
Đức Giám mục Robert Prevost, hiện là Đức Thánh Cha Lêô XIV, đứng trong vùng nước lũ ở Giáo phận Chiclayo sau trận mưa lớn ở tây bắc Peru vào tháng 3 năm 2023, trong ảnh chụp màn hình này từ video của Caritas Chiclayo (Ảnh chụp màn hình NCR/ Caritas Chiclayo)
Bức ảnh cho thấy một vị Mục tử mặc chiếc áo sơ mi trắng ngắn tay đơn sơ và quần xám, đeo Thánh giá Giám mục trước ngực, đang đứng trong dòng nước lũ ngập tới ống chân trong đôi ủng cao su đen. Gương mặt ngài trầm lặng khi dõi mắt nhìn ngôi làng đang bị nhấn chìm trong dòng nước đục ngầu. Trong một bức ảnh khác, đầu ngài cúi thấp khi cùng hai người đàn ông và một phụ nữ bước đi trên con đường đã biến thành dòng kênh.
Những bức ảnh chụp Đức Cha Robert Francis Prevost – khi ấy là Giám mục Địa phận Chiclayo – trong cảnh bùn lầy sau trận lũ lụt nghiêm trọng ở miền Bắc Peru vào năm 2023, nay đang được cả thế giới biết đến với Tông Hiệu Giáo hoàng Lêô XIV.
Các bức ảnh về “một vị Giáo hoàng với đôi ủng lấm bùn” đã nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội ngay sau khi Đức Cha Prevost – một tu sĩ Dòng Augustinô, sau trở thành Hồng y, mang hai quốc tịch Hoa Kỳ và Peru – được giới thiệu tại Quảng trường Thánh Phêrô với tư cách là vị Giáo hoàng thứ 267 của Giáo hội Công giáo Rôma.
Câu chuyện phía sau những hình ảnh ấy hé mở chân dung một vị Mục tử sống gắn bó mật thiết với cộng đoàn của mình, theo lời ông Manuel Alberto Huapaya Mendoza – Tổng Thư ký Caritas Peru, chi nhánh quốc gia của tổ chức bác ái và phát triển quốc tế Caritas Internationalis thuộc Giáo hội Công giáo.
“Ngài là một con người gần gũi với dân chúng và biết chia sẻ những đau khổ của họ. Ngài cũng có khả năng thấu hiểu thực tại cuộc sống mà họ đang trải qua, bởi chính ngài đang hiện diện cùng với họ”, ông Huapaya chia sẻ qua lời phiên dịch.
Ông Huapaya bắt đầu đảm nhận vai trò Giám đốc Caritas Peru từ tháng 1 năm 2022, vào cuối nhiệm kỳ Giám mục của Đức Cha Prevost tại Giáo phận Chiclayo – một Giáo phận nằm ven bờ biển Thái Bình Dương, ở góc tây bắc của đất nước. Khi đó, Đức Cha Prevost cũng đang là Phó Chủ tịch Hội đồng Giám mục phụ trách tổ chức Caritas Peru.
Tháng 3 năm 2023, bão nhiệt đới Yaku tàn phá khu vực này với những trận mưa như trút xuống xối xả suốt gần ba tuần lễ. Đây là cơn bão xoáy đầu tiên trong vòng 40 năm tấn công vùng duyên hải Thái Bình Dương của Peru, gây mưa lớn trên diện rộng, phá vỡ bờ sông và đòng thời gây ra các trận lở đất dữ dội.
Theo Liên Hiệp Quốc, trận mưa lũ do bão Yaku gây ra đã ảnh hưởng đến hơn 800.000 người trên khắp Peru và khiến hơn 123.000 người mất nhà cửa. Hơn 48.000 căn nhà bị phá hủy hoặc không thể ở được, gần 400 trung tâm y tế bị ảnh hưởng và khoảng 386 km đường sá bị hư hại. Tính đến tháng 4 năm 2023, ít nhất 99 người thiệt mạng và 13 người mất tích.
Chính phủ Peru đã ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia tại ba vùng, trong đó có Chiclayo. Lũ lụt, cùng với đợt nắng nóng cực đoan, đã góp phần gây ra đợt bùng phát dịch sốt xuất huyết nghiêm trọng nhất trong lịch sử nước này.
Caritas Peru đã cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho hơn 5.000 gia đình bị ảnh hưởng bởi cơn bão, bao gồm lương thực, vật liệu xây dựng, quần áo và nhu yếu phẩm vệ sinh. Ngoài ra, hàng trăm gia đình cũng được hỗ trợ tài chính để trang trải các nhu cầu cơ bản, thông qua một dự án do Catholic Relief Services – tổ chức phát triển quốc tế của các Giám mục Hoa Kỳ – và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ một phần.
Ngay giữa trung tâm của các nỗ lực cứu trợ ấy chính là Đức Cha Prevost.
Vị Giám mục Giáo phận Chiclayo đã lội qua những con đường ngập nước để thị sát thiệt hại tại các khu vực bị ảnh hưởng ở Íllimo – một trong những thị trấn nhỏ bị tàn phá nặng nề bởi tình trạng nước dâng cao. Ngài đứng sau thùng xe bán tải để phân phát hàng cứu trợ và trực tiếp mang các phần quà đến các gia đình. Cầm vá trong tay tại một bếp ăn tình thương, ngài phục vụ bữa ăn cho những người có nhà cửa bị hư hại hoặc phá hủy – tất cả chỉ diễn ra vài tuần lễ trước khi ngài rời Peru đến Rôma nhận nhiệm vụ mới với cương vị Tổng Trưởng Thánh Bộ Giám mục.
“Một trong những thông điệp sau cùng tôi muốn gửi gắm từ Giáo phận Chiclayo trước khi rời nhiệm sở là về Íllimo – một trong những làng đã chịu tổn thất vô cùng nặng nề do mưa lũ trong thời gian này. Rất nhiều làng trong Giáo phận đã bị ảnh hưởng”, Đức Cha Prevost nói bằng tiếng Tây Ban Nha trong một đoạn video kêu gọi ủng hộ chiến dịch “Perú de la Mano” của tổ chức Caritas nhằm trợ giúp các nạn nhân của mưa lũ.
“Chúng tôi đã đi thăm từng ngôi làng, và từng chút một, cố gắng làm những gì có thể, chìa bàn tay giúp đỡ các gia đình đau khổ nhất – hàng ngàn người đã bị ảnh hưởng và mất nhà cửa vì những trận mưa này”, Đức Cha Prevost nói. “Tôi xin anh chị em hãy quảng đại. Hãy mở rộng tấm lòng, giúp nhau vượt qua như chúng ta đã từng làm trong những thời khắc của cuộc khủng hoảng trước đây”.
Đối với một vị Giám mục sống âm thầm và ít xuất hiện trước công chúng, sự hiện diện của Đức Cha Prevost giữa dòng nước lũ không phải để tạo tiếng vang, ông Huapaya nhấn mạnh, mà là biểu hiện của mối tương quan mật thiết giữa ngài và cộng đoàn.
“Ngài là một con người tận tâm với người dân, tận tụy với sứ mạng của mình”, ông Huapaya nói.
Hình ảnh một Giám mục lội qua các con đường ngập lụt không phải là điều thường thấy, theo lời ông Roberto Rojas – một nhân sự của tổ chức Catholic Relief Services chuyên làm việc với các Giám mục. Đối với ông, những bức ảnh ấy gợi nhớ đến linh đạo “người Mục tử mang mùi chiên” mà Đức cố Giáo hoàng Phanxicô thường nhấn mạnh.
“Khi nhìn thấy ngài giữa dòng nước lũ cùng với dân chúng, tôi lập tức nghĩ đến Lc 4,18”, ông Rojas viết trong một email, đoạn Tin Mừng có câu: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho người nghèo khó”.
Trận lũ lụt vào năm 2023 là thiên tai thời tiết cuối cùng xảy ra tại vùng tây bắc Peru trong nhiệm kỳ của Đức Cha Prevost tại Chiclayo. Nhưng đó không phải là lần đầu tiên. Bão tố, lở đất và cháy rừng là điều thường thấy trong khu vực, ông Huapaya cho biết. Các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng ở Peru trong những năm gần đây và được dự báo sẽ tiếp tục tăng do biến đổi khí hậu.
Tổng Thư ký Caritas Peru cho biết Đức Cha Prevost rất am hiểu về vấn đề biến đổi khí hậu và “đặc biệt gần gũi với Đức cố Giáo hoàng Phanxicô cũng như đồng cảm với sứ điệp” của ngài trong Thông điệp Laudato Si’ – Chăm sóc Ngôi nhà chung và các văn kiện khác. Trong các cuộc họp của Caritas, ngài thường thảo luận về các vấn đề môi trường và tích cực ủng hộ các sáng kiến liên quan đến phát triển bền vững, khả năng thích ứng với khí hậu và sinh thái học.
“Trong các cuộc họp, ngài luôn ủng hộ bất kỳ dự án nào liên quan đến việc chăm sóc môi trường. Và ngài là một Giám mục rất bận tâm đến những vấn đề ấy – tôi nghĩ bởi vì ngài xem chúng như là những dấu chỉ của thời đại”, ông Huapaya chia sẻ.
Năm 2016, Đức Cha Prevost đã tham dự một hội nghị mục vụ tại Chiclayo do Hội đồng Giám mục Peru tổ chức nhân dịp kỷ niệm 1 năm Thông điệp Laudato Si’. Bà Laura Vargas, người khi đó đang công tác tại Hội đồng Giám mục, cho biết chủ đề này rất thu hút sự quan tâm của ngài.
“Ngài rất nhạy cảm trước nỗi đau và sự khốn khó của người dân nghèo, cũng như của những ai bị ảnh hưởng bởi các hiện tượng môi trường”, bà Vargas – hiện là Điều phối viên quốc gia của Sáng kiến Liên tôn bảo vệ Rừng mưa Peru – chia sẻ. “Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng ngài sẽ luôn có một sứ điệp và một cam kết đối với vấn đề này”.
Giờ đây, khi Đức Cha Prevost đã trở thành Giáo hoàng, ông Huapaya tin rằng những kinh nghiệm tại Peru sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến cách ngài tham gia từ Vatican vào các vấn đề về môi trường mà hành tinh và người dân đang phải đối mặt.
“Giờ đây khi Đức Thánh Cha Lêô XIV có vai trò lớn hơn, có quyền bính lớn hơn, ngài cũng sẽ trở thành một nhà bảo vệ tuyệt vời cho ngôi nhà chung của chúng ta – như Đức cố Giáo hoàng Phanxicô đã nói”.
Minh Tuệ (theo NCR Online)