Năm 1696 tại vương quốc Napoli

Đó là bối cảnh chính trị – kinh tế của thành phố và đất nước, năm 1696, đã tiếp đón vào cuộc đời này kẻ sẽ được gọi “là người Napoli thánh thiện nhất và là vị thánh có tính Napoli nhất”.

THÁNH ANPHONGSÔ
VỊ THÁNH CỦA THẾ KỶ ÁNH SÁNG (I)

PHẦN THỨ NHẤT
“QUYỀN QUÝ, TRẺ, và GIÀU (1696-1723)

Một người đầu mục hỏi Đức Giêsu: “Lạy Thầy tốt lành, làm gì thì tôi sẽ được sự sống đời đời làm cơ nghiệp?”… Người thanh niên ấy… rất giàu có (Lc 18,18; Mt 19,22).

Thanh AnpghongsoNĂM 1696 TẠI VƯƠNG QUỐC NAPOLI

Người viết ký sự đã nghĩ tới lời công bố cổ xưa của cuốn Hạnh tích các thánh tử đạo vào buổi sáng lễ Giáng sinh… Có cùng nghĩ tới lời Tin mừng thánh Luca loan báo ngày thánh Gioan Tẩy giả khởi sự hoạt động!… Ông đã viết:

Năm Cứu độ 1696, ngày 27 tháng 9, ngày dâng kính hai vị tử đạo hiển vinh Cosma và Đamianô, hồi mười ba giờ, tại một chỗ ở của gia đình ngài tại Marianella, một thị trấn thuộc Vương quốc Napoli, Anphongsô Ligôri đã được sinh ra. Thời ấy Đức Hồng y Cantelmi cai quản Giáo hội Napoli; Đức Innocentê XII trị vì ở Vatican. Vua Léopold Augustô, vị đầu tiên mang danh hiệu đó như hoàng đế Rôma, đem lại cảnh thái bình thịnh vượng cho Đế quốc và cho vương quốc. Được đưa về Napoli, Anphongsô đã tái sinh trong ơn nghĩa Chúa tại họ đạo Đức Thánh Trinh Nữ Maria, ngày 29 cùng tháng, một ngày thứ bảy, dưới sự bảo trợ của Tổng lãnh thiên thần Micael… Để Đức Mẹ làm Đấng Bầu chủ và làm Mẹ hộ vực trong mọi hoàn cảnh, trẻ sơ sinh đã được đặt dưới sự che chở của Rất thánh Nữ Đồng Trinh, và chính vì vậy mà mang tên đệm là Maria. Anphongsô Ligôri đã sinh ra đời như thế”.

Chính bằng những lời lẽ như trên mà Cha Antôn Maria Tannoia, trong ba tập “Hồi ký” của cha, đã giới thiệu nhân vật sẽ được Ludwig von Pastor, trong bộ Lịch sử các giáo chủ vĩ đại kể là: “Khuôn mặt cao cả và quan trọng nhất trong thế kỷ XVIII vô đạo”.

Đối với chúng ta, thế kỷ thứ XVIII, có vẻ xa xưa lắm rồi! Thực ra, đâu phải… Những bản hòa tấu của Vivaldi và những tấu khúc của Bach có xa xưa đâu! Cũng như Mozart và Đại ca nhạc kịch Tiếng Sáo mê hồn của ông; như Voltaire và Rousseau, Goethe và Schiller; như bước tiến độc lập Hòa Kỳ!… Gần gũi thì đúng hơn. Gần gũi như những cội rễ của chúng ta.

Khi Anphongsô ra đời, người Châu Âu đã bước chân đến miền Viễn Đông, châu Mỹ và các bờ biển châu Phi; các công ty đa quốc của họ đã thiết lập những chi nhánh ở đó từ lâu rồi; các thủ đô trẻ trung như New-York, Quebec, Boston hay Rio cũng đã được một trăm tuổi hay hơn. Cũng như chúng ta ngày nay, bà thân mẫu của Anphongsô có thể làm ngọt ly cà phê nhập cảng từ châu Mỹ bằng đường của các đảo Antilles và đeo những hạt kim cương được lộng trong vàng châu Phi hay Ba Tây hồi đó. Máy tính, hàn thử biểu, phong vũ biểu, đồng hồ quả lắc, kính hiển vi và kính viễn vọng, máy hơi nước đều đã không đợi cậu bé của chúng ta ra đời mới xuất hiện. Tư tưởng Thượng cổ, cứng đọng và trừu tượng, đã được chôn vào nghĩa trang những ý niệm chết; khoa học tân thời chớm nở, cùng với tinh thần tân thời, triết học tân thời. Con người từ hai ngàn năm đã khô cứng như một tượng gỗ làm mẫu trong một bản tính được coi như trường cửu và bất di dịch, nay hồi sinh và chuyển động: hắn cục cựa, hắn vùng vẫy, hắn bước chân đi, hắn để cho cơn lốc lịch sử uốn nắn mình khác hẳn với quá khứ. “E pur si mouve”: mặc những kẻ xét xử Galilê (+1642) nghĩ sao thì nghĩ, con người vẫn tiến tới một thời đại mới. Một lối nhìn “trần tục” tức là trưởng thành, về thế giới, về kỹ thuật và về chính trị cuối cùng đã mời gọi con ngưòi cầm lấv tay lái mà điều khiển, như một người lớn, con tàu đưa mình tới tương lai.

Xa xôi chăng thế kỷ thứ XVIII? Ngày nay chúng ta sống với sự sôi động của “Thế kỷ Ánh sáng“ đó, như người ta thường gọi. Những cuộc đấu tranh cần thiết mà nó đã nhóm lên, giữa một thế giới lỗi thời – Chế độ Cũ – và một thế giới mới, còn lâu mới tắt đi.

Cộng đồng Vatican II nhiều khi đã phát sốt vì đó. Thời hậu công đồng cũng chưa hết bỏng cháy vì đó.

Thế mà một trong những người khổng lồ của thời kỳ bản lề đó, “người vĩ đại nhất trong Giáo hội thế kỷ XVIII”, bởi vì sẽ là kẻ chú ý hơn ai hết tới tiếng kêu của loài người và những tiếng gọi của Đức Giêsu Kitô, kẻ làm cách mạng một cách thánh thiện hơn hết về luân lý và đạo đức Kitô giáo, bởi vì sẽ thiếp lập một quan hệ mới giữa luật cũ và tự do, chính là Anphongsô Maria đệ Ligori kia, kẻ “đã sinh ra trong năm Cứu độ 1696, thời Đức Innocentê XII trị vì ở Vatican và Vua Leopold đệ nhất đem lại thái bình thịnh vượng cho Đế quốc Rôma và vương quốc Napoli”.

Đế quốc Rôma và Vương quốc Napoli không còn ồn ào trong những bản tin tức hàng ngày của ta nữa, sự thật là vậy. Tuy nhiên đừng vì thế mà ta đẩy lui chúng về thời các Pharaôn Aicập. Thánh đế quốc Rôma – Đức, đổi thành Đế quốc Áo chỉ mới trút linh hồn vào năm 1918 mà thôi; Vương quốc Napoli, được sáp nhập vào Vương quốc Ý đại lợi năm 1861, chỉ chấm dứt năm 1946. Và lịch sử của chúng hôm qua được sống trên phạm vị châu Âu và nước Ý, thì cũng chính lịch sử đó ngày nay mở rộng phạm vị tới toàn địa cầu. Chính là lịch sử của ta.

Ngày hôm nay lịch sử của ta diễn ra trên bàn cờ của cả hành tinh: hai “siêu cường” kè cựa nhau, và một siêu cường thứ ba thức dậy, – bốn hay năm nước tạm gọi là “lớn” đòi giữ vai trò “cường quốc” – và xung quanh họ khoảng một trăm bảy mươi nước tự trị nhiều hay ít. Đó là địa bàn chính trị của chúng ta đang trên đường tìm “thế thăng bằng quốc tế” cho mảnh đất nhân loại.

Thế mà, mới đây thôi, màn ảnh lịch sử của chúng ta chỉ như bằng một phần trăm. Nó vừa vặn với khung khổ lục địa cũ kỹ của chúng ta. Nhưng cùng một bi kịch như thể được sống ở bình diện thu hẹp đó: người ta dùng bạo lực mà tìm kiếm “thế thăng bằng Châu Âu” giữa ba “nước lớn”: các nước Pháp, Tây-ban-nha và Áo.

Đó là chuyện giữa các vua chúa chứ không phải giữa các dân tộc, vì thuở đó vẫn còn là thời đại của các ông hoàng bà chúa. Vịn vào quyền mạo nhận là thần quyền, một vài hoàng tộc đã muốn làm chủ những đất nước và những con người: họ giành giật nhau hay bán cho nhau những vương quốc và những hầu quốc, những đất công tước và những nước cộng hòa, y như dân quê mặc cả với nhau hay tranh giành nhau một góc đồng cỏ và súc vật. Y hệt những gì đang xảy ra, trên bình diện quốc tế, trước mắt chúng ta: hôm qua cũng như hôm nay, vẫn chuyện cạnh tranh công việc “thuộc địa hóa” các nước nhỏ bởi các nước lớn.

Trên nước Ý, cái mãnh lực thuộc địa hóa đó không phải mới mẻ gì: nó đã dọc theo suốt cả lịch sử Ý. Miền đất chan hòa ánh nắng và “dolce vita” (đời sống dễ chịu), tưng bừng màu sắc ngay cả trong các loại đá xây nhà, xây trồi lên giữa những biển xanh nhất thế giới thành một bán đảo trải dài hầu như bất tận trên tám ngàn cây số bờ biển đẹp như địa đàng của hòn ngọc đó Âu châu vẫn từ thuở nào có một sức thu hút không cưỡng lại được. Đây Êtrupi, những dân Hy-lạp, dân Celtes trước Công nguyên – người Carthagô, những dân man di đủ màu da nước tóc (Cimbres, Hung- nô, Hunggari, Đức xưa) và dân Lomburds trước Charlemagne; – và sau đó, người Đức Normands, Hồi hồi, Slaves, Pháp đều thèm muốn cái Vườn Địa đàng đó, nền văn minh sáng chói của nó, kỹ thuật tiên tiến của nó, những hải cảng vừa nhiều vừa buôn bán thịnh vượng của nó, là những cánh tay mở rộng đón tất cả giàu có của châu Phi, của phương Đông và phương Tây. Qua bao đợt tiếp nối nhau, họ đã xâm lăng, chiếm đóng, bóc lột đất Ý và không quên rơi rớt lại những lớp cặn của các nền văn hóa của họ và ít mảnh tạp nham của những luật pháp của họ. Vị luật sư Anphongsô Maria đệ Ligôri sẽ biết ít nhiều các điều này…

Còn trong nội địa bán đảo, các đô thị và vua chúa cũng như răng sắc nhọn cắn xé nhau không kém ác liệt. Tham vọng riêng của từng người và lòng tham chung của tất cả đã từ lâu chia cắt đất nước này ra làm hàng năm mươi tiểu quốc không ngừng đối địch nhau. Đó là những cuộc tranh chấp giữa các ông hoàng Ý và các việc cầu viện ngoại bang của họ ngay từ thế kỷ XV, đã đem đất Ý đầy quyến rũ nộp cho những ham muốn cạnh tranh nhau giữa các triều đình Anjon, Valois, Aragon, và Hasbourg. Khi cá lớn cứ nuốt cá bé mà to béo ra nhờ xài luật rừng ngon lành, thì các tiểu quốc kia rốt cuộc chỉ còn khoảng hai mươi vào giữa thế kỷ XV, khoảng mười vào cuối thế kỷ XVII. Ta thấy đó, lịch sử nội bộ nước Ý hiện đại cũng phức tạp như lịch sử của một lục địa, để khỏi nói là của cả thế giới, trải qua những biến động lâu dài đưa tới sự thống nhất.

Vào “năm Cứu độ 1696”, mười Tiểu quốc đang chia nhau Bán đảo: năm “nhỏ”, bốn “lớn” trong số đó là nước Đức Giáo Hoàng thắt ngang bán đảo như một tấm khăn, và ở phía Nam, một “Tiểu quốc cỡ bự”, ít nữa là xét theo kích thước của nó: vương quốc khi ấy đạt tới một phần tư dân số của cả nước Ý: ba triệu ba trăm ngàn. Do việc thành Constantino suy sụp vào thế kỷ XV, vương quốc khi ấy có thủ đô đông dân nhất thế giới sau Luân đôn và Ba-lê: 214.000 người, gần hai lần hơn Rôma; và dân số này sẽ tăng hơn gấp đôi – 442.000 người – khi Anphongsô Maria đệ Ligôri từ trần.

Một chiếc giày ống cao đá một quả bóng xì hơi; đó là hình ảnh thể thao mà địa đồ vương quốc Napoli gợi lên trước mắt ta. Với hai thành phần: đất liền và đảo. có địa thế gồ ghề, hai thủ đô: Napoli và Palermo, hai quái vật thánh thiêng: Vésuva và Etna, vương quốc Hai-Sicilia từ hồi nào vẫn luôn có sức lôi cuốn những nguy hiểm chóng vánh đến cho mình. Năm trăm năm trước Công nguyên, người Athêna đã xây dựng ở đó một Napoli (“Thành phố mới”) trong vịnh nhỏ nối dài Palaiopoli (“Thành phố cũ”) về phía Đông, chính là Parthênốp cổ kính đã do người Hylạp từ Cumae lập nên không biết từ bao giờ.

Được người Hy-lạp nuông chiều ưu ái, được họ đưa dân tới làm thành những vùng kiều cư phồn thịnh, được họ bảo vệ hữu hiệu khỏi giặc cướp quấy phá, xứ Parthênốp và khắp cả vùng xa rộng chung quanh, cách đây hơn hai ngàn năm, đã đạt tới một mật độ dân số đáng kinh ngạc: khoảng mười lăm triệu người ở cả Hai – Sicilia họp lại.

Nhưng đất Mezzogiorno thần thiêng này lại đã bị dân Rôma và các dân man di, dân Lombards và dân Normands, các Hoàng đế phương Đông và các hoàng đế phương Tây, các giáo hoàng thèm khát quyền lực và bọn cướp biển, cướp bờ tàn phá còn hơn miền Bắc nước Ý. Cuối cùng, thay nhau giành giật vương quốc này là những nhà Hohenstufen, nhà Angevins, nhà Aragon, rồi nhà Habsbourg bên Tây-ban-nha, cho tới năm 1700.

Charles Quint (1500-1556), bên dòng cha thì thuộc nhà Habsbourg nước Áo, còn mẹ là nữ hoàng xứ Castille, rồi lại kế nghiệp triều Aragon, như thế ông đã nắm gọn tất cả những con cờ của bàn cờ Tây phương ở châu Âu và châu Mỹ: ông đã đồng thời là Carôlô đệ nhất của Tây-ban-nha, Carôlô đệ tứ của Napoli, Carôlô đệ ngũ của nước Đức thuộc đế quốc thánh Rôma – Đức. Đến nỗi chính ông ta cũng không còn biết mình đã đến số thứ mấy rồi! Cái ông Carôlô đệ ngũ đó đáng chúng ta chú ý: ông đã là nguồn gốc vụ án “quốc tế” sẽ làm cho luật sư Anphongsô Maria đệ Ligôri trở thành người anh em của đám Lazzaroni ở những khu xóm nghèo thành Napoli.

Khi ông thoái vị vào năm 1556, sau 40 năm trị vì ông đã chia các nước của ông thành hai phần: ông để lại nước Đức và bỏ lại Đế quốc cho người em là Perdinanđô đệ nhất (1503 – 1564); ông dành Tây-ban-nha. Milanô, Hai-Sicilia, Hà lan và phần châu Mỹ thuộc Tây-ban-nha cho con ông là Philip đệ nhị (1527-1598).

Ngay năm ông này lên ngôi, tức là năm 1556, một ngón đòn phối hợp của vua Henri đệ nhị nước Pháp và của giáo chủ Phaolô Đệ tứ đã cố tống Tây-ban-nha ra khỏi nước Ý! nhưng sự thảm bại của họ ở Saint-Quentin (1559) và hiệp ước Cateau-com-brésis (1557) đã công nhận quyền thống trị của Tây-ban-nha tại vương quốc Napoli và miền Milanô. Suốt một trăm năm mươi năm… Một trăm năm mươi năm tương đối yên tĩnh – các đạo quân đi giết chóc và đốt phá ở những nơi khác, nhưng một sự yên tĩnh tủi nhục và tốn phí; từ đó về sau người ta sẽ bảo: “Người Tây-ban-nha gặm nhấm ở Sicilia, ăn ở Napoli và ngấu nghiến ở Lombardi”.

Lời ngạn ngữ lịch sử đó đã nhấn mạnh vào tình trạng tương phản về mặt kinh tế đã có từ thế kỷ thứ XV, và ngày càng sâu rộng hơn giữa miền Bắc và miền Nam bán đảo: Miền Bắc là một vùng đất màu mỡ với khí hậu điều hòa, một kỹ nghệ dệt thịnh vượng (nỉ, lụa, vải, dệt tréo), những xưởng đóng tàu hoạt động mạnh, những công ty thương mại có nhiều chi nhánh mạnh và những bàn tay vươn dài, những chủ ngân hàng sẵn tài giao dịch giúp họ nắm vững quyền bá chủ tài chánh ở Âu châu, những hình thức cai trị đã có tính dân chủ rồi vì trong đó nhân dân không phải chỉ là một bầy nông súc hèn hạ để cào đất và vác khí giới. Ở miền Nam, 87% đất đai là núi đồi; phần còn lại canh tác được thì bị mưa xói mòn và hạn hán thay phiên làm chai cứng mùa màng thường bị giông tố vùi dập; các cuộc chiến tranh triền miên đã hết thế kỷ này đến thế kỷ khác tàn phá những vùng đồng quê nhỏ hẹp, các miền ven biển bỏ đi không ai ở vì bị bỏ mặc cho những người Nam Phi vẫn từ biển tràn vào những đêm không trăng; một chế độ phong kiến toàn quyền đã biến nông dân thành nô dịch đầu tắt mặt tối; thay vì ra công cải thiện đất đai cấp bách; họ đã bỏ mặc những vùng đất thấp cho đầm lầy xông lên bệnh sốt rét và chết chóc; do đó các thôn xóm đều bám vào những sườn núi hay đỉnh núi để trốn tránh không khí độc hại và cũng vì sợ bị ruồng bỏ và cướp bóc. Về cuối thế kỷ XVIII, G.M.Galanti sẽ còn có thể viết: “Những đất đai tốt nhất của Campania đều bị chìm ngập dưới đầm lầy. Vì thế các thành phố ở đó đều thưa thớt dân cư, ngoại trừ Napoli gia tăng dân số một cách tai hại hóa thành một ung nhọt làm chỗ cho nghèo khổ của cả một vương quốc dồn tụ lại.”

Sự nghèo khổ cùng cực này không phải do lười biếng mà do người nhà nông bị thất nghiệp thường xuyên. Người ta gọi họ là “bracciante” bởi vì họ chỉ vỏn vẹn có hai cánh tay làm vốn liếng. Tụ họp từ tảng sáng ở chỗ công cộng trong làng, y hệt những thợ làm công nhật trong Tin mừng, các braccianti chờ một viên quản lý tới thu dụng họ vào những công việc cả mùa chay ít ra trong ngày. Bị chê bỏ hết ngày này sang ngày khác, họ cùng với gia đình họ bị nạn đói xuống tới Napoli: Không người ăn mày nào ở đây bị bỏ đói, chứ còn ở xó làng họ, thì họ không chắc gì được có của ăn thức uống. Vì vậy, kể từ thế kỷ XVII, thủ đô đã trở thành đông đúc đến nỗi tình trạng chen chúc đã khiến cho các đường phố phải thu hẹp đến tột độ, các công viên bị dẹp bỏ, nhà cửa xây lên cao, các mái nhà được gỡ đi thành sân thượng để có chỗ hưởng không khí và ánh sáng… cho tới khi người ta lại choán cả những sân thượng đó bằng những túp lều phụ.

Không, thật tình nhân dân Napoli không cần các mồm miệng ngoại quốc để “gặm nhấm” những trái ôliu và “ăn” bánh mì cứng, bắp và cam của họ.

Thế là sau bao nhiêu thứ ách khác, và suốt hai trăm năm, từ 1504 đến 1707, ách thống trị Tây-ban-nha đè nặng trên nhân dân Napoli. Họ bị quyền từ Madrid cai trị cách kỹ lưỡng; bị binh lính Tây-ban-nha chiếm đóng mặt quân sự, bị thế lực của pháp đình toàn năng cai quản mặt tinh thần nhất là tại Palermo, một cuộc đô hộ chính trị và kinh tế vậy!

Những đầu óc biết suy nghĩ ở cả hai bên, đều cảm thấy đúng thế! Tại hội đồng bầu Giáo chủ năm 1605, Tây-ban-nha đã đánh hỏng việc bầu Hồng y Cesare Baronio làm giáo chủ vì Philip III còn hận tác giả tập “Ký sự Giáo hội” dám coi quyền cai trị của Philip II ở Sicilia là tiếm đoạt. Vị sử gia thánh thiện người Napoli ấy – sau này sẽ được Giáo chủ Bênêđitô XIV tuyên phong “đáng kính” đã cảm thấy như thế. Và nếu ngọn bút ấy đã làm đau đớn chừng ấy cho Madrid là chính vì nó đã đâm trúng.

Thực vậy, Hoàng triều Tây-ban-nha đã mời binh lính và tiền bạc từ các lãnh thổ bên Ý để nuôi dưỡng những cuộc chinh chiến của họ và cuộc sống xa hoa ở triều đình Madrid. Đến nỗi vào năm 1647 hai cuộc nổi loạn đã xuất phát từ đám lê dân bị đục đẽo bởi những thuế má mà người nghèo không sao chịu đựng nổi: một ở Palermo, và một ở Napoli do người ngư phủ trẻ Masaniello khởi xướng.

Tám mươi năm sau cái chết đẫm máu của Masaniello, một cuộc nổi dậy khác sẽ thúc đẩy đám lê dân ở khu phố Mercatô và ở chỗ sẽ trở thành công trường… Masaniello. Anphongsô Maria đệ Ligôri đã là ngọn lửa chính của cuộc nổi dậy này. Nhưng vào thời kỳ sôi động của Masaniello, một Anphongsô Maria đệ Ligôri khác, tằng tổ phụ của thánh nhân (1615 – 1666), đã điều khiển một trung đoàn giáp kỵ binh thuộc quân đội… Tây-ban-nha; và có lẽ ông ta đã thừa lệnh của vị phó vương Tây-ban-nha tấn công những người nổi loạn mà không chút hối hận nào! Phải chăng, ông là một tên phản bội? Không. Ông chỉ là một hiệp sĩ lương thiện. Cái tình cảnh làm tôi quyền lực ngoại bang như thế đã xưa như trái đất, và thường phần đông người dân Napoli chịu đựng nó như một thứ định mệnh hơn là suy nghĩ sâu xa. Phải thích nghi với hoàn cảnh để lợi dụng nó tối đa. Vì thế, thân phụ của Anphongsô, năm 1696, là thủy quân lục chiến trên chiến thuyền Capitana, sau này, sẽ là sĩ quan cao cấp trong hải quân của đại công tước nước Áo, Carôlô VI dòng Habsbourg (1685-1740) hoàng đế Thánh đế quốc Rôma – Đức: “Capitano delle Austriache” (Đại úy Hải quân của chiến thuyền Áo quốc) như một trong những người đầu tiên viết tiểu sử về con của ông đã ghi nhận không chút mặc cảm.

Nhưng ta đừng nói trước vội. Năm 1696, Carôlô dòng Habsbourg mới lên mười một tuổi. Chính vua cha là Leopold đệ nhất (1640 – 1705) trị vì lúc đó trên Đức vào Áo, Bôhem và Hunggari, và được thừa hưởng quyền nối nghiệp đế của Charlemagne. Một tước rỗng tuếch với ngai vàng thu hẹp lại trong vòng dòng họ, lẫy lừng về mặt lịch sử nhưng trống rỗng về mặt quyền lực, song được coi như thừa quyền Thiên Chúa lo cuộc quốc thái dân an cho phương Tây Kitô giáo nói chung và vương quốc Napoli nói riêng… Kỳ thực, bên dưới cái hào quang oai nghi và vô bổ mà Tannoia đã trịnh trọng nhắc tới đó, vua của Napoli chính là Carôlô II bệnh hoạn (1661 – 1700) vua Tây-ban-nha: chính từ Madrid mà nhà vua cai trị Napoli và Palemô, với tư cách người Tây-ban-nha và theo kiểu Tây-ban-nha. Ở đó nhà vua được những vị phó vương rất ư là Tây-ban-nha đại diện cho vị phó vương ở Napoli hồi đó tên là Luis de Lacerda, công tước đất Medina Coeli.

Đó là bối cảnh chính trị – kinh tế của thành phố và đất nước, năm 1696, đã tiếp đón vào cuộc đời này kẻ sẽ được gọi “là người Napoli thánh thiện nhất và là vị thánh có tính Napoli nhất”.

Théodule REY-MERMET, C.Ss.R.
(còn tiếp)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết