đối với việc xét đoán tình trạng ân sủng nội tại của một tín hữu”.
Do đó, các Giám mục nói, “việc không được phép Rước Lễ đối với những người được gọi là ‘ly hôn và tái hôn’ vì thế không phải là một sự xét đoán đối với tình trạng ân sủng của một người nào đó trước mặt Thiên Chúa”. Thay vào đó, đó là một “sự đánh giá về tính hữu hình, công khai và khách quan đối với tình trạng của họ”. Bởi vì các Bí tích và Giáo hội là những thể chế có thể nhìn thấy được, “việc lãnh nhận các Bí tích nhất thiết phải phụ thuộc vào tình trạng có thể nhìn thấy và khách quan của người tín hữu”.
Các Giám mục đưa ra tuyên bố “trước lương tâm của chúng ta và trước mặt Thiên Chúa, Đấng sẽ phán xét chúng ta”, và đồng thời cho biết họ tin rằng sứ vụ của họ đó là phục vụ Giáo hội và Đức Thánh Cha.
Minh Tuệ chuyển ngữ