
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II: Tin vào Chúa Kitô đồng nghĩa với sự khao khát tinh thần hiệp nhất
Lời kêu gọi nồng nhiệt đối với tất cả các Kitô hữu để đáp lại lời cầu nguyện của Chúa Giêsu về sự hiệp nhất của các môn đệ của Ngài: Thông điệp của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II giúp chúng ta xem xét thực tế của các cộng đồng Kitô giáo ngày nay với một cam kết đại kết mới.
Thông điệp “Ut Unum Sint” của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II – về cam kết đại kết – được xuất bản vào ngày 25 tháng 5 năm 1995. 25 năm sau, Thông điệp này vẫn duy trì sự liên quan và tính chất tiên tri của nó.
Với một cái nhìn hướng về tương lai, Thông điệp này chỉ ra một mục tiêu dường như vẫn còn xa vời: sự hiệp nhất của các Kitô hữu. Đó là mong muốn của chính Chúa Giêsu, Đấng trước Cuộc Khổ Nạn của Ngài, đã cầu nguyện với Chúa Cha để các môn đệ của Ngài có thể nên một.
Vị Giáo hoàng của tinh thần hiệp nhất
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II về phương diện cá nhân đã cảm nhận được khao khát mãnh liệt của Chúa Giêsu và biến khao khát đó trở thành của riêng mình. Chủ nghĩa đại kết trở thành một trong những ưu tiên trong Triều đại Giáo hoàng của Ngài, bởi vì sự chia rẽ của các Kitô hữu là một điều ô nhục ảnh hưởng đến công việc của Chúa Giêsu.
“Tin vào Chúa Kitô”, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II viết, “đồng nghĩa với sự khao khát tinh thần hiệp nhất”. Đó là một hành động của sự vâng phục mở rộng tầm nhìn của quả tim và khối óc. Nhưng chính vị Giáo hoàng của tinh thần hiệp nhất đã phải chịu đựng nỗi đau khôn tả của sự ly giáo. Một số anh chị em không hiểu được động lực hướng về tương lai này.
Tài liệu này xuất hiện chỉ 7 năm sau lễ tấn phong Giám mục bất hợp pháp được chủ sự bởi Đức Tổng Giám mục Marcel Lefebvre, người mà vào năm 1988 đã chính thức tuyệt giao với Rome.
Bị cáo buộc vì thuyết tương đối
Vị Giám chức người Pháp theo chủ nghĩa truyền thống đã cáo buộc vị Giáo hoàng người Ba Lan và Công đồng Vatican II về cái mà ông gọi là “chủ nghĩa đại kết ngụy tạo”, đồng thời cho biết rằng tất cả đã phá hủy đức tin thực sự và khiến “Giáo hội bị hủy hoại và người Công giáo đi đến chỗ bội giáo”.
Đức TGM Lefebvre tuyên bố rằng Đấng Quan Phòng đã trao cho vị Giám chức này nhiệm vụ chống lại “Rome hiện đại, đã bị tiêm nhiễm bởi chủ nghĩa hiện đại”, ngõ hầu “Rome một lần nữa có thể trở nên Công giáo và tái khám phá Truyền thống hai nghìn năm của nó”.
Theo quan điểm của vị Giám chức, “quan niệm của Tin lành” về Thánh lễ và các Bí tích đã được giới thiệu.
Đức TGM Lefebvre qua đời vào năm 1991. Các đồ đệ của vị Giám chức này đã công kích Thông điệp của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bởi vì, họ nói, nó không chỉ dẫn đến “thuyết tương đối giáo điều” mà trên thực tế còn bao hàm điều này. Đây là một quan điểm dựa trên “một khái niệm không hoàn chỉnh và mâu thuẫn với Truyền thống”, như Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đề cập trong Tông Thư ‘Ecclesia Dei’: một khái niệm không hoàn chỉnh. Đức Gioan Phaolô II nhấn mạnh rằng khái niệm này không cho rằng Truyền thống đang tồn tại và phát triển khi nó được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác, mà không được cố định vào một ngày giờ lịch sử được định trước; và mâu thuẫn, bởi vì Truyền thống không bao giờ có thể tách rời khỏi sự hiệp thông với Đức Giáo hoàng và với các Mục tử trên khắp thế giới.
Đối thoại: một ưu tiên cho phép những khám phá bất ngờ
Thông điệp nhìn về phía trước với lòng can đảm. Nó biểu lộ rằng đối thoại là một ưu tiên và là một bước cần thiết để khám phá sự phong phú của người khác. Nó xem xét tất cả các bước tiến tới sự hiệp nhất với các Giáo hội và cộng đồng Kitô giáo khác nhau, bắt đầu bằng việc dỡ bỏ sự tuyệt giao giữa Rome và Giáo hội Chính Thống Constantinople và Tuyên bố Kitô giáo chung với các Giáo hội Đông phương lâu đời.
Nó phác thảo một lộ trình tiến về phía trước cho phép “những khả năng bất ngờ” trong sự nhận thức rằng “sự đa dạng hợp pháp không có gì trái ngược với sự hiệp nhất của Giáo hội”.
“Các cuộc bút chiến và tranh cãi không khoan nhượng”, theo Thông điệp, “đã đưa ra những khẳng định không tương thích với những gì thực sự là kết quả của hai cách nhìn khác nhau về cùng một thực tế”.
Đó là một con đường có thể giúp chúng ta “tái khám phá sự phong phú không thể hiểu được của sự thật” và sự hiện diện của các yếu tố của sự thừa nhận “vượt ra ngoài ranh giới hữu hình của Giáo hội Công giáo”.
Biểu hiện của sự thật có thể có nhiều hình thức khác nhau
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II giải thích rằng chủ nghĩa đại kết không phải là vấn đề của việc “thay đổi kho tàng đức tin” và “thay đổi ý nghĩa của giáo điều”.
Thay vào đó, “biểu hiện của sự thật có thể có nhiều hình thức khác nhau” bởi vì “học thuyết cần phải được trình bày theo cách làm cho nó trở nên dễ hiểu đối với những người mà chính Thiên Chúa có ý định”, trong bất kỳ nền văn hóa nào họ thuộc về, tránh bất kỳ hình thức nào của “xu hướng độc quyền sắc tộc hoặc định kiến chủng tộc, và từ bất kỳ sự kiêu ngạo quốc quyền chủ nghĩa nào”.
Cuộc đối thoại của học thuyết cũng là cuộc đối thoại của tình yêu
Thông điệp cho thấy sự cần thiết cần phải có “cách thức và phương pháp trong việc giải thích đức tin Công giáo” vốn không phải là “một trở ngại để đối thoại với anh chị em của chúng ta”, đồng thời thừa nhận rằng “có một hệ thống phân cấp trong những sự thật” về Giáo huấn Công giáo.
Giáo hội, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói, được Chúa Kitô triệu tập để “không ngừng canh tân”, vốn có thể “đòi hỏi việc xem xét lại sự xác quyết và thái độ”. Đối thoại, theo Ngài, “không chỉ dành riêng cho các vấn đề về học thuyết mà còn mời gọi sự tham gia của mọi người” bởi vì “nó cũng là một cuộc đối thoại của tình yêu”. Chính từ tình yêu mà “sự khát khao về tinh thần hiệp nhất được sinh ra”. Đó là một lộ trình đòi hỏi “những nỗ lực kiên nhẫn và can đảm. Trong quá trình này, người ta không được đặt bất kỳ gánh nặng nào vượt quá mức cần thiết”.
Tính ưu việt của việc cầu nguyện: sự hội tụ những điều thiết yếu
Trong chủ nghĩa đại kết, vị Giáo hoàng người Ba Lan giải thích, vị trí cao quý thuộc về lời cầu nguyện chung. Các Kitô hữu, cùng nhau cầu nguyện, có thể khám phá ra rằng những điều hiệp nhất họ thì mạnh mẽ hơn nhiều so với những điều gây chia rẽ họ.
Sự canh tân phụng vụ được thực hiện bởi Giáo hội Công giáo và các cộng đồng Giáo hội khác đã cho phép sự hội tụ những gì là thiết yếu, và cùng nhau, ngày càng nhiều hơn, họ có thể quy hướng về Chúa Cha với cả tâm hồn. “Đôi khi, dường như chúng ta trở nên gần gũi hơn để cuối cùng có thể chứng thực ‘thực tế này mặc dù chưa có sự hiệp thông trọn vẹn”, vị Giáo hoàng người Ba Lan nói. “Cách đây một thế kỷ trước ,ai có thể tưởng tượng được một điều như vậy?”.
Cam kết chung đối với tự do, công bằng, hòa bình
Trong số các bước tiến trên con đường đại kết, Thông điệp chỉ ra sự cộng tác ngày càng gia tăng của các Kitô hữu thuộc các giáo phái khác nhau trong cam kết của họ đối với “tự do, công lý, hòa bình và tương lai của thế giới”. “Tiếng nói thống nhất của các Kitô hữu có tác động mạnh mẽ hơn bất kỳ tiếng nói đơn lẻ nào” bằng cách thể hiện “sự tôn trọng quyền lợi và nhu cầu của mọi người, đặc biệt là người nghèo, những người thấp cổ bé họng và những người không có khả năng tự vệ”.
Đối với các Kitô hữu, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II nhấn mạnh, đó không chỉ là vấn đề về hoạt động nhân đạo, mà là việc đáp lại những lời của Chúa Giêsu, như chúng ta đã đọc trong Chương 25 của Tin Lành Mát-thêu: “Vì xua Ta đói các ngươi đã cho ăn…”
Thay đổi ngôn ngữ: từ việc lên án sang thái độ tha thứ cho nhau
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II kêu gọi sự thay đổi ngôn ngữ và thái độ: chúng ta cần phải tránh cách tiếp cận gây hấn và đối nghịch của sự tương khắc, của “chủ nghĩa thất bại có xu hướng nhìn nhận mọi thứ theo cách tiêu cực”, của “thái độ kiên quyết không mang tính Tin Mừng trong việc lên án ‘đối phương’, của một sự miệt thị nảy sinh từ thái độ kiêu căng tự phụ không lành mạnh”.
Thay vào đó, điều cần thiết là “phải làm mọi thứ có thể, với sự trợ giúp của Thiên Chúa, hầu phá vỡ bức tường của sự chia rẽ và thiếu sự tin tưởng, vượt qua những trở ngại và định kiến”, loại bỏ những lời nói và biểu cảm gây tổn thương, lựa chọn con đường của sự khiêm tốn, hiền hòa, huynh đệ và quảng đại. Vì vậy, theo thời gian, chúng ta đã đạt đến điểm chúng ta đã không còn nói về những kẻ dị giáo hay kẻ thù của đức tin”, mà là “những anh chị em Kitô hữu khác”, hoặc “những người đã lãnh nhận phép Rửa tội khác”.
“Sự mở rộng về ngôn từ này”, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II lưu ý, “là dấu hiệu cho thấy một sự thay đổi đáng kể về thái độ”. Đó là một cuộc hành trình của sự chuyển đổi thông qua một lộ trình cần thiết của sự sám hối về những sai lầm đã phạm phải. Và Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã kêu gọi sự tha thứ vì những lỗi lầm của các thành viên của Giáo hội.
Tính ưu việt của Đức Giáo hoàng: một sự phục vụ của tình yêu
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô đã đưa ra lời kêu gọi tới các cộng đồng Kitô giáo khác nhau nhằm “giúp tìm cách thực hiện tính ưu việt của Giáo hoàng, trong khi không từ bỏ những điều thiết yếu cho sứ mạng truyền giáo của mình, vốn mở ra một tình huống mới”, như là “một sự phục vụ của tình yêu”.
Giáo hội trên con đường dẫn đến sự hiệp nhất
“Ut Unum Sint” là một sự tổng hợp tuyệt vời của cuộc hành trình của Giáo hội trong suốt 2000 năm lịch sử. Đó là một ánh sáng chỉ đường tiến về phía trước, tiếp tục trên cùng một con đường như những người đã đi trước chúng ta.
Nó cho thấy tính cách sống động của Truyền thống, mà – như Hiến Chế “Dei Verbum” nói – truy nguyên nguồn gốc từ các Tông đồ và sự tiến bộ trong Giáo hội nhờ sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần. Và chính nhờ Thần Khí mà sự hiểu biết về đức tin ngày càng gia tăng.
Trong cuộc hành trình này – Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II nói, trích lời của Thánh Cyprian – anh em phải học cách làm hòa với nhau trước khi dâng của lễ, bởi vì “Thiên không chấp nhận của lễ của một người gieo rắc sự bất hòa”. Thay vào đó, “của lễ tốt đẹp hơn” để dâng lên Thiên Chúa đó là “sự bình an, sự hòa hợp huynh đệ và một dân tộc nên một trong sự hiệp nhất giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”.
Đây là lời mời gọi sau cùng của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II: cầu xin Thiên Chúa ban ân sủng hầu giúp tất cả chúng ta “dâng lên Ngài của lễ của sự hiệp nhất này”.
Minh Tuệ (theo Vatican News)