Ở Sài Gòn, tấc đất là tấc vàng. Không gian đô thị không ngừng được mở rộng với đường xá hiện đại, những toà cao ốc hào nhoáng, những khu dân cư khang trang…, thật khó để kiếm được một khoảng đất thoáng đãng, dân dã và ngập tràn màu xanh của cỏ cây hoa lá.
Nếu muốn xua tan không khí ngột ngạt trong nội thành, hãy “vi hành” đến Làng đại học Thủ Đức, vùng giáp ranh giữa TP.HCM và Bình Dương, để thăm những luống rau tươi tốt. Hơn hết, chúng ta còn được trò chuyện với những người nông dân vô cùng chất phác và mộc mạc, để hiểu hơn về nghề trồng rau và những tính cách thôn quê.
Bên cạnh Kí túc xá khu B Đại học quốc gia TP.HCM là một khu đất rộng, được phủ lên những luống rau thẳng tắp. Sinh viên và người dân ở đây đã quá quen thuộc với hình ảnh những người nông dân hằng ngày vun trồng, chăm sóc rau, cung cấp cho các chợ dân sinh.
Ở đây có khoảng 15 hộ dân làm nghề trồng rau, đa phần là người Nam Định, Hà Tây, số ít là người miền Tây. Họ phải rời bỏ cuộc sống chật vật ở quê hương để bôn ba đến đây mưu sinh kiếm sống. Những người nông dân chân lấm tay bùn này đã mang hương vị đồng quê vào giữa vùng đất công nghiệp năng động.
Theo những người nông dân ở đây, khu đất mà họ đang trồng rau thuộc quy hoạch của Khu đô thị Đại học Quốc gia TP.HCM. Vì chưa sử dụng nên Ban quản lý dự án cho phép người dân đến trồng rau miễn phí, khi nào cần lấy lại đất sẽ thông báo trước từ 6 tháng đến một năm.
Chúng tôi gặp anh Hùng đang tơi đất làm luống, để chuẩn bị gieo hạt. Mồ hôi anh ướt đẫm, tay không lúc nào ngưng cuốc đất. Với hơn 1 sào ruộng, anh trồng khoai lang với bí là chính, ngoài ra còn nuôi thêm cá, gà, vịt. Anh chia sẻ: Nói chung đi làm xứ người cũng khó khăn, nhưng cứ cố gắng rồi cũng đỡ thôi. Năm, sáu năm qua tôi trồng khoai lang, bí, bán cho những người bán rong. Công việc này cũng tạm ổn, kiếm ngày ba bữa cơm thôi. Tranh thủ có đất ở đây để làm, chứ sau này phải trả lại đất quy hoạch thì phải đi tìm nơi mới.
Giống như nhiều hộ khác, ngôi nhà của anh Hùng chỉ tạm bợ, xập xệ đủ để che mưa che nắng. Như anh nói thì dù có tiền cũng không dám xây kiên cố, vì không biết khi nào Ban quản lý sẽ lấy lại đất để xây dựng công trình.
Quê ở Nam Định, cô Hướng đến Làng đại học này đã được 4 năm. Dù vậy nhưng nghiệp nhà nông vẫn cứ đeo chặt lấy cô. Dù có vất vả đến đâu thì cũng không thể bỏ nghề được vì bỏ nghề này thì không biết chuyển sang nghề gì để sống. Cô Hướng chia sẻ với chúng tôi khi vừa nghỉ tay, nhưng trong giọng nói còn thấm vẻ mệt nhọc: Cô làm ở đây được 4 năm rồi. Làm nghề nông cực lắm, nắng mưa người ta chạy vào, còn mình phải chạy ra. Như tháng 7, tháng 8 âm lịch, nông dân trồng rau chúng tôi dễ thất thu lắm, vì mưa nhiều nên cả vườn rau bị úng hết. Coi như thu nhập tháng nắng bù qua sớt lại cho những ngày mưa nhiều. Nhưng cái số của mình đã gắn với nghề nông nên dù vất vả cũng phải cố gắng chứ không thể bỏ được.
Lo cho mai này không còn đất để canh tác là một chuyện, cô Hướng còn lo những ngày trái gió trở trời thì phải năm cơm bảy cháo hạt giống mới ngoi lên được. Phụ thuộc vào thiên nhiên là một quy luật tất yếu của người làm nông: Trông trời, trông đất, trông mây; Trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm.
Cách mảnh vườn của cô Hướng chừng 50 mét, anh Tuấn cởi trần, da cháy nắng đang đẩy máy xới đất hết luống này đến luống khác rau cải, rau dền, rau mầm, mùng tơi. Dù công việc nặng nhọc nhưng trông anh rất tươi vui và chất giọng Hà Tây luôn rộn rã khu vườn. Theo anh chia sẻ, công việc có vất vả đến đâu nhưng khi nhìn thấy những lá rau khoẻ mạnh, tươi tốt thì anh cảm thấy càng yêu nghề hơn. Khi những ngọn rau đến tay người đi chợ, được họ khen ngon thì trong lòng anh rất phấn chấn.
Nghề này cực lắm, nhưng mỗi lần nhìn thấy cây rau của mình được người ta thích, người ta ăn ngon thì cảm thấy vui lắm. Một năm thì mất 3 tháng mưa không ổn định, 3 tháng đó chỉ đủ ăn thôi chứ không có dư ra đồng nào. Còn một ngày nào đó người ta có lấy đât lại thì cũng là chuyện tất nhiên, lúc ấy thì phải dắt díu nhau tìm phương sinh sống khác, anh Tuấn tâm sự.
Quả thật, niềm vui của những người nông dân nơi đây rất đỗi mộc mạc, đơn sơ. Chỉ cần mỗi ngày được ra vườn, gieo hạt, trồng rau, tưới nước, bón phân, tơi đất làm luống và nhìn thấy chúng lớn lên từng ngày là vui thích lắm rồi.
Đặc thù nghề nông không thể cho họ giàu sang, phú quý, mà lại cho những người nông dân nơi đây sự thân thiện, mộc mạc. Không toan tính, so đo, mỗi người cứ thầm lặng “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” chắt chiu từng đồng tiền, bát gạo.
Các bạn sinh viên Trường đại học Nông Lâm TP.HCM gần đó biết đến khu đất này cũng đến đây để tập làm nông dân. Nhiều bạn trong số đó học ngành Nông học nên muốn ứng dụng kiến thức trên ghế nhà trường vào thực tế, cùng với đó là muốn khởi nghiệp từ nghề nông.
Bạn Đan đang giăng lưới che nắng cho luống rau, trông có vẻ hơi ngượng ngịu, không thành thục giống như cô chú trồng rau ở đây. Bạn chia sẻ: Tụi em đến đây trồng rau để vận dụng lý thuyết của mình để đưa vào thực tế. Tụi em muốn tự tay tạo dựng tương lai cho mình sau này. Từ nhỏ đến giờ toàn đi học nên không biết lên luống hay phát cỏ như thế nào, nên tụi em phải học hỏi kinh nghiệm của các cô chú ở đây rất nhiều.
Bạn Hiếu chia sẻ thêm: Tụi em cầu chúc cho các cô chú nông dân ở đây lúc nào cũng buôn may bán đắt, sống được với nghề này. Nếu như đất ở đây bị thu hồi lại để sử dụng thì không biết cô chú sẽ đi về đâu, chắc khó mà kiếm được mảnh đất nào rộng và đẹp như vậy ở thành phố này.
Trung Kiên