1. Hôm nay 27/9/2016, đoàn khiếu kiện của người dân Quỳnh Lưu, Nghệ An hoàn tất việc nộp toàn bộ hồ sơ khởi kiện nhà máy Formosa trong tinh thần ôn hoà và thân thiện, trật tự và văn minh.
Nét đẹp “văn hoá Kitô giáo” của việc hơn 500 người, đại diện cho gia đình mình khiếu kiện nhà máy Formosa tại Toà án thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh, trước những sự hằm hè, soi mói, khiêu khích của nhà cầm quyền là một dấu ấn khó phai đối với một chính thể luôn quy kết là “phản động” đối với những ai dám “đi ngược” lại những chủ trương, quyết sách của đảng và nhà nước, chưa nói đến việc dám đòi hỏi họ phải có trách nhiệm, phải bồi thường thoả đáng.
Việc khởi kiện này sẽ là tiền lệ cho những con người, những vùng, miền đang bị đối xử bất công, bị tước đoạt những quyền căn bản, bị cưỡng chế trong những dự án quy hoạch đầy máu và nước mắt, bị đầu độc, huỷ hoại môi sinh, bị liên luỵ từ kinh tế đến sức khoẻ từ những nhà máy, xí nghiệp đang ngày ngày xả độc ra môi trường trên cả nước, biết thế mạnh “đấu tranh pháp lý” của mình, sau khi vượt qua nỗi sợ hãi, để bắt những con người đang hành xử theo luật “rừng rú” phải biết tôn trọng pháp luật, tôn trọng con người, tôn trọng sự thật và công lý.
Việc khiếu kiện đúng theo trình tự pháp luật này khiến nhà cầm quyền cộng sản phải “ngỡ ngàng và lưỡng lự” trong cách giải quyết, phải nói là đang lâm vào thế bí. Nếu nhà nước giải quyết “đúng quy trình”, sẽ làm phật lòng Formosa, ngược lại nếu vì binh vực cho Formosa mà không giải quyết hoặc giải quyết không thoả đáng, vì chính Formosa đã nhận lỗi và nhà nước đã công bố nguyên nhân thảm hoạ là do Formosa, thì chính nhà nước lại ngang nhiên vi phạm pháp luật, chà đạp trên công lý và những nỗi khốn cùng của người dân, vi phạm cái gọi là hiến pháp do tự mình làm ra, thì còn uy tín gì, biết “ăn nói” làm sao, ăn nói với ai.
2. Hôm nay đoàn người khiếu kiện như được tiếp sức và khích lệ bởi sự gặp gỡ bất ngờ thú vị với Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt, nguyên Tổng Giám mục Giáo phận Hà Nội, từ Nho Quan, Ninh Bình đến thăm giáo dân Đông Yên, Vũng Áng. Tình cảm dâng trào. Những cái bắt tay, những lời chào hỏi, ủi an, những ánh mắt long lanh ngấn lệ của cả đoàn người đi khiếu kiện không còn giới hạn trong thái độ xã giao bình thường, những chan chứa tình thương của đoàn chiên với Người Mục Tử “Chạnh Lòng Thương”.
Vẫn biết Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt đã về hưu; vẫn biết đoàn chiên ở giáo xứ Phú Yên, Quỳnh Lưu thuộc quyền quản trị của Đức cha Phaolo Nguyễn Thái Hợp, nhưng ở đây, trong hoàn cảnh bi thảm này, cả hai, nói theo lời Đức Tổng Ngô Quang Kiệt là, được Thiên Chúa quan phòng, lo liệu, để người Mục tử biết sống chạnh lòng thương và đoàn chiên được vỗ về, an ủi hưởng nhờ Lòng Thương Xót của Chúa.
Nếu văn hào Nga, Maksim Gorky đã trải nghiệm về nơi lạnh nhất không phải là cực bắc, mà là nơi thiếu vắng tình thương, cõ lẽ ông sẽ thấy không gian như ấm lại, thời gian như ngừng trôi trong khoảng khắc tình thâm nghĩa đậm này.
Nếu “vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ” (GS 1), thì đó chính là tâm hồn của Đức Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt, vị Mục tử “Chạnh Lòng Thương” đối với những con chiên tất bạt nhất.
Ngỏ lời với đoàn khiếu kiện trong bữa ăn trưa tại giáo xứ Đông Yên, Đức Tổng Giuse cho thấy đây là bước khởi đầu của hành trình dài đầy gian nan, phải đương đầu với những cái xấu, cái ác, với sự cố chấp và không biết đến bao giờ kết thức và kết thúc thế nào, nhưng cứ tín thác vào sức mạnh và sự quan phòng của Chúa.
Điều quan trọng là mỗi người cần phải đồng lòng hợp nhất để tạo nên sức mạnh, để trở nên những mồi lửa thu hút và lan rộng. Kế đến là biết kiên trì trong lời cầu nguyện và thực thi pháp luật, vì lẽ phải và công lý nằm ở phía mình. Cuối cùng là thực thi bác ái đối với chính quyền, với con người và với cả môi trường ngang qua những việc thiết thực như ôn hoà và thân thiện, lịch sự và văn hoá. Ý thức về món quà sự sống Chúa ban, quý trọng sự sống, gìn giữ sự sống và góp phần bảo vệ môi sinh, chính Chúa sẽ làm cho sự sống chiến thắng sự chết, sự thật chiến thắng sự gian dối.
Thật quý thay sự hiện diện và đồng hành của vị Mục tử “Chạnh lòng Thương” trong hoàn cảnh cô đơn, quạnh quẽ, bi đát của những con chiên và những anh chị em lương dân nữa.
Nếu như trong đoàn khiếu kiện, ai nấy đều mong cho mình được thắng kiện, thì phải là chiến thắng như Chúa Giêsu, chiến thắng những thử thách của đường thập giá và những tầm thường nơi chính bản thân mình.
Nếu mỗi người có được con tim biết “chạnh lòng thương” của Thiên Chúa, thì đây chính là lúc họ được mời gọi sống và thể hiện đức yêu thương ấy với một con tim cũng “bồn chồn, quặn thắt và thổn thức” trước những bất công, trước những con người vì u mê và yếu nhược, đang cộng tác với những bất công mà trở nên áp bức, trước những thao thức mong muốn có được một chính quyền sạch và biển sạch.
Mọi lý thuyết, dù có sức thuyết phục đến đâu, mọi lời lẽ dù có chạm vào lòng người đến đâu cũng không bằng sự hiện diện “chạnh thương” của vị Mục tử. Chạnh thương nói lên tất cả, nói thay cho tất cả và hơn tất cả, vì đó là phẩm tính của Chúa Giêsu, Đấng Chạnh Lòng Thương và dạy cho các môn đệ biết và sống thế nào là “Chạnh Lòng Thương” (x. Lc 7, 13).
Jos. Ngô Văn Kha